Là một vùng hải đảo nhỏ với khoảng 23 triệu dân, Đài Loan có nền kinh tế định hướng xuất khẩu và hướng ra bên ngoài, phụ thuộc nhiều vào nhu cầu toàn cầu. Đài Loan cũng rất coi trọng quan hệ hợp tác với các nước Đông Nam Á, một khu vực đầy tiềm năng phát triển và cận kề với Đài Loan (xét về phương diện địa lý). Về phương diện địa chiến lược, quan hệ với Đông Nam Á giúp Đài Loan cạnh tranh ảnh hưởng với Đại Lục, nhất là trên lĩnh vực kinh tế và giáo dục. Tuy nhiên, các nước Đông Nam Á đều thực hiện chính sách “Một Trung Quốc”, không công nhận và cũng không ủng hộ những nỗ lực Đài Loan trở thành một quốc gia độc lập. Mặc dù vậy các nước này đều luôn coi trọng quan hệ với Đài Loan do có nhiều lợi ích chung cùng chia sẻ, trong những thập niên vừa qua, nhất là khi Đài Loan thực thi Chính sách Hướng Nam từ đầu những năm 1990, quan hệ giữa Đài Loan với các nước Đông Nam Á đã phát triển rất mạnh mẽ, nhất là về thương mại, đầu tư, giáo dục và hợp tác lao động.
Chính sách Hướng Nam mới của Đài Loan đặt ASEAN ở vị trí ưu tiên do sự cận kề về địa lý, văn hóa và truyền thống hợp tác lâu dài về kinh tế, văn hóa, giáo dục và hợp tác lao động. Việc triển khai chính sách này ở Đông Nam Á sẽ tạo thêm cơ hội phát triển cho các nước trong khu vực và góp phần giảm bớt sự phụ thuộc của họ về thương mại vào Trung Quốc, đồng thời, các nước Đông Nam Á cũng có cơ hội tiếp cận một số công nghệ tiên tiến mà Đài Loan đang dẫn đầu khu vực… Tuy nhiên, việc triển khai Chính sách Hướng Nam mới của Đài Loan ở Đông Nam Á cũng sẽ đặt ASEAN và các nước thành viên trước những thách thức mới, đặc biệt trong quan hệ với Trung Quốc, và vì thế quan hệ Việt Nam – Trung Quốc chắc chắn sẽ chịu những tác động của việc triển khai Chính sách Hướng Nam mới của Đài Loan trong khu vực Đông Nam Á.
Để có có thể hiểu rõ hơn về Chính sách Hướng Nam mới này của Đài Loan, năm 2022, Nhà xuất bản Khoa học xã hội xuất bản cuốn sách chuyên khảo với tựa đề “Chính sách Hướng Nam mới của Đài Loan và tác động của nó đối với quan hệ Đài Loan – Đông Nam Á” do TS. Đàm Huy Hoàng làm chủ biên. Cuốn sách là kết quả đề tài cấp Bộ cùng tên của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam do Viện Nghiên cứu Đông Nam Á chủ trì thực hiện. Nội dung chính của cuốn sách bao gồm 3 chương, tập trung làm rõ sự hình thành, mục tiêu, nội dung và quá trình triển khai Chính sách Hướng Nam mới của Đài Loan tại khu vực Đông Nam Á nói chung và tại một số quốc gia mục tiêu ưu tiên cụ thể, từ đó tiến hành đánh giá những tác động của việc triển khai chính sách này đối với quan hệ Đài Loan – Đông Nam Á, cũng như triển vọng của chính sách này trong những năm sắp tới.
Chương I. Bối cảnh ra đời và nội dung cơ bản của Chính sách Hướng Nam mới
Chương này, nhóm tác giả khái quát bối cảnh ra đời và những nội dung cơ bản của Chính sách Hướng Nam mới của chính quyền Đài Loan dưới thời nhà lãnh đạo Thái Anh Văn. Phân tích các nguyên tắc thực hiện Chính sách Hướng Nam mới, nghiên cứu chỉ ra rằng, đây là chiến lược đối ngoại của Đài Loan đối với các nước láng giềng phía nam của hòn đảo này. Chính sách Hướng Nam mới có nền tảng lịch sử là các Chính sách Hướng Nam đã được thực thi dưới thời cầm quyền của các nhà lãnh đạo Lý Đăng Huy (1988-2000), Trần Thuy Biển (2000-2008) và Mã Anh Cửu (2008-2016). Những chính sách trên đã đặt nền tảng pháp lý, không gian địa lý và các lĩnh vực hợp tác mà Chính sách Hướng Nam mới có thể kế thừa. Những nguyên tắc toàn diện được đề ra để định hướng các hoạt động của Đài Loan cả ở trong nước cả ở bên ngoài nhằm giúp Đài Loan thực hiện thành công Chính sách Hướng Nam mới. Các nguyên tắc trong thực thi chính sách được tập trung vào hai hướng chính là phát huy nội lực trong nước, tạo dựng các cơ sở pháp lý và thể chế cho việc triển khai Chính sách Hương Nam mới ở 18 quốc gia mục tiêu.
Chương II. Quá trình triển khai Chính sách Hướng Nam mới ở Đông Nam Á
Chương này, nhóm tác giả làm rõ hai nội dung chính sau: (i) Các hoạt động của chuẩn bị triển khai Chính sách Hướng Nam mới; (ii) Tình hình triển khai Chính sách Hướng Nam mới trong thực tế. Qua phân tích, các tác giả khẳng định, để triển khai Chính sách Hướng Nam mới, chính quyền của bà Thái Anh Văn đã đề ra Kế hoạch hành động Chính sách Hướng Nam mới, trong đó, xác định những biện pháp cụ thể cần được tiến hành, xác định những biện pháp cụ thể cần được tiến hành trong từng lĩnh vực với các quốc gia mục tiêu của Chính sách Hướng Nam mới. Cùng với nó, nhiều hoạt động chuẩn bị khác như hệ thống tổ chức, phân công trách nhiệm giữa các bộ, ban, ngành, các lĩnh vực ưu tiên, quốc gia ưu tiên, phân bổ ngân sách cho Chính sách Hướng Nam mới… cũng được chính quyền Đài Loan tiến hành một cách nghiêm túc và bài bản. Về tình hình triển khai cụ thể ở một số quốc gia Đông Nam Á, các tác giả cho rằng, hầu hết các nước Đông Nam Á có những phản ứng tích cực do họ đều tìm thấy lợi tích từ Chính sách Hướng Nam mới như: nguồn FDI, thị trường xuất nhập khẩu hàng hóa và thị trường lao động… Tuy nhiên do bị ràng buộc bởi cam kết với chính sách “Một Trung Quốc”, các nước Đông Nam Á không thể công khai tuyên bố ủng hộ hay hoan nghênh Chính sách Hướng Nam mới…
Chương III. Tác động của Chính sách Hướng Nam mới đối với quan hệ Đài Loan – Đông Nam Á
Trên cơ sở phân tích nội dung và đánh giá Chính sách Hướng Nam mới, nhóm nghiên cứu chỉ ra một số tác động của Chính sách Hướng Nam mới đối với quan hệ Đài Loan – Đông Nam Á như sau: (i) Làm cho quan hệ Đài Loan – Đông Nam Á trở nên đa dạng hơn, toàn diện hơn; (ii) Góp phần thúc đẩy hơn nữa quan hệ mậu dịch Đài Loan – Đông Nam Á và giúp Đông Nam Á giảm thâm hụt mậu dịch với Đài Loan; (iii) Chưa tạo được nhiều lực đẩy cho quan hệ hợp tác đầu tư Đài Loan – Đông Nam Á. Mặc dù Chính sách Hướng Nam phần nào làm cho quan hệ chính trị - ngoại giao Đài Loan – Đông Nam Á trầm lắng hơn trước nhưng lại tạo sự sôi động trong quan hệ giao lưu nhân dân giữa Đài Loan và các nước Đông Nam Á. Về triển vọng của Chính sách Hướng Nam mới, các tác giả đã đưa ra một số kịch bản dựa trên những phân tích về cơ hội và thách thức mà Chính sách Hướng Nam mới của Đài Loan đang đối diện hiện nay và cả trong vài năm tới: thứ nhất, Chính sách Hướng Nam mới sẽ được tiếp tục và đang có nhiều điều kiện thuận lợi hơn để triển khai; thứ hai, Chính sách Hướng Nam mới sẽ không còn cơ hội thực hiện nếu Trung Quốc tiến hành các hoạt động quân sự nhằm “giải quyết” vấn đề Đài Loan, tuy nhiên khả năng này cũng khó có thể xảy ra; thứ ba, Chính sách Hướng Nam tiếp tục được thực hiện và đạt được những kết quả có tính đột phá (ngoại trừ lĩnh vực chính trị).
Dựa trên các kết quả nghiên cứu về Chính sách Hướng Nam mới, tình hình triển khai thực tế và triển vọng của chính sách này trong thời gian tới, nhóm nghiên cứu đề xuất một số nhóm khuyến nghị góp phần thúc đẩy quan hệ Đông Nam Á – Đài Loan. Đối với thúc đẩy quan hệ Việt Nam – Đài Loan, Việt Nam nên tạo môi trường đầu tư thuận lợi hơn nữa để thu hút các nhà đầu tư Đài Loan đang muốn dịch chuyển khỏi thị trường Trung Quốc; Việt Nam nên đẩy mạnh hợp tác hơn nữa với Đài Loan trong một số lĩnh vực được dưa vào Chính sách Hướng Nam mới như hợp tác lao động, nông nghiệp thông minh và chăm sóc y tế, trong khi vẫn tiếp tục đẩy mạnh hợp tác thương mại và đầu tư...
Cuốn sách là công trình nghiên cứu khoa học công phu, sự tâm huyết của nhóm tác giả được thể hiện qua từng chương sách và đặc biệt là việc thu thập và kế thừa các nghiên cứu đi trước, trong đó có bài phát biểu của nhà lãnh đạo Thái Anh Văn cũng như những số liệu liên quan đến tình hình triển khai Chính sách Hướng Nam mới trong những năm gần đây.
Hy vọng cuốn sách sẽ cung cấp những thông tin hữu ích cho những ai quan tâm tới Đài Loan đặc biệt là Chính sách Hướng Nam mới của chính quyền bà Thái Anh Văn.
Xin trân trọng giới thiệu!
Nguyễn Minh Hồng
Nhà xuất bản Khoa học xã hội