Trong lịch sử tiến hóa của xã hội loài người, đô thị được coi là hình thái phát triển cao về tổ chức cộng đồng và đóng vai trò trung tâm dẫn dắt sự phát triển của mỗi quốc gia – dân tộc hay cộng đồng tự trị.
Vào cuối thế kỷ XIX ở Châu Á, Nhật Bản là quốc gia đầu tiên và duy nhất tiến hành cải cách toàn diện và chuyển mình thành công. Nhật Bản đã học tập mô hình phát triển tiên tiến của phương Tây và đột phá cải cách trên tinh thần “văn minh khai hóa”, “đuổi kịp và vượt phương Tây” và “tinh thần Nhật Bản, công nghệ phương Tây”…
Để giúp bạn đọc có thêm tài liệu tham khảo về vấn đề này, tháng 7/2023, Nhà xuất bản Khoa học xã hội thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã phát hành chuyên khảo có tựa đề “Phát triển không gian văn hóa đô thị ở Nhật Bản thời cận đại” do tác giả Nguyễn Dương Đỗ Quyên, Viện thông tin Khoa học xã hội chủ biên. Ngoài Lời nói đầu và Kết luận, chuyên khảo được cấu trúc gồm các chương dưới đây:
Chương 1: Cơ sở lý luận và khái quát tình hình nghiên cứu
Thông qua 3 nhóm vấn đề: (1). Khái lược lịch sử nghiên cứu về xã hội và văn hóa đô thị; (2). Nghiên cứu về không gian văn hóa và không gian văn hóa đô thị; (3). Nghiên cứu về cận đại hóa không gian văn hóa đô thị Nhật Bản thời cận đại. Nhóm tác giả cho rằng đô thị chiếm một vị trí quan trọng trong tiến trình lịch sử của xã hội loài người nói chung, lịch sử văn hóa nói riêng. Phạm trù không gian văn hóa đô thị phản ánh một trong những đặc trưng quan trọng nhất của văn hóa, đó là quy định diện mạo độc đáo của đô thị. Biểu hiện sống động nhất của không gian văn hóa là cảnh quan đô thị và những sinh hoạt văn hóa của con người. Ở đây, con người và văn hóa được kết nối với môi trường và xã hội xung quanh, kết nối cả với quá khứ và tương lai. Trong không gian văn hóa đô thị, cảnh quan vật chất, các thành tự của văn minh – kỹ thuật kết hợp một cách đặc biệt với hoạt động và các biểu hiện của đời sống tinh thần con người, không chỉ trong một thế hệ mà là các lớp văn hóa đã từng tồn tại…Nhờ tính chất đa dạng như vậy, các không gian văn hóa đô thị đóng vai trò như một môi trường cho sự tương tác của nhiều nền, nhiều dạng, nhiều tầng văn hóa khác nhau. Quá trình biến tiếp vào giao lưu văn hóa tại các không gian văn hóa đô thị cho phép đô thị lựa chọn được những hiện tượng văn hó mang những giá trị hợp lý nhất trong số các giá trị, chuẩn mực, mô hình, khuôn mẫu, hành vi…
Trong xu thế chung đó, đô thị Nhật Bản cũng trải qua nhiều thăng trầm và đóng vai trò quan traongj trong lịch sử phát triển Nhật Bản, cũng như chứa đựng những đặc trưng riêng, phản ánh đời sống cộng đồng cư dân của quốc gia này. Trong thời cận đại đô thị Nhật Bản đã đạt tới tốc độ, quy mô và trình độ phát triển cao trên nhiều khía cạnh trên cơ sở vừa tiếp thu tri thức, tinh hoa của thế giới vừa nỗ lực bảo tồn và duy trì bản sắc văn hóa truyền thống. Quá trình CNH, cận đại hóa mang đến cho các đô thị Nhật Bản diện mạo mới, thỏa mãn khát vọng thể hiện tiềm lực quốc gia và gia nhập hàng ngũ các cường quốc thế giới đồng thời cũng đặt ra nhiều vấn đề tranh luận về mô hình và khuynh hướng phát triển, có giá trị tham khảo cho các quốc gia khác về các vấn đề quy hoạch tổng thể - bộ phận, xây dựng và quản lý đô thị, phát triển văn hóa – xã hội và bảo vệ mội trường…
Chương 2: Lịch sử phát triển và quy hoạch đô thị Nhật Bản thời cận đại – một số trường hợp đô thị điển hình
Thông qua việc nghiên cứu, tìm hiểu những nền tảng tiền cận đại và chuyển biến cận đại hóa của đô thị Nhật Bản; Khái lược lịch sử phát triển của đô thị Nhật Bản tiền cận đại; Lịch sử phát triển và đặc điểm xã hội cận đại Nhật Bản; Phát triển đô thị Nhật Bản thời cận đại và một số trường hợp đô thị tiêu biểu, nhóm tác giả cho rằng từ thời kỳ Meiji, Nhật Bản bước vào thời kỳ cận đại hóa, bước đầu hình thành các quy hoạch đô thị làm trung tâm dẫn dắt xu thế phát triển chung của xã hội trong đó coi trọng phát triển các không gian văn hóa để nhanh chóng đạt tới tầm ảnh hưởng trên bản đồ văn hóa đô thị thế giới trong thời Cận – Hiện đại.
Thông qua những vấn đề tiếp cận, nhóm tác giả đã cung cấp những thông tin ban đầu về những tiền đề lịch sử, bối cảnh xã hội và những hình thái đô thị tiền cận đại, trình bày khái quát bối cảnh lịch sử và những đặc điểm của xã hội cận đại Nhật Bản nói chung, không gian đô thị nói riêng trong đó đi sâu tìm hiểu những tham vọng và nỗ lực trong quy hoạch đô thị của giới cầm quyền đương thời dưới ảnh hưởng của mẫu hình phương Tây và trên nền tảng kế thừa di sản đô thị của thời Cận thế cũng như sự tham gia ngày càng chủ động của các nguồn lực xã hội trong phát triển đô thị như một khía cạnh phản ảnh rõ nét quá trình chuyển biến, phát triển không ngừng của năng lực kinh tế, tri thức và văn hóa, xã hội của Nhật Bản đương thời. Thông qua việc lựa chọn phác họa quá trình cận đại hóa của một số đô thị tiêu biểu và trình bày theo trình tự vị trí địa lý từ Bắc xuống Nam, Đông sang Tây là thủ đô Tokyo, cảng thị Yokohama, cố đô – trung tâm văn hóa Kyoto, trung tâm kinh tế Osaka. Tuy mang những đặc trưng lịch sử và văn hóa riêng biệt, những đô thị này đều đạt được nhiều thành tựu trong phát triển đô thị nói chung, không gian văn hóa nói riêng, vừa thể hiện được những đặc điểm đô thị có tính phổ quát, vừa nỗ lực khẳng định bản sắc riêng trên cơ sở kế thừa văn hóa truyền thống và tiếp biến cận đại theo mô hình phương Tây.
Chương 3: Phát triển không gian văn hóa và chuyển biến trong văn hóa đô thị Nhật Bản thời cận đại
Thông qua nghiên cứu các nhóm vấn đề liên quan tới phát triển các không gian văn hóa đô thị (nhà hát, không gian nghệ thuật, bảo tàng, triển lãm, thư viện, các cơ sở tôn giáo, quảng trường, công viên); sự phát triển trong văn hóa đô thị nhìn từ các khôn gian văn hóa (tiêu dùng đại chúng, tiếp biến giữa truyền thống và hiện đại giữa Nhật Bản và phương Tây, đối thoại giữa văn hóa tinh hoa và văn hóa đại chúng, tiến bộ và phản tiến bộ - tính hai mặt của cận đại hóa) nhóm tác giả nhận định: Đầu tiên cần nhấn mạnh đến tinh thần tự lực – tự cường và tư duy duy lý trong lựa chọn mô hình cải cách. Thứ hai, trong mục tiêu xác lập hình ảnh quốc gia cũng như xâ dựng xã hội dân chủ, tầm quan trọng của văn hóa và đô thị ngày càng được nhận thức một cách thức chất thông qua việc phát triển các không gian văn hóa công cộng. Thứ ba, sức mạnh của truyền thông trong tạo dựng nền tảng và bản sắc của tiến trình cận đại hóa. Thứ tư, thời cận đại của Nhật BẢn cũng hết sức đặc biệt bởi nỗ lực phát triển nhân tài nhiệt huyết cũng như phát huy đa dạng nguồn lực xã hội cho công cuộc cận đại hóa.
Bên cạnh đó Nhật Bản cũng là điển hình thành công về truyền thống năng động của yếu tố tư nhân trong phát triển kinh tế xã hội và văn hóa. Ở phương diện này, kinh tế tư nhân đã thể hiện vai trò hậu thuẫn chủ đạo của nền kinh tế tiêu dùng quy mô lớn, doanh nghiêp tư nhân Nhật Bản đã sớm học tập mô hình Âu – Mỹ và đầu tư vào các dự án văn hóa – nghệ thuật quy mô lớn chưa từng có tiền lệ cũng như trong mô hình liên kết công – tư. Mặt khác sự trưởng thành về nhận thức, tri thức và năng lực phản biện xã hội của quần chúng đô thị cũng là một yếu tố quan trọng, giới trí thức, văn nghệ sĩ, nhà hoạt động xã hội và đông đảo công chúng đã sử dụng hết sức linh hoạt và khôn ngoan các không gian đa dạng như nhà hát, sân khấu ngoài trời, quảng trường, công viên, thư viện… như là những diễn đàn giao lưu tri thức – văn hóa và đấu tranh xã hội năng động hướng tới nền tự do dân chủ, tiến bộ tại Nhật Bản.
Có thể nói, cuốn sách là công trình nghiên cứu công phu nghiêm túc được nhóm tác giả tham khảo, phân tích và tổng hợp dựa các nguồn tư liệu uy tín. Với những nội dung được phân tích sắc sảo, hy vọng cuốn sách sẽ cung cấp nguồn thông tin tham khảo bổ ích cho độc giả, những người quan tâm tới vấn đề này.
Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!
Phạm Vĩnh Hà