Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
  • Thư viện điện tử và kho tin
  • Đề tài nghiên cứu cấp bộ
  • Đề tài nghiên cứu cấp nhà nước
  • Tham khảo tạp chí
  • Sách toàn văn
  • Thư điện tử
  • Chính phủ
  • 7.1 sach hang nam

Dạy và học tiếng mẹ đẻ trong cấp tiểu học tại Việt Nam, Anh và Úc: Những tương đồng và khác biệt

23/11/2023


Tác giả :
  • Trịnh Thị Hà
  • Nguyễn Thế Dương

Năm xuất bản: 2022

Số trang: 264

 

Ở cấp Tiểu học, môn Tiếng Việt tiếp tục được ấn định là một môn học bắt buộc từ lớp 1 cho đến lớp 5, với mục tiêu giúp học sinh sử dụng tiếng Việt thành thạo để giao tiếp hiệu quả trong cuộc sống và học tập tốt các môn học và hoạt động giáo dục khác; hình thành và phát triển năng lực văn học đồng thời bồi dưỡng tư tưởng, tình cảm để học sinh phát triển về tâm hồn, nhân cách. Để làm được điều này, định hướng chung của Chương trình môn Tiếng Việt nói riêng và Chương trình tổng thể nói chung là kế thừa và phát triển những ưu điểm của các chương trình giáo dục phổ thông đã có của Việt Nam, đồng thời tiếp thu thành tựu nghiên cứu về khoa học giáo dục và kinh nghiệm xây dựng chương trình theo mô hình phát triển năng lực của những nền giáo dục tiên tiến trên thế giới.

Anh và Úc là hai quốc gia có nền giáo dục tiên tiến, thường được xem là hình mẫu trong việc thiết kế và triển khai chương trình giáo dục tiếng mẹ đẻ (tiếng Anh) trong trường phổ thông. Trong khi Anh là một quốc gia có truyền thống lịch sử và bề dày trong lĩnh vực giảng dạy tiếng mẹ đẻ thì nền giáo dục Úc là một nền giáo dục hiện đại, lại được hấp thu những ảnh hưởng nhất định từ nền giáo dục Anh Quốc.

Việc so sánh đối chiếu Chương trình tiếng Việt Tiểu học trong Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể với chương trình giáo dục tiếng mẹ đẻ của một quốc gia châu Âu và một quốc gia ở vùng châu Á – Thái Bình Dương vì thể sẽ giúp làm sáng tỏ những sự giống nhau và khác nhau của các chương trình giáo dục tiếng mẹ đẻ trong các bối cảnh địa lí, kinh tế, chính trị và văn hóa khác nhau. Trước nhu cầu thực tế đó, năm 2022, Nhà xuất bản Khoa học xã hội xuất bản cuốn sách chuyên khảo với tựa đề “Dạy và học tiếng mẹ đẻ trong cấp tiểu học tại Việt Nam, Anh và Úc: Những tương đồng và khác biệt” do Trịnh Thị Hà và Nguyễn Thế Dương đồng chủ biên. Cuốn sách là sản phẩm của đề tài khoa học cấp Bộ mà nhóm tác giả đã thực hiện trong 02 năm 2019-2020 do Viện Ngôn ngữ học là đơn vị chủ trì, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam là cơ quan chủ quản. Kết quả nghiệm thu cấp Bộ của đề tài đạt loại Xuất sắc.

Ngoài phần Lời giới thiệu và Kết luận, nội dung chính của cuốn sách được tổ chức thành 5 chương:

Chương 1. Cơ sở lí luận của việc xây dựng Chương trình giáo dục tiếng mẹ đẻ

Trong chương này, nhóm tác giả khái quát cơ sở lí luận về quan điểm giáo dục và pháp lí giáo dục, đồng thời đưa ra các quan điểm xây dựng chương trình tiếng mẹ đẻ và đề cập đến các mô hình giáo dục tiếng mẹ đẻ: Mô hình di sản; Mô hình quá trình (còn gọi là mô hình lấy học sinh làm trung tâm); Mô hình năng lực. Nghiên cứu chỉ ra, trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, mục tiêu giáo dục phổ thông quy định các yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực của học sinh, nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục và phương pháp đánh giá kết quả giáo dục, làm căn cứ quản lí chất lượng giáo dục phổ thông; đồng thời là cam kết của Nhà nước nhằm đảm bảo chất lượng của cả hệ thống và từng cơ sở giáo dục phổ thông.

Chương 2. So sánh mục tiêu, yêu cầu giáo dục được áp dụng trong Chương trình Tiếng Việt Tiểu học tại Việt Nam với Chương trình giáo dục tiếng mẹ đẻ cấp Tiểu học tại Anh và Úc

Chương này, nhóm tác giả tập trung vào việc so sánh mục tiêu, yêu cầu giáo dục được áp dụng trong Chương trình Tiếng Việt Tiểu học tại Việt Nam với chương trình giáo dục tiếng mẹ đẻ cấp Tiểu học tại Anh và Úc. Về mặt bố cục, chương được chai làm hai phần: So sánh về mục tiêu giáo dục và so sánh về yêu cầu giáo dục. Trong mỗi phần, nhóm nghiên cứu bắt đầu bằng việc giới thiệu sơ lược về các vấn đề có liên quan trong chương trình của Việt Nam, từ đó làm cơ sở để so sánh và đối chiếu với các vấn đề này trong chương trình của Anh và Úc.

Chương 3. So sánh ngữ liệu, nội dung giáo dục được áp dụng trong Chương trình Tiếng Việt Tiểu học tại Việt Nam với Chương trình giáo dục tiếng mẹ đẻ cấp Tiểu học tại Anh và Úc

Trong Chương này, nhóm nghiên cứu tập trung vào việc so sánh ngữ liệu, nội dung giáo dục được áp dụng trong Chương trình Tiếng Việt Tiểu học tại Việt Nam với chương trình giáo dục tiếng mẹ để cấp Tiểu học tại Anh và Úc. Nghiên cứu chỉ ra rằng, ngữ liệu và nội dung chương trình Tiểu học ở mỗi nước đề gắn liền với những đặc điểm cụ thể về văn hóa – xã hội, chính trị và ngôn ngữ của quốc gia đó. Điểm tương đồng về ngữ liệu và nội dung của chương trình này là đều được thiết kế theo hướng mở, hướng đến xây dựng năng lực cho học sinh chứ không dựa trên những kiến thức “đóng khung”, cố định nữa. Tuy nhiên, độ mở về việc sử dụng ngữ liệu là khác nhau trong từng chương trình. Trong khi Chương trình Tiếng Việt Tiểu học ở Việt Nam đã có một bước tiến lớn khi đã thực hiện chủ trương “một chương trình, nhiều bộ sách” thì tại ÚC và Anh, người ta đã không tổ chức biên soạn các bộ sách giáo khoa chuẩn mà thay vào đó là một hệ thống tài liệu, sách tham khảo rất công phu và khoa học cho học sinh. Qua đó cho thấy, những khác biệt trong các nội dung giáo dục của Anh và Úc đáng để tham khảo là vấn đề giảm tải các nội dung kiến thức mang tính hàn lâm, kinh viện và đưa vào nhiều hơn những nội dung giúp cho học sinh có thể sử dụng tiếng mẹ đẻ một cách thành thạo và hiệu quả trong học tập cũng như công tác sau này

Chương 4. So sánh phương pháp, việc đánh giá kết quả giáo dục được áp dụng trong Chương trình tiếng Việt tiểu học tại Việt Nam với Chương trình giáo dục tiếng mẹ đẻ cấp Tiểu học tại Anh và Úc

Trên cơ sở giới thiệu khái về các vấn đề có liên quan trong chương trình giáo dục tiếng Việt tại Việt Nam, từ đó nhóm tác giả so sánh và đối chiếu với các vấn đề này trong chương trình của Anh và Úc. Nghiên cứu khẳng định, mô hình phương pháp giảng dạy tiếng mẹ đẻ cũng như các kĩ thuật giảng dạy đang dược áp dụng tại Anh và Úc là những tham khảo đáng lưu ý cho Việt Nam khi bắt đầu triển khai Chương trình Tiếng Việt mới. Về mặt đánh giá kết quả giáo dục, bài học về giảm thiểu áp lực về điểm số mà vẫn giúp phản ánh chính xác kết quả học tập của học sinh cũng như bài học về việc đánh giá một cách cân bằng giữa các kĩ năng chính môn tiếng mẹ đẻ là những điểm cần lưu ý sau khi so sánh sự tương đồng và khác biệt giữa chương trình giảng dạy của Việt Nam và hai quốc gia Anh và Úc.

Chương 5. Thái độ của các bên có liên quan đối với Chương trình tiếng Việt tiểu học

Chương này, nhóm tác giả tập trung vào việc tìm hiểu thái độ của các nhà hoạch định chính sách giáo dục, các chuyên gia xây dựng chương trình cũng như các giáo viên tiểu học xung quanh một số phương diện chính của Chương trình Tiếng Việt Tiểu học nhằm làm sáng tỏ thêm một số vấn đề xung quanh việc biên soạn sách giáo khoa theo chương trình này. Qua khảo sát thái độ của các bên có liên quan, nghiên cứu cho rằng, nhìn chung giáo viên tiểu học nắm rõ, ủng hộ và tin tưởng vào Chương trình, phù hợp với yêu cầu và kì vọng của các nhà hoạch định chính sách cũng như các chuyên gia xây dựng chương trình. Đây là một tiền đề quan trọng cho việc Chương trình được triển khai một cách suôn sẻ, thuận lợi. Mặt khác, những ý kiến của giáo viên về vấn đề thiết kế sách giáo khoa, yêu cầu giáo dục cho từng vùng miền, phương thức thi cử, kiểm tra cũng như nội dung cụ thể của chương trình sẽ là những gợi ý tốt dành cho các nhà hoạch định chính sách lẫn các chuyên gia giáo dục trong quá trình hoàn thiện và triển khai Chương trình.  

Cuốn sách là công trình nghiên cứu công phu của tập thể tác giả, mặc dù mới chỉ là những nghiên cứu bước đầu và giới hạn trong việc so sánh Chương trình Tiếng Việt Tiểu học (thuộc Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể của Việt Nam) với chương trình tương ứng của hai quốc gia Anh và Úc nhưng những nội dung của cuốn sách cũng đã cung cấp những luận cứ khoa học hiện đại, vững chắc và là một thực tiễn sinh động, phong phú về vấn đề so sánh việc dạy và học tiếng mẹ đẻ trong các quốc gia khác nhau. Hy vọng cuốn sách là nguồn tài liệu tham khảo hữu ích cho các nhà quản lý, nhà nghiên cứu, các nhà giáo và độc giả quan tâm.

Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!

Nguyễn Minh Hồng

 


Nhà xuất bản Khoa học xã hội

Các tin đã đưa ngày: