 |
|
Cách đây 50 năm, ngày 26/2/1973, quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam Dân chủ cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) và Australia chính thức được thiết lập. Vào thời điểm đó, Australia là quốc gia thứ ba trên thế giới thiết lập quan hệ với Việt Nam sau khi Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết (27/1/1973). Nhìn lại lịch sử phát triển của mối quan hệ đó, có thể thấy rằng, kể từ khi Việt Nam tích cực hội nhập khu vực và toàn cầu với việc trở thành thành viên chính thức của ASEAN vào năm 1995, quan hệ hai nước liên tục được phát triển. Năm 2009, hai nước thiết lập quan hệ đối tác toàn diện và chỉ 9 năm sau, vào năm 2018, mối quan hệ đó được hai bên nhất trí nâng lên tầm quan hệ đối tác chiến lược. Kể từ đó, Việt Nam càng ngày càng có vị trí và vai trò quan trọng trong các cấu trúc hợp tác khu vực và thế giới và hai nước Việt Nam, Australia nhận thấy tầm quan trọng của mỗi nước trong chính sách đối ngoại, an ninh và kinh tế của nhau.
Về thương mại, từ giá trị thương mại song phương đạt vài chục triệu USD khi quan hệ được thiết lập, giảm xuống dưới 10 triệu USD đầu thập niên 80 của thế kỷ XX và xuất phát điểm ở mức 60 triệu USD vào năm 1991 khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, quan hệ thương mại giữa hai nước đạt trên 15,7 tỉ USD vào năm 2022, đưa Australia trở thành đối tác thương mại lớn thứ 7 của Việt Nam; Về mặt khoa học, quan hệ Việt Nam – Australia là mối quan hệ phản ánh rõ xu hướng vận động của thế giới, từ mối quan hệ của hai nước nằm trong hai hệ thống đối địch trong Chiến tranh Lạnh đến quan hệ giữa một nước đang phát triển nằm ở vị trí chiến lược ở châu Á – Thái Bình Dương (Việt Nam) và một quốc gia tầm trung (Australia) và là đồng minh của Mỹ, coi Mỹ là đối tác quan trọng nhất trong chính sách đối ngoại trong bối cảnh một Trung Quốc trỗi dậy mạnh mẽ, mang lại nhiều lợi ích kinh tế nhưng cũng tạo ra không ít thách thức về an ninh cho Australia.
Để hiểu rõ hơn mối quan hệ giữa hai nước trên các bình diện, năm 2023, Nhà xuất bản Khoa học xã hội xuất bản cuốn sách chuyên khảo với nhan đề “50 năm quan hệ Việt Nam – Australia (1973-2023)” do TS. Võ Xuân Vinh làm chủ biên. Cuốn sách là sản phẩm của đề tài cấp Viện Hàn lâm, được thực hiện trong 02 năm 2021-2022 nhằm hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam – Australia.
Ngoài Lời nói đầu và Kết luận, nội dung chính của cuốn sách được kết cấu thành 4 chương:
Chương 1. Quan hệ Việt Nam – Australia giai đoạn 1973-1991
Tập trung làm rõ quan hệ giữa Việt Nam và Australia giai đoạn 1973-1991, từ khi quan hệ hai nước được thiết lập đến khi Chiến tranh lạnh kết thúc. Giai đoạn này diễn ra trong bối cảnh mâu thuẫn của trật tự thế giới hai cực, trong đó mỗi nước đứng về một phía đối lập nhau. Nhóm tác giả cho rằng, cũng bởi sự đối đầu Đông – Tây có xu hướng suy giảm nên quan hệ giữa hai nước đã có những bước tiến rõ nét, đó là nhiều hoạt động đối thoại chính trị đã được triển khai để tăng cường sự hiểu biết. Vấn đề Campuchia đưa đến những thách thức lớn cho quan hệ Việt Nam – Australia nhưng hai nước dần tìm được hướng đi để giải quyết khúc mắc, không chỉ ở cấp độ song phương mà còn ở cấp độ địa phương. Về thương mai, nhóm nghiên cứu chỉ ra hai nước đã nhanh chóng định hình được khuôn khổ hợp tác nên giá trị thương mại đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong thập niên 80 của thế kỷ XX.
Nhóm nghiên cứu khẳng định, đây là giai đoạn chứng kiến sự giao động cao độ trong quan hệ giữa hai nước nhưng về cơ bản hai nước vẫn duy trì được sự tiếp xúc và quan hệ giữa hai nước vẫn theo xu hướng đi lên. Đây là những cơ sở quan trọng để hai nước bước vào giai đoạn hợp tác mới của thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh
Chương 2. Quan hệ Việt Nam Australia giai đoạn 1991-2009
Tập trung phân tích quan hệ Việt Nam – Australia kể tử khi Chiến tranh Lạnh kết thúc (1991) đến khi hai nước thiết lập Quan hệ Đối tác toàn diện vào năm 2009. Nhóm nghiên cứu chỉ ra những nhân tố tác động đến quan hệ hai nước những kết quả đạt được trong quan hệ Việt Nam – Australia ở một số lĩnh vực như chính trị- an ninh, kinh tế, văn hóa – xã hội, hợp tác phát triển. Nhờ chính sách hướng về châu Á của Australia và Việt nam thực hiện chính sách đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, quan hệ Việt Nam – Australia được thúc đẩy trên nhiều lĩnh vực. Đây là cơ sở vững chắc để quan hệ Việt Nam – Australia tiếp tục được đẩy mạnh ở những giai đoạn tiếp theo.
Chương 3. Quan hệ Việt Nam – Australia giai đoạn 2009-2023
Trong chương này, nhóm tác giả tập trung làm rõ quan hệ giữa hai nước từ năm 2009 nến năm 2023, thời điểm đánh dấu 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức và 5 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Australia.
Các tác giả cho rằng, so với các giai đoạn trước, giai đoạn này có những bước phát triển mới. Về chính trị, quan hệ hai nước lần lượt được nâng cấp lên đối tác hợp tác toàn diện (2009), đối tác hợp tác toàn diện tăng cường (2015) và quan hệ đối tác chiến lược (2018). Đặc biệt vào năm 2021, phía Australia còn đề xuất nâng quan hệ hai nước lên tầm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Quan hệ an ninh – quốc phòng được thể chế hóa và có những tiến triển thực chất hơn, đặc biệt là Australia và Việt Nam chia sẻ các quan điểm mạnh mẽ, tiến bộ trong vấn đề Biển Đông…
Chương 4. Một số điểm nổi bật của quan hệ Việt Nam – Australia giai đoạn 1973-2023, triển vọng quan hệ hai nước những năm sắp tới và gợi ý chính sách cho Việt Nam
Chương này, trên cơ sở khái quát một số nét nổi bật trong quan hệ Việt Nam – Australia trong 50 năm qua, từ đó đánh giá triển vọng quan hệ hai nước trong thời gian tới và đưa ra những gợi ý chính sách cho Việt Nam trong việc thúc đẩy quan hệ với Australia: (i) Trong việc tiếp cận về chính sách đối ngoại của Australia đối với khu vực và Việt Nam trong thời gian tới, cần nhìn nhận nó từ sự trỗi dậy của Trung Quốc, chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc và cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung; (ii)Việt Nam cần kiên định nguyên tắc đa phương, và nguyên tắc 4 không (không tham gia liên minh quân sự, không liên kết với nước này để chống lại nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế); (iii) Việc tổ chức các cuộc tập trận chung trên biển giữa ASEAN và các nước đối tác trong EAS như Nhật Bản, Nga, Australia và Hàn Quốc cần được xem xét; (iv)Việt Nam nên xem xét đề xuất tổ chức Đối thoại các đối tác phát triển của Mekong để tạo thế cân bằng ảnh hưởng nước lớn ở khu vực Mekong nói chúng và Việt Nam nói riêng; (v) Việt Nam nên cân nhắc một số điểm nhằm thúc đẩy quan hệ song phương Việt Nam – Australia; (vi) Cần coi hợp tác trong không gian Biển Đông là ưu tiên chiến lược trong quan hệ giữa hai nước từ nhận thức đến hành động trên thực địa…
Cuốn sách là công trình nghiên cứu công phu của tập thể tác giả với những đánh giá, tổng quan quá trình 50 năm quan hệ của Việt Nam và Australia trên mọi phương diện với từng giại cụ thể. Hy vọng, nội dung của cuốn sách là nguồn tư liệu hữu ích dành cho độc giả quan tâm, đặc biệt là những người yêu thích tìm hiểu về lịch sử quan hệ ngoại giao.
Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!
Nguyễn Minh Hồng
Nhà xuất bản Khoa học xã hội