Hàn Quốc và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên là hai quốc gia cùng dân tộc, nằm ở phía bắc và phía nam bán đảo Triều Tiên. Nếu như Triều Tiên là một người bạn của Việt Nam trong quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội thì Hàn Quốc là người bạn của Việt Nam trong quá trình mở cửa, phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, những biến đổi trong tình hình quốc tế và khu vực cũng như tình hình nội tại của mỗi quốc gia trong thập niên gần đây đã làm nảy sinh các nhu cầu tăng cường giao lưu và đẩy mạnh mối quan hệ vốn có giữa Việt Nam với Triều Tiên và Hàn Quốc sang một thời kỳ mới.
Để giúp bạn đọc có thêm thông tin về vấn đề này, tháng 11/2020, Nhà Xuất bản Khoa học xã hội cho phát hành sách chuyên khảo mang tên “Quan hệ của Việt Nam với hai quốc gia trên bán đảo Triều Tiên”, cuốn sách do TS. Nguyễn Thị Thắm, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam chủ biên. Ngoài phần Lời nói đầu và Kết luận, nội dung cuốn sách được kết cấu thành các chương dưới đây:
Chương 1: Bối cảnh quốc tế và khu vực tác động tới quan hệ của Việt Nam tới hai quốc gia trên bán đảo Triều Tiên
Phần này cung cấp các thông tin liên quan tới khủng hoảng quản trị toàn cầu, vai trò của các nước lớn, sự thăng trầm trong quan hệ của Hàn Quốc và Triều Tiên và những thay đổi trong chính sách chính trị - ngoại giao của hai quốc gia trên bán đảo Triều Tiên. Qua đó, nhóm tác giả nhận định: Trong thập niên 2009-2018, các tổ chức quốc tế có vai trò quan trọng trong quản trị toàn cầu trên nhiều lĩnh vực đang đứng trước những thách thức lớn về uy tín và sức ảnh hưởng của mình. Bên cạnh đó, quyền lực trong hệ thống quản trị toàn cầu của các cường quốc, đặc biệt là Mỹ hiện cũng đang bị phân tán hơn lúc nào hết. Sự phân tán quyền lực này đi kèm với sự nổi lên của một số quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, Nga… đã đặt ra khả năng tái sắp xếp hay thay đổi vai trò quản trị toàn cầu hiện nay. Bên cạnh đó, khu vực Châu Á, nơi tiềm tàng nhiều điểm nóng như Bán đảo Triều Tiên, Eo biển Đài Loan, Biển Đông… cũng đang đứng trước những biến đổi khó lường trước sự tái sắp xếp quyền lực quản trị toàn cầu của các nước lớn.
Trong nội tại bán đảo, quan hệ giữa Hàn Quốc và Triều Tiên gần như luôn đóng băng bởi chính sách cứng rắn của chính quyền Lee Myung Bak (2008-2013) và chính quyền Park Geun Hye (2013-2017). Về phía Triều Tiên, tuy bị gia tăng trừng phạt cấm vận bởi hàng loạt vụ thử tên lửa hạt nhân nhưng người lãnh đạo trẻ tuổi Kim Jong Un vẫn chủ trương phát triển vũ khí hạt nhân song song với phát triển kinh tế.
Sự cứng rắn và khác biệt trong chính sách đối ngoại của Triều Tiên và Hàn Quốc đã là tê liệt các kênh đối thoại vốn đã đạt được những thành quả nhất định trước đây. Do đó, để đạt được mục tiêu của mình, Triều Tiên và Hàn Quốc buộc phải tăng cường hợp tác với các nước thứ ba, trong đó có Việt Nam nhằm giải quyết các vấn đề vướng mắc hướng tới hòa bình, hợp tác vì hòa bình và thịnh vượng chung.
Chương 2: Thực trạng quan hệ giữa Việt Nam với Hàn Quốc và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên
Phần này cung cấp các thông tin liên quan đến quan hệ giữa Việt Nam với Hàn Quốc và Triều Tiên. Qua phân tích thực trạng, tiềm năng của mối quan hệ với hai quốc gia này, nhóm tác giả nhấn mạnh: mặc dù còn nhiều khó khăn, hạn chế do chưa khai thác được hết các tiềm năng, nhưng trong quan hệ với Hàn Quốc, giá trị thương mại giữa hai quốc gia Việt Nam – Hàn Quốc đã vượt lên một tầm cao mới, cụ thể là năm 2017, Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam, là nhà cung cấp ODA lớn thứ hai cho Việt Nam sau Nhật Bản, là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam sau Trung Quốc, còn Việt Nam là đối tác đầu tư ra nước ngoài lớn thứ tư của Hàn Quốc (sau Mỹ, Trung Quốc và Hồng Kông), là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Hàn Quốc sau Mỹ và Trung Quốc…
Khác với mối quan hệ giữa Việt Nam và Hàn Quốc mới có lịch sử gần 30 năm, quan hệ truyền thống của Việt Nam và Triều Tiên là mối quan hệ truyền thống lâu dài giữa hai quốc gia cùng thuộc hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa, đã từng cùng một chiến tuyến chống chủ nghĩa đế quốc xâm lược giành độc lập dân tộc…
Trong thời gian gần đây, vai trò của Việt Nam trong các hoạt động trung gian như đối thoại, chia sẻ kinh nghiệm với Triều Tiên ngày càng được coi trọng khi các bên đều có thiện chí. Triều Tiên gần đây đã chủ động hơn trong các hoạt động cụ thể và thiết thực hơn với Việt Nam. Do đó có thể thấy mối quan hệ giữa Việt Nam với Hàn Quốc và Triều Tiên đạt được những thành quả quan trọng và ý nghĩa là nhờ có có nhiều điều kiện thuận lợi, đáp ứng được mong muốn của nhau. Vai trò và vị thế của Việt Nam trong mối quan hệ với Hàn Quốc và Triều Tiên được khẳng định và nâng cao thể hiện rõ nét nhất trong các chính sách kinh tế và ngoại giao của cả hai quốc gia này.
Chương 3: Vai trò của Việt Nam trong tiến trình hòa bình trên bán đâỏ Triều Tiên và gợi ý chính sách
Phần này cung cấp các thông tin liên quan đến vai trò của Việt Nam ở 4 trụ cột: (1) Vai trò trung gian xây dựng lòng tin giữa hai quốc gia trên Bán đảo Triều Tiên; (2). Vai trò của Việt Nam trong tiến trình hòa hợp dân tộc, hợp tác hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên; (3). Vai trò của Việt Nam trong tiến trình hợp tác vì thịnh vượng chung trên Bán đảo Triều Tiên; (4). Dự báo những thách thức trong mối quan hệ giữa Việt Nam và Hàn Quốc – Triều Tiên. Qua đó nhóm tác giả đã rút ra một số nhận định sau: Trong quan hệ với Hàn Quốc và Triều Tiên, Việt Nam có vai trò như là đỉnh của tam giác quan hệ và rất quan trọng trong việc giảm thiểu nghi ngờ, tăng cường lòng tin, gìn giữ sự cân bằng, ổn định của mối quan hệ ba bên. Việt Nam là một trung gian đáng tin cậy để Triều Tiên, Hàn Quốc và Mỹ đối thoại, tìm những điểm chung, hóa giải căng thẳng, đối đầu.
Những thành quả từ công cuộc đổi mới, phát triển và hội nhập quốc tế, Việt Nam là nguồn cổ vũ cho Triều Tiên từ bỏ hạt nhân, tiến hành cải cách, mở cửa, hội nhập, tạo môi trường hướng tới hòa hợp, hòa bình, thịnh vượng giữa hai miền Bán đảo Triều Tiên… Do vậy, để thúc đẩy những giá trị này, Việt Nam cần phải tăng cường phát huy những lợi thế, vai trò của mình trong quan hệ với hai quốc gia trên Bán đảo Triều Tiên và trong vấn đề chung của khu vực và quốc tế, chú ý xây dựng và phát triển mối quan hệ hợp tác kinh tế 3 bên: Việt – Hàn – Triều, Việt – Hàn - Ấn, Việt – Hàn – Mê Kông, Việt – Hàn – ASEAN, thúc đẩy khả năng tăng tính kết nối, lan tỏa giữa chính sách, dự án của Việt Nam với các chính sách của Hàn Quốc và Triều Tiên. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần tích cực phối hợp, trao đổi đa chiều với hai quốc gia trên Bán đảo Triều Tiên, phối hợp chặt chẽ, linh hoạt hơn trong các vấn đề liên quan đến các vấn đề trên Biển và cả những vấn đề ở khu vực biên giới, trên đất liền để ứng phó kịp thời với các chiến lược khu vực của Trung Quốc…
Có thể nói, cuốn sách là công trình nghiên cứu công phu nghiêm túc được nhóm tác giả tham khảo, phân tích và tổng hợp dựa các nguồn tư liệu uy tín. Với những nội dung được phân tích sắc sảo, hy vọng cuốn sách sẽ cung cấp nguồn thông tin tham khảo bổ ích cho độc giả, những người quan tâm tới vấn đề này.
Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!
Phạm Vĩnh Hà