Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
  • Thư viện điện tử và kho tin
  • Đề tài nghiên cứu cấp bộ
  • Đề tài nghiên cứu cấp nhà nước
  • Tham khảo tạp chí
  • Sách toàn văn
  • Thư điện tử
  • Chính phủ
  • 7.1 sach hang nam

Các tổ chức quốc tế với phát triển ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi Việt Nam

08/11/2022


Cơ quan soạn thảo: Viện Dân tộc học, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

Tác giả :
  • TS. Trần Minh Hằng (chủ biên)

Địa chỉ liên hệ: 176 Thái Hà

Năm xuất bản: 2021

Số trang: 874

Sau hơn 30 năm Đổi mới, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, song Đảng và Nhà nước, các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị đã dành sự quan tâm đặc biệt đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Hệ thống cơ sở hạ tầng, kinh tế - xã hội đã được đầu tư đồng bộ, giáo dục, y tế được quan tâm, an sinh xã hội được đảm bảo. Công cuộc xóa đói giảm nghèo đã đạt được nhiều kết quả to lớn, đời sống của nhân dân được nâng lên rõ rệt.

Ngoài sự ưu tiên tập trung nguồn lực của nhà nước thì sự đóng góp của các tổ chức quốc tế cũng rất quan trọng. Sự hỗ trợ rất lớn về nguồn lực thông qua các dự án hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của các tổ chức như: Ngân hàng thế giới (WB), Bộ Phát triển vương quốc Anh và Bắc Ai-len (DFID), cơ quan hợp tác phát triển Australia (hiện tại là DFAT), Quỹ phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAT)… đã góp phần không nhỏ trong công tác xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi Việt Nam.

Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về vấn đề này hơn nữa, tháng 12/2021, Nhà Xuất bản khoa học xã hội đã phát hành ấn phẩm “Các tổ chức quốc tế với phát triển ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi Việt Nam” do TS. Trần Minh Hằng (chủ biên), ngoài Lời nói đầu và Kết luận, cuốn sách được kết cấu thành các chương cụ thể như sau:

Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu, cách tiếp cận và các khái niệm

Thông qua việc tổng quan tình hình nghiên cứu (trong và ngoài nước); Cách tiếp cận, phương pháp nghiên cứu; Một số khái niệm cơ bản được sử dụng trong nghiên cứu; Các tiêu chí đánh giá hiệu quả các chương trình, dự án và các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn ưu đãi và vốn viện trợ trong bối cảnh có mức thu nhập trung bình, nhóm tác giả cho biết: hiện nay Việt Nam đã hợp tác với gần 60 nhà tài trợ quốc tế với quy mô vốn viện trợ ký kết hơn 90 tỉ USD, kết quả này đã góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ vốn đầu tư nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới và thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Các dự án ODA đã góp phần quan trọng trong hỗ trợ nghiên cứu và xây dựng chính sách phát triển, cải cách hành chính công, hỗ trợ hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, góp phần tăng cường nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công cho xã hội và cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, các dự án ODA cũng hỗ trợ tăng cường năng lực côn người thông qua các hoạt động đào tạo trong và ngoài nước, chuyển giao công nghệ, chia sẻ kinh nghiệm của các nước tiên tiến.

Trong những năm qua nguồn vốn ODA đã góp phần rất quan trọng trong phát triển kinh tế, ổn định xã hội trong khi vẫn phát triển các mối quan hệ hợp tác, hữu nghị với các nước và các tổ chức quốc tế. Điều này đã giúp Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia đạt được nhiều thành công trong việc huy động và sử dụng nguồn vốn ODA, trở thành một trong những nước nghèo vươn lên thành nước có thu nhập trung bình thấp. Đây là một thành công lớn, tuy nhiên cũng có nghĩa là Việt Nam sẽ không còn được nhận các nguồn vốn ODA dồi dào như trước nữa mà cần phải tiếp cận, huy động các nguồn vốn đắt hơn với các điều kiện khắt khe hơn trong thời gian tới.

Chương 2: Kết quả thu hút và sử dụng nguồn vốn ODA ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi Việt Nam từ năm 1990 đến nay

Thông qua nghiên cứu các giai đoạn hợp tác phát triển giữa Việt Nam và nhà tài trợ, thời kỳ trước và sau năm 1993; Các nhà tài trợ hoạt động tại Việt Nam; Kết quả thu hút và sử dụng nguồn vốn ODA ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi Việt Nam từ năm 1990 đến nay; Một số thành tựu và hạn chế trong thu hút, sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, nhóm tác giả cho rằng: Trong điều kiện nguồn lực trong nước còn hạn chế, việc huy động nguồn vốn quốc tế, đặc biệt là nguồn vốn ODA cho phát triển được xác định là nguồn lực quan trọng góp phần làm thay đổi diện mạo kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, là một trong những chính sách ưu tiên trong Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn  mới.

Nhìn chung, quy mô vốn ODA đầu tư tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi ngày càng tăng theo các giai đoạn, nhưng tỷ trọng vốn ODA cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi còn hạn chế. Từ năm 2017 đến nay, nguồn vốn ODA tập trung chủ yếu vào xây dựng cơ sở hạ tầng, năng lượng, giao thông, các khoản ODA không hoàn lại giảm đáng kể từ năm 2015, chiếm 1% tổng vốn ODA và vay ưu đãi.

Các vùng cần ưu tiên hỗ trợ phát triển như trung du, miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long vẫn tiếp tục là các vùng có tỷ lệ tiếp nhận vốn ODA thấp nhất, chiếm chỉ 1,9-7,8% tổng vốn ODA, nhất là khu vực Tây Nguyên. Đồng thời, tỷ lệ huy động cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung đều giảm xuống, nguyên nhân là do năng lực quản lý, tính hấp dẫn, khả năng hấp thụ vốn ODA, khả nang thu hồi vốn thấp (đối với các dự án có doanh thu) là những trở ngại lớn nhất với việc thu hút vốn ODA và vốn vay ưu đãi tại các vùng còn nhiều khó khăn kể trên. Do đó, cần có một “cú huých” mạnh từ thể chế và sự hỗ trợ từ Trung ương.

Chương 3: Kết quả thực hiện các chương trình, dự án của tổ chức phi chính phủ nước ngoài ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi Việt Nam

Qua các nhóm vấn đề như khái quát về hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam từ năm 1990 đến nay; Các lĩnh vực hoạt động của tổ chức phi chính phủ nước ngoài ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi; Ngân sách hoạt động của tổ chức phi chính phủ nước ngoài; Phương pháp tiếp cận của các chương trình, dự án của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài; Địa bàn hoạt động và đối tượng hưởng lợi từ các chương trình, dự án ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tổ chức phi chính phủ nước ngoài; Đánh giá chung về các chương trình dự án của tổ chức phi chính phủ nước ngoài; Những vấn đề còn hạn chế trong việc thực hiện các chương trình, dự án của tổ chức phi chính phủ nước ngoài ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi; nguyên nhân của những tồn tại, nhóm tác giả nhận định: đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi, việc thu hút và sử dụng vốn ODA thời quan qua mặc dù còn ít so với các khu vực khác. Song, đã trở thành động lực đối với phát triển kinh tế - xã hội, mang lại nhiều lợi ích thiết thực, thu dần khoảng cách thu nhập giữa các vùng miền, nâng cao chất lượng sống cho người dân thông qua các dự án cấp điện, nước sạch, thủy lợi, y tế, giáo dục, phát triển nông thôn, giải quyết việc làm, tạo nhiều cơ hội cho người nghèo, phụ nữ và trẻ em… mỗi dự án đều mang lại những giá trị thiết thực góp phần giúp đồng bào dân tộc thiểu số có cuộc sống ổn định, gia tăng sản xuất, hạn chế du canh, du cư, tiến tới chấm dứt nạn phá rừng làm nương rẫy…

Chương 4: Các yếu tố ảnh hưởng đến việc thu hút và thực hiện các chương trình, dự án quốc tế ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Thông qua các nhóm vấn đề như đặc điểm tự nhiên, kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi ảnh hưởng đến việc đầu tư và thực hiện các chương trình, dự án quốc tế; các yếu tố ảnh hưởng đến thu hút vốn hỗ trợ phát triển chính thức, nhóm tác giả cho rằng: bên cạnh những thành tựu đã đạt được, công tác thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn hỗ trợ cho các chương trình, dự án quốc tế còn một số hạn chế như: nguồn vốn đầu tư còn dàn trải, chưa tạo thành cú hích đủ mạnh ở những lĩnh vực và khu vực để tạo ra sức bật cho nền kinh tế, một bộ phận cán bộ và người dân chưa có nhận thức đúng đắn và đầy đủ về bản chất của các nguồn vốn vay ưu đãi và vốn viện trợ, nhiều chương trình, dự án còn chậm tiến độ, thời gian thực hiện dự án kéo dài dẫn đến tỷ lệ giải ngân chậm so với yêu cầu, có những dự án có sự thất thoát lớn trong quá trình thực hiện; hệ thống pháp luật, chính sách liên quan đến quản lý nhà nước về vốn vay ưu đãi và quy định hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài còn thiếu, không đồngbộ, có nhiều thay đổi, một số dự án chưa thực sự hiệu quả, gây lãng phí nguồn lực, có sự rời rạc, nhỏ lẻ, thiếu sự phối hợp với nhau trong các chương trình nghị sự phát triển, có sự chênh lệch về đầu tư giữa các tộc người. Bên cạnh đó, tình trạng một số tổ chức phi chính phủ nước ngoài sau khi được cấp đăng kí hoạt động đã không làm thủ tục đăng kí hoạt động với Việt Nam hoặc triển khai các dự án viện trợ khi chưa được các cấp có thẩm quyền phê duyệt vẫn còn xảy ra.

Chương 5: Đánh giá hiệu quả, tác động của các chương trình dự án quốc tế thực hiện ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi từ năm 1990 đến nay

Qua nghiên cứu về các vấn đề liên quan đến hiệu quả và tác động của các chương trình, dự án của các tổ chức quốc tế đến phát triển kinh tế ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi; Hiệu quả và tác động của các chương trình, dự án quốc tế đến xã hội - văn hóa - vấn đề bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, nhóm tác giả cho rằng về tổng thể, các chương trình, dự án của các tổ chức quốc tế ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi có tác động đến sự bền vững của trụ cột kinh tế, văn hóa và môi trường, nhiều chương trình, dự án lớn đã được thực hiện với các đối tác chính là Nhật Bản, Hàn Quốc, Thụy Sỹ, Đan Mạch, Thụy Điển… với sự tài trợ thực hiện của các tổ chức quốc tế như UNDP, UNEP, WB, GEF, ADB, GIZ, JICA. Trong giai đoạn 2006-2015, Việt Nam đã thu hút tới hơn 819 triệu USD, hỗ trợ không chỉ ở cấp trung ương mà còn tại nhiều địa phương, trong đó có những địa phương thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Các chương trình, dự án của các tổ chức quốc tế xã hội, văn hóa và môi trường đã có tác động lớn đến sự phát triển bền vững của các tộc người nói chung và địa phương nói riêng.

Chương 6: Bối cảnh, quan điểm, xu hướng, kiến nghị và giải pháp cho việc thực hiện các chương trình, dự án quốc tế ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi Việt Nam đến năm 2030

Thông qua bối cảnh quốc tế và trong nước có ảnh hưởng đến chương trình, dự án quốc tế ở Việt Nam; Định hướng quan điểm chỉ đạo trong thu hút quản lý và sử dụng hiệu quả chương trình, dự án quốc tế; dự báo xu hướng và giải pháp, kiến nghị nhằm tăng cường hiệu quả việc sử dụng nguồn vốn hỗ trợ từ các chương trình, dự án quốc tế, nhóm tác giả nhấn mạnh đến việc cần thúc đẩy quan hệ hợp tác phát triển với cộng đồng của các nhà tài trợ quốc tế; hoàn thiện cơ cấu tổ chức của các cơ quan đầu mối về quản lý và sử dụng nguồn vốn vay và vốn viện trợ quốc tế; hoàn thiện các văn bản pháp luật liên quan đến quản lý các chương trình, dự án quốc tế, nâng cao trình độ hiểu biết của lãnh đạo và cán bộ quản lý về chính sách, quy trình và thủ tục thực hiện các chương trình, dự án quốc tế… nhằm tăng hiệu quả sử dụng nguồn vốn quốc tế trong phát triển bền vững.

Trong bối cảnh hiện nay, khi Việt Nam là một nước có thu nhập trung bình thấp, dịch bệnh kéo dài, nhiều rủi ro do biến đổi khí hậu và suy thoái kinh tế toàn cầu, Việt Nam sẽ gặp nhiều thách thức trong thu hút các nguồn vốn và hỗ trợ từ bền ngoài. Nguồn vốn hỗ trợ sẽ thay đổi về quy mô, phương thức cung cấp, những mô hình hợp tác quốc tế và hình thức viện trợ mới đòi hỏi các bên liên quan có cách tiếp cận phù hợp với tình hình, ví dụ như các nguồn vốn về thích ứng và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế xanh, quản lý di cư kiều hối cũng như xây dựng quan hệ đối tác mới với các quỹ tư nhân quốc tế và các tổ chức nhân đạo quốc tế… Đây là hướng phát triển nhiều tiềm năng về quy mô nguồn vốn, lãi suất và thời hạn vay, có hỗ trợ kĩ thuật. Với sự chủ động, tích cực của tất cả các cấp, các ngành và áp dụng đồng bộ các giải pháp góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả sử dụng các nguồn vốn vay ưu đãi và viện trợ quốc tế.

Có thể nói, cuốn sách là công trình nghiên cứu công phu nghiêm túc được nhóm tác giả tham khảo, phân tích và tổng hợp dựa các nguồn tư liệu uy tín. Với những nội dung được phân tích sắc sảo, hy vọng cuốn sách sẽ cung cấp nguồn thông tin tham khảo bổ ích cho độc giả, những người quan tâm tới vấn đề này.

Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!

Phạm Vĩnh Hà


Các tin đã đưa ngày: