 |
|
Tầng lớp trung lưu từ lâu đã có một vai trò đặc biệt trong tư duy phát triển với các vai trò khác nhau như đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, giảm nghèo và ổn định xã hội. Nhiều nghiên cứu đã khẳng định, những tiến bộ trong đời sống vật chất thay đổi hành vi và tư duy của con người. Cuộc sống của tầng lớp trung lưu được thiết lập từ những mỗi quan hệ trừu tượng trên cơ sở những giá trị chung… Khi các quốc gia càng giàu lên thì ảnh hưởng của các tổ chức tôn giáo giảm xuống và khi mọi người chuyển từ nhu cầu “an toàn” lên nhu cầu “được kính trọng” trong kim tự tháp của Maslow thì một số quan điểm truyền thống cũng thay đổi. Sự phát triển của tầng lớp trung lưu và các chính sách để phát triển tầng lớp này rất là quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế, ổn định xã hội và chính trị. Sự phát triển của tầng lớp trung lưu cũng có thể được coi như một khía cạnh của phát triển con người, để cho con người không những với được đến những của cải lợi ích thiết yếu mà còn thật sự có được quyền tự do lựa chọn cách sống của mình. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, sự phát triển của tầng lớp trung lưu đã cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống của nhiều người.
Trong hơn hai thập kỷ qua, nhất là từ năm 2000 đến nay, Việt Nam đã đạt được những thành tựu nổi bật về phát triển kinh tế xã hội. Quá trình phát triển kinh tế xã hội kể từ Đổi mới đã cải thiện đáng kể cuộc sống vật chất và tinh thần của hầu hết người dân Việt Nam. Theo Báo cáo phát triển con người Việt Nam năm 2015 về tăng trưởng bao trùm, Việt Nam đã thực hiện tốt ba thành tố phát triển con người là thu nhập, giáo dục và y tế trong suốt 35 năm qua, nhưng gần đây kết quả không được tốt như trước. Điều đáng lưu ý là thành tích đạt được chưa tương xứng với thực lực gần đây trong việc chuyển đổi thành tựu kinh tế sang năng lực đầy đủ của người dân. Để hiểu rõ hơn về tầng lớp trung lưu ở Việt Nam cũng như vai trò của tầng lớp này đối với tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam, năm 2022, Nhà xuất bản Khoa học xã hội xuất bản cuốn sách chuyên khảo với tựa đề “Đặc trưng và vai trò của tầng lớp trung lưu ở Việt Nam” do TS. Lê Kim Sa làm chủ biên. Cuốn sách là kết quả nghiên cứu của đề tài cấp Bộ của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam do Trung tâm Phân tích và Dự báo chủ trì, TS. Lê Kim Sa làm Chủ nhiệm. Công trình này kế thừa những nghiên cứu trước đó về động thái phát triển của tầng lớp trung lưu Việt Nam của chính tác giả từ năm 2017.
Ngoài Lời mở đầu và Kết luận, nội dung chính của cuốn sách được kết cấu thành 4 Chương:
Chương 1. Một số vấn đề lý thuyết và khung phân tích về vai trò của tầng lớp trung lưu với tăng trưởng kinh tế
Dựa trên các nghiên cứu về tầng lớp trung lưu trên thế giới và trong nước, đồng thời kế thừa kết quả của nghiên cứu trước của nhóm tác giả, nội dung của chương này tập trung thảo luận một số vấn đề mang tính lý thuyết; thống nhất về khái niệm và phương pháp xác định tầng lớp trung lưu; từ đó đưa ra một khung phân tích về vai trò của tầng lớp trung lưu với tăng trưởng kinh tế và khả năng ứng dụng vào Việt Nam. Để có thể phân tích sâu hơn trong chương tiếp theo, nhóm tác giả xem xét ba đóng góp chính của tầng lớp trung lưu Việt Nam đối với tăng trưởng kinh tế: Thứ nhất, tầm quan trọng của thị trường nội địa đối với tăng trưởng kinh tế; Thứ hai, trong trung hạn, một bộ phận của tầng lớp trung lưu có đủ tài sản để chấp nhận rủi ro hơn và trở thành những doanh nhân thành đạt có doanh nghiệp thúc đẩy tăng trưởng và tạo việc làm; Thứ ba, trong dài hạn, xét về mặt bằng chung, tầng lớp trung lưu cũng còn là nguồn đầu tư và tích lũy vốn nhân lực và vốn vật chất, từ đó thúc đẩy tăng trưởng hơn nữa trong dài hạn.
Chương 2. Bối cảnh kinh tế xã hội thế giới và sự gia tăng tầng lớp trung lưu toàn cầu
Trong chương này, nhóm tác giả tập trung đánh giá bối cảnh kinh tế xã hội và thực tiễn tầng lớp trung lưu trên thế giới. Phân tích về sự gia tăng của tầng lớp trung lưu toàn cầu, nghiên cứu đã chỉ ra một số vấn đề nổi bật sau: (i) Sự phát triển của thế giới hiện nay đã làm thu nhập của người lao động tăng lên một cách nhanh chóng, do vậy dã tạo ra một sự chuyển đổi có tính hiện tượng, đó là hình thành một tầng lớp trung lưu rộng lớn hơn; (ii) Ở nhiều quốc gia đã đưa hệ thống giáo dục phổ cập vào thực tiễn cũng như tăng đầu tư giáo dục đại học… điều này dẫn đến những kỹ nghệ tốt hơn cũng như sự gia tăng vốn con người; (iii), sự mở rộng phổ thông đầu phiếu dẫn đến sự gia tăng quyền lực chính trị của tầng lớp lao động; (iv), Tầng lớp trung lưu giờ đây đã sở hữu nhiều tài sản hơn và thụ hưởng nền giáo dục tốt hơn, vì thế nhiều khả năng họ sẽ thúc đẩy các thể chế xã hội có thể bảo vệ được quyền lợi của họ thay vì thay đổi hiện trạng.
Nhóm nghiên cứu cho rằng, khi có một tầng lớp trung lưu đủ lớn, có thể tạo ra những ảnh hưởng quan trọng đối với thực tiễn của mô hình nhà nước bảo trợ và các hình thức tham nhũng dựa vào quyền lực đi cùng với nó.
Chương 3. Đặc trưng và vai trò của tầng lớp trung lưu đối với tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam
Tập trung phân tích vai trò của tầng lớp trung lưu đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam qua các cách tiếp cận dài hạn, trung hạn và ngắn hạn. Nhóm nghiên cứu khẳng định, sự hình thành và phát triển của tầng lớp trung lưu Việt Nam là một tất yếu trong quá trình phát triển kinh tế xã hội của đất nước, phản ánh đặc thù là nền kinh tế chuyển đổi từ nông nghiệp sang công nghiệp, từ truyền thống sang hiện đại, từ bao cấp kế hoạch hóa sang thị trường, đã và đang phá vỡ kết cấu nông nghiệp, chuyển từ kinh tế nông nghiệp nền kinh tế công nghiệp phát triển hiện đại, giải quyết được vấn đề nghèo đói, từ đó thay đổi phương thức sống của đại bộ phận dân cư, tạo nền tảng cho tăng trưởng kinh tế.
Chương 4. Một số quan điểm và kiến nghị chính sách
Chia sẻ quan điểm về sự phát triển và vai trò của tầng lớp trung lưu, các tác giả cho rằng: (i) Việt Nam cần có một chính sách phù hợp dành cho tầng lớp trung lưu đang ngày càng gia tằng; (ii) Sự phát triển của tầng lớp trung lưu đòi hỏi có sự kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế và công bằng xã hội, trong đó ưu tiên hàng đầu là tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững; (iii) Sự phát triển của tầng lớp trung lưu Việt Nam cũng đặt ra những đòi hỏi và nhu cầu đa dạng về văn hóa, giải trí, y tế và giáo dục; (iv) Vì tầng lớp trung lưu của Việt Nam là tương đối mỏng nên chính phủ cần phải có những chính sách nhằm gia tăng quy mô của tầng lớp này về cả tương đối lẫn tuyệt đổi; (v)Hệ thống chính sách hướng tới phát triển tầng lớp trung lưu sẽ là các chính sách nhằm phân bổ lịa sản xuất, sắp xếp lại lao động nhằm hướng tới những kỹ năng cao hơn, nâng cao hiệu quả lao động cũng như toàn nền kinh tế, từ đó bảo đảm hướng tới nâng cao đời sống nhân dân.
Trên cơ sở những phân tích trên, nhóm tác giả đề xuất một số kiến nghị chính sách. Trong đó, Việt Nam cần có một chính sách phù hợp dành cho tầng lớp trung lưu đang ngày càng gia tăng. Các kiến nghị chính sách hướng tới việc xây dựng một hệ thống chính sách hướng tới phát triển tầng lớp trung lưu sẽ là cách chính sách nhằm phân bổ lại sản xuất, sắp xếp lại lao động nhằm hướng tới những kỹ năng cao hơn, nâng cao hiệu quả lao động cũng như toàn nền kinh tế, từ đó bảo đảm hướng tới nâng cao đời sống của người dân. Bên cạnh đó, mở rộng và đa dạng hóa hệ thống bảo hiểm xã hội theo phương hướng tiện lợi cho người dân, tiếp tục cải cách nền hành chính nhà nước, giảm thiểu các thủ tục, minh bạch hóa các hoạt động dịch vụ, tài chính, chính sách công,…
Cuốn sách là công trình nghiên cứu công phu của tập thể tác giả, hy vọng nội dung của cuốn sách sẽ là tài liệu hữu ích cho các nhà nghiên cứu, xây dựng chính sách và độc giả quan tâm tới mô hình tăng trường kinh tế của Việt Nam, trong đó có sự đóng góp quan trọng của tầng lớp trung lưu.
Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!
Nguyễn Minh Hồng
Nhà xuất bản Khoa học xã hội