Sau cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế Mỹ 2007-2009, kinh tế Mỹ đã có 8 năm phục hồi liên tiếp. Tuy nhiên, tốc độ phục hồi tương đối chậm và tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ dưới thời Tổng thống Obama chưa từng vượt quá 3%/năm. Trong diễn văn nhậm chức ngày 21/1/2017, ông Trump tuyên bố, từ nay về sau chỉ có nước Mỹ trên hết và lợi ích của nước Mỹ được đặt lên hàng đầu, bên cạnh đó với động thái như rút ra khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, ủng hộ biện pháp thuế điều chỉnh biên giới do Đảng Cộng hòa đề xuất, ông Donald Trump được cho là đang có xu hướng đi theo chính sách bảo hộ thương mai.
Với quan điểm cho rằng nước Mỹ hiện đang duy trì mức thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân quá cao, sau nhiều nỗ lực đấu tranh, ngày 22/12/2017, Tổng thống Donald Trump đã ký thông qua luật cắt giảm thuế, đây được coi là gói cải cách thuế lớn nhất trong vòng 3 thập kỷ trở lịa đây, theo đó thuế thu nhập doanh nghiệp từ 35% sẽ giảm xuống còn 21%. Chính sách thuế mới này được cho là sẽ tạo thêm nhiều việc làm mới, thu hút đầu tư nước ngoài và kích thích mạnh mẽ sự tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ. Ngoài các chính sách thương mại và thuế quan, chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp chế tạo luôn được chính quyền Mỹ coi trọng trong chiến lược thúc đẩy phát triển kinh tế nhằm thực hiện mục tiêu tăng năng suất lao động và tạo việc làm trong khu công nghiệp, chống lại sự cạnh tranh của nước ngoài.
Để hiểu rõ hơn về các chính sách kinh tế Mỹ dưới thời Tổng thống Donal Trump, năm 2022, Nhà xuất bản Khoa học xã hội xuất bản cuốn sách với tựa đề “Một số chính sách kinh tế của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump” do TS. Lê Thị Vân Nga làm chủ biên. Cuốn sách nhằm đánh giá ảnh hưởng của nó đối với nền kinh tế Mỹ và kinh tế toàn cầu, từ đó đưa ra những hàm ý chính sách cho Việt Nam trong việc ứng phó với những biến động của kinh tế thế giới.
Ngoài Lời nói đầu và Kết luận, nội dung chính của cuốn sách gồm 3 chương:
Chương 1. Bối cảnh và các quan điểm chính sách kinh tế của Tổng thống Donald Trump
Trong chương này, nhóm tác giả làm rõ bối cảnh kinh tế quốc tế và kinh tế Mỹ trước thời Tổng thống Donald Trump, trong đó tập trung phân tích những thách thức đối với nền kinh tế Mỹ dưới thời Obama và chỉ ra các nguyên nhân; Phân tích cơ sở chính sách kinh tế của Tổng thống Donald Trump. Nghiên cứu chỉ ra rằng, các chính sách của chính quyền Trump được đưa ra dựa trên cái gọi là “Học thuyết Trump”, bao gòm các quan điểm phản ánh tư duy chính sách của chính quyền Trump xoay quanh hai từ “American First” (nước Mỹ trên hết). Điều này đã để lại dấu ấn đặc biệt so với các tổng thống tiền nhiệm. Chính sách này có ý nghĩa là Mỹ đặt lợi ích quốc gia lên trên cả các mối quan hệ ngoại giao, tập trung vào các mục tiêu phát triển kinh tế và giảm thâm hụt thương mại, theo đó Mỹ chỉ tham gia vào đầu tư nguồn lực vào các tổ chức quốc tế nếu thấy có lợi cho nước Mỹ, cụ thể: chính sách kinh tế và thương mại của ông cũng thể hiện quan điểm duy trì ổn định, thậm chí là ngăn chặn sự phát triển của xu hướng khu vực hóa và toàn cầu hóa, giữ các doanh nghiệp Mỹ ở lại trong nước để tạo việc làm cho người lao động Mỹ, tăng cường đàm phán các hiệp định song phương với các điều kiện có lợi cho nước Mỹ…
Chương 2. Một số chính sách kinh tế của chính quyền Tổng thống Donald Trump
Trong số các chính sách kinh tế được chính quyền Tổng thống Donald Trump thực thi, trong cuốn sách này, nhóm nghiên cứu tập trung phân tích một số chính sách nổi bật sau: (i) Chính sách cải cách thuế (thuế thu nhập); (ii) Chính sách công nghiệp; (iii) Chính sách thương mại; (iv) Các chính sách hỗ trợ kinh tế do tác động của đại dịch Covid-19. Thực chất cảu chính sách cải cách thuế là kích thích tài khóa thông qua cắt giảm thuế thu nhập, vì vậy tác động trước tiên đối với nền kinh tế là tác động kích thích tài khóa. Chính sách công nghiệp của Mỹ được triển khai theo hướng: thúc đẩy các ngành công nghiệp mới giành được lợi thế trước các đối thủ cạnh tranh, ngăn chặn Trung Quốc “ăn cắp” các bí quyết công nghệ của Mỹ, bởi Trung Quốc được coi là mối đe dọa lớn nhất đối với ngành công nghiệp chế tạo của Mỹ. Đối với chính sách thương mai, ông Trump đã đưa ra hàng loạt các cam kết chính sách thương mại, trong đó có một chương trình thương mại 7 điểm như rút khỏi Hiệp định đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương; Bổ nhiệm đội ngũ quan chức thương mại có quan điểm cứng rắn; Xác định những hành vi vi phạm đối với các thỏa thuận thương mại; Đàm phán lại Hiệp định NAFTA….
Kết quả là trong ba năm, với hàng loạt các biện pháp quyết liệt, kinh tế Mỹ đã đạt được mức tăng trưởng ổn định và cao hơn so với tốc độ tăng trưởng kinh tế trong suốt 8 năm trước đó, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm. Mặc dù vậy, nhóm tác giả cho rằng, nền kinh tế Mỹ vẫn phải đối mặt với những thách thức như thâm hụt ngân sách, nợ công cao, thâm hụt thương mại ở mức cao…
Chương 3. Xu hướng chính sách kinh tế Mỹ và những hàm ý chính sách đối với Việt Nam
Trong chương nay, nhóm nghiên cứu có những đánh giá chung về những ảnh hưởng của các chính sách phát triển kinh tế dưới thời Tổng thống Donald Trump, đồng thời phân tích và nhìn nhận những triển vọng cũng như xu hướng chính sách kinh tế của Mỹ trong những năm tiếp theo.
Trên cơ sở những phân tích, đánh giá về những điều chỉnh chính sách của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump, nhóm nghiên cứu đề xuất những hàm ý chính sách đối với Việt Nam, trong đó Việt Nam cần có những phản ứng linh hoạt về chính sách tiền tệ, tiếp tục hoàn thiện môi trường thể chế và pháp luật, nâng cấp cơ sở hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực, đảm bảo những điều kiện cần thiết để thúc đẩy đầu tư và xuất khẩu của Việt Nam.
Với những nội dung trên, hy vong cuốn sách là tài liệu hữu ích dành cho độc giả quan tâm.
Xin trân trọng giới thiệu!
Nguyễn Minh Hồng
Nhà xuất bản Khoa học xã hội