Thế giới đang trong giai đoạn bắt đầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, một cuộc cách mạng công nghệ mới, đặc biệt khác với các cuộc cách mạng trước đây. Hiện nay, Chính phủ của tất cả các quốc gia trên toàn cầu đều mong muốn không bị tụt hậu trong quá trình chuyển đổi số. Chính vì vậy, họ đang nắm bắt cơ hội và xử lý những thách thức đặt ra của xu hướng công nghệ đột phá và thay đổi hết sức mau lẹ. Tuy nhiên, trong số rất nhiều áp lực cạnh tranh lẫn nhau, nhiều bộ máy chính phủ, doanh nghiệp đang tập trung vào công nghệ mà bỏ qua nhu cầu phải chuyển đổi sâu rộng để công nghệ đó trở nên hiệu quả nhằm cải thiện cách thức chính phủ cung cấp dịch vụ cho người dân.
Ở nước ta, chuyển đổi số bắt đầu từ tầm nhìn của doanh nghiệp và chủ trương của Chính phủ. Tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, nước ta đặt mục tiêu trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới, đồng thời đổi mới toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp…
Với mong muốn cung cấp cho bạn đọc tổng quan các vấn đề về chuyển đổi số, kinh nghiệm quốc tế về chuyển đổi số, thực trạng chuyển đổi số tại Việt Nam, từ đó đưa ra lộ trình chuyển đổi số cho Việt Nam trong thời đại số, năm 2022, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách chuyên khảo với tựa đề “Chuyển đổi số - Kinh nghiệm quốc tế và lộ trình cho Việt Nam” do PGS.TS. Bùi Quang Tuấn và TS. Hà Huy Ngọc đồng chủ biên.
Bên cạnh Lời giới thiệu, Dẫn nhập và phần Kết luận, nội dung chính của cuốn sách được kết cấu thành 7 Chương:
Chương 1. Hệ thống cơ sở lý luận về chuyển đổi số
Tập trung hệ thống hóa cơ sở lý luận về chuyển đổi số: (i) Khái niệm liên quan đến hoạt động chuyển đổi số; (ii) Trụ cột của chuyển đổi số ở cấp độ quốc gia; (iii) Các yếu tố cần thiết cho chuyển đổi số; (iv) Các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển của chuyển đổi số; (v)Các giai đoạn của chuyển đổi số. Nghiên cứu khẳng định, hạ tầng cơ sở kỹ thuật số hiện đại cùng với chi phí phù hợp sẽ là nền tảng cho quá trình Chuyển đổi số quốc gia. Trong quá trình chuyển đổi số, xử lý và phân tích dữ liệu đóng vai trò vô vùng quan trọng và cốt lõi cho việc thay đổi, phát triển các hoạt động kinh tế. Trong số 7 nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển của chuyển đổi số nhóm tác giả khẳng định hạ tầng cơ sở kỹ thuật số là cơ sở cho việc sử dụng các công nghệ kỹ thuật số và tạo điều kiện cho sự tương tác giữa chính phủ, doanh nghiệp và người dân và hạ tầng cơ sở Internet là một yếu tố quyết định chính của “Chuyển đổi số”.
Chương 2. Kinh nghiệm quốc tế về chuyển đổi số
Trên cơ sở tổng quan chung về tình hình chuyển đổi số trên thế giới nhằm nắm bắt và học hỏi kinh nghiệm của một số quốc gia thành công trong hoạt động chuyển đổi số, nhóm tác giả lựa chọn một số quốc gia điển hình như: Xingapo, Hàn Quốc, Thái Lan, Đan Mạch và Hà Lan để tham khảo và học hỏi kinh nghiệm. Đây là các quốc gia đại diện tiêu biểu trong các nhóm: (i) Các quốc gia đã phát triển, có thứ hạng chuyển đổi cao, tuy có khác biệt về xuất phát điểm, về thể chế chính sách, nhưng cũng có những kinh nghiêm quý giá riêng, tùy theo lĩnh vực phù hợp, Việt Nam có thể học hỏi để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số; (ii) Các quốc gia có sự tương đồng với Việt Nam về thứ hạng các chỉ số phát triển trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông.
Chương 3. Phát triển chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số ở Việt Nam
Chương này, nhóm tác giả làm rõ một số nội dung sau: (i) Tổng quan một số vấn đề lý luận cơ bản về phát triển chính phủ số; (ii) Thực trạng phát triển chính phủ số tại Việt Nam; (iii) Đánh giá về mức độ phát triển của chính phủ số ở Việt Nam; (iv) Mô hình kết nối, chia sẻ dữ liệu thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia cho bộ, ngành và địa phương. Trên cơ sở rà soát các văn bản pháp luật mới ban hành về chuyển đổi số và tham khảo số liệu mới nhất Bộ, ban ngành liên quan, nghiên cứu chỉ rõ, thực hiện chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước, chính phủ điện tử đã đạt được những thành tựu nhất định. Điểm nổi bật của chương này, nhóm tác giả đã mô tả chi tiết mô hình kết nối quốc gia thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) cùng các nội dung về yêu cầu kỹ thuật kết nối, hướng dẫn kết nối theo mô hình tập trung/phân tán, tổ chức giám sát kết nối và đối soát giao dịch. Đây là tiền đề thúc đẩy cho quá trình chuyển đổi số quốc gia được nhanh chóng, hiệu quả.
Chương 4. Phát triển Kinh tế số ở Việt Nam
Trong chương này, nhóm nghiên cứu đưa ra khái niệm riêng về nền kinh tế số, đồng thời tập trung phân tích các thành phần của nền kinh tế số. Đối với quốc gia, khi phát triển kinh tế số, lợi ích mang lại là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển các ngành và lĩnh vực mới, tạo việc làm, thay đổi cơ cấu việc làm và nâng cao chất lượng lực lượng lao động. Một số lợi ích mang lại cho doanh nghiệp như tăng năng suất, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo cơ hội mở rộng thị trường và gia tăng thị phần, kết nối với khách hàng, nhân viên, đối tác và nhà cung cấp nhanh hơn. Bên canh những lợi ích mang lại từ phát triển kinh tế số, nhóm tác giả cũng chỉ ra một số hạn chế của kinh tế số trong đó có việc khó kiểm soát các hoạt động kinh tế do hệ thống luật pháp không bắt kịp tiến bộ khoa học – kỹ thuật. Đề cập đến thực trạng và tiềm năng, triển vọng phát triển kinh tế số ở Việt Nam, các tác giả cho rằng, kinh tế số đang bùng nổ tại Việt Nam, tuy nhiên nó vẫn chưa thực sự phát triển một cách đầy đủ và đồng đều, do đó để trở thành một nền kinh tế số đạt độ chín, Việt Nam còn rất nhiều việc cần phải làm trong thời gian tới, chẳng hạn như quá trình triển khai chính phủ điện tử dù đã có những chuyển biến tích cực nhưng vẫn chưa thể số hóa một cách toàn diện, nhiều dịch vụ công đã được số hóa giúp người dân và doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và giấy tờ nhưng vẫn còn tồn tại rất nhiều bất cập do hệ thống hành chính và quản lý mang nặng thủ công…
Chương 5. Quá trình chuyển đổi sang xã hội số ở Việt Nam
Cùng với việc làm rõ một số khái niệm liên quan đến xã hội số, trong chương này, nhóm nghiên cứu tập trung phân tích quá trình chuyển sang xã hộ số ở Việt Nam, trong đó nhấn mạnh, Việt Nam đã và đang đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến đi cùng với phát triển các kênh kỹ thuật, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân truy cập các dịch vụ trực tuyến và giao dịch điện tử nhằm tăng cường và rút ngắn khoảng cách tương tác giữa chính phủ với người dân. Qua chương này, độc giả có thêm những thông tin về hoạt động chuyển đổi số trong một số lĩnh vực như: giáo dục và đào tạo, Y tế, An sinh xã hội
Chương 6. Quá trình chuyển đổi số trong khu vực doanh nghiệp ở Việt Nam
Trên cơ sở khái quát về quá trình chuyển đổi số tại doanh nghiệp, nhóm nghiên cứu tập trung phân tích thực trạng chuyển đổi số trong các doanh nghiệp ở Việt Nam, đặc biệt chỉ ra những rào cản trong hoạt động chuyển đổi số trong khu vực doanh nghiệp năm 2021. Đề cập đến mức độ sẵn sàng chuyển đổi số của doanh nghiệp chế biến, chế tạo trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, nghiên cứu cho rằng, nhóm doanh nghiệp này hiện đang bắt nhịp khá chậm với sự phát triển nhanh chóng của cách mạng công nghệ. Kết quả khảo sát cũng cho thấy mức độ ứng dụng các công nghệ của Cách mạng công nghiệp lần thứ ba của ngành chế biến, chế tạo vẫn đang hạn chế chứ chưa nói đến các công nghệ 4.0, bên cạnh đó những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này cũng được phân tích rõ trong nghiên cứu. Một số khó khăn và thách thức của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trong quá trình chuyển đổi số bao gồm: Thứ nhất, khung thể chế phục vụ chuyển đổi số ở Việt Nam còn cồng kềnh; Thứ hai, doanh nghiệp còn hạn chế về nhận thức và năng lực; Thứ ba, hạn chế về thông tin thị trường và các giải pháp chuyển đổi số; Thứ tư, hạn chế về nguồn lực tài chính cho chuyển đổi số; Thứ năm, thiếu hệ sinh thái thuận lợi thúc đẩy các cơ sở sản xuất kinh doanh chuyển đổi số.
Chương 7. Khuyến nghị chính sách để thúc đẩy chuyển đổi số ở Việt Nam
Trong chương này, nhóm nghiên cứu tập trung đề xuất một số khuyến nghị chính sách nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số ở cấp độ quốc gia và những khuyến nghị chính sách đối với các trụ cột của chuyển đổi số, hoàn thành những mục tiêu mà Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đề ra.
Cuốn sách là công trình nghiên cứu tâm huyết của tập thể tác giả được kết cấu rõ ràng, thể hiện tính logic, giúp độc giả dễ dàng tiếp cận vấn đề nhanh chóng và chính xác. Với những nội dung trên, cuốn sách “Chuyển đổi số - Kinh nghiệm quốc tế và lộ trình cho Việt Nam” chắc chắn là cuốn cẩm nang không thể thiếu được cho những ai quan tâm đến hoạt động “chuyển đổi số”.
Xin trân trọng giới thiệu!
Nguyễn Minh Hồng
Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật