Trong các thành tố làm nên hệ thống ngôn ngữ, ngữ pháp bao giờ cũng chiếm vai trò trung tâm, bởi lẽ, ngôn ngữ là công cụ quan trọng nhất để giao tiếp và biểu đạt tư duy, và cái đơn vị cơ sở, đơn vị hạt nhân để thực hiện chức năng giao tiếp và biểu đạt tư duy ấy chính là câu nói. Kể từ năm 1983, khi ra đời cuốn Ngữ pháp tiếng Việt của Ủy ban Khoa học xã hội, cuốn sách đã được ghi nhận nhưng sau gần 40 năm, xã hội ta nay lại cần có một cuốn ngữ pháp tiếng Việt mới, cập nhật những thành tựu lí thuyết mới về ngữ pháp.
Trên cơ sở những vấn đề mà ngữ pháp tiếng Việt hiên nay đặt ra cũng như những bất cập trong các sách ngữ pháp tiếng Việt Nam hiện nay, năm 2021, Nhà xuất bản Khoa học xã hội xuất bản cuốn sách với nhan đề “Xác lập cơ sở lí thuyết cho việc biên soạn cú pháp tiếng Việt” của tác giả Nguyễn Văn Hiệp. Ông cũng là tác giả của hai ấn phẩm “Cơ sở ngữ nghĩa phân tích cú pháp” và “Cú pháp tiếng Việt” do Nhà xuất bản Giáo dục xuất bản lần lượt năm 2008 và 2009. Trọng tâm của cuốn sách là tổng quan những nghiên cứu đã có trong nước và ngoài nước về ngư pháp tiếng Việt nói chung, cú pháp tiếng Việt nói riêng, đánh giá và trừu xuất các vấn đề lí thuyết có liên quan; Giới thiệu hai khung lí thuyết hiện đại là ngữ pháp chức năng và ngữ pháp tri nhận (thuộc ngôn ngữ học tri nhận), áp dụng vào cú pháp tiếng Việt, ở phương diện trật tự từ và hư từ; Khẳng định đường hướng cho một cuốn cú pháp tiếng Việt, cốt lõi là ngữ pháp truyền thống, kết hợp với ngữ pháp chức năng và ngữ pháp tri nhận.
Ngoài Lời nói đầu, Mở đầu và Kết luận, cuốn sách được kết cấu thành 5 Chương:
Chương 1. Những đặc điểm loại hình của tiếng Việt chi phối đến cơ cấu ngữ pháp tiếng Việt
Chương này, tác giả tập trung trình bày một cách cơ bản đặc điểm ngữ pháp và ngữ nghĩa của Tiếng với tư cách là hình vị hay đơn vị ngữ pháp nhỏ nhất của tiếng Việt; khái quát các phương thức ngữ pháp chủ yếu của tiếng Việt, một ngôn ngữ đơn lập, phân tích tính điển hình như phương thức trật tự từ; Phân tích vai trò của hư từ trong việc đánh dấu lực ngôn trung và đánh dấu kiểu câu
Chương 2. Những vấn đề lí luận của lịch sử nghiên cứu cú pháp tiếng Việt
Trên cơ sở trình bày lại những vấn đề lí luận của lịch sử nghiên cứu cú pháp tiếng Việt qua các giai đoạn (trước 1945, từ 1945 đến những năm 80 của thế kỉ XX, từ 1990 đến nay), tác giả đã bổ sung và điều chỉnh một số nội dung sau: (i) Bổ sung những tư liệu mà nhóm nghiên cứu có được của các tác giả đi trước như, bổ sung Trần Trọng Kim (1936) và một số sách ngữ pháp được xuất bản ở miền Nam trước năm 1975 của Lê Văn Lý (1968), Doãn Quốc Sỹ và Đoàn Viết Bửu (1970) Trần Ngọc Ninh (1973); (ii) Bổ sung những công trình gần đây của chính tác giả (Nguyễn Văn Hiệp, 2008 và Nguyễn Văn Hiệp, 2009) và một số tác giả khác theo đường hướng tạo sinh, chức năng và tri nhận, hoặc có sự kết hợp giữa ngữ pháp truyền thống và ngữ pháp chức năng, như Nguyễn Hồng Cổn (2001, 2004, 2006, 2009, 2010), Nguyễn Khánh Hà (2007), Đỗ Hồng Dương (2011), Nguyễn Văn Lộc và Nguyễn Mạnh Tiến (2017), Nguyễn Vân Phổ (2018), Dương Xuân Quang (2017); (iii) Phân tích sâu hơn những đóng góp của các tác giả về phương diện lí thuyết, gắn với các thành tựu các lí thuyết ngữ pháp trên thế giới. Tác giả khẳng định, trong khoảng mười năm trở lại đây, đã có thêm những cố gắng miêu tả cú pháp tiếng Việt theo con đường ngôn ngữ học tri nhận, tuy nhiên, chưa có những công trình cú pháp chuyên sâu theo đường hướng này, đây cũng là tình hình chung trên thế giới khi hiện nay số lượng các công trình ngữ pháp tuyên bố theo ngữ pháp tri nhận còn rất ít ỏi.
Chương 3. Vấn đề trật tự từ trong câu tiếng Việt, nhìn từ quan điểm truyền thống, quan điểm của ngữ pháp chức năng và ngôn ngữ học tri nhận
Trong chương này, tác giả làm rõ một số nội dung sau: (i) Trật tự từ theo quan điểm truyền thống; (ii) Quan điểm của ngữ pháp chức năng về trật tự từ trong tiếng Việt; (iii) Quan điểm của ngôn ngữ học tri nhận về trật tự từ trong tiếng Việt. Nghiên cứu cho rằng, bên cạnh sự quan tâm của ngữ pháp truyền thống đối với trật tự từ trong tiếng Việt, các tác giả đã trình bày một số khía cạnh của trật tự từ theo ngữ pháp chức năng hệ thống (trật tự từ như phương thức biểu đạt hình thái và ngữ pháp hóa) và ngôn ngữ học tri nhận (trật tự từ và các quá trình ý niệm hóa), khẳng định góc nhìn mới mẻ mà hai lí thuyết này đóng góp vào việc nghiên cứu trật tự từ trong tiếng Việt.
Chương 4. Vấn đề vai trò hư từ trong câu tiếng Việt, nhìn từ quan điểm truyền thống, quan điểm của ngữ pháp chức năng và ngôn ngữ học tri nhận
Dựa vào khung đánh giá và cách tiếp cận dị thanh, vốn được phát triển từ bình diện nghĩa liên nhân của ngữ pháp chức năng hệ thống, tác giả đã phân tích và miêu tả nội dung ngữ nghĩa mà các tiểu từ tình thái cuối câu và các trợ từ đã đóng góp vào ngữ nghĩa và chức năng của câu. Bên cạnh đó, với bộ khái niệm đặc thù của ngôn ngữ, tác giả đã phân tích và mô tả sự kiến tạo ngữ nghĩa của giới từ và phó tử chỉ hướng trong câu tiếng Việt. Những trình bày về sự kiến tạo ngữ nghĩa này đã cho thấy năng lực giải thích của ngôn ngữ học tri nhận trong việc lí giải sự phát triển ngữ nghĩa, đi từ nghĩa không gian đến các nghĩa phi không gian.
Chương 5. Vấn đề về các bình diện nghiên cứu của câu tiếng Việt, nhìn từ quan điểm truyền thống, quan điểm của ngữ pháp chức năng và ngôn ngữ học tri nhận
Chương này, các tác giả là rõ một số nội dung sau: (i) Các bình diện nghiên cứu của câu tiếng Việt theo quan điểm truyền thống; (ii) Quan điểm chức năng về các bình diện của câu tiếng Việt; (iii) Quan điểm ngôn ngữ học tri nhận về bình diện của câu tiếng Việt. Trong quá trình phân tích và làm rõ một số nội dung trên, nghiên cứu đã nhấn mạnh đóng góp của ngôn ngữ học tri nhận vào những vấn đề cốt lõi của cú pháp nói chung và cú pháp tiếng Việt nói riêng.
Cuối cùng, nghiên cứu cho rằng từ sự phân tích lí thuyết và khả năng áp dụng của các đường hướng ngữ pháp, chuyên khảo này đi đến tổng hơp, xác lập một cơ sở lí thuyết khá kín đáo để xây dựng một cuốn cú pháp tiếng Việt mới, làm cơ sở quan trọng để tiến tới biên soạn một cuốn ngữ pháp được tham chiếu rộng rãi, cố gắng cập nhật các thành tựu về ngữ pháp học và phản ánh diện mạo của câu tiếng Việt hiện nay, góp phần xử lí những vấn đề ngữ pháp của tiếng Việt trong các phong cách chức năng khác nhau, và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, tạo điều kiện cho tiếng Việt phát triển.
Cuốn sách là công trình nghiên cứu công phu, mang tính lí luận, là cơ sở căn bản cho việc biên soạn cú pháp tiếng Việt, với cách tiếp cận riêng dựa vào ưu điểm của ngữ pháp truyền thống cũng như một số trường phái ngữ pháp học hiện đại… hy vọng đây sẽ là nguồn tư liệu hữu ích dành cho độc giả, các nhà nghiên cứu quan tâm.
Xin trân trọng giới thiệu!
Nguyễn Minh Hồng
Nhà xuất bản Khoa học xã hội