Khảo cổ học là một ngành khoa học nghiên cứu về lịch sử, nhân học văn hóa dựa trên những di tồn văn hóa vật chất vốn chủ yếu nằm trong lòng đất. Ngành Khảo cổ học Việt Nam qua hơn nửa thế kỷ triển khai các chương trình nghiên cứu đã thu được nhiều thành tựu to lớn. Hàng năm, Ban Tổ chức Hội nghị thông báo Những phát hiện mới về Khảo cổ học, do Viện Khảo cổ học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam làm đơn vị chủ trì, những năm gần đây thường phối với với các tỉnh/thành đồng tổ chức sự kiện này nhằm đưa tri thức khảo cổ, lịch sử, văn hóa đến với đông đảo nhân dân, quảng bá giá trị di sản văn hóa của các địa phương, nâng cao nhận thức, niềm tự hào về truyền thống văn hóa và ý thức trách nhiệm.
Năm 2021, Hội nghị Thông báo Những phát hiện mới về Khảo cổ học lần thứ 56 được tổ chức tại tỉnh Ninh Bình, Ban Tổ chức đã nhận được 375 bài tham luận, được phân thành 5 Tiểu ban: (1) Khảo cổ học Tiền sử; Khảo cổ học Sơ sử và Nhà nước sớm; Khảo cổ học Lịch sử; Khảo cổ học Champa – Óc Eo và Khảo cổ học dưới nước. Tháng 11 năm 2022, Nhà xuất bản Khoa học xã hội xuất bản cuốn kỷ yếu với nhan đề “Những phát hiện mới về Khảo cổ học năm 2021”trong đó lựa chọn 349 bài viết có chất lượng chia thành V phần. Trong bài diễn văn khai mạc Hội nghị, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, PGS.TS. Nguyễn Đức Minh khẳng định: “điểm nổi bật nhất trong các hoạt động khảo cổ học của một năm qua là tiếp tục khai quật khu di tích Cố đô Hoa Lư (Ninh Bình) với những phát hiện mới, góp phần làm rõ diện mạo của kiến trúc cung điện và bản sắc văn hóa thời Đinh – Lê trong lịch sử dân tộc”. Trên cơ sở phát huy thành tựu của các giai đoạn trước, ngành Khảo cổ học đã thu được những thành quả đáng ghi nhận, đóng góp tích cực vào việc nhận thức quá trình tiến hóa Người cùng các cơ tầng văn hóa thời Tiền – Sơ sử và các thế hệ chính trị - xã hội thời Lịch sử; khẳng định giá trị các nền văn hóa/văn minh/văn hiến Đại Việt gắn với những chiến công lẫy lừng chống ngoại xâm, bảo vệ nền độc lập dân tộc.
Với những hoạt động khảo cổ học tiêu biểu được thể hiện thông qua 349 bài viết có chất lượng được in trong cuốn kỷ yếu đã cho thấy hoạt động khảo cổ học Việt Nam mùa điền dã 2020-221 diễn ra rất sôi nổi, đều khắp trên toàn quốc và đạt hiệu quả rất cao. Các báo cáo có nội dung phong phú được thực hiện công phu, nghiêm túc. Đó chính là những thông tin khoa học mới bổ sung những cứ liệu vật thật giúp các nhà khoa học đi sâu nghiên cứu những vấn đề cơ bản của khảo cổ học Việt Nam, góp ph ần nhận thức rõ hơn lịch sử hình thành dân tộc, lịch sử hình thành, phát triển con người Việt Nam hướng đến mục tiêu bảo vệ, bảo tồn, nghiên cứu, phát huy các giá trị lịch sử - văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Qua cuốn sách này, độc giả sẽ tìm được nhiều thông tin có giá trị và là nền tảng để các nhà khoa học, những người đam mê và yêu thích khảo cổ học tiếp tục khai quật và tìm hiểu những giá trị dựa trên những “ngôn ngữ”, “ký hiệu” riêng của ngành. Hy vọng cuốn sách sẽ là nguồn tư liệu quý giá đối với các nhà nghiên cứu và các học giả quan tâm.
Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!
Nguyễn Minh Hồng
Nhà xuất bản Khoa học xã hội