Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
  • Thư viện điện tử và kho tin
  • Đề tài nghiên cứu cấp bộ
  • Đề tài nghiên cứu cấp nhà nước
  • Tham khảo tạp chí
  • Sách toàn văn
  • Thư điện tử
  • Chính phủ
  • 7.1 sach hang nam

Vốn xã hội trong bảo tồn văn hóa truyền thống ở Nhật Bản và Hàn Quốc: Kinh nghiệm đối với Việt Nam

14/08/2023


Tác giả :
  • TS. Ngô Hương Lan (Chủ biên)
  • TS. Phan Cao Nhật Anh
  • TS. Trần Quang Minh
  • TS. Hoàng Minh Lợi
  • TS. Hoàng Minh Hằng
  • ThS. Phùng Diệu Anh
  • ThS. Phan Thị Oanh
  • ThS. Phạm Thị Nhung

Năm xuất bản: 2022

Số trang: 276

 

Khái niệm vốn xã hội ra đời từ những năm đầu thế kỷ XX, song phải đến những năm 1980 -1990 vốn xã hội mới được quan tâm nghiên cứu một cách đầy đủ. Ở Nhật Bản, vốn xã hội có sự biến đổi từ những năm 1950, do sự biến đổi của cộng đồng dân cư và những mối quan hệ nội tại trong nó, nhưng phải đến những năm đầu thập niên 2000, các nhà xã hội học Nhật Bản mới ý thức được tầm quan trọng của vốn xã hội và tiến hành nghiên cứu nó một cách toàn diện. Vốn xã hội ở Nhật Bản đã có sự thay đổi cơ bản, vốn xã hội – từ hiệu quả kinh tế - xã hội của mối quan hệ giữa những người hàng xóm, cư dân trong vùng đã tiến tới được nhìn nhận như là hiệu quả phát triển của xã hội thị dân mà trọng tâm là các tổ chức công dân mới. Đối với Hàn Quốc, bước sang thế kỷ XXI, khái niệm vốn xã hội không chỉ được dùng trong nghiên cứu khoa học mà còn trở thành một từ khóa của các lý thuyết chính sách kinh tế, xã hội. Vốn xã hội được cho là cơ sở để duy trì trật tự, an toàn xã hội, phát triển bền vững trên cơ sở những nội lực sẵn có.

Nhật Bản và Hàn Quốc là hai quốc gia có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam về văn hóa và xã hội. Hai quốc gia này không những thành công trong phát triển kinh tế mà còn là các quốc gia nổi tiếng với những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo cùng những tài sản văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần được bảo tồn và gìn giữ qua nhiều thế kỷ. Bởi vậy, việc học tập kinh nghiệm từ Nhật Bản và Hản Quốc trong việc phát huy hiệu quả các nguồn vốn xã hội, các nguồn lực địa phương trong bảo tồn văn hóa truyền thống là việc làm cần thiết đối với chúng ta hiện nay.

Để có thêm thông tin cũng như góc nhìn khách quan về việc vận dụng vốn xã hội để bảo tồn văn hóa truyền thống ở Nhật Bản và Hàn Quốc, năm 2022, Nhà xuất bản Khoa học xã hội xuất bản cuốn sách chuyên khảo với tựa đề “Vốn xã hội trong bảo tồn văn hóa truyền thống ở Nhật Bản và Hàn Quốc – Kinh nghiệm đối với Việt Nam” do TS. Ngô Hương Lan làm chủ biên. Cuốn sách là kết quả nghiên cứu của Đề tài cấp Bộ cùng tên của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam giao cho Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á chủ trì thực hiện, TS. Ngô Hương Lan làm chủ nhiệm.

Ngoài Lời nói đầu và Kết luận, nội dung chính của cuốn sách được bố cục thành 4 Chương:

Chương 1. Một số vấn đề lý thuyết

Trong chương này, nhóm tác giả đã khảo cứu và điểm luận các công trình nghiên cứu cũng như các trường phái nghiên cứu về vốn xã hội trên thế giới, từ đó khái lược về lịch sử hình thành khái niệm vốn xã hội, xác định nội hàm định nghĩa vốn xã hội, các đặc tính của vốn xã hội, đồng thời cũng khảo sát các phương pháp đo lường vốn xã hội đang được sử dụng hiện nay làm cơ sở khoa học cho nghiên cứu. Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng xác định rõ về khái niệm văn hóa, văn hóa truyền thống và phạm vi nghiên cứu văn hóa truyền thống dưới góc độ của nhóm thực hiện nghiên cứu.

Chương 2. Vai trò của vốn xã hội trong bảo tồn văn hóa truyền thống ở Nhật Bản

Trong chương này, nhóm tác giả trình bày các kết quả khảo sát tình hình vốn xã hội và vai trò của vốn xã hội trong bảo tồn văn hóa truyền thống ở Nhật Bản, trong đó trọng tâm là nghiên cứu trường hợp lễ hội Gion ở cố đô Kyoto, lễ hội Onbashira ở tỉnh Suwa và nghề nhuộm truyền thống Kagayuzen ở tỉnh Ishikawa. Nghiên cứu khẳng định, sự thay đổi trong lối sống, quan niệm sống, giá trị quan về hôn nhân, gia đình… của người Nhật Bản khiến cho quốc gia này thành đất nước có tỷ lệ dân số già cao nhất thế giới, tỷ lệ trẻ em thấp, gia đình “một người” chiếm tới 25%; Vốn xã hội ở Nhật Bản chuyển từ vốn xã hội tổng hợp sang vốn xã hội bắc cầu, phát triển trên cơ sở quan hệ công dân mới trong các tổ chức dân sự; Vốn xã hội góp phần to lớn vào việc duy trì sự ổn định, an toàn trong cộng đồng, duy trì và bảo lưu các giá trị văn hóa truyền thống. Đặc biệt, nhóm tác giả cũng nhận định, các chính sách quốc gia như Chính sách bảo tồn văn hóa truyền thống ra đời từ thời Minh Trị, Luật Bảo tồn di sản văn hóa (1950), Luật Nghề thủ công truyền thống (1974)… cũng góp phần tích cực gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống ở Nhật Bản.

Chương 3. Vai trò của vốn xã hội trong bảo tồn văn hóa truyền thống ở Hàn Quốc

Trên cơ sở làm rõ bối cảnh xã hội Hàn Quốc những năm 1970 cũng như thực trạng của vốn xã hội Hàn Quốc trong các quan hệ liên quan cá nhân, vốn xã hội trong xã hội dân sự, nhóm tác giả đã khảo sát vốn xã hội trong cộng đồng dân cư Gangneung – một cộng đồng nông thôn miền núi cách biệt với bên ngoài, từ đó tìm hiểu cách thức người dân ở đây hợp tác với nhau trong mạng lưới, vai trò kết nối của các tổ chức dân sự ở địa phương và chính sách bảo tồn văn hóa truyền thống của chính phủ. Nhóm nghiên cứu cho rằng, tư tưởng Nho giáo truyền thống đan xen những yếu tố mới của thời đại là đặc trưng của xã hội Hàn Quốc hiện đại. Vốn xã hội của Hàn Quốc thuộc mức cao trên thế giới với chỉ số tham gia xã hội cao, đứng thứ 10 trên thế giới nhưng chỉ số lòng tin xã hội chỉ xếp thứ 28. Gia đình và dòng họ là nơi mỗi cá nhân kế thừa và tạo dựng vốn xã hội của mình. Mặc dù xã hội dân sự Hàn Quốc phát triển tương đối muộn nhưng đã phát huy mạnh mẽ vai trò của nó trong việc giám sát và phản biện xã hội. Hiện nay, Hàn Quốc đang vận dụng có hiệu quả nguồn vốn xã hội ở địa phương vào việc phát triển kinh tế, bảo tồn và khuếch trương văn hóa truyền thống, xây dựng môi trường du lịch năng động. Theo khảo sát trường hợp bảo tồn lễ hội truyền thống Ganggneung Danoje (Tết Đoan ngọ) ở vùng nông thôn miền núi Gangneung, nhóm tác giả nhận thấy, đặc điểm địa lý cách biệt của vùng này cũng là một yếu tố tạo nên tính khép kín, tính cố kết của cộng đồng…

Chương 4. Bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam

Trên cơ sở phân tích nội dung ở chương 2 và chương 3, trong chương này, nhóm nghiên cứu tập trung so sánh vốn xã hội ở Nhật Bản và Hàn Quốc, tìm hiểu đặc điểm riêng của mỗi quốc gia, từ đó xem xét tình hình vốn xã hội Việt Nam và những vấn đề đặt ra trong việc sử dụng vốn xã hội để bảo tồn văn hóa truyền thống; đề xuất những bài học kinh nghiệm mà Việt Nam có thể học hỏi được từ Nhật Bản và Hàn Quốc. Nhóm tác giả cho rằng, Việt Nam cần phát huy mạng lưới hợp tác giữa cá nhân trong cộng đồng, đặc biệt chú ý đến vai trò của các tổ chức xã hội tự nguyện, các tổ chức dân sự trong việc triển khai hoạt động văn hó ở địa phương. Nhà nước bằng hệ thống chính sách và pháp luật, giữ vai trò điều phối, kết nối các tổ chức xã hội này, tạo điều kiện cho các tổ chức xã hội phát huy vai trò của mình, huy động tối đa mọi nguồn lực trong xã hội trong việc bảo tồn văn hóa truyền thống.

Cuốn sách là công trình nghiên cứu công phu của tập thể tác giả, bên cạnh tài liệu tham khảo tiếng Việt, nhóm tác giả đã tham khảo tài liệu tài liệu từ các ngôn ngữ khác như Hàn, Nhật và Anh đã thể hiện sự tâm huyết, tìm hiểu kỹ vấn đề cần nghiên cứu tại các nước sở tại. Hy vọng, đây sẽ là tài liệu hữu ích, có giá trị khoa học và thực tiễn dành cho các độc giả quan tâm.

Xin trân trọng giới thiệu!

Một số hình ảnh về Lễ hội Gion ở Kyoto năm 2017 được nhóm tác giả chụp

Phỏng vấn ông Sugita (87 tuổi), Hội trưởng Hội bảo tồn kiệu Koiyama ở nhà trụ sở của Hội

Các em nhỏ tham gia bán bùa chimaki trên cỗ kiệu phố mình sinh sống

Lễ rước kiệu lớn Koko ngày 17/7/2017 (Lễ rước trước)

Nguyễn Minh Hồng

 


Nhà xuất bản Khoa học xã hội

Các tin đã đưa ngày: