Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
  • Thư viện điện tử và kho tin
  • Đề tài nghiên cứu cấp bộ
  • Đề tài nghiên cứu cấp nhà nước
  • Tham khảo tạp chí
  • Sách toàn văn
  • Thư điện tử
  • Chính phủ
  • 7.1 sach hang nam

Chiến lược phát triển thương hiệu quốc gia ở Nhật Bản và Hàn Quốc gợi ý cho Việt Nam

08/08/2023


Cơ quan soạn thảo: Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

Tác giả :
  • TS. Hoàng Minh Lợi (chủ biên)
  • PGS.TS. Lê Đình Chỉnh
  • TS. Trần Thị Nhung
  • TS. Hạ Thị Lan Phi
  • TS. Ngô Hương Lan
  • ThS. Phan Thị Oanh
  • ThS. Nguyễn Ngọc Long
  • ThS. Hà Thị Hậu
  • ThS. Nguyễn Thị Ngọc Anh
  • ThS. Nguyễn Thị Ngọc Bé

Địa chỉ liên hệ: 176 Thái Hà

Năm xuất bản: 2022

Số trang: 233

Cho đến nay, thành công của Nhật Bản và Hàn Quốc trong việc nâng cao hình ảnh đất nước trên trường quốc tế đã cho thấy vị trí, vai trò rất lớn của chiến lược phát triển thương hiệu quốc gia tại hai đất nước này. Trong thời đại ngày nay, việc nâng cao hình ảnh cũng như thương hiệu quốc gia ngày càng nhận được sự quan tâm rất lớn không chỉ của người dân địa phương mà của cả Chính phủ cấp quốc gia, Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Để góp phần cung cấp thêm cho độc giả thông tin về vấn đề này, tháng 12/2022 Nhà Xuất bản Khoa học xã hội đã phát hành sách chuyên khảo với tựa đề “Chiến lược phát triển thương hiệu quốc gia ở Nhật Bản và Hàn Quốc gợi ý cho Việt Nam” do TS. Hoàng Minh Lợi, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (chủ biên), ngoài Lời nói đầu và Kết Luận, cuốn sách bao gồm các chương dưới đây:

Chương 1: Cơ sở lý luận về chiến lược phát triển thương hiệu quốc gia

Phần này cung cấp các thông tin liên quan đến quan điểm, khái niệm về thương hiệu, phát triển thương hiệu, chiến lược thương hiệu; Quan điểm, khái niệm quốc tế về thương hiệu quốc gia của Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam. Qua đó, nhóm tác giả cho rằng: Thương hiệu, thương hiệu quốc gia, phát triển thương hiệu nói chung, chiến lược thương hiệu quốc gia…từ lâu đã được đề cập với các quan điểm, khái niệm khác nhau của nhiều tổ chức xã hội bao gồm: giới học giả, cơ quan, cá nhân ở khắp mọi nơi trên thế giới trong đó có cả Việt Nam, Hàn Quốc và Nhật Bản. Nhìn chung cho đến nay thương hiệu quốc gia, phát triển thương hiệu quốc gia được xem là một trong những nhân tố quan trọng bậc nhất đối với mỗi quốc gia. Tuy nhiên, đến nay cũng chưa có sự thống nhất chung về đặc trưng, tiêu chí, nội hàm của thương hiệu quốc gia, phát triển thương hiệu quốc gia. Vì vậy, đến nay vẫn chưa tìm được khái niệm thống nhất về vấn đề này nên rất cần có thêm nhiều nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực này trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, cần phải nhận định rằng chiến lược phát triển thương hiệu quốc gia không chỉ là yêu cầu bức thiết mà còn là một trong những nhân tố quyết định nhất đối với việc tăng cường sức mạnh nội sinh của mọi quốc gia. Nội hàm của chiến lược phát triển thương hiệu quốc gia chính là mục tiêu,  phương thức, thành tựu của phát triển thương hiệu quốc gia nhằm nâng cao vị thế, hình ảnh của quốc gia đó ra toàn thế giới. Với ý nghĩa đó nhóm tác giả khẳng định thêm: Thương hiệu quốc gia là một bộ phận cấu thành của chiến lược phát triển quốc gia nói chung và được cấu thành từ các nhóm nhân tố có tác động qua lại lẫn nhau bao gồm: lịch sử, văn hóa và truyền thống; Các giá trị quốc gia (về điều kiện tự nhiên, dân số, kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quan hệ quốc tế…), con người và năng lực điều hành của Nhà nước của chính quốc gia đó.

Chương 2: Chiến lược phát triển thương hiệu quốc gia ở Nhật Bản và Hàn Quốc

Thông qua việc khái quát về bối cảnh, chiến lược phát triển thương hiệu quốc gia trước năm 2000 ở Nhật Bản và Hàn Quốc; Mục tiêu, Phương thức và thành tựu của chiến lược phát triển thương hiệu quốc gia tại hai quốc gia này, nhóm tác giả cho rằng: Phân tích chiến lược phát triển thương hiệu quốc gia ở cả Nhật Bản và Hàn Quốc không thể không đề cập đến các mục tiêu của chiến lược. Đây là nền tảng đầu tiên và đặc biệt quan trọng trong hệ thống chiến lược phát triển thương hiệu quốc gia. Bởi lẽ, thực tế đã chỉ ra rằng phát triển nguồn nhân lực đã được triển khai, thực hiện từ rất lâu và là nhân tố quan trọng dẫn tới sự thành công trong phát triển đất nước qua các giai đoạn lịch sử trước năm 2000 ở cả Nhật Bản và Hàn Quốc. Tuy vậy, các mục tiêu trong chiến lược phát triển thương hiệu quốc gia ở hai quốc gia này từ đầu thế kỷ XXI đến nay đều có nhiều thay đổi so với các giai đoạn lịch sử trước đó do có sự tác động của bối cảnh trong nước và quốc tế, do toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp lần thứ ba. Theo đó các mục tiêu của chiến lược phát triển thương  hiệu quốc gia luôn gắn với quảng bá hình ảnh nhằm nâng cao vị thế đất nước cùng với các mục tiêu cụ thể của những lĩnh vực nổi trội nhằm tăng cường sức cạnh tranh quốc tế. Đây cũng là yếu tố tạo nên sự cuốn hút, ấn tượng đối với bạn bè, nhiều quốc gia trên thế giới nhằm phát triển và mở rộng thương hiệu quốc gia.

Chương 3: Đánh giá, bài học kinh nghiệm về chiến lược phát triển thương hiệu quốc gia ở Nhật Bản, Hàn Quốc và gợi ý cho Việt Nam

Phần này cung cấp các thông tin đánh giá chung về chiến lược phát triển thương hiệu quốc gia của Nhật Bản và Hàn Quốc; Những điểm tương đồng và thành công nổi bật về thương hiệu quốc gia, chiến lược phát triển thương hiệu quốc gia; Những điểm khác biệt đặc thù về thương hiệu quốc gia, chiến lược phát triển thương hiệu quốc gia; Những bài học kinh nghiệm của Nhật Bản và Hàn quốc về phát triển thương hiệu quốc gia và một số gợi ý cho Việt Nam. Qua đó nhóm tác giả nhận định: Chiến lược phát triển thương hiệu quốc gia của cả Nhật Bản và Hàn Quốc được triển khai, thực hiện với nhiều phương thức khác nhau. Ngay từ những năm đầu thế kỷ XXI, cả Nhật Bản và Hàn Quốc đều đã triển khai các phương thức dựa trên các nguồn lực trụ cột của quốc gia, tập trung vào các lĩnh vực, tập đoàn lớn có năng lực cạnh tranh cao trong các ngành chủ lực về kinh tế, khoa học – công nghệ, văn hóa, quyền lực mềm…với vai trò định hướng chủ đạo từ trung ương. Vai trò này thể hiện ở việc định hướng, chỉ đạo, quản lý ở tầm vĩ mô thông qua các cơ quan chính quyền cấp từ trung ương đến địa phương.

Ngoài vai trò của chính quyền từ trung ương đến địa phương còn có thêm sự tham gia của các tổ chức xã hội trực thuộc các Bộ, ngành của chính quyền trung ương đã thực sự tạo nên những bước chuyển biến mới về chiến lược phát triển thương hiệu quốc gia ngay từ những năm đầu thế kỷ XXI đến nay.

Như vậy có thể thấy rằng để đạt được những thành công to lớn về phát triển thương hiệu quốc gia, Nhật Bản và Hàn Quốc đều luôn phải củng cố các mục tiêu đồng thời luôn đưa ra được những phương thức, giải pháp phù hợp hơn trong giai đoạn mới nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu quảng bá hình ảnh, nâng cao vị thế quốc gia của họ ra với toàn cầu.

Từ những năm 1990, bên cạnh những thành tựu to lớn về phát triển thương hiệu quốc gia, cả Nhật Bản và Hàn Quốc đều không tránh khỏi những hạn chế, bất cập trong chiến lược phát triển thương hiệu. Song điều đó lại trở thành những bài học kinh nghiệm hữu ích đối với các quốc gia đang phát triển trong đó có Việt Nam. Qua việc nghiên cứu những kinh nghiệm thành công và cả những hạn chế, Việt Nam sẽ nhận rõ hơn được vị trí, vai trò của việc phát triển thương hiệu quốc gia trên con đường phát triển CNH, HĐH đất nước hiện tại. Đồng thời, góp phần định hướng quan điểm về  phát triển thương hiệu quốc gia là lộ trình tất yếu, từng bước giúp Việt Nam thực hiện tốt hơn việc quảng bá hình ảnh, nâng cao vị thế của mình hơn nữa trên trường quốc tế theo lối đi mang những đặc trưng riêng có, phù hợp với tiềm năng về nguồn lực, chính sách của Nhà nước… Qua đó, góp phần quan trọng vào việc đẩy nhanh tiến trình CNH, HĐH, phát triển đất nước phát triển bền vững hơn trong tương lai.

Có thể khẳng định cuốn sách là công trình nghiên cứu công phu nghiêm túc được nhóm tác giả tham khảo, phân tích và tổng hợp dựa các nguồn tư liệu uy tín. Với những nội dung được phân tích sắc sảo, hy vọng cuốn sách sẽ cung cấp nguồn thông tin tham khảo bổ ích cho độc giả, những người quan tâm tới vấn đề này.

Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!

Phạm Vĩnh Hà


Các tin đã đưa ngày: