Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
  • Thư viện điện tử và kho tin
  • Đề tài nghiên cứu cấp bộ
  • Đề tài nghiên cứu cấp nhà nước
  • Tham khảo tạp chí
  • Sách toàn văn
  • Thư điện tử
  • Chính phủ
  • 7.1 sach hang nam

Các giải pháp phát triển khu công nghệ cao trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 (sách chuyên khảo)

30/10/2023


Cơ quan soạn thảo: Viện Kinh tế Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

Tác giả :
  • PGS.TS. Đặng Thị Phương Hoa

Địa chỉ liên hệ: Số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội

Năm xuất bản: 2023

Số trang: 395

Cùng với những thay đổi đang diễn ra trên thế giới và trong nước, Việt Nam luôn coi “Khoa học là động lực quan trọng nhất để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại”. Các khu công nghệ cao chính là cái nôi sản sinh ra trí tuệ khoa học và công nghệ và được Chính phủ luôn ưu tiên xác định “Việt Nam muốn đi xa phải đi cùng khoa học và công nghệ” và việc tìm hiểu, tham khảo các chính sách phát triển của các nước trên thế giới như Trung Quốc, Hàn Quốc  được xác định là vấn đề cần làm ngay.

Để giúp bạn đọc có thêm thông tin về vấn đề này, tháng 7/2023, Nhà xuất bản Khoa học xã hội đã phát hành sách chuyên khảo với tựa đề “Các giải pháp phát triển khu công nghệ cao trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0” do PGS.TS. Đặng Thị Phương Hoa, Viện Kinh tế Việt Nam thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội (chủ biên). Ngoài Lời nói đầu và Kết luận, nội dung cuốn sách được kết cấu thành các chương dưới đây:

Chương 1: Cơ sở lý luận  về chính sách phát triển khu công nghệ cao trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0

Phần này cung cấp các thông tin liên quan đến: khái niệm; Chính sách phát triển khu công nghệ cao trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. Qua đó tác giả cho rằng nền tảng lý luận của nghiên cứu là lý thuyết chuyên môn hóa thông minh, kinh tế chia sẻ và lý luận về hệ sinh thái chuỗi xoắn 3 vòng. Định dạng hệ thống đổi mới sáng tạo theo chuỗi 3 vòng liên quan đến vai trò của các trường đại học là nguồn tri thức và ngoài sự tương tác giữa các tác nhân, định dạng này xác định rằng mỗi khối cầu, tạo nên mỗi trục của chuỗi xoắn ốc cũng có thể đảm nhận chức năng vai trò của hình cầu khác. Tương tác 3 bên giữa chính phủ - trường đại học – khu công nghiệp có thể phát triển thành 4 bên cho CMCN 4.0 thành chuỗi xoắn 4 vòng bằng cách bổ sung thêm thành phần thứ 4 là xã hội dân sự và truyền thông. Mục đích là lan tỏa kiến thức, thương mại hóa nhanh qua công bố xã hội sáng tạo chính lại là sinh ra một tầng lớp tinh hoa sáng tạo mới.

Để hỗ trợ chuyên môn hóa thông minh, các khu công nghệ cao đóng vai trò là cơ quan mở với nhiều cấp độ. Điều này tạo nên một chương trình nghị sự mới cho các khu công nghệ cao, chương trình này sẽ yêu cầu phát triển các kĩ năng chiến lược tốt cho các nhà quản lý khu công nghệ cao bao gồm: tầm nhìn hướng tới việc tạo ra giá trị kinh tế và hỗ trợ hệ sinh thái đổi mới, cuối cùng khi tất cả các điều kiện thuận lợi được đáp ứng, khu công nghệ cao đóng tiềm năng đóng vai trò chuyển đổi quan trọng trong nền kinh tế vùng/quốc gia theo các mục tiêu chuyên môn hóa thông minh. Một con đường quan trọng để nghiên cứu và thử nghiệm thêm liên quan đến việc phát triển các chỉ số phù hợp để theo dõi sự đóng góp hiệu quả của các khu công nghệ cao vào chuyên môn hóa thông minh. Sự kế hợp các lý thuyết này là nền tảng để xây dựng chính sách phát triển khu công nghệ cao trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0….

Chương 2: Cơ sở thực tiễn về chính sách phát triển các khu công nghệ cao ở Trung Quốc, Hàn Quốc trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0

Thông qua việc nghiên cứu các vấn đề liên quan đến : Thực trạng chính sách phát triển khu công nghệ cao của Trung Quốc; Hàn Quốc trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0; tác giả cho rằng điểm chung trong chính sách phát triển các khu công nghệ cao của hai quốc gia này chính là tạo điều kiện thuận lời cho việc chuyển giao và quảng bá công nghệ. Trong đó đặc biệt chú trọng tới xây dựng nguồn nhân lực khoa học công nghệ, phát triển năng lực R&D trong nước, điều chỉnh nhiệm vụ của chính sách khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát triển vai trò của chính phủ trong việc thúc đẩy khoa học, đổi mới sáng tạo, tập trung cho công nghệ tiên phong, đáp ứng cách mạng công nghiệp 4.0. Bài học kinh nghiệm mà tác giả nêu bật đó chính là chính phủ ở cả hai quốc gia Trung Quốc và Hàn Quốc đều tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển và áp dụng các công nghệ tiên phong thông qua đầu tư và R&D; Vai trò của chính phủ được đặt lên là yếu tố tiên phong; chủ trương xây dựng kinh tế và công nghiệp dựa trên các lợi thế cạnh tranh hiện có để phát triển các khu công nghệ tiên phong; Tận dụng và chuẩn bị cho những rủi ro tiềm tàng do công nghệ mới gây ra; khởi xướng các chính sách nhằm giảm thiểu rủi ro do tính chất công việc thay đổi; chuyên môn hóa thương mại và cuối cùng là hệ sinh thái về chuỗi 3 vòng xoắn khu công nghệ cao…

Chương 3: Thực trạng chính sách phát triển các khu công nghệ cao ở Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0

Phần này cung cấp các thông tin tổng quan về 3 khu công nghệ cao quốc gia của Việt Nam; Thực trạng chính sách phát triển khu công nghệ cao của Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0; Các yếu tố ảnh hưởng đến chính sách và bài học chính sách phát triển khu công nghệ cao cho Việt Nam. Qua đó tác giả nhận định: ở Việt Nam công tác triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng kĩ thuật gặp khó khăn do nhiều khu công nghệ cao đã nhiều lần phải điều chỉnh quy hoạch, kéo dài nhiều năm nên việc khớp nối các hạ tầng của từng thời kỳ cũng làm phát sinh mà mất nhiều thời gian để xử lý các vấn đề kĩ thuật.

Thứ hai, việc chưa thu hồi và giải phóng mặt bằng dứt điểm đối với một số khu công nghệ cao đã gây khó khăn trong việc bàn giao đất cho nhà đầu tư để triển khai dự án theo tiến độ cam kết.

Thứ ba, kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng các khu công nghệ cao là rất lớn. Tuy nhiên, ngân sách nhà nước thường cấp chậm, dàn trải, chưa bố trí kịp thời để xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng.

Thứ tư, hoạt động thu hút vốn đầu tư và công tác xử lý các dự án đề xuất vào khu công nghệ cao gặp vướng mắc do thiếu tiêu chí chi tiết đối với các loại hình dự án khác nhau đầu tư vào khu công nghệ cao.

Thứ năm, các cơ chế, chính sách ưu đãi đối với các khu công nghệ cao được thực hiện theo các quy định pháp luật chuyên ngành về đầu tư, xây dựng, đất đai, thuế… do đó được quy định tản mát rất nhiều văn bản pháp luật khác nhau, gây khó khăn cho nhà đầu tư trong quá trình tiếp cận, tìm hiểu chính sach và quyết định đầu tư vào khu công nghệ cao.

Thứ sáu, các dự án trong nước chiếm đa số tại khu công nghệ cao nhưng tỷ lệ vốn đầu tư bình quân còn khá thấp so với các dự án FDI.

Thứ bảy, liên kết giữa hoạt động R&D, đào tạo, ươm tạo của khu công nghệ cao với viện, trường, doanh nghiệp chưa đạt được hiệu quả như mong đợi

Thứ tám, các khu công nghệ cao có mô hình tổ chức và hoạt động khác nhau, có sự bất cân xứng về vị trí pháp lý và quy chế hoạt động giữa các khu công nghệ cao.

Thứ chín, Ban quản lý khu công nghệ cao chịu trách nhiệm thực hiện chức năng quản lý nhà nước trên địa bàn khu công nghệ cao bao gồm: quy hoạch xây dựng, môi trường, đầu tư, lao động, an ninh trật tự… nhưng gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác tổ chức triển khai vì thực tế chưa có đầy đủ thẩm quyền để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quản lý.

Thứ mười, ngoài khu công nghệ cao Hòa Lạc trực thuộc Bộ KH&CN, các khu công nghệ khác được Thủ tướng Chính phủ thành lập, giao cho Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh quản lý. Do đó vai trò quản lý nhà nước về KHCN của Bộ KH&CN đối với các khu công nghệ cao này chưa được thể hiện rõ nét do thiếu các quy định cụ thể.

Thứ mười một, nội dung các chính sách không thể đảm bảo phát triển một khu công nghệ cao đúng chuẩn khu công nghệ cao quốc gia của thế giới, không có quy chuẩn hệ sinh thái, không chuyên môn hóa các tác nhân của khu công nghệ cao, không có thị trường công nghệ và hầu như ở tình trạng trắng về truyền thông.

Thứ mười hai, cả chính sách khu công nghệ cao Việt Nam và 3 khu công nghệ cao Việt Nam đang không đáp ứng thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.

Chương 4: Một số giải pháp chính sách phát triển khu công nghệ cao trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 ở Việt Nam

Phần này cung cấp các thông tin liên quan đến bối cảnh quốc tế và xu hướng tác động của cách mạng công nghiệp 4.0; bối cảnh trong nước. Qua đó, tác giả đã đưa ra một số giải pháp chính sách và các biện pháp thực hiện tập trung vào việc tăng cường hệ thống đổi mới sáng tạo doanh nghiệp, đặt doanh nghiệp vào trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo; khuyến nghị việc ưu tiên tăng cường năng lực sáng tạo nội bộ trong các loại hình doanh nghiệp – từ năng lực thiết kế tới chế tạo, marketing, công nghệ thông tin và R&D; tăng cường tài trợ các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện R&D và đổi mới sáng tạo nếu chương trình đó được thiết kế và thực hiện theo đúng chuẩn thông lệ tốt; Thực hiện thêm các biện pháp thu hút đầu tư nước ngoài có hàm lượng tri thức cao và tạo điều kiện phát huy tác động lan tỏa từ doanh nghiệp nước ngoài sang doanh nghiệp trong nước; cải cách cơ chế quản trị các trường đại học và cơ quan nghiên cứu nhà nước…

Có thể nói, cuốn sách là công trình nghiên cứu công phu nghiêm túc được tác giả tham khảo, phân tích và tổng hợp dựa các nguồn tư liệu uy tín. Với những nội dung được phân tích sắc sảo, hy vọng cuốn sách sẽ cung cấp nguồn thông tin tham khảo bổ ích cho độc giả, những người quan tâm tới vấn đề này.

Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!

Phạm Vĩnh Hà

 

 


Các tin đã đưa ngày: