Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
  • Thư viện điện tử và kho tin
  • Đề tài nghiên cứu cấp bộ
  • Đề tài nghiên cứu cấp nhà nước
  • Tham khảo tạp chí
  • Sách toàn văn
  • Thư điện tử
  • Chính phủ
  • 7.1 sach hang nam

Tài nguyên đất đai ở Châu Phi: Đói nghèo trên những cánh đồng mẫu lớn

16/11/2023


Tác giả :
  • PGS.TS. Trần Thị Lan Hương

Địa chỉ liên hệ: Nhà xuất bản Khoa học xã hội

Năm xuất bản: 2022

Số trang: 212

 

Xét về mặt lịch sử, đất đai ở châu Phi bị chi phối bởi các yếu tố lịch sử, văn hóa, sắc tộc, giai cấp, tôn giáo, giới tính… Trước thời kỳ thuộc địa, đất đai đã trở thành công cụ để gây chiến tranh ở khắp Châu lục Đen. Khi thế giới ngày càng gia tăng, tài nguyên đất đai càng có xu hướng khan hiếm, đặc biệt là ở các nước công nghiệp phát triển. Theo đánh giá của nhiều tổ chức, quốc tế, chỉ còn khu vực châu Phi và châu Mỹ Latinh là nơi có tài nguyên đất đai dồi dào nhất, nhưng chưa được khai thác hiệu quả. FAO đánh giá, hiện nay có tới 50% đất đai màu mỡ trên thế giới đang tập trung ở 10 nước thuộc khu vực châu Mỹ Latinh và châu Phi, trong đó có 6 nước châu Phi là Sudan, Cộng hòa Dân chủ Congo, Mozambique, Madagascar, Chad và Zambia. Ở các nước này, nông nghiệp vẫn kém phát triển do năng suất lao động thấp, nhưng đang hấp dẫn FDI vào nông nghiệp và đang diễn ra các hình thức mua đất, thuê đất khác nhau từ các nước trên thế giới. Sự xuất hiện của nhiều loại hình sở hữu và sử dụng đất nông nghiệp kiểu mới cũng đặt ra nhiều vấn đề mâu thuẫn giữa đảm bảo an ninh lương thực và quyền sở hữu đất nông nghiệp khi các nhà dầu tư nước ngoài ngày càng xuất hiện nhiều ở châu Phí.

Để hiểu rõ hơn về cách quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai ở châu Phi cũng như những thay đổi trong chính sách sở hữu đất đai, đặc biệt là đất nông nghiệp, năm 2022, Nhà Xuất bản Khoa học xã hội xuất bản cuốn sách chuyên khảo “Tài nguyên đất đai ở châu Phi: đói nghèo trên những cách đồng mẫu lớn” do PGS.TS. Trần Thị Lan Hương làm chủ biên.

Ngoài Lời nói đầu và Kết luận, nội dung cuốn sách được kết cấu thành 4 chương:

Chương 1. Đất nông nghiệp và vấn đề sử dụng đất nông nghiệp ở châu Phi hiện nay

Chương này, tác giả giới thiệu khái quát đất nông nghiệp ở châu Phi, trong đó tập trung tìm hiểu về kết cấu và phân bổ đất nông nghiệp ở châu Phi. Đề cập đến vấn đề sở hữu ruộng đất ở châu Phi, nghiên cứu chỉ ra rằng, đây là vấn đề thuộc diện phức tạp nhất thế giới bởi nó phải giải quyết tất cả các hình thức sở hữu đất đai truyền thống và hình thức sở hữu đất đai là di sản của thời kỳ thuộc địa nhằm tạo ra sự ổn định chính trị - xã hội và kinh tế. Đối với sử dụng ruộng đất ở châu Phi, đây là bài toán khó khó đặt ra cho nhiều nước trong khu vực, đặc biệt trong bối cảnh cách mạng khoa học công nghệ phát triển mạnh mẽ như hiên nay. Qua phân tích một số quốc gia trong khu vực này, nghiên cứu cho rằng, trong nhiều thập kỷ qua, nông nghiệp châu Phi không có sự tiến bộ đáng kể, sản lượng lương thực vẫn đạt mức thấp nhất so với với các khu vực khác trên thế giới, nguyên nhân được cho là: (i) Chất lượng của nguồn tài nguyên con người ở châu Phi đang gặp nhiều vấn đề; (ii) Đầu tư ngân sách cho phát triển nông nghiệp ở nhiều nước châu Phi còn quá ít và không hiệu quả; (iii) Thiếu nghiêm trọng các yếu tố đầu vào

Chương 2. Sử dụng đất nông nghiệp ở Ethiopia

Trên cơ sở khái lược đặc điểm và chính sách sử dụng đất nông nghiệp ở Ethiopia, tác giả phân tích những tác động của sử dụng ruộng đất trong phát triển đất nông nghiệp ở Ethiopia cũng như chỉ ra các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp ở đất nước này: Thứ nhất, dân số tăng nhanh khiến phân bổ ruộng đất ngày càng trở nên manh mún; Thứ hai, yếu tố tự nhiên tác động đến hiệu quả sử dụng ruộng đất ở Ethiopia; Thứ ba, khả năng áp dụng công nghệ trên đồng ruộng Ethiopia còn nhiều hạn chế. Tuy không tránh khỏi xung đột liên quan đến đất đai ở một thời điểm nào đó của quá trình phát triển, nhưng Ethiopia được đánh giá là quốc gia có tiềm năng phát triển nông nghiệp, lợi thế đất đai và đang có nỗ lực mở rộng diện tích đồng ruộng để hình thành nên vùng canh tác nông nghiệp lớn

Chương 3. Sử dụng đất nông nghiệp ở Zambia

Đối với đất nước Zampia, qua phân tích đặc điểm đất nông nghiệp, tác giả cho rằng đây là đất nước có tốc độ đô thị hóa cao ở châu Phi, tập trung sống ở thủ đô Lusaka và vùng Đông Bắc đất nước; sử dụng đất theo hộ nông dân là một trong những phương tiện sản xuất nông nghiệp phổ biến. Việc sử dụng đất nông nghiệp chủ yếu dưới hai dạng: đất nông nghiệp sử dụng theo quy mô nông hộ và đất nông nghiệp sử dụng theo hình thức trang trại lớn. Tuy nhiên ruộng đất sở hữu theo hộ gia đình quy mô nhỏ đang có xu hướng thu hẹp dần, nhường chỗ cho ruộng đất canh tác theo nhu cầu thị trường và kinh tế hàng hóa. Bên cạnh những tác động tích cực trong việc sử dụng đất nông nghiệp trong phát triển nông nghiệp và nông thôn ở Zambia, tác giả cũng chỉ ra những hạn chế, yếu kém của ngành nông nghiệp ở nước này, trong đó nổi lên là vấn đề cơ chế chính sách sử dụng đất nông nghiệp. Đề cập đến các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp ở Zambia, tác giả đã chỉ ra một số nhân tố sau: (i) Hạn chế về ngân sách trong cải cách ruộng đất; (ii) Thiếu thốn cơ sở hạ tầng; (iii) Thiếu thốn về tài chính, đầu vào nông nghiệp và thị trường

Chương 4. Đánh giá chung và hàm ý cho Việt Nam

Trong chương này, tác giả so sánh điểm tương đồng và khác biệt về đất nông nghiệp ở Ethiopia và Zampia; chỉ ra những thành công và hạn chế trong sử dụng đất nông nghiệp ở châu Phi. Nghiên cứu khẳng định, đất đai theo sở hữu phong tục tập quán ở các nước châu Phi đang phải đối mặt với tình trạng mất an ninh do chuyển đổi hình thức sở hữu và sử dụng đất trong những năm gần đây, bên cạnh đó là nguồn nhân lực không đảm bảo để khai thác hiệu quả đất đai nông nghiệp.

Các tác giả nhận định, qua nghiên cứu các kinh nghiệm của một số nước châu Phi đem lại cho Việt Nam những bài học quý giá và những phác thảo ý tưởng để chỉnh sửa Luật Đất đai theo đúng nguyên tắc sở hữu đất đai mà thế giới đang lựa chọn. Việc áp dụng mô hình sử dụng ruộng đất của nước này cho nước khác là điều không thể và rất khập khiễng nhưng kinh nghiệm quốc tế cũng phần nào giúp Việt Nam sáng tỏ hơn các vấn đề liên quan đến đất đai, để từ đó có sự hoạch định chính sách và Luật Đất đai rõ ràng, hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Sử dụng và quản lý đất đai ở mỗi quốc gia luôn là vấn đề nhạy cảm, qua nghiên cứu kinh nghiệm của các nước trên thế giới, cụ thể là một số nước khu vực châu Phi sẽ phần nào giúp Việt Nam có những bài học hữu ích. Đây là những nội dung mà tác giả kỳ vọng đáp ứng nhu cầu của độc giả quan tâm.

Xin trân trọng giới thiệu tới quý bạn đọc!

Nguyễn Minh Hồng

 


Nhà xuất bản Khoa học xã hội

Các tin đã đưa ngày: