Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
  • Thư viện điện tử và kho tin
  • Đề tài nghiên cứu cấp bộ
  • Đề tài nghiên cứu cấp nhà nước
  • Tham khảo tạp chí
  • Sách toàn văn
  • Thư điện tử
  • Chính phủ
  • 7.1 sach hang nam

Đổi mới chính sách đất đai theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng

24/03/2023


Tác giả :
  • PGS.TS. Bùi Quang Tuấn (Đồng chủ biên)
  • PGS.TS. Phạm Minh Tuấn (Đồng chủ biên)
  • GS.TSKH. Đặng Hùng Võ
  • PGS.TS. Trần Thị Minh Châu
  • PGS.TS. Bùi Thị Lý
  • PGS.TS. Ngô Tuấn Nghĩa
  • PGS.TS. Doãn Hồng Nhung
  • ...

Năm xuất bản: 2022

Số trang: 767

 

Đất đai là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá, là thành phần quan trọng của môi trường sống, đồng thời là không gian sinh tồn của các cộng đồng dân cư gắn liên với từng gia đình, dòng họ và mọi người dân của mỗi quốc gia, dân tộc.

Sau hơn 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước (1986), Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách quan trọng về đất đai. Đặc biệt, ngày 12/3/2003, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoa IX đã ban hành Nghị quyết số 26 –NQ/TW tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và tiếp đó, ngày 31/10/2012 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020.

Trong khi ở nhiều nước vẫn đang phải đối mặt với một loạt thách thức về vấn đề đất đai như: các khung khổ pháp lý và quy định chưa hoàn thiện hoặc lỗi thời; phân loại quyền sở hữu đất cứng nhắc, không tuân thủ truyền thống dân tộc; phân tán và chồng chéo trách nhiệm giữa các cơ quan khác nhau… thì ở Việt Nam, trong thời gian gần đây, vấn đề tài nguyên đất được quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả hơn, an ninh lương thực được đảm bảo, nhu cầu đất cho sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển đô thị, kết cấu hạ tầng, quốc phòng- an ninh được phân bổ hợp lý hơn…Tuy nhiên, thực tế còn tồn tại nhiều bất cập như: cách quản lý nhà nước đối với đất đai; công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; chuyển đổi mục đích sử dụng đất; hệ thống thông tin dữ liệu liên quan đến đất đai; tính minh bạch của thị trường bất động sản; tính đồn bộ trong việc tổ chức bộ máy quản lý đất đai….

Để góp phần cụ thể hóa nội dung Nghị quyết Đại hội XIII và Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị Trung ương 5 Khóa XIII vào cuộc sống, gắn liền với thực tiễn nảy sinh những vấn đề phức tạp liên quan đến đất đai và định hướng xây dựng, hoàn thiện, phát triển chính sách đất đai phù hợp, bền vững, Viện Kinh tế Việt Nam trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách “Đổi mới chính sách đất đai theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”. Cuốn sách là kết quả của Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Tiếp tục đổi mới chính sách đất đai theo tinh thần Nghị quyết đại Hội XIII của Đảng” được tổ chức vào tháng 3/2022 tại Hà Nội. Nội dung cuốn sách gồm 33 bài viết của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý ở các cơ quan trung ước và địa phương trong lĩnh vực đất đai đã mổ xẻ, tiếp cận chính sách đất đai từ nhiều chiều cạnh, trên cơ sở đó đề xuất giải pháp xử lý những vấn đề căn cơ đang đặt ra đối với chính sách, pháp luật đất đai; đồng thời có những kiến nghị mang tính “đột phá” nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thị trường đất đai để giải phóng nguồn lực đất đai, để thị rường đất đai thực sự trở thành nguồn lực cho tăng trưởng và phát triển.

 Nội dung của cuốn sách gồm 3 phần:

Phần I. Chính sách và những vấn đề đặt ra đối với thị trường đất đai ở Việt Nam

Với 12 bài viết, các tác giả đã cung cấp cho bạn đọc các luận cứ khoa học và thực tiễn nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng liên quan đến đất đai, đổi mới mạnh mẽ, cản bản và toàn diện về thể chế, chính sách thị trường đất đai, quản lý, sử dụng đất. Trong bài viết “Quản lý nhà nước về đất đai: thực trạng và giải pháp”, tác giả cho rằng vấn đề quản lý đất đai đã đạt đươc những kết quả quan trọng tuy nhiên thực tiễn triển khai thi hành Luật đất đai vẫn còn những tồn tại, bất cập. Nguyên nhân được cho là hệ thống pháp luật còn nhiều mâu thuẫn, việc tổ chức thi hành pháp luật còn hạn chế mặc dù pháp luật đã có quy định nhưng không được tổ chức thực hiện hoặc thực hiện chưa đúng, chưa hiệu quả, bộ máy tổ chức làm công tác quản lý chưa tương xứng với yêu cầu tổ chức triển khai thi hành pháp luật trên thực tế. Đề cập đến vấn đề thu từ đất và vốn hóa đất đai trong bài viết cùng tên, PGS.TSKH. Đặng Hùng Võ và NCS. Đặng Xuân Hòa phân loại thành  3 nhóm phương thức thu từ đất và cho rằng thực tế triên khai công tác giao đất, cho thuê đất của Nhà nước vẫn còn tồn tại bất cập, đặc biệt là công tác tác giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư. Ngoài ra, giá đất mà Nhà nước quyết định thường thiếu tương thích với giá thị trường, thậm chí còn thấp hơn rất nhiều so với với giá thị trường, vì thế khi thu hồi đất, công tác giải phóng mặt bằng bị kéo dài, người bị thu hồi đất không chấp nhận giá bồi thường… Với các bài viết “Chế độ sở hữu toàn dân về đất đai do nhà nước đại diện chủ sở hữu ở Việt Nam”, “Đổi mới chính sách pháp luật về sở hữu đất đai ở Việt Nam: thực trạng và vấn đề”, “Đấu giá quyền sử dung dất ở Việt Nam: Thực trạng, vấn đề và giải pháp chính sách” và một số bài viết liên quan đã mang đến cho độc giả các góc nhìn đa chiều về các vấn đề liên quan đến thực thi chính sách quản lý, thu hồi đất

Phần II. Chính sách đất đai: kinh nghiệm từ thực tiễn

Phần này bao gồm 8 bài viết tập trung phân tích các nội dung: (i) Thực trạng chính sách thu hồi đất; (ii) Đổi mới chính sách đất nông nghiệp ở Việt Nam; (iii) Các hình thức và chế độ sở hữu đất đai trên thế giới; (iv) Chính sách thị trường đất đai ở Trung Quốc; (v) Tích tụ và tập trung ruộng đất. Với bài viết “Đổi mới chính sách đất nông nghiệp Việt Nam trong bối cảnh mới: Thực trạng và kiến nghị” của tác giả Hà Huy Ngọc, nghiên cứu khẳng định, chính sách hạn điền dối với đất nông nghiệp ở nước ta đã có từ rất sớm và liên tục thay đổi qua các giai đoạn lịch sử khác nhau. Tuy đã thay đổi theo hướng mở rộng hạn điền và thời gian sử dụng đất nhưng lại phải đảm bảo cho các hộ nông dân đều có vốn tài sản đất đai để canh tác. Do đó, chính sách hạn điền đã không đáp ứng kịp sự phát triển và thay đổi nhanh của sản xuất nông nghiệp, và vì thế trở thành điểm nghẽn lớn cần tháo gỡ để phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, nông nghiệp công nghệ cao gắn với chuỗi giá trị. Đề cập đến chế độ sở hữu đất đai trên thế giới, Việt Nam và những vấn đề đặt ra trong quá trình thi hành Luật Đất đai năm 2013, ThS. Vũ Văn Nam đã phân tích chế độ quản trị đất đai khác nhau như: quản trị về quyền đối với đất, quản trị về định giá đất, quản trị về sử dụng đất. Tác giả cũng tham khảo về chế độ sở hữu đất đai ở Trung Quốc, Thái Lan, Nepal, Bôlivia và đối chiếu với chế độ sở hữu đất đai ở Việt Nam để thấy Việt Nam là một trong số rất ít quốc gia hiện chỉ thừa nhận duy nhất một chế độ sở hữu đất đai. Việc này trong thực tế có thể xem là môt nguyên nhân dẫn đến những khó khăn, hạn chế trong quản lý, khai thác hiệu quả từ nguồn tài nguyên đất. Bên cạnh đó, mô hình một chế độ sở hữu toàn dân về đất đai như hiện nay chưa làm rõ đươc phạm vi thẩm quyền cũng như chế độ trách nhiệm của nhà nước khi đóng vai trò đại diện chủ sở hữu, dẫn đến tình trạng tham nhũng liên quan đến quản lý đất đai xảy ra rất nghiệm trọng… Trên tinh thần đó, tác giả cho rằng Việt Nam nên cân nhắc việc công nhận chế độ đa sở hữu về đất đai mà đã được quy định ở nhiều nước và đã từng được ghi nhận cụ thể trong Hiếp pháp 1959 (và trước đó là Luật cải cách ruộng đất năm 1953) của Việt Nam. Bên cạnh đó, việc thừa nhận đa hình thức sở hữu đất đai chính là góp phần củng cố pháp quyền vì sẽ góp phần khắc phục tình trạng lạm dụng quyền quản lý đất đai để tham nhung đang diễn ra rất nhức nhối hiện nay.

Phần III. Một số định hướng hoàn thiện chính sách đất đai trong bối cảnh phát triển mới

Phần này bao gồm 13 bài viết tập trung đề xuất các giải pháp để góp phần giải quyết các vấn đề đã và đang nảy sinh, đang là điểm nghẽn, nút thắt cần phải tháo gỡ, trong đó có vấn đề đấu thầu, đấu giá đất. Trong bài viết “Đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai trong giai đoạn phát triển mới của đất nước” của PGS.TS. Nguyễn Văn Thạo và PGS.TS. Bùi Thị Lý, các tác giả cho rằng đề thực hiện tốt những nhiệm vụ Đại Hội XIII của Đảng đề ra cần sửa đổi bổ sung hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về đất đai, trước hết phải rà soát, loại bỏ những quy định chồng chèo, mâu thuẫn giữa Luật Đất đai với các luật chuyên ngành khác như Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, đồng thời sửa đổi, bổ sung nâng cao chất lượng quy hoạch sử dụng đất, nhất là quy hoạch sử dụng đất chung của cả nước cũng như tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ quản lý đất đai. Bài viết “Dồn điền, đổi thửa, điều chỉnh đất đai đáp ứng yêu cầu chỉnh trang, phát triển đô thị và tập trung đất đai ở nông thôn” của PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ và Nguyễn Thị Quỳnh Trang có những phân tích sắc bén và đa chiều trong đó nhấn mạnh đến ứng dụng mô hình ngân hàng đất đai tnog dồn điền, đổi thửa, điều chỉnh đất đai, chỉnh trang, phát triển đô thị và tập trung đất đai ở nông thôn mà các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đan Mạch, Hà Lan, Pháp, Áo đang áp dụng. Một số bài viết khác cũng tập trung phân tích và đề xuất giải pháp xây dựng chính sách nhằm quản lý, sử dụng có hiệu quả đối với đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường...

Cuốn sách là tập hợp các bài viết đề cập đến chính sách quản lý, sử dụng, đấu thầu đất đai, một trong những vấn đề phức tạp, có tính chất sâu rộng và luôn biến chuyển cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Dưới góc nhìn của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu và quản lý nhà nước, các bài viết được phân tích và chia sẻ rất thẳng thắn và có ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn. Chắc chắn đây là nguồn tư liệu quý, hàm chứa những thông tin gợi mở giúp các nhà xây dựng chính sách đất đai hoàn thiện bản dự thảo Luật Đất đai sửa đổi trong thời gian tới.

Xin trân trọng giới thiệu!

Nguyễn Minh Hồng

 


Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật

Các tin đã đưa ngày: