 |
|
Dịch chuyển lao động luôn gắn liền với quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa và sự phát triển của mỗi quốc gia hay mỗi địa phương. Cuốn sách “Dịch chuyển lao động trong ngành cao su tiểu điền ở tỉnh Bình Dương” được biên soạn dựa trên kết quả nghiên cứu của đề tài cấp bộ “Dịch chuyển lao động trong ngành cao su tiểu điền ở tỉnh Bình Dương” do tác giả - chủ biên cuốn sách là chủ nhiệm đề tài. Nội dung cuốn sách tập trung vào phản ánh thực trạng lao động, xu hướng dịch chuyển lao động cao su tiểu điền Bình Dương trong bối cảnh đô thị hóa cao của tỉnh trong những năm qua và nhận định về xu hướng dịch chuyển lao động cao su tiểu điền tiếp theo. Trong bối cảnh giá cao su trong nước và thế giới sụt giảm liên tục trong một khoảng thời gian khá dài cùng với sự dịch chuyển lao động, sự thiếu ổn định và áp lực thiếu hụt lao động (nhất là lao động trẻ) đặt cho khu vực cao su tiểu điền nói chung và Bình Dương nói riêng những vấn đề về sự tồn tại và phát triển trong tương lai. Từ đây, tác giả thảo luận và khuyến nghị một số chính sách chung đối với ngành cao su và đối với vấn đề lao động cao su tiểu điền nói riêng.
Nội dung chính của cuốn sách được kết cấu thành 4 Chương:
CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Cơ sở lý luận và thực tiễn đều chỉ ra rằng trong quá trình phát triển kinh tế, sự dịch chuyển lao động từ khu vực nông thôn ra thành thị, từ ngành nông nghiệp sang các ngành phi nông nghiệp là điều tất yếu không chỉ ở Việt Nam và ở nhiều quốc gia khác trên thế giới. Lao động ngành cao su tiểu điền được biết đến chủ yếu là lao động cạo mủ và thu gom mủ, là những công việc hiện chưa thể cơ giới hóa, do đó những vấn đề liên quan đến lao động khu vực này có ý nghĩa không nhỏ đối với ngành cao su. Bình Dương là địa phương có diện tích cao su lớn thứ hai vùng Đông Nam Bộ (cũng như cả nước), trong đó cao su tiểu điền chiếm tới hơn một nửa diện tích. Cùng với quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa mạnh mẽ trong thời gian qua thì Bình Dương chính là địa bàn phù hợp được chọn lựa nghiên cứu về sự chuyển dịch lao động cao su tiểu điền. Tiếp cận nghiên cứu mang tính chất liên ngành và bằng phương pháp nghiên cứu định lượng kết hợp định tính, thông qua khảo sát lao động làm thuê và các chủ trang trại cao su tiểu điền ở tỉnh Bình Dương.
CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG LAO ĐỘNG VÀ SỰ DỊCH CHUYỂN LAO ĐỘNG TRONG NGÀNH CAO SU TIỂU ĐIỀN Ở TỈNH BÌNH DƯƠNG
Tổng quan về ngành cao su Bình Dương cho thấy Bình Dương là tỉnh đứng thứ hai Đông Nam Bộ cũng như cả nước về diện tích trồng cao su, diện tích gieo trồng tăng nhanh ở thời kỳ 2010-2012 góp phần phá vỡ quy hoạch cao su chung của vùng Đông Nam Bộ. Cao su tiểu điền Bình Dương chiếm tỷ lệ cao hơn trung bình cả nước, tuy nhiên diện tích cao su thu hoạch đang có xu hướng giảm dần trong những năm gần đây mà một trong những nguyên nhân là quá trình đô thị hóa và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Đặc điểm lao động trong ngành cao su tiểu điền Bình Dương chủ yếu là: Nguồn gốc lao động phần lớn là lao động di cư; Lao động đa phần ở tuổi trung niên và đã có kinh nghiệm làm việc (cạo mủ); Học vấn của người lao động đa phần là cấp 1 và 2; Mức lương trung bình đạt mức lương tối thiểu vùng và hầu hết người lao động tạm hài lòng với mức tiền công hiện tại; Người lao động có khăn trong việc chăm sóc con cái (đối với con học mẫu giáo và cấp 1); Phần lớn người lao động có sở hữu nhà ở và có hộ khẩu tại địa phương; Giải trí của người lao động chủ yếu là xem truyền hình, tham gia mạng xã hội, giao lưu với bạn bè, người thân (hầu như không đi du lịch hằng năm); Một số ít gia đình người lao động thuộc hộ nghèo và cận nghèo; Mối quan hệ lao động giữa chủ trang trại (người sử dụng lao động) và lao động cao su tiểu điền thiếu sự ràng buộc và cơ sở pháp lý.
Sự dịch chuyển lao động cao su tiểu điền Bình Dương chủ yếu là dịch chuyển theo vùng địa lý và theo ngành nghề. Lao động có quê gốc ngoài tỉnh Bình Dương chiếm đa số, phần lớn đến từ vùng Đông Nam Bộ, Bắc trung bộ và Duyên hải miền trung. Lao động chuyển sang ngành cao su tiểu điền chủ yếu là công nhân và các nghề lao động phổ thông, lao động đã nghỉ hưu, người ở nhà nội trợ. Sự dịch chuyển lao động ra và vào ngành cao su tiểu điền diễn ra liên tục và xuất hiện xu hướng giảm lao động vào ngành cao su tiều điền, nhất là lao động trẻ và lao động nhập cư mới. Trong tương lai vẫn tiếp tục có sự dịch chuyển lao động từ ngành cao su tiểu điền sang các ngành nghề khác.
CHƯƠNG 3: NHỮNG YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐỀN SỰ DỊCH CHUYỂN LAO ĐỘNG VÀ XU HƯỚNG DỊCH CHUYỂN LAO ĐỘNG NGÀNH CAO SU TIỂU ĐIỀN TRONG TƯƠNG LAI
Những tố ảnh hưởng đến xu hướng dịch chuyển lao động cao su tiểu điền gồm: Lực hút từ quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa và lực đẩy ở các vùng miền nông thôn, cả lực hút và lực đẩy của khu vực cao su tiểu điền, cao su nhà nước và các ngành nghề lao động phổ thông khác; Độ tuổi của người lao động, Trình độ học vấn, Tình trạng hôn nhân, Mức độ hài lòng về thu nhập hiện tại; Hệ số đóng góp thu nhập vào gia đình, Số nhân khẩu trong gia đình, Tình trạng hộ nghèo, Khả năng tìm việc làm khác. Trong đó, cơ hội việc làm và thu nhập là hai yếu tố ảnh hưởng quan trọng nhất.
Xu hướng dịch chuyển lao động trong ngành cao su tiểu điền trong tương lai được nhận định là: Lao động trong ngành cao su nói chung và cao su tiểu điền nói riêng tiếp tục có sự dịch chuyển liên tục theo xu hướng tăng dần tỷ lệ rút khỏi ngành cao su tiểu điền, giảm dần tỷ lệ tham gia mới, tạo nên sự thiếu ổn định thường xuyên và làm cho sự thiếu hụt lao động có khả năng trầm trọng hơn, đặc biệt trong trường hợp giá cao su vẫn tiếp tục duy trì ở mức thấp; Nguồn lao động của ngành cao su tiểu điền trong tương lai chủ yếu có nguồn gốc từ các vùng nông thôn; Đặc điểm nguồn lao động vẫn chủ yếu là lao động trung niên trở lên, lao động có gia đình và lao động nữ; Tiếp tục có sự chuyển dịch lao động nội ngành cao su, với xu hướng lao động từ khu vực cao su nhà nước chuyển sang cao su khu vực tiểu điền và sự chuyển dịch lao động giữa trang trại cao su tư nhân lớn và trang trại nhỏ theo hướng các trang trại nhỏ sẽ ngày càng mất dần khả năng cạnh tranh về lao động; Trong tương lai gần có thể sẽ có sự giảm nhẹ nhu cầu lao động ở khu vực cao su tiểu điền do giá sao su thế giới chưa thể hồi phục trong ngắn hạn, khả năng thiếu hụt lao động khó xảy ra, trong tương lai xa hơn khả năng ngành cao su tiểu điền sẽ phải thuê mướn lao động di cư từ nước ngoài để bù đắp vào nguồn cung lao động thiếu hụt.
Ngoài xu hướng chung thì sự dịch chuyển lao động cao su tiểu điền Bình Dương có thể xảy ra theo hai tình huống: Tình huống 1 - Đô thị hóa mạnh mẽ hơn nữa và giá cao su vẫn tiếp tục thấp, thì khó xảy thiếu lao động cao su tiểu điền một cách nghiêm trọng, có thể chỉ thiếu lao động cục bộ ở một số trang trại cụ thể tùy thuộc vào tình trạng cá biệt của trang trại đó; Tình huống 2 - Đô thị hóa mạnh mẽ hơn nữa và giá cao su tăng lên đến mức đảm bảo cho việc tiếp tục đầu tư và phát triển, thì khả năng thiếu lao động khu vực cao su tiểu điền sẽ xảy ra, đặc biệt là thời kỳ đầu khi cao su tăng giá.
CHƯƠNG 4: THẢO LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ CHÍNH SÁCH LAO ĐỘNG TRONG NGÀNH CAO SU TIỂU ĐIỀN
Đánh giá về mặt chính sách, pháp luật đối với lao động khu vực cao su tiểu điền cho thấy: Các qui định của Luật Lao động không có sự phân biệt giữa khu vực doanh nghiệp, nông trường cao su và cao su tiểu điền. Tuy nhiên, thực tế áp dụng chính sách pháp luật ở khu vực cao su tiểu điền đã không được tuân thủ và áp dụng đầy đủ. Người sử dụng lao động bỏ qua nhiều các qui định của luật lao động và người lao động cũng ít hiểu biết và quan tâm đến các quy định về lao động đối với chính bản thân mình.
Các kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra, dù chưa phải là vấn đề quá nghiêm trọng, nhưng đã có “Áp lực thiếu hụt lao động trong ngành cao su tiểu điền (nhất là lao động trẻ)”. Áp lực này nảy sinh từ nhiều vấn đề hiện hữu như: Đô thị hóa, công nghiệp hóa, chuyển dịch lao động nông thôn – thành thị, nông nghiệp – Công nghiệp/dịch, sự thu hút lao động (nhất là lao động trẻ) của các ngành nghề khác, quy định về lao động không được áp dụng đầy đủ và tuân thủ trong ngành lao động cao su tiểu điền, giá cao su giảm, chưa thể cơ giới hóa khâu cạo mủ, thu gom mủ làm cho nhu cầu lao động luôn hiện hữu. Nếu sự thiếu hụt này tiếp tục xảy ra và nghiêm trọng hơn thì những ảnh hưởng của nó có thể lớn hơn như: các trang trại cao su tiểu điền có thể phải chuyển đổi hoặc thu hẹp diện tích cao su, không tận dụng được cơ hội xuất khẩu khi giá cao su thế giới tăng cao, giảm nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất trong nước, ngành cao su phát triển thiếu bền vững.
Chính sách chung đối với ngành cao su và cao su tiểu điền được khuyến nghị: (1) Tháo gỡ vướng mắc về chính sách thuế giá trị gia tăng: Đối với mủ cao su sơ chế cần được hưởng chính sách không phải kê khai, tính nộp thuế như các nông sản sơ chế khác; (2) Chính sách tái cơ cấu ngành cao su, từ việc tập trung vào xuất khẩu các sản phẩm thô sang các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế; (3) Phát triển thị trường nội địa, giảm phụ thuộc nguyên liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra vào thị trường thế giới; (4) Chính quyền địa phương cần nâng cao hiệu quả thực thi chính sách, quy định về đất nông lâm nghiệp để việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng cao su tiểu điền sang phi nông nghiệp phù hợp và hiệu quả. Có quy hoạch, kế hoạch, quy định rõ ràng và công bố công khai những khu vực đất cao su được chuyển đổi và mục đích chuyển đổi; (5) Chính sách khuyến khích và hỗ trợ các nông hộ, trang trại tham gia vào hợp tác xã hoặc các hình thức liên kết tương tự để cùng phát triển về kỹ thuật, qui trình chăm sóc, tiêu thụ; (6) Chính sách hỗ trợ cho nghiên cứu giải pháp kỹ thuật nhằm giảm sử dụng lao động cạo mủ; (7) Chính sách hỗ trợ chuyển đổi cây trồng phù hợp ở những địa bàn không phù hợp với cây cao su hoặc đô thị hóa, công nghiệp hóa mang lại lợi ích tổng thể tốt hơn.
Đồng thời, các chính sách đối với lao động cao su tiểu điền được khuyến nghị gồm: (1) Hướng tới giải pháp kỹ thuật ứng phó với sự thiếu hụt lao động trong tương lai; (2) Tăng cường công tác vận động và theo dõi việc thực hiện các quy định, chính sách về lao động đối với khu vực cao su tiểu điền; (3) Nâng cao nhận thức về tính tuân thủ các qui định pháp luật về lao động đối với cả người sử dụng lao động và người lao động; (4) Đào tạo nghề cao su; (5) Chính quyền địa phương cần quan tâm đến an sinh xã hội đối với người lao động trong ngành cao su tiểu điền; (6) Chính quyền địa phương cũng cần hướng chính sách đến việc tạo công ăn việc làm cho lao động dôi dư do khả năng diện tích cao su tiểu điền tiếp tục bị thu hẹp.
Ngoài ra, một số giải pháp quản trị lao động cho các chủ trang trại cao su tiểu điền cũng được đề xuất với hai nhóm giải pháp chính: Giải pháp thu hút lao động (thay đổi trong hình thức trả tiền công phù hợp, có chế độ thưởng tết, BHXH, BHYT, BHTN, bảo hộ lao động, ký kết hợp đồng bằng văn bản, tuyển chọn các lao động đang sinh sống gần vườn cao su, cung cấp nơi ở và các trợ cấp khác, quan tâm đến đời sống văn hóa tinh thần); Giải pháp đào tạo và sử dụng lao động (đào tạo lao động theo phương pháp tại chỗ, tổ chức thi tay nghề để xếp loại, có tăng lương, khen thưởng theo tay nghề, đào tạo nâng cao về kỹ năng quản lý cho người quản lý trang trại, về cách thức sử dụng lao động theo quy trình cạo mủ nên sử dụng lao động theo quy trình D3, D4).
Với những nội dung nêu trên, hy vọng cuốn sách là nguồn tài liệu hữu ích cho độc giả quan tâm.
Tác giả:
TS. Hoàng Thị Thu Huyền (chủ biên)
ThS. Lê Văn Gia Nhỏ
ThS. Phan Tuấn Anh
TS. Ngô Hoàng Oanh
ThS. Nguyễn Thị Vân
ThS. Hà Thúc Dũng
ThS. Hồ Thị Thanh Sang
Địa chỉ liên hệ: Nhà xuất bản Khoa học xã hội
Năm xuất bản: 2021
Số trang: 279
Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!
PV
Nhà xuất bản Khoa học xã hội