Với chiều dài hơn 4.800 km, sông Mekong là con sông dài nhất ở khu vực Đông Nam Á và là con sông lớn thứ 12 trên thế giới. Bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng (Trung Quốc), con sông chảy qua 6 nước: Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia, Việt Nam và đổ ra biển Đông. Trong số 6 nước này có 5 nước (không bao gồm Trung Quốc) thuộc tiểu vùng sông Mekong, về cơ bản là một khu vực kinh tế - tự nhiên gắn với nhau bởi dòng sông Mekong, vì thế có những điểm chung về lịch sử và văn hóa. Từ năm 1986 khi CHDCND Lào thực hiện quá trình chuyển đổi từ kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, quá trình hội nhập với khu vực Lào nói chung và hợp tác song phương với các nước trong Tiểu vùng Mekong nói riêng ngày càng được thúc đẩy.
Do Lào có những yếu tố khu vực tác động đến quan hệ với các nước Tiểu vùng Mekong, cùng với các yếu tố trong nước như vị thế địa chính trị, lợi thế so sánh, chiến lược phát triển cũng như thực trạng phát triển kinh tế, an ninh quốc phòng và văn hóa xã hội của Lào đã đóng vai trò quan trọng đối với quá trình hợp tác Lào với khu vực Tiểu vùng Mekomg…Bởi vậy việc nghiên cứu trường hợp Lào hợp tác với các ước Tiểu vùng Mekong vô cùng quan trọng, là cơ hội tham khảo cho Việt Nam trong bối cảnh hiện nay vì Lào và Việt N am có quan hệ láng giềng đặc biệt, đều là thành viên của Tiểu vùng, cùng tham gia các cơ chế hợp tác của Tiểu vùng và có nhiều nét tương đồng về chính trị và kinh tế cũng như trình độ phát triển. Để có thêm thông tin về sự hợp tác giữa Lào với các nước Tiểu vùng sông Mekong từ đó có thể rút ra được những kinh nghiệm cho quá trình hợp tác quốc tế của Việt Nam, xin giới thiệu với độc giả cuốn sách chuyên khảo với tựa đề “Hợp tác giữa Lào với các nước tiểu vùng Mekong: Thực trạng và những vấn đề đặt ra” do TS. Nguyễn Ngọc Lan làm chủ biên. Cuốn sách là kết quả nghiên cứu đề tài cấp Bộ cùng tên do TS. Nguyễn Ngọc Lan làm chủ nhiệm và được Nhà Xuất bản Khoa học xã hội xuất bản năm 2022.
Ngoài Lời nói đầu và Kết luận, nội dung chính của cuốn sách được kết cấu thành 3 chương:
Chương 1. Những nhân tố tác động đến quan hệ hợp tác giữa Lào với các nước Tiểu vùng Mekong
Trên cơ sở phân tích bối cảnh khu vực Tiểu vùng Mekong và bối cảnh trong nước CHDCND Lào, nhóm tác giả nhận diện những nhân tố tác động đến quan hệ hợp tác giữa Lào với các nước Tiểu vùng Mekong. (i) Xét về ưu thế địa lý tự nhiên cũng như địa – chính trị, kinh tế Tiểu vùng Mekong hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu của các nước; (ii) Sự giàu có của các nguồn lực tự nhiên và xã hội, các nước trong Tiểu vùng Mekong đều là những nước láng giềng thân thiện, có những nét tương đồng trong phát triển kinh tế, lịch sử, văn hóa, lại có chung dòng Mekong vùng vĩ, cùng là thành viên với nhiều tổ chức khu vực và thế giới nên Lào đã rất coi trọng vấn đề hợp tác với các nước này. Vì vậy, Tiểu vùng Mekong là khu vực có tiềm năng to lớn cho hợp tác quốc tế trên nhiều lĩnh vực;(iii) Nếu như với Trung Quốc, Lào vừa là cửa ngõ và tuyến đường trung chuyển để cho hàng hóa của Trung Quốc xâm nhập thị trường Đông Nam Á, với Mỹ, Lào có vai trò quan trọng để kiềm chế sức mạnh của Trung Quốc trong khu vực thì đối với ASEAN và Đông Á, Lào là vị trí quan trọng để mở rộng thương mại, đầu tư trong khu vực, đồng thời giải quyết các vấn dề nóng hổi lien quan đến sông Mekong như nguồn nước, thủy điện, môi trường sinh thái, an ninh phi truyền thống …Những yếu tố đó làm cho khu vực này trở thành địa bàn thu hút được sự quan tâm đặc biệt của các nước lớn trong những toan tính của họ khi tham gia hợp tác ở tiểu vùng.
Chương 2. Thực trạng quan hệ hợp tác giữa Lào với các nước tiểu vùng Mekong
Trong chương này, nhóm tác giả phân tích thực trạng quan hệ hợp tác giữa Lào với các nước Tiểu vùng Mekong ở các lĩnh vực: (i) Kết nối giao thông, cơ sở hạ tầng; (ii) Kinh tế; (iii) Văn hóa – xã hội. Nghiên cứu khẳng định, ngay từ khi hình thành các khuôn khổ và cơ chế hợp tác, Lào đã rất tích cực tham gia trên mọi lĩnh vực, trong đó có cả hợp tác phát triển nguồn nhân lực hay các vấn đề an ninh phi truyền thống. Với lợi thế địa chính trị quan trọng, được dòng sông Mekong bao trọn nhiều diện tích lãnh thổ quốc gia, cộng với tiềm năng và nỗ lực của mình, Lào đã thu được nhiều lợi ích từ hoạt động hợp tác trong Tiểu vùng. Trao đổi thương mại với các nước trong khu vực không ngừng tăng lên; hệ thống giao thông vận tải được nâng cấp, góp phần phát triển kinh tế và thông thương quốc tế; tỷ lệ nghèo đói giảm dần; nguồn nhân lực được thúc đẩy; đời sống người dân được cải thiện… Ở cấp quốc gia, quan hệ kinh tế giữa Lào và Việt Nam đã bước vào một giai đoạn phát triển mới kể từ khi hai bên cùng đề ra “Chiến lược hợp tác về kinh tế, văn hóa, khoa học – kỹ thuật giữa Việt Nam và Lào” dựa trên Hiệp định hợp tác giữa hai Chính phủ. Bên cạnh đó, việc trở thành thành viên chính thức của ASEAN và WTO, vai trò của Lào trong hợp tác kinh tế tại khu vực càng trở nên rõ nét. Cho đến nay, hợp tác kinh tế giữa Lào với các nước Tiểu vùng MeKong đã và đang có những chuyển biến tích cực do hàng năm có những điều chỉnh phù hợp với bối cảnh.
Chương 3. Những vấn đề đặt ra trong quan hệ hợp tác giữa Lào với các nước tiểu vùng Mekong và hàm ý chính sách cho Việt Nam
Qua nghiên cứu, tìm hiểu thực tiễn trong quan hệ hợp tác giữa Lào với các nước Tiểu vùng Mekong, nhóm tác giả đã chỉ ra một số vấn đề trong quan hệ hợp tác này: (i) Tiềm lực kinh tế yếu kém, chưa chủ động hợp tác với các nước trong Tiểu vùng; (ii) Quan hệ hợp tác giữa Lào với các nước Tiểu vùng Mekong bị ảnh hưởng bởi việc xây dựng các đập thủy điện tại Lào; (iii) Lào phụ thuộc quá nhiều vào nguồn vốn của các nước, đặc biệt là Trung Quốc. Với những đánh giá và phân tích ở những nội dung trên, các tác giả đưa ra một số hàm ý chính sách đối với quan hệ Việt Nam – Lào trong khuôn khổ Tiểu vùng MeKong và đối với việc Việt Nam tham gia hợp tác Tiểu vùng Mekong. Nghiên cứu cũng nhấn mạnh rằng, Việt Nam cần tận dụng vị thế của mình tiếp tục chủ động đưa ra các sáng kiến hợp tác mới, có chiến lược tổng hượp tham gia các cơ chế hợp tác của khu vực, bên cạnh đó, đối với các vấn đề nhạy cảm và mang tính sống còn như an ninh nguồn nước sông Mekong, Việt Nam cần kiên trì vận động, đấu tranh, đồng thời có cách xử lý khéo léo, linh hoạt trong từng khuôn khổ hợp tác.
Cuốn sách là công trình nghiên cứu công phu của tập thể tác giả, hy vọng những nội dung của cuốn sách là nguồn tài liệu tham khảo bổ ích cho các nhà hoạch định chính sách Việt Nam trong việc rút kinh nghiệm cho quá trình hợp tác quốc tế của Việt Nam nói chung và hợp tác với khu vực Tiểu vùng Mekong nói riêng, trong đó có quan hệ hợp tác với Lào.
Xin trân trọng giới thiệu!
Nguyễn Minh Hồng
Nhà xuất bản Khoa học xã hội