 |
|
Nhật Bản là quốc gia quần đảo ở Đông Bắc Á – Tây Bắc Thái Bình Dương, đồng thời là một quốc gia biển tiêu biểu, với bốn đảo chính và 525 đảo phụ. Trong số các đảo phụ, có 60 đảo có người ở, 465 đảo không có người ở, 207 đảo có tên, 273 đảo thuộc sở hữu quốc gia. Theo Ban Thông tin của Cục Cảnh sát Biển Nhật Bản, lãnh hải của Nhật Bản có diện tích 430 nghìn km2, tổng diện tích lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa mở rộng là 4,65 triệu km2, trong khi đó, tổng diện tích đất liền chỉ có 380.000km2. Nền kinh tế Nhật Bản phụ thuộc rất nhiều vào các tuyến giao thông đường biển dài và dễ bị tổn thương để đáp ứng phần lớn nhu cầu về năng lượng và nguyên liệu thô ở trong nước. Bên cạnh đó, những lo ngại gia tăng về khủng bộ biển, cướp biển, các hoạt động trên biển của Trung Quốc và Triều Tiên đã khiến vấn đề an ninh biển trở thành mối quan tâm chính ở Nhật Bản trong nhiều năm qua. Với lợi thế là quốc gia có nền khoa học tiên tiến, do đó, những chính sách về biển của Nhật Bản đều có căn cứ khoa học, việc triển khai chính sách biển luôn hướng đến sự phát triển kinh tế – xã hội, đời sống của công dân, thúc đẩy sự hòa hợp giữa đại dương và con người, giữa phát triển tích cực, hòa bình với sử dụng biển một cách bền vững.
Do đó, việc nghiên cứu kinh nghiệm của Nhật Bản trong việc kiến tạo quốc gia biển mới – khai thác biển phục vụ phát triển bền vững và bảo vệ an ninh – quốc phòng không chỉ cần thiết đối với khoa học về biển mà thực sự có ý nghĩa cho quá trình xây dựng chính sách và thực thi chính sách biển ở Việt Nam.
Với mục đích cung cấp thêm những thông tin về đất nước Nhật Bản trong việc kiến tạo quốc gia biển, Nhà xuất bản Khoa học xã hội xuất bản cuốn sách chuyên khảo với tựa để “Kiến tạo quốc gia biển mới ở Nhật Bản” do các chuyên gia Nguyễn Bình Giang, Võ Thị Minh Lệ, Nguyễn Thị Hồng Nga và Nguyễn Đình Ngân thực hiện. Cuốn sách là kết quả của đề tài cấp Bộ của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhằm tổng kết kinh nghiệm thực tiễn của Nhật Bản trong kiến tạo một quốc gia biển, từ đó cung cấp những căn cứ thực tế giúp hoàn thiện hệ thống chính sách phát triển bền vững kihn tế biển và giữ vững an ninh – quốc phòng Việt Nam.
Ngoài Lời nói đầu và Kết luận, cuốn sách gồm 4 chương: Chương 1. Phát triển bền vững kinh tế biển; Chương 2. Xây dựng văn hóa biển và xã hội gắn bó với biển; Chương 3. Bảo vệ môi trường biển, ứng phó với nước biển dâng và biến đổi khí hậu; Chương 4. Bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Nhóm tác giả chỉ ra một số điểm đáng chú ý trong nghiên cứu chiến lược biển của Nhật Bản mà Việt Nam có thể tham khảo: (i) Cần xây dựng kế hoạch phù hợp với từng giai đoạn để tạo cơ sở thực hiện nhất quán mục tiêu tổng quát về phát triển và khai thác nguồn tài nguyên biển. Bảo vệ môi trường biển, thúc đẩy phát triển vùng đặc quyền kinh tế, bảo đảm an ninh hàng hải, an ninh biển. Thúc đẩy nghiên cứu và khảo sát biển… (ii) Đầu tư phát triển khoa học – công nghệ về biển để lĩnh vực này trở thành động lực để phát triển các lĩnh vực liên quan đến biển. Triển khai các nghiên cứu, bao gồm cả đáy biển sâu để góp phần tạo ra tài sản trí tuệ của nhân loại và nỗ lực giải quyết các vấn đề toàn cầu như sự thay đổi của đại dương môi trường và biến đổi khỉ hậu; (iii) Hoàn thiện thể chế, coi trọng và tăng cường đầu tư cho lĩnh vực biển đảo, đổi mới công tác quy hoạch, kế hoạch, chú trọng công tác nghiên cứu dự báo trong triển khai thực hiện Chiến lược biển.
Qua nghiên cứu, nhóm tác giả nhận thấy xuyên suốt chiều dài lịch sử của Nhật Bản, biển và đại dương luôn gắn bó mật thiết với đời sống của của người dân nơi đây, vì thế những nét văn hóa truyền thống của Nhật Bản cũng mang đậm các đặc trưng của biển. Bên cạnh đó, biển cũng có ý nghĩa to lớn đối với việc phát triển con người và gắn kết xã hội ở Nhật Bản. Sự lớn mạnh của các ngành kinh tế biển như đánh bắt cá, đóng tàu, du lịch… đã góp phần tạo việc làm, đảm bảo an ninh lương thực và duy trì mối liên kết giữa các cộng đồng dân cư, giữa người dân với biển. Người Nhật luôn đặc lợi ích của cộng đồng lên trên lợi ích cá nhân và có kỷ luật cũng như ý thức cao trong việc bảo tồn thiên nhiên và tài sản của thiên nhiên, vì vậy người dân Nhật Bản đều rất tôn trọng và có trách nhiệm bảo vệ bền vững tai nguyên biển và đại dương.
Qua những những nghiên cứu trên, nhóm tác giả khẳng định, nền kinh tế Nhật Bản phụ thuộc rất nhiều vào các tuyến giao thông đường biển dài để đáp ứng phần lớn nhu cầu về năng lượng và nguyên liệu thô ở trong nước. Nhưng lo ngại gia tăng về khủng bố biển, cướp biển, các hoạt động trên biển của Trung Quốc và Triều Tiên đã khiến vấn đề an ninh biển trở thành mối quan tâm chính ở Nhật Bản trong nhiều năm qua. Với tư cách là nền kinh tế lớn thứ hai ở Đông Á và lớn thứ ba trên thế giới, Nhật Bản tiếp tục đảm bảo lợi ích của mình chủ yếu thông qua hợp tác an ninh đa phương và hỗ trợ kinh tế cho các quốc gia ven biển Đông và cách tiếp cận này về cơ bản không thay đổi kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.
Để có thể kiến tạo quốc gia biển mới, trong đó nhấn mạnh việc khai thác biển phục vụ phát triển bền vững và bảo vệ an ninh – quốc phòng, nhóm tác giả rút ra một số bài học kinh nghiệm cụ thể từ Nhật Bản như sau: Thứ nhất, tăng cường gắn bó với biển; Thứ hai, xây dựng thể chế cho chính sách biển; Thứ ba, phát triển bền vững kinh tế biển, bảo vệ môi trường biển; Thứ tư, bảo vệ an ninh – quốc phòng trên biển.
Cuốn sách là công trình nghiên cứu công phu của tập thể tác giả, Các nội dung mà cuốn sách dược nhóm nghiên cứu trình bày liên quan đến một số nội dung trong Kế hoạch của chính phủ Việt Nam thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 22 tháng 10 năm 2018 của Ban chấp hành Trung Ương Đảng. Hy vọng cuốn sách là tài liệu hữu ích cho độc giả quan tâm, đặc biệt là những nhà hoạch định chính sách biển và giới nghiên cứu quan tâm tới kiến tạo quốc gia biển ở Việt Nam.
Xin trân trọng giới thiệu!
Nguyễn Minh Hồng
Nhà xuất bản Khoa học xã hội