Nghiên cứu Trung Quốc nói chung, đặc biệt nghiên cứu về chiến lược an ninh, đối ngoại của Trung Quốc nói riêng luôn là chủ đề khó khăn, phức tạp bởi rất nhiều lý do khách quan và chủ quan. Chính vì vậy, mặc dù số lượng các ấn phẩm nghiên cứu về Trung Quốc hàng năm rất lớn nhưng dường như chưa bao giờ dáp ứng đủ nhu cầu của độc giả và các nhà nghên cứu mong muốn hiểu sâu về quốc gia khổng lồ đang trỗi dậy mạnh mẽ với bộ máy ra quyết sách cũng như sự vận hành xã hội hết sức phức tạp như Trung Quốc.
Sau thành công của gần 45 năm cải cách và mở cửa, Trung Quốc đã xác lập vị thể đại cường của mình trong trật tự toàn cầu mới. Cách thức trỗi dậy của Trung Quốc vừa mang những đặc điểm chung của một cường quốc toàn cầu vừa chịu sự chi phối của những đặc điểm riêng mang tính lịch sử, thậm chí là dấu ấn cá nhân của nhiều thế hệ lãnh đạo. Sau giai đoạn phát triển “giấu mình chờ thời cơ”, đến thời kỳ lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc đã vươn mạnh mẽ ra bên ngoài với con đường toàn cầu hóa riêng biệt của mình qua hàng loạt sáng kiến và chiến lược đối ngoại mới như Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI), Sáng kiến An ninh dữ liệu toàn cầu (GDSI), Sáng kiến An ninh toàn cầu (GSI). Trung Quốc giờ đây đã chuyển sang thế chủ động về ngoại giao để xác lập, củng cố và mở rộng ảnh hưởng trong phạm vi khu vực lẫn toàn cầu.
Trong gần 2 nhiệm kỳ của Chủ tịch Tập Cận Bình, lãnh đạo Trung Quốc đã đưa ra nhiều khái niệm an ninh mới, chẳng hạn như khái niệm An ninh quốc gia tổng thể. Đây là cách tiếp cận mới, giúp hiểu về tư duy, cách tiếp cận, nội hàm về an ninh, trong quan hệ tổng hòa với các nhân tố khác như phát triển kinh tế hài hòa và bền vững, ổn định xã hội, giữ gìn môi trường, nâng cao hình ảnh quốc tế. Song song với đó, Trung Quốc cũng cải cách hàng loạt các thể chế, cơ chế ra quyết sách về an ninh như thành lập Ủy ban An ninh quốc gia, thông qua khung pháp lý Luật An ninh quốc gia mới. Đến Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XIX, Trung Quốc tiếp tục nâng cấp và triển khai đồng bộ chiến lược an ninh quốc gia khi xác định nước này bước vào “thời đại mới” của chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc và chuyển sang giai đoạn phát triển thứ ba.
Chiến lược an ninh quốc gia của Trung Quốc bao gồm hai bộ phận cấu thành: An ninh đối nội và An ninh đối ngoai. Theo đó, chiến lược an ninh đối ngoại mới được điều chỉnh nhằm thích ứng với môi trường an ninh bên ngoài nhiều thách thức hơn, cũng như quá trình tự ý thức và “định vị lại bản thân “ của Trung Quốc.
Tôi biết đến tác giả Hoàng Huệ Anh – Tiến sĩ chuyên ngành Chính trị quốc tế - qua những công bố nghiên cứu và những lần trao đổi cùng các đồng nghiệp về chủ đề chính trị Trung Quốc. Được đào tạo tại Đại học Nhân dân Trung Quốc và có gần 20 năm liên tục học tập và Giảng dạy tại Trung Quốc, Tiến sĩ Hoàng Huệ Anh đã hội tụ được những điều kiện vô cùng quan trọng để nghiên cứu về chính trị Trung Quốc một cách bài bản. Trong bối cảnh tình hình quốc tế có nhiều biến động nhanh chóng và khó lường, việc hiểu biết về đường lối an ninh đối ngoại của Trung Quốc có ý nghĩa hết sức quan trọng với những người làm nghiên cứu, những người hoạch định chính sách và độc giả đại chúng. Cuốn sách Chiến lược an ninh đối ngoại mới của Trung Quốc: Sự lựa chọn vị trí siêu cường là công trình nghiên cứu quan trọng với một số ưu điểm nổi bật:
Thứ nhất, Tiến sĩ Hoàng Huệ Anh đã xem xét và phân tích nội hàm và tiến trình hoạch định, triển khai chiến lược an ninh đối ngoại của Trung Quốc trong khuôn khổ các khung phân tích lý thuyết về an ninh, đặc biệt là việc sử dụng lý thuyết của chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa kiến tạo kết hợp với cách tiếp cận lịch sử đề cấp đến chủ nghĩa vương quyền, chủ nghĩa biệt lệ và chủ nghĩa “dĩ Hoa vi trung” trong lịch sử Trung Quốc. Từ đó, tác giả đã tổng kết mọt số quy luật mang tính bản chất trong chiến lược an ninh đối ngoại của Trung Quốc;
Thứ hai, tác giả đã phân tích một cách hệ thống và toàn diện tư tưởng Tập Cận Bình về an ninh đối ngoại, làm rõ cách xác định của Trung Quốc về lợi ích quốc gia cốt lõi, về mục tiêu của chiến lược an ninh đối ngoại thời đại Tập Cận Bình. Trên cơ sở đó, tác giả nêu lên 5 nhóm vấn đề quan trọng trong việc triển khai chiến lược an ninh đối ngoại của Trung Quốc, đó là thể chế, ngoại giao, kinh tế, quân sự và nguồn lực biển. Ở khía cạnh này, cuốn sách Chiến lược an ninh đối ngoại mới của trung Quốc: sự lựa chọn cho vị trí siêu cường còn là tài liệu nghiên cứu cập nhật về tình hình Trung Quốc và thế giới. Các phân tích và nhận định trong cuốn sách có nhiều hàm ý liên hệ với hiện tại;
Thứ ba, cấu trúc của cuốn sách nhìn chung mạch lạc và có tích logic cao. Vì vậy, dù cuốn sách khá dày dặn nhưng với nhiều thông tin cập nhật, lối hành văn nhẹ nhàng nhưng mạch lạc, tác giả đã khéo léo dẫn dắt độc giả đi từ chủ đề này sang chủ đề khác một cách cuốn hút, hấp dẫn.
Xuyên suốt cuốn sách, Tiến sĩ Hoàng Huệ Anh cho chúng ta thấy rõ bức tranh và hệ quả của điều chỉnh căn bản và toàn diện trong chiến lược an ninh đối ngoại của Trung Quốc không chỉ làm thay đổi sâu sắc bản thân Trung Quốc, mà điều này còn tác động trực tiếp và sâu rộng đến cục diện an ninh khu vực và thế giới, cũng như chính sách đối ngoại của các nước xung quanh, trong đó có Việt Nam. Chính vì lý do đó mà việc làm rõ khái niệm chiến lược an ninh đối ngoại của Trung Quốc, nhận diện chuẩn xác môi trường an ninh đối ngoại, những chuyển biến về quan niệm, các biện pháp thực thi chiến lược, đánh giá mục tiêu, tác động và hiệu quả của chiến lược này là việc làm cấp thiết nhằm cung cấp những luận cứ khoa học xác đáng và là tài liệu tham khảo có giá trị trong việc hoạch định chính sách an ninh đối ngoại của Việt Nam trong tương lai.
Đặc biệt, ấn phẩm này được hình thành trên cơ sở đề tài cấp Bộ của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam do Viện Nghiên cứu Trung Quốc là cơ quan chủ trì, TS. Hoàng Huệ Anh làm chủ nhiệm.
Đáng chú ý là ấn phẩm này được công bố sau đúng 10 năm Trung Quốc có thế hệ lãnh đạo mới với một nhà lãnh đạo có các tính mạnh mẽ như Chủ tịch Tập Cận Bình, người đã tạo ra nhiều thay đổi cho chính quốc gia này và tác động nhiều mặt đến cục diện thế giới và quan hệ giữa Trung Quốc với các trung tâm quyền lực lớn khác của thế giới. Năm nay cũng là một năm bản lề khi Trung Quốc sẽ tổ chức Đại hội Đại bieru toàn quốc Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XX.
Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!
Hà Nội, ngày 6 tháng 7 năm 2022
PGS.TS. Hoàng Anh Tuấn
Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao
Nguyên Phó Tổng thư ký ASEAN
Nguồn: Lời giới thiệu trong ấn phẩm
Nhà xuất bản Khoa học xã hội