Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
  • Thư viện điện tử và kho tin
  • Đề tài nghiên cứu cấp bộ
  • Đề tài nghiên cứu cấp nhà nước
  • Tham khảo tạp chí
  • Sách toàn văn
  • Thư điện tử
  • Chính phủ
  • 7.1 sach hang nam

Vấn đề nhập cư ở Mỹ hiện nay, thực trạng và tác động (sách chuyên khảo)

21/08/2023


Cơ quan soạn thảo: Viện Nghiên cứu Châu Mỹ, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

Tác giả :
  • TS. Lê Thị Thu (chủ biên)
  • TS. Bùi Thị Phương Lan
  • TS. Lê Thị Thu Hằng
  • ThS. Vũ Thị Hưng
  • TS. Nguyễn Lan Hương
  • TS. Nguyễn Kim Anh
  • TS. Nguyễn Khánh Vân
  • ThS. Lê Thị Bích
  • ThS. Nguyễn Thúy Quỳnh
  • TS. Trần Minh Nguyệt
  • CN. Nguyễn Vũ Ngọc Huyền

Địa chỉ liên hệ: 176 Thái Hà

Năm xuất bản: 2022

Số trang: 402

Mỹ là đất nước của những người nhập cư và có tỷ lệ nhập cư lớn nhất thế giới. Trong mọi thời đại lịch sử Mỹ, giải quyết vấn đề nhập cư luôn là bài toán hóc búa đối với Chính phủ Mỹ từ nghị trường cho đến ngoài xã hội. Điều này một phần xuất phát từ bản thân tác động của vấn đề nhập cư bất hợp pháp đến nước Mỹ và xuất phát từ quan điểm khác nhau giữa hai chính đảng…

Nhằm giúp bạn đọc có thêm tư liệu về vấn đề này nhiều hơn nữa, tháng 11/2022, Nhà Xuất bản Khoa học xã hội đã cho phát hành ấn phẩm chuyên khảo có tựa đề “Vấn đề nhập cư ở Mỹ hiện nay, thực trạng và tác động” do TS. Lê Thị Thu, Viện Nghiên cứu Châu Mỹ thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội chủ biên. Ngoài phần Lời nói đầu và Kết luận, cuốn sách được kết cấu thành các chương như sau:

Chương 1: Vấn đề nhập cư và lịch sử chính sách nhập cư ở Mỹ

Thông qua 3 nhóm vấn đề bao gồm: Khái quát vấn đề nhập cư ở Mỹ (Các hình thức nhập cư, sự hình thành và phát triển nhập cư, quan điểm của người dân Mỹ về nhập cư); Ảnh hưởng của nhập cư đối với nước Mỹ (Nhập cư và lợi ích quốc gia của Mỹ, những ảnh hưởng tiêu cực của nhập cư tới nước Mỹ); Lịch sử các chính sách nhập cư của Mỹ (Những yếu tố ảnh hưởng đến chính sách nhập cư, các chính sách nhập cư trong lịch sử Mỹ, chính sách nhập cư của Mỹ dười thời tổng thống Brack Obama), nhóm tác giả cho rằng các chính sách nhập cư đều có ảnh hưởng về kinh tế chính trị và ngược lại. Nhân tố lợi ích kinh tế, ý thức hệ, các nhóm lợi ích đều có thể ảnh hưởng đến thái độ và hoạch định chính sách nhập cư. Các nhà lập pháp và cử tri bảo thủ sẽ có nhiều khả năng phản đối phúc lợi cho người nhập cư và phản đối kiểm soát biên giới chặt chẽ hơn. Nhóm lợi ích cũng có vai trò quan trọng trong hoạch định chính sách nhập cư bởi lợi ích của nhập cư tập trung nhiều trong các doanh nghiệp sử dụng lao động nhập cư cũng như các đảng và các tổ chức chính trị. Bên cạnh đó, trong lịch sử Mỹ liên tục có những điều chỉnh về chính sách nhập cư để phù hợp hơn đối với sự phát triển của đất nước qua từng thời kỳ cũng như  phù hợp hơn với quan điểm, mục tiêu, lợi ích của đảng cầm quyền trong đó có Đạo luật nhập cư và Quốc tịch năm 1965 đã định hình lại “bộ mặt” của Mỹ. Cho đến thời điểm này, Ronald Reagan là Tổng thống cuối cùng giành chiến thắng trong cải cách nhập cư lớn vào năm 1986. Dười thời Tổng thống Obama ông lại có nhiều nỗ lực hơn để cải cách hệ thống nhập cư tại Mỹ nhung vẫn không đạt được sự cải cách nhập cư toàn diện.

Chương 2. Thực trạng và chính sách nhập của của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump

Thông qua các nhóm vấn đề: Thực trạng nhập cư của Mỹ; Chính sách nhập cư của chính quyền Tổng thống Donald Trump (quan điểm, mục tiêu của Tổng thống Donald Trump về nhập cư, nội dung và biện pháp thực thi chính sách nhập cư của chính quyền Tổng thống Donald Trump, một số nét tương đồng, khác biệt giữa chính sách nhập cư của Tổng thống Donald Trump và cưu Tổng thống Barack Obama); Rào cản thực thi chính sách nhập cư của chính quyền Tổng thống Donald Trump (rào cản về quyền lực và từ cộng đồng doanh nghiệp, người dân Mỹ tới Tổng thống Donald Trump). Qua đó nhóm tác giả cho rằng qua nghiên cứu thực trạng và chính sách nhập cư của Mỹ có thể thấy không giống như một số nước Châu Âu, Mỹ không có chính sách hội nhập liên bang. Điều này khiến nhiệm vụ tích hợp và hỗ trợ người nhập cư hội nhập vào các chính quyền địa phương hoặc tiểu bang hoặc các tổ chức công dân địa phương có một số rào cản nhất định. Kể từ năm 2010 Châu Âu đã phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng di cư chưa từng có và các nước thành viên nỗ lực thống nhất về thái độ mà họ nên áp dụng. Ở các nước Châu Âu có nhiều dân nhập cư, điển hình là Đức, Tây Ban Nha và Đan Mạch, các chính sách liên bang hỗ trợ các chính quyền khu vực và thành phố chịu trách nhiệm chăm sóc hàng ngày cho những người nhập cư trong cộng đồng của họ. Chính sách hội nhập từ các nước nêu trên và nước Mỹ đã cho thấy những cơ hội khác nhau về lý do tại sao việc phát triển chính sách hội nhập liên bang là một thành phần cần thiết để cải cách nhập cư tại Mỹ nhằm tăng sự thành công của người nhập cư và mang lại lợi ích chung cho đất nước Mỹ. Hoặc ví như tại Hà lan, sau cuộc bạo động của một số người Moluscans trẻ tuổi vào năm 1970 đã khiến chính phủ phải nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của một chính sách dành riêng của người thiểu số vào những năm 1980. Dựa trên sự hỗ trợ dành cho các hiệp hội nhập cư, sự tôn trọng bản sắc văn hóa và tôn giáo và cuộc chiến chống lại sự phân biệt đối xử hay ở một số quốc gia khác được thành lập dựa trên quyền người nhập cư, sự hòa nhập của người nhập cư bao gồm ba yếu tố không thể tách rời bao gồm: cấu trúc, văn hóa và luật pháp, sự thích nghi về văn hóa của người nhập cư được cho là rất quan trọng thậm chí còn được chỉ ra trong Nghị định về Hội nhập của người nước ngoài vào năm 2007.

Chương 3: Đánh giá tác động chính sách nhập cư của Mỹ dười thời tổng thống Donald Trump

Phần này cung cấp các thông tin liên tuan tới Đánh giá kết quả thực hiện chính sách nhập cư của Tổng thống Donald Trump; Tác động từ chính sách nhập cư của chính quyền Tổng thống Donald Trump, các tác giả cho rằng cần có thời gian để có thể đánh giá chính xác tác động từ những điều chỉnh trong chính sách nhập cư của tổng thống Donald Trump. Từ số liệu thống kê do các tổ chức uy tín và phản ứng từ chính giới, dư luận Mỹ cho thấy, chính sách nhập cư cứng rắn của chính quyền Trump đã tác động sâu sắc đến nhiều khía cạnh, lĩnh vực đời sống của người dân Mỹ. Kinh tế là lĩnh vực được cho là chịu tác động nặng nề vì sắc lệnh nhập cư của Tổng thống Trump, nhất đối với nguồn nhân lực cao – một thành tố quan trọng tạo ra động lực cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế Mỹ cũng như đảm bảo, duy trì lợi thế của Mỹ trong những lĩnh vực chủ chốt. Chính trị Mỹ cũng bị ảnh hưởng lớn khi chính sách nhập cư của Donald Trump đã làm gia tăng sự  phân cực chính trị ở Mỹ, các giá trị tự do, “giấc mơ Mỹ” bị suy giảm nghiêm trọng bởi chính sách chống nhập cư của Tổng thống và đi ngược lại với tôn chỉ, nguyên tắc nhân đạo, hạn chế cơ hội tái thiết cuộc sống của tầng lớp người dân dễ bị tổn thương nhất, gây chia rẽ, ly tán các gia đình nhập cư, tác động tiêu cực đến đời sống của các cộng đồng người dân nhập cư tại Mỹ.

Chương 4: Triển vọng giải quyết vấn đề nhập cư ở Mỹ

Phần này cung cấp thông tin về mục tiêu dài hạn của Mỹ về vấn đề nhập cư; Xu hướng giải quyết vấn đề nhập cư có liên quan tới quan điểm chính sách và xu hướng thực hiện chính sách nhập cư của Tổng thống Joe Biden. Qua đó nhóm tác giả cho rằng: Về triển vọng, cuộc bầu cử tổng thống tháng 11/2020 được đánh giá là có thể định hình lại bối cảnh nhập cư vốn đã bất ổn tại Mỹ. Thời điểm chuyển giao quyền lực giữa các đời tổng thống ở Mỹ thường là thời điểm có những chính sách quan trọng được đưa ra và chính quyền tổng thống Biden đã tận dụng thời điểm này để đưa ra các cải tổ và hiện đại hóa luật nhập cư của Mỹ cũng như để thực hiện lời hứa với cử tri tỏng chiến dịch tranh cử của ông Biden. Tuy nhiên, dù có nhiều thay đổi về chính sách nhập cư của chính quyền mới thì chính sách nhập cư của chính quyền tổng thống Trump vẫn só nhiều ảnh hưởng lâu dài đến hệ thống nhập cư tại Mỹ.

Bên cạnh đó, cuộc chiến pháp lý về vấn đề nhập cư ở Mỹ giữa các đời tổng thống là không có hồi kết, ở mỗi đời tổng thống lại có những ưu tiên khác nhau về vấn đề nhập cư. Tuy nhiên, qua nhiều thời quan với nhiều giai đoạn lịch sử hệ thống chính trị Mỹ vấn không có khả năng cập nhật và hiện đại hóa Luật và chính sách nhập cư. Điều này đã làm suy giảm giá trị đầy đủ của nhập cư như một nguồn tài nguyên chiến lược. Ngoài ra, việc thiếu những thay đổi cần thiết đối với hệ thống nhập cư đã góp phần làm sâu sắc thêm chia rẽ thậm chí là bế tắc chính trị tại Mỹ. Vì thế, Mỹ cần có những cách tiếp cận hợp lý để cải thiện an ninh quốc gia trong trường hợp muốn cân bằng lại các lợi ích quốc gia quan trọng khác cũng như khai thác được nguồn lợi từ nhập cư.

Chương 5. Tác động từ chính sách nhập cư của Mỹ đối với Việt Nam

Thông qua việc cung cấp các thông tin liên quan đến thực trạng người nhập cư Việt Nam tại Mỹ; Tác động từ chính sách nhập cư của chính quyền Tổng thống Donald Trump, các tác giả đã đưa ra một số nhận định: Đối với Việt Nam, người Mỹ gốc Việt thuộc nhóm dân cư sinh ở ngoại quốc đông thứ 6 ở Mỹ với số lượng đạt 1,3 triệu người, lượng kiều hối gần chục tỷ USD gửi về nước mỗi năm. Cộng đồng doanh nhân Việt kiều Mỹ đang từng bước lớn mạnh, tăng vị thế và vai trò ở Mỹ. Ở một số nơi, cộng đồng người Mỹ gốc Việt thậm chí còn trở thành lực lượng chính trị địa phương. Tuy nhiên, kế hoạch siết chặt việc nhập cư của chính quyền Trump với những yêu cầu cao về trình độ tiếng Anh, năng lực tài chính và các yêu cầu khắt khe khác đã gây ảnh hưởng đến người Việt Nam đang di trú, làm việc tại Mỹ, sinh viên đang học tập cũng như những người Việt đang có ý định vào Mỹ. Cộng động người Việt nhập cư, đặc biệt là những đối tượng đã từng phạm tội phải đối diện với nhiều khó khăn do chính sách trục xuất từ chính quyền Trump… Do đó trong thời gian tới Việt Nam cần tiếp tục đàm pháp để củng cố địa vị pháp lý cho người Việt tại Mỹ và vấn đề trục xuất người Việt ở Mỹ cần được hai nước thảo luận chặt chẽ để thực hiện nghiêm túc thỏa thuận về hồi hương mà hai nước đã ký kết…

Có thể nói, cuốn sách là công trình nghiên cứu công phu nghiêm túc được nhóm tác giả tham khảo, phân tích và tổng hợp dựa các nguồn tư liệu uy tín. Với những nội dung được phân tích sắc sảo, hy vọng cuốn sách sẽ cung cấp nguồn thông tin tham khảo bổ ích cho độc giả, những người quan tâm tới vấn đề này.

Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!

Phạm Vĩnh Hà

                                                             

 

 

 

 


Các tin đã đưa ngày: