Trong những năm gần đây, kinh tế và chính trị thế giới liên tục xuất hiện những sự kiện, vấn đề mới, gây ảnh hưởng cả về ngắn hạn và dài hạn đến sự phát triển của thế giới nói chung và của mỗi quốc gia nói riêng. Xu hướng bảo hộ kinh tế vẫn tiếp tục với những diễn biến mới của cạnh tranh kinh tế Mỹ - Trung; các vấn đề về nợ của thế giới vẫn tiến triển theo hướng tiêu cực, gây rủi ro về khủng hoảng tài chính trên cả quy mô khu vực và thế giới.
Để giúp bạn đọc có thêm tư liệu về vấn đề này, tháng 11/2022, Nhà Xuất bản Khoa học xã hội đã phát hành ấn phẩm mang tên: Kinh tế và Chính trị thế giới: Báo cáo thường niên năm 2021. Đây là sách chuyên khảo do TS. Nghiêm Tuấn Hùng, cùng tập thể tác giả Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) chủ biên, ngoài Lời nói đầu và Tài liệu tham khảo, cuốn sách được kết cấu thành các chương như sau:
Chương 1: Tổng quan Kinh tế và Chính trị thế giới năm 2021
Phần này thông qua việc nghiên cứu các nhóm vấn đề như: Tổng quan kinh tế thế giới năm 2021 (tình hình tăng trưởng kinh tế thế giới, các nhân tố ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế thế giới); Thương mại toàn cầu (những xu hướng thương mại toàn cầu, biến động mới của thị trường dầu mỏ); Đầu tư trực tiếp nước ngoài (xu hướng và các nhân tố ảnh hưởng đến đầu tư trực tiếp nước ngoài); Tài chính – tiền tệ toàn cầu (gia tăng các gói hỗ trợ tài chính toàn cầu, động thái các đồng tiền chủ chốt và thị trường tài chính toàn cầu); Tổng quan chính trị thế giới năm 2021 (các yếu tố tác động đến chính trị thế giới năm 2021, Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trở thành tâm điểm địa chính trị, nhiều mối quan hệ ở trạng thái lưỡng nan, những điểm nóng xung đột và mâu thuẫn, các vấn đề an ninh phi truyền thống), nhóm tác giả cho rằng đại dịch Covid-19 đã đặt ra nhiều thách thức đối với nền kinh tế và chính trị thế giới, dù có những dấu hiệu khởi sắc và tích cực hơn cho nền kinh tế thế giới nhưng đối với chính trị thế giới bên cạnh những vấn đề là hệ quả của đại dịch, năm 2021 vẫn là năm chứng kiến hàng loạt các thách thức mà trật tự thế giới dựa trên luật lệ phải đối mặt và cho thấy sự cạnh tranh giữa các cường quốc đang dần trở nên phổ biến và ngày càng phức tạp hơn.
Nếu so sánh tác động từ đại dịch, có thể thấy nền kinh tế thế giới đã và đang chịu nhiều tác động khá toàn diện, còn nền chính trị thì có nhiều sự vận động và diễn biến riêng trên nhiều chiều cạnh, nhiều câu hỏi được đặt ra bao gồm: kinh tế thế giới sẽ phục hồi theo kịch bản nào chữ V hay chữ W, các quan hệ kinh tế quốc tế sẽ thay đổi ra sao, nhiều ý kiến cho rằng xu thế toàn cầu hóa sẽ chấm dứt sau các chuỗi sản xuất và cung ứng bị gián đoạn như hiện tại, chủ nghĩa bảo hộ và tình trạng giành giật, đổ lỗi cho nhau gia tăng, vị thế của các tổ chức đa phương như WTO, WHO… đang bị thách thức nghiêm trọng,… đã được nhóm tác giả phân tích và làm rõ, qua đó cung cấp cho bạn đọc góc nhìn chân thực hơn về lĩnh vực này.
Chương 2: Những vấn đề nổi bật của Kinh tế và Chính trị thế giới năm 2021
Thông qua việc phân tích và làm rõ các nhóm vấn đề có liên quan đến những điểm sáng của kinh tế thế giới năm 2021 (tình trạng căng thẳng và bảo hộ thương mại toàn cầu được cải thiện, sự nổi lên của kinh tế số và kinh tế y tế); Những thách thức đối với nền kinh tế thế giới năm 2021 (gián đoạn và đứt gãy chuỗi cung ứng, áp lực nợ toàn cầu gia tăng, nguy cơ lạm phát mở rộng, rủi ro khủng hoảng năng lượng, áp lực thất nghiệp, việc làm và đảm bảo an sinh xã hội gia tăng); Những vấn đề nổi bật của chính trị thế giới năm 2021 (Mỹ thực thi chủ nghĩa đa phương có chọn lọc (quan điểm đa phương trong chính trị đối ngoại của Mỹ, thực thi hợp tác đa phương trong quan hệ đối ngoại của Mỹ)); Chiến lược và thực tiễn đối ngoại tham vọng của Trung Quốc (Trung Quốc quyết tâm trở thành siêu cường, những động thái chiến lược ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương); Mối quan hệ phức tạp giữa Mỹ, Nga và Trung Quốc; Tình hình Biển Đông tiếp tục căng thẳng, (Trung Quốc tiếp tục làm tình hình căng thẳng, Mỹ và đồng minh tập hợp lực lượng phản ứng lại Trung Quốc); Những thách thức đối với Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông là phép thử đối với sự đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN); Ứng phó với đại dịch Covid-19 (cạnh tranh các mô hình chống dịch, đánh giá các mô hình phòng, chống và thích ứng với đại dịch, hợp tác quốc tế trong việc phòng chống đại dịch Covid-19 là cần thiết), nhóm tác giả cho rằng: nhìn chung những vấn đề cơ bản của kinh tế thế giới trong giai đoạn này luôn gắn liền với những diễn biến của đại dịch Covid-19 và phản ứng của các quốc gia; Những vấn đề nổi bật của chính trị thế giới lại đa dạng hơn không hẳn là hệ quả của đại dịch mà mà một sự vận động tất yếu. Nổi lên trên hết vẫn là sự cạnh tranh siêu cường của Trung Quốc và Mỹ, họ là hai quốc gia chủ thể luôn dẫn dắt mọi cuộc chơi. Do vậy, những vấn đề nổi bật chủ yếu xoay quanh chiến lược và quan hệ giữa hai nước này. Điều đó góp phần khẳng định đại dịch Covid-19 chính là một đặc điểm riêng, khiến cho mô hình kinh tế và xã hội của thế giới có sự thay đổi rất lớn. “Giãn cách xã hội” và “nền kinh tế không tiếp xúc” đã dần trở thành vấn đề bình thường. Nhiều quốc gia Châu Âu đã quyết định đóng cửa nhiều đường phố đối với ô tô để dành cho người dân đi xe đạp vừa nhằm cải thiện môi trường đô thị vừa hạn chế sự tiếp xúc đông người trên các phương tiện công cộng. Trong cơ cấu sản xuất, kinh tế số đang và sẽ ngày càng lên ngôi, các ngành liên quan đến bảo vệ sức khỏe con người được quan tâm nhiều hơn, các hoạt động trực tuyến ngày càng phổ biến đã làm thay đổi lối sống và phương thức làm việc…
Chương 3: Triển vọng Kinh tế và Chính trị thế giới năm 2022
Thông qua các nhóm vấn đề: Xu hướng phát triển, những thách thức phải đối diện, nhóm tác giả cho rằng tình hình thế giới luôn có những biến động khó lường, những sự kiện và phát triển mới đều có muôn ngàn mối dây liên hệ với các sự vật, hiện tượng khác nhau trong quan hệ kinh tế và chính trị thế giới.
Hành vi của các quốc gia và các chủ thể khác nhau trong quan hệ kinh tế và chính trị thế giới đương đại được thể hiện qua các chính sách đáp ứng với những thách thức và cơ hội do sự vận động và tình hình thế giới mang lại càng làm cho quan hệ kinh tế và chính trị thế giới trở nên phức tạp hơn nữa. Năm 2022 dư báo kinh tế và chính trị thế giới sẽ tiếp tục có thêm nhiều diễn biến phức tạp, những rủi ro và nguy cơ khủng khoảng kinh tế không mất đi và khả năng phục hồi phụ thuộc vào nhiều việc khống chế đại dịch, xu hướng cạnh tranh giữa các nước lớn nảy sinh từ trước đại dịch sẽ tiếp tục tiếp diễn, một số cấu trúc chính trị - an ninh quốc tế sẽ thay đổi, tình hình khu vực trong đó có tình hình Biển Đông càng ngày càng trở nên phức tạp, các đại chiến lược như “Vành đai Con đường”, “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và mở rộng” tiếp tục tiếp diễn. Chính vì thế, việc nghiên cứu tình hình thế giới một cách khách quan và khoa học luôn là một thách thức đối với các học giả và càng trở nên cấp thiết nhằm phục vụ nhu cầu đóng góp vào việc hoạch định và xây dựng chính sách đối với sự phát triển của quốc gia….
Có thể khẳng định cuốn sách là công trình nghiên cứu công phu nghiêm túc được nhóm tác giả tham khảo, phân tích và tổng hợp dựa các nguồn tư liệu uy tín. Với những nội dung được phân tích sắc sảo, hy vọng cuốn sách sẽ cung cấp nguồn thông tin tham khảo bổ ích cho độc giả, những người quan tâm tới vấn đề này.
Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!
Phạm Vĩnh Hà