Cùng với sự phát triển của Nhà nước, đòi hỏi về sự độc lập của Tòa án với tư cách là cơ quan thực hiện quyền tư pháp là nhu cầu tất yếu và cần thiết đối với bất cứ nhà nước pháp quyền nào. Sự độc lập của Tòa án và của Thẩm phán trong quá trình xét xử là yếu tố căn bản để đảm bảo công lý, đảm bảo tính tối thượng của pháp luật và đảm bảo quyền con người, quyền công dân. Do đó, hầu hết hiến pháp và pháp luật các nước trên thế giới đều ghi nhận và có cơ chế để đảm bảo sự độc lập của Tòa án. Tuy nhiên, do mỗi thể chế chính trị, mô hình tố tụng của mỗi nước đều có những đặc thù riêng nền sự độc lập của Toàn án, của Thẩm phán, Hội thẩm/Bồi thẩm không phải lúc nào cũng được đảm bảo.
Tại Việt Nam, hiện đang trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng Cộng sản Việt Nam, vấn đề đảm bảo sự độc lập của Tòa án vẫn cần tiếp tục được nhấn mạnh trong công cuộc cải cách tư pháp, tiếp tục làm rõ, nhận thức thống nhất và cụ thể hóa trong các quy định của Hiến pháp và pháp luật Việt Nam để sự độc lập của Tòa án luôn được đảm bảo và thực thi trên thực tế. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, năm 2022, Nhà xuất bản Khoa học xã hội xuất bản cuốn sách chuyên khảo với tựa đề “Kinh nghiệm các nước trên thế giới về sự độc lập của tòa án, một số gợi mở cho Việt Nam” do TS. Trương Thị Thu Trang làm chủ biên. Cuốn sách là kết quả nghiên cứu của đề tài khoa học cấp Bộ của Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam “Sự độc lập của tòa án: kinh nghiệm của các nước trên thế giới, gợi mở cho Việt Nam” do TS. Trương Thị Thu Trang làm chủ nhiệm, Viện Thông tin Khoa học xã hội là đơn vị tổ chức chủ trì thực hiện từ năm 2019 đến năm 2020.
Ngoài phần Mở đầu và Kết luận, nội dung chính của cuốn sách được kết cấu thành 3 chương:
Chương 1. Cơ sở lý luận về sự độc lập của Tòa án
Trong chương này, nhóm tác giả đề cập tới khái niệm, ý nghĩa và vai trò của sự độc lập của Tòa án đồng thời làm rõ từng nội dung độc lập của Tòa án, Thẩm phán trong các mối quan hệ: Tòa án độc lập với các Đảng phái chính trị, Tòa án độc lập với cơ quan lập pháp và hành pháp, Tòa án độc lập với cơ quan tư pháp, sự độc lập giữa các Tòa án với nhau; Phân tích về các yếu tố khách quan và chủ quan ảnh hưởng đến sự độc lập của Tòa án cũng như các yếu tố đảm bảo sự độc lập của Tòa án. Nghiên cứu khẳng định, các yếu tố đảm bảo cho sự độc lập của Tòa án cũng chính là các yếu tố đảm bảo quyền tư pháp độc lập và đảm bảo Thẩm phán, Hội thẩm/Bồi thẩm độc lập gồm: Hiến pháp và pháp luật quy định về sự độc lập và cân bằng của quyền lực tư pháp với các quyền lập pháp và hành pháp; Việc thực thi quyền tư pháp không chịu ảnh hưởng trực tiếp của các quyết định chính trị…
Chương 2. Sự độc lập của Tòa án ở các nước trên thế giới
Trên cơ sở khái lược chung quy định về sự độc lập của Tòa án trên thế giới, các tác giả tập trung phân tích sự độc lập của Tòa án ở một số nước điển hình như: Vương quốc Anh, Hoa Kỳ và Canada với mô hình tố tụng tranh tụng; Pháp, Đức với mô hình tố tụng thẩm vấn; Nhật Bản, Trung Quốc và Liên bang Nga với mô hình tố tụng kết hợp. Nghiên cứu cho rằng, mặc dù các quy định về sự độc lập của Tòa án cùng với các cơ chế bảo đảm sự độc lập ấy của mỗi nước là khác nhau, tùy thuộc vào điều kiện riêng của từng nước, song vẫn có những điểm tương đồng ở một số nội dung nhất định ở những nước có điểm giống nhau về cơ chế phân chia quyền lực hoặc giống nhau về mô hình tố tụng. Trong tám nước điển hình được lựa chọn theo ba mô hình tố tụng hiện nay, mỗi nước đều có một cơ chế giúp đảm bảo được sự độc lập của Tòa án và một số vấn đề vẫn đang gây tranh cãi về tính độc lập của Tòa án hoặc Thẩm phán. Về mức độ tác động của các yếu tố ảnh hưởng, mức độ sẵn sàng của các yếu tố đảm bảo sự độc lập của tòa án ở từng nước, hiện chưa có nghiên cứu nào có phân tích định lượng để đo lường mức độ ảnh hưởng…
Chương 3. Sự độc lập của Tòa án ở Việt Nam và những gợi mở từ kinh nghiệm của các nước trên thế giới.
Phân tích về sự độc lập của Tòa án Việt Nam, nhóm tác giả nhận định, công cuộc cải cách tư pháp ở Việt Nam trong khoảng 15 năm qua đã đạt được những kết quả nhất định trong việc đổi mới tổ chức và hoạt động của Tòa án ở Việt Nam theo hướng ngày càng đảm bảo sự độc lập của Tòa án trong mối quan hệ với Đảng Cộng sản Việt Nam, với Quốc hội, với cơ quan hành pháp, với Viện Kiểm sát, cơ quan điều tra cũng như sự độc lập của Thẩm pháp và Hội thẩm nhân dân khi xét xử. Trên cơ sở những vấn đề mang tính quy luật đã được các nước điển hình giải quyết để đảm bảo sự độc lập của tòa án đã được phân tích ở chương 2, nhóm nghiên cứu đề xuất một số giải pháp mang tính gợi mở để giải quyết các vấn đề của Việt Nam.
Cuốn sách là công trình nghiên cứu công phu của tập thể tác giả, bố cục sách mạch lạc, dễ hiểu đã giúp người đọc chủ động tiếp cận chính xác nội dung thông tin. Với những nội dung trên, hy vọng cuốn sách sẽ là những gợi ý cho các nhà hoạch định chính sách cũng như những người trực tiếp thực hiện hoạt động xét xử của tòa án trong việc tìm ra và thực hiện những giải pháp đảm bảo sự độc lập của Tòa án ở Việt Nam.
Xin trân trọng giới thiệu!
Nguyễn Minh Hồng
Nhà xuất bản Khoa học xã hội