Hai thập niên đầu thế kỷ XXI chính là bối cảnh lý tưởng để tiểu thuyết thể hiện sức mạnh của các nhà văn trong phản ánh, khám phá và sáng tạo. Trong thời gian này, tiểu thuyết Trung Quốc có sự khởi sắc trên nhiều bình diện: nhà văn, tác phẩm, bạn đọc, hoạt động sáng tác, lý luận phê bình…Đồng thời tiểu thuyết Trung Quốc thời kỳ mới cũng được điền trống bằng sự trỗi dậy của truyền thông mới, từ đó hình thành văn hóa giải trí đại chúng. Tốc độ phổ cập và mở rộng của văn hóa truyền thông ảnh hưởng đến sự đổi mới sáng tác văn học, từ đó mở ra cục diện mới của sáng tác văn học nói chung, sáng tác tiểu thuyết nói chung.
Để giúp bạn đọc có thêm nhiều tư liệu hơn về lĩnh vực này, tháng 11/2022, Nhà Xuất bản khoa học xã hội thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã phát hành ấn phẩm có tựa đề: Nghiên cứu tiểu thuyết Trung Quốc hai thập niên đầu thế kỷ XXI. Đây là sách chuyên khảo do TS. Nguyễn Thị Hiền, Viện Thông tin Khoa học xã hội chủ biên, ngoài Lời nói đầu và Kết luận, cuốn sách được kết cấu thành các chương như sau:
Chương 1: Thông tin về những vấn đề chung của Tiểu thuyết Trung Quốc những năm đầu thế kỷ XXI
Qua các tiếp cận về các vấn đề: Tiểu thuyết Trung Quốc và các khái niệm (tiểu thuyết và các thuật ngữ liên quan; lực lượng sáng tác, số lượng tác phẩm, tiểu thuyết xuất bản trên giấy, tiểu thuyết đăng tải trên mạng), nhóm tác giả cho biết đã có rất nhiều công trình và bài viết nghiên cứu về tiểu thuyết, dù đi theo hướng nào thì phần đầu cũng đều đề cập đến khái niệm tiểu thuyết Trung Quốc như một cửa ngõ phải bước qua. Từ nghiên cứu nội hàm khái niệm tiểu thuyết Trung Quốc, một số nhà nghiên cứu tiến hành so sánh quan niệm tiểu thuyết phương Đông với phương Tây, quan niệm tiểu thuyết Trung Quốc với phương Tây. Tiếp đó các thuật ngữ, khái niệm liên quan đến tiểu thuyết cũng được nhiều nhà nghiên cứu tìm hiểu như: vi hình tiểu thuyết, đoản thiên tiểu thuyết, trung thiên tiểu thuyết, trường thiên tiểu thuyết, tiểu thuyết nông thôn, tiểu thuyết đô thị, tiểu thuyết nữ tính, tiểu thuyết tiên phong, tiểu thuyết Linglei, tiểu thuyết tầm căn, tiểu thuyết phong tục, thông tục, kiếm hiệp, trinh thám, truyền kỳ, bút kí, chương hồi, thoại bản…
Theo đó, lực lượng sáng tác tiểu thuyết hùng hậu của Trung Quốc hai thập niên đầu thế kỷ XXI trải dài trên các vùng miền nông thôn và đô thị, miền Tây và miền Đông Bắc, lực lượng sáng tác tiểu thuyết Trung Quốc thế kỷ mới tập trung ở miền Tây Bắc, Đông Bắc, Hà Nam, Bắc Kinh và Thượng Hải… Ngoài ra nhóm nhà văn các vùng khác như Thiểm Tây, Tứ Xuyên, Chiết Đông, Vân Nam, Hà Nam, Sơn Tây, Thiên Tân, Hà Bắc, Hồ Nam, Quảng Tây, Giang Tây, Hồ Bắc, Giang Tô… cũng góp phần làm nên diện mạo mới cho tiểu thuyết Trung Quốc, làm tiền đề cho một khởi sắc mới trong diễn đàn văn học đương thời với số lượng được đánh giá là đạt kỷ lục về sáng tác so với các năm trước đó.
Chương 2: Nghiên cứu tiểu thuyết Trung Quốc hai thập niên đầu thế kỷ mới theo hướng liên ngành
Qua các tiếp cận liên quan đến nghiên cứu tiểu thuyết trong mối liên hệ với văn hóa học (tiểu thuyết và văn hóa, tiểu thuyết và văn hóa vùng, tiểu thuyết và mối quan hệ với văn hóa từ góc độ sáng tác của cá nhân nhà văn); Nghiên cứu tiểu thuyết trong mối quan hệ với điện ảnh (nghiên cứu tiểu thuyết trong mối quan hệ với các ngành khoa học khác, tiểu thuyết – chính trị học, tiểu thuyết – mĩ học, tiểu thuyết – phê bình sinh thái, tiểu thuyết – tôn giáo), nhóm tác giả cho rằng xu hướng nghiên cứu liên ngành văn học nói chung, liên ngành tiểu thuyết với các ngành khoa học xã hội khác đang được các nhà nghiên cứu Trung Quốc khai thác mở rộng theo các hướng như đề tài sáng tác, trào lưu sáng tác và khuynh hướng sáng tác.
Việc phân vùng theo các tiếp cận nêu trên sẽ khiến các kết quả nghiên cứu về tiểu thuyết Trung Quốc thế kỷ mới ít bị chồng chéo, nhiều công trình và bài viết tập trung nghiên cứu chuyên biệt về các thể loại đề tài được làm rõ như đề tài nông thôn, đô thị, lịch sử, trào lưu Linglei, nữ quyền, tiên phong, tầm căn…
Nghiên cứu thành tựu nghệ thuật của tiểu thuyết Trung Quốc thời kỳ này cũng luôn được mở rộng. Tuy nhiên cứu về nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết vẫn được nhiều nhà nghiên cứu chú ý nhất với các vấn đề chủ yếu như loại hình tự sự, kết cấu tự sự, mô thức tự sự, phân mảnh tự sự, chuyển hướng tự sự, không gian và thời gian tự sự… Bên cạnh đó ngôn ngữ tiểu thuyết cũng là mảnh đất dành được nhiều luận bàn trên các diễn đàn ở các chiều cạnh như ngôn ngữ mạng, hình thái ngôn ngữ, nghệ thuật ngôn từ, nghệ thuật tu từ, phong cách ngôn ngữ…
Chương 3: Tình hình nghiên cứu về đề tài, trào lưu, khuynh hướng sáng tác tiểu thuyết Trung Quốc hai thập niên đầu thế kỷ XXI
Thông qua việc cung cấp các thông tin liên quan đến nghiên cứu về đề tài (lịch sử, đô thị, nông thôn…) trong sáng tác tiểu thuyết Trung Quốc, nghiên cứu trào lưu (sự chuyển hướng sáng tác của trào lưu tiểu thuyết tiên phong, tiểu thuyết nữ tính, tiểu thuyết Linglei, sáng tác tiểu thuyết online), nghiên cứu khuynh hướng sáng tác thân thể, thông tục… các tác giả cho rằng trong hai thập niên đầu thế kỷ XXI, sáng tác và nghiên cứu tiểu thuyết Trung Quốc có bước tiến dài. Trong đó đề tài nông thôn được chú ý nhất, đáng lưu ý là các tác phẩm viết về sự phát triển của nông thôn, sự chuyển dịch của con người từ nông thôn đến thành thị. Bên cạnh đó các đề tài về công nghiệp, trí thức, quân sự, quan chức, giáo dục, đề tài chủ nghĩa hiện thực, chống hữu phái… cũng được khai thác rất lớn.
Bước sang thế kỷ XXI, trào lưu sáng tác tiểu thuyết tiên phong vẫn đi tiếp với sự kế thừa sáng tác của thế kỷ XX, tuy nhiên khuynh hướng sáng tác luôn gắn với độc giả và giới nghiên cứu. Đáng lưu ý là khuynh hướng sáng tác thân thể thịnh hành trong sáng tác của một số nhà văn trẻ và một số nhà văn tiên phong chuyển hướng sáng tác trong những năm cuối thế kỷ XX. Các tiểu thuyết gia tiểu biểu đi theo khuynh hướng sáng tác này có Vệ Tuệ, Miên Miên, Cửu Đan, Xuân Thụ, Tàn Tuyết, Mạc Ngôn, Hàn Đông, Lâm Bạch, Trần Nhiễm…; Sáng tác thân thể gây nhiều tranh cãi ở Trung Quốc và có sự giảm nhiệt nhất định trong hai thập niên đầu thế kỷ XXI. Bên cạnh đó, khuynh hướng sáng tác thông tục lại trở nên phong phú và đa dạng với các thể loại như huyền huyễn, huyền ảo, tiểu thuyết thanh xuân, thanh xuân vườn trường, tiểu thuyết quân sự, xuyên không, ngôn tình…
Như vậy có thể thấy, xuất phát từ nhu cầu thị trường, bối cảnh xã hội và sự chuyển hướng, tìm tòi, đổi mới trong sáng tác của các tiểu thuyết gia chính là yếu tố làm nên sự đa dạng cho tiểu thuyết thông tục, ngoài ra các tiểu thuyết gia theo trào lưu sáng tác chủ nghĩa hiện thực cũng có những cố gắng nhất định trong những năm gần đây. Bên cạnh đó, các khuynh hướng sáng tác theo sự kiện hóa, Âu hóa, tin tức hóa… cũng bắt nhịp và theo kịp bước tiến của thời đại hội nhập và phát triển công nghệ thông tin.
Chương 4: Tổng luận nghiên cứu, thông tin về đặc điểm nghệ thuật tiểu thuyết và một số tiểu thuyết gia Trung Quốc tiêu biểu hai thập niên đầu thế kỷ XXI
Phần này cung cấp các thông tin liên quan đến tổng luận nghiên cứu, thông tin về đặc điểm nghệ thuật tiểu thuyết Trung Quốc thế kỷ mới, nghệ thuật tự sự, không gian và thời gian nghệ thuật, nghệ thuật ngôn từ, các tiểu thuyết gia tiên phong, tiểu thuyết gia “tầm căn”, tiểu thuyết gia nữ tính, tiểu thuyết gia Linglei… Qua đó nhóm tác giả cho rằng trong hai thập niên đầu thế kỷ XXI, tiểu thuyết Trung Quốc đã phản ánh sinh động mọi mặt đời sống hiện thực Trung Quốc, nổi bật nhất là tự sự chung về hiện thực nông thôn, đô thị, vùng miền…, tiểu thuyết Trung Quốc còn khai thác những góc khuất nẻo trong đời sống con người ở các khía cạnh tự sự cá nhân, tinh thần và văn hóa tư tưởng.
Thuật tự sự của tiểu thuyết, tập trung vào các vấn đề như: loại hình tự sự, mô hình tự sự truyền thống, mô hình tự sự hiện đại, tự sự gia đình, tự sự phê phán, tự sự hình ảnh hóa, tự sự nông thôn, tự sự đô thị, tự sự nông thôn mới, tự sự về tầng lớp dưới, tự sự thân thể nữ giới, tự sự mang màu sắc truyền kì, tự sự mũi nhọn về câu chuyện nhân sinh… Cùng với sự chuyển hướng sáng tác của nhiều tiểu thuyết gia trong thế kỷ mới, các nhà văn tiếp tực hướng góc nhìn về tự sự tầng lớp dưới nhưng mở rộng tự sự về nông thôn, quay về với tự nhiên, tự sự cuồng hoan hóa, tự sự về bản thân.
Thời gian và không gian nghệ thuật là góc độ nghiên cứu cơ bản về tiểu thuyết. Do đó có thể thấy nghiên cứu sáng tác các tiểu thuyết Trung Quốc là nghiên cứu không gia nghệ thuật, trong đó bao gồm cả thời gian nghệ thuật của tác phẩm và tác gia sáng tác, tiểu thuyết Trung Quốc thời gian này có đội ngũ nhà văn hùng hậu, trải dài qua nhiều thế hệ, vùng miền. Chính vì thế tiêu chí lựa chọn trong nghiên cứu chỉ tập trung vào các tiểu thuyết gia được coi là hiện tượng trên văn đàn hoặc được giới nghiên cứu chú ý hoặc họ phải giành được những thành tựu nhấ định như Mạc Ngôn, Vương Mông, Tàn Tuyết, Triệu Thụ Lý, A Thành, Trương Hiền Lượng, Như Chí Quyên…
Như vậy, có thể thấy, trải qua một chặng đường nghiên cứu 20 năm, tuy không phải là dài nhưng cũng không quá ngắn nhưng thành tựu nghiên cứu về tiểu thuyết Trung Quốc của các nhà nghiên cứu văn học Trung Quốc là không thể phủ nhận, tìm hiểu tiến trình nghiên cứu tiểu thuyết Trung Quốc tại Trung Quốc cũng như tại Việt Nam sẽ góp phần tạo hướng đi cho các nhà nghiên cứu, học giả, học sinh, sinh viên Việt Nam dần dần tiếp cận được với mảng sáng tác thú vị và phong phú này, từ đó ít nhiều gợi mở được cho việc nghiên cứu và học tập văn học Trung Quốc trong nhà trường hay các viện nghiên cứu chuyên sâu về văn học Trung Quốc.
Trân trọng giới thiệu tới bạn đọc ấn phẩm sách chuyển khảo đặc biệt này.
Phạm Vĩnh Hà