Trước yêu cầu cấp thiết về nâng cao chất lượng giáo dục, nhiều nhà khoa học giáo dục cho rằng, giáo viên có vai trò vô cùng quan trọng, thậm chí quyết định chất lượng giáo dục. Giáo dục không thể có chất lượng cao nếu người giáo viên không có đủ kiến thức và kỹ năng, phẩm chất và năng lực sư phạm. Chính vì vậy, phát triển đội ngũ nhà giáo là một trong những việc đầu tiên cần tiến hành trong sự nghiệp đổi mới giáo dục. Công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện về giáo dục không chỉ là cuộc cải cách đơn thuần mà còn nhằm hiện đại hóa mọi mặt của nền giáo dục nước nhà, từ chương trình, sách giáo khoa, hoạt động dạy học, đánh giá, học tập phát triển nghề nghiêp, và quản lý nhà trường, cũng như hướng đến sự công bằng hơn trong giáo dục. Hiệu trưởng và đội ngũ giáo viên đứng trước yêu cầu phải thay đổi một cách toàn diện hoạt động nghề nghiệp của mình ở trưởng học.
Mặc dù có nhiều nghiên cứu về giáo viên trong bối cảnh đổi mới giáo dục nhưng tập trung nhiều vào công tác chuẩn bị từ phía trên, từ góc độ khoa học giáo dục mà thiếu vắng các nghiên cứu về vấn đề này từ góc độ tâm lý học, đặc biệt là từ trạng thái tâm lý sẵn sàng thay đổi của giáo viên. Để cung cấp thêm một góc nhìn mới về mức độ sẵn sàng của giáo viên hiện nay trong vấn đề đổi mới giáo dục, năm 2022, Nhà xuất bản Khoa học xã hội xuất bản cuốn sách chuyên khảo với nhan đề “Sự sẵn sàng thay đổi của giáo viên- Bệ đỡ cho thành công của đổi mới giáo dục” do Phan Thị Mai Hương làm chủ biên. Điểm nổi bật của cuốn sách là các tác giả đã phát hiện ra các yếu tố thúc đẩy cũng như những rào cản cho sự sẵn sàng của giáo viên với đổi mới giáo dục, đây là cơ sở để tiến hành những tác động có trọng tâm, trọng điểm để mức độ sẵn sàng với đổi mới của giáo viên ngày càng cao hơn trong bối cảnh hiện nay.
Ngoài Lời nói đầu và Kết luận, nội dung chính của cuốn sách được kết cấu thành 6 Chương:
Chương 1. Sẵn sàng thay đổi: những vấn đề lý luận và phương pháp nghiên cứu
Tập trung xem xét các vấn đề chung về cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu sự sẵn sàng thực hiện đổi mới giáo dục của giáo viên phổ thông. Trên cơ sở tổng quan vấn đề nghiên cứu và những khoảng trống trong hệ thống các nghiên cứu hiện nay, nhóm tác giả làm rõ sự sẵn sàng thực hiện đổi mới giáo dục của giáo viên phổ thông đó là: (i) Mức độ sẵn sàng của giáo viên đối với đổi mới; (ii) Những yếu tố thúc đẩy với đổi mới liên quan đến hành vi thực hiện đổi mới giáo dục ở những người dạy học; (iii) Mối liên quan giữa sự sẵn sàng với đổi mới đối với hành vi thực hiện đổi mới giáo dục ở người dạy học. Để làm rõ những nội dung trên, nhóm nghiên cứu đã triển khai thu thập thông tin trên cơ sở thực hiện thiết kế định lượng kết hợp định tính trong đó ưu tiên định lượng. Mẫu nghiên cứu gồm cả mãu định lượng và định tính là các giáo viên phổ thông đã được lựa chọn tại Tp. Hồ Chí Minh, Huế, Hà Nội và một số tỉnh, thành khác. Bảng hỏi được xây dựng với các thang đo tương ứng mô hình nghiên cứu và các phép phân tích thống kê được vận dụng để phân tích dữ liệu
Chương 2. Thang đo lường sự sẵn sàng với đổi mới giáo dục
Đề cập đến kết quả xây dựng thang đo lường sẵn sàng thực hiện đổi mới giáo dục của giáo viên phổ thông, qua đó xác định nội dung của sự sẵn sàng với đổi mới giáo dục của giáo viên Việt Nam. Trên cơ sở thao tác hóa khái niệm từ cơ sở lý luận đã được xây dựng, một thang đo đã được hình thành để đo lường sự sẵn sàng của giáo viên. Thang đo gồm 24 item với 7 thành tố được nhóm nghiên cứu gộp trong 2 chiều cạnh của sự sẵn sàng, đã được chứng minh là đảm bảo độ tin cậy và độ giá trị trong đo lường từ các phân tích đa chiều khác nhau. Các tiểu thang đó lường hai chiều cạnh của sẵn sàng có thể được sử dụng độc lập, cũng như có thể sử dụng kết hơp thành một thang đó sẵn sàng tổng hợp.
Chương 3. Hiện trạng sự sẵn sàng với đổi mới giáo dục của giáo viên phổ thông
Đánh giá về sự sẵn sàng thực hiện đổi mới giáo dục của giáo viên, nhóm nghiên cứu dựa trên các yếu tố về mặt nhận thức và mặt cảm xúc để phân tích, kết quả cho thấy, có nhiều người mang nhận thức tích cực với đổi mới, có niềm tin vào đổi mới, nhưng cũng có một số người chưa thực sự tin tưởng vào đổi mới giáo dục. Về chiều cạnh cảm xúc, nghiên cứu đã thực hiện so sánh sự sẵn sàng với đổi mới giao dục biểu hiện ở mặt cảm xúc theo các biến số như giới tính, cấp dạy, trình độ học vấn, thâm niên công tác, số môn dạy. Kết quả nghiên cứu chỉ ra 3 nhóm với mức độ sẵn sàng thực hiện đổi mới giáo dục với tỷ lệ khác nhau, trong đó nhóm lưỡng lự, chưa hoàn toàn sẵn sàng với đổi mới chiếm tỷ lệ áp đảo. Những biểu hiện cụ thể sẵn sàng và chưa sẵn sàng về mặt nhận thức và cảm xúc với đổi mới giáo dục đã được mô tả.
Chương 4. Các yếu tố ảnh hưởng đến sự sẵn sàng của giáo viên đối với việc thực hiện đổi mới giáo dục
Trong chương này, nhóm tác giả tập trung xem xét các yếu tố ảnh hưởng đến sự sẵn sàng, chỉ ra các yếu tố thúc đẩy và cản trở sự sẵn sàng thực hiện đổi mới giáo dục của giáo viên phổ thông. Nhìn chung, nghiên cứu đã chỉ ra những kết quả khẳng định vai trò của các yếu tố tâm lý cá nhân và yếu tố tổ chức trường học có khả năng tác động như thế nào đén sự sẵn sàng của giáo viên, trong khi đó, các đặc điểm nhân khẩu – xã hội của cá nhân và nhóm yếu tố xã hội không chiếm nhiều vai trò trong việc làm tăng cường hay suy giảm sự sẵn sàng của giáo viên đối với đổi mới giáo dục. Điểm nhấn của chương là nhóm nghiên cứu chỉ ra các yếu tố có khả năng thúc đẩy sự sẵn sàng cũng như các yếu tố gây cản trở sự sẵn sàng của giáo viên
Chương 5. Sẵn sàng đổi mới – chìa khóa để giáo viên thực hiện tốt hành vi đổi mới
Bằng phương pháp phân tích hồi quy, nhóm tác giả tập trung xem xét về khả năng tác động của sự sẵn sàng tới hành vi đổi mới của giáo viên. Kết quả cho thấy rằng, sẵn sàng tồng hợp có thể tác động, làm thay đổi hành vi thực hiện đổi mới nói chung và các dạnh hành vi cụ thể của đổi mới nói riêng theo hướng tích cực hơn. Kết quả nghiên cứu đã khẳng định vai trò tích cực của sự sẵn sàng tâm lý đối với hành vi thực hiện các yêu cầu của đổi mới giáo dục; chỉ ra tác động trên là khác nhau giữa giáo viên các cấp dạy khác nhau nhưng như nhau giữa giáo viên nam và nữ.
Chương 6. Những phát hiện chính và khả năng ứng dụng
Trong chương này, nhóm tác giả tổng hợp những phát hiện chính trong quá trình nghiên cứu và khảo sát thực tế, trên cơ sở đó đề xuất khả năng ứng dụng các kết quả: (i) Truyền thông để nâng cao nhận thức của các nhà quản lý giáo dục các cấp nói chung về hiện trạng sẵn sàng của giáo viên với đổi mới giáo dục cũng như các yếu tố có liên quan; (ii) Đề xuất bổ sung nội dung công tác truyền thông về đổi mới giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo dành cho giáo viên; (iii) Đề xuất xây dựng quy định tổ về tổ chức tập huấn các nội dung liên quan đến đổi mới giáo dục và biện pháp khuyến khích lan tỏa các mô hình học tập hiệu quả; (iv) Xây dựng chiến lược ứng phó với từng nhóm mức độ sẵn sàng khác nhau của giáo viên phổ thông của nhà trường;(v) Xây dựng các chương trình tập huấn hướng đến sự sẵn sàng với đổi mới giáo dục dành cho giáo viên trong trường học; (vi) Đề xuất ý tưởng về xuất xây dựng hình ảnh người lãnh đạo tích cực trong nhà trường; (vii) Tiếp tục nghiên cứu sâu hơn về chủ đề giáo viên với đổi mới giáo dục.
Với những nội dung trên, hy vọng cuốn sách là nguồn tài liệu hữu ích cho độc giả quan tâm.
Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!
Nguyễn Minh Hồng
Nhà xuất bản Khoa học xã hội