Đại hội XIX của Đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra vào năm 2017 đã đánh dấu thời kỳ cầm quyền thứ hai của Tổng Bí thư Chủ tịch nước Tập Cận Bình.
Mốc thời gian này cũng đánh dấu quá trình mở rộng các yêu sách phi pháp của Trung Quốc trên thực địa sau khi yêu sách đường chữ U của Trung Quốc chính thức bị Tòa Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII nhằm giải quyết tranh chấp giữa Trung Quốc và Philipines bác bỏ ngày 12/7/2016.
Các chính sách về Biển Đông của Trung Quốc trong thời kỳ này đã tạo sức ép to lớn lên các quốc gia trong và ngoài khu vực, đặc biệt là với Việt Nam – Một quốc gia ven Biển Đông. Cùng với việc tiếp tục “đẩy nhanh chiến lược xây dựng cường quốc trên biển”, hoàn thành “mục tiêu 100 năm đầu tiên” vào năm 2021. Liệu các chính sách ở Biển Đông của Trung Quốc sẽ diễn ra như thế nào trên thực địa, trong các chiến lược ngoại giao hay trên phương diện tuyên truyền và pháp lý là vấn đề được các nhà hoạch định chính sách ở Việt Nam hết sức quan tâm.
Nhằm cung cấp thêm các thông tin về các vấn đề nêu trên, tháng 6/2023, Nhà Xuất bản Khoa học xã hội đã phát hành ấn phẩm “Chính sách của Trung Quốc đối với Biển Đông từ sau Đại hội XIX”. Đây là sách chuyên khảo do TS. Bùi Thị Thu Hiền (Viện Nghiên cứu Trung Quốc) thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam chủ biên. Ngoài phần Lời nói đầu và Kết luận, cuốn sách được bố cục thành các chương dưới đây:
Chương 1: Vị trí, vai trò và những nhân tố tác động tới chính sách Biển Đông của Trung Quốc
Thông qua việc làm rõ các nhóm vấn đề có liên quan đến vai trò, vị trí của Biển Đông trong chiến lược biển của Trung Quốc (các khái niệm chính sách biển đông của Trung Quốc; chính sách biển Đông của Trung Quốc); Các nhân tố bên trong tác động tới chính sách của Trung Quốc ở Biển Đông; Các nhân tố bên ngoài tác động tới chính sách của Trung Quốc ở Biển Đông nhóm tác giả cho rằng năm 2016 đã đánh dấu một mốc quan trọng trong tiến trình pháp lý liên quan tới Biển Đông với sự kiện Tòa Trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII đã đưa ra phán quyết về cách lý giải Công ước Luật Biển năm 1982 giữa Trung Quốc và Philippines. Điều này trở thành một nhân tố bên ngoài tác động mạnh mẽ vào tranh chấp Biển Đông. Mặc dù sau Phán quyết Trung Quốc đã đưa ra văn kiện lập trường với chính sách ba không “Không tham gia, không chấp nhận, không thực thi”.
Năm 2020 cuộc chiến pháp lý ở Biển Đông diễn ra minh chứng cho việc điều chỉnh chính sách cũng như tác động của Phán quyết đối với Trung Quốc. Cuộc chiến bắt đầu với việc Malaysia lưu hành ở Liên hợp quốc “Đệ trình về thềm lục địa mở rộng ở Biển Đông” vào cuối năm 2019. Chỉ sau đó vài giờ, Trung Quốc cũng lưu hành công hàm phản đối Malaysia và đưa ra tuyên bố nước này có yêu sách Nanhai zhidao (các đảo ở Nam Hải) đối với 4 vùng biển: Tây Sa (tức Hoàng Sa của Việt Nam), Đông Sa, Trung Sa và Nam Sa (tức Trường Sa của Việt Nam).
Cuộc chiến pháp lý năm 2020 đã thu hút sự tham gia của nhiều quốc gia trong và ngoài khu vực với số lượng công hàm nhiều nhất từ trước tới nay. Cuộc chiến pháp lý đã cho thấy các quốc gia thông qua việc lưu hành công hàm tại Liên hợp quốc thể hiện yêu sách của mình đối với các vùng biển ở Biển Đông. Các quốc gia tham gia cuộc chiến pháp lý lần này đều thể hiện sự phản đối mạnh mẽ với yêu sách phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông. Sau Phán quyết của Tòa Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII giải quyết tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines, đến nay rất nhiều quốc gia trên thế giới đều thể hiện lập trường các quốc gia ven biển cần phải yêu sách vùng biển dựa trên căn cứ của Luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật Biển năm 1982.
Với vị trí địa chiến lược quan trọng Biển Đông từ lâu đã trở thành mục tiêu mà Trung Quốc hướng tới để tạo bàn đạp vững chắc tiến ra Thái Bình Dương và xa hơn là Ấn Độ Dương. Bên cạnh nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, tuyến hàng hải huyết mạch, đồng thời là tuyến hàng hải giúp kết nối với các quốc gia láng giềng ASEAN, Biển Đông đã dần trở thành lợi ích cốt lõi của Trung Quốc trong quá trình đòi hỏi những yêu sách phi lý của mình. Là địa bàn cạnh tranh gay gắt giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ ở khu vực, Trung Quốc cũng luôn xem Biển Đông là mấu chốt để có được vị trí thống trị ở khu vực cũng như Châu Á – Thái Bình Dương. Ngoài ra nếu kiểm soát được hoàn toàn Biển Đông, Trung Quốc đồng thời có thể giải quyết vấn đề Đài Loan.
Trên cơ sở các nhân tố bên trong và bên ngoài tác động đối với việc hoạch định và thực thi các chính sách Biển Đông, tham vọng của Trung Quốc sẽ lần lượt được thể hiện một cách rõ nét thông qua các hành động của nước này trên thực địa.
Chương 2: Chính sách và tình hình triển khai trên thực địa của Trung Quốc ở Biển Đông từ sau Đại hội XIX của Đảng Cộng sản Trung Quốc
Thông qua 4 nhóm vấn đề liên quan đến: Chính sách đối ngoại của Trung Quốc; Chính sách kinh tế biển của Trung Quốc; Chính sách quân sự quốc phòng của Trung Quốc và ảnh hưởng của nó ở khu vực Biển Đông; Sức mạnh mềm văn hóa và việc tuyên truyền của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, nhóm tác giả cho rằng nhìn một cách tổng thể chính sách Biển Đông của Trung Quốc đã thay đổi rõ rệt dười thời kỳ Tổng Bí thư Chủ tịch nước Tập Cận Bình cầm quyền, sau Đại hội XIX, nhiều chính sách mà Trung Quốc đã thúc đẩy ở Biển Đông đã gây sức ép rất lớn lên các quốc gia có yêu sách chủ quyền hợp pháp ở khu vực, dồn ép các quốc gia nhỏ ngồi vào bàn đàm phán song phương và hy vọng giảm được sự can thiệp của các quốc gia ngoài khu vực để Trung Quốc dễ bề thao túng, o ép các quốc gia nhỏ dưới chiêu bài “gác lại tranh chấp, cùng nhau khai thác” hay “ xây dựng cộng đồng chung vận mệnh”…
Chương 3: Dự báo xu hướng chính sách của Trung Quốc ở Biển Đông và ứng xử của Việt Nam
Qua việc phân tích và làm rõ 3 nhóm vấn đề liên quan đến những thuận lợi và khó khăn của Trung Quốc khi triển khai chính sách ở Biển Đông và phản ứng của các nước; nhóm tác giả đã đưa ra các dự báo về xu hướng chính sách của Trung Quốc ở Biển Đông ở các phương diện như: Những nhân tố bất biến, khả biến trong chính sách Biển Đông của Trung Quốc; Dự báo xu hướng chính sách của Trung Quốc ở Biển Đông cũng như đưa ra những nhận định về phản ứng và ứng xử của Việt Nam đối với chính sách Biển Đông của Trung Quốc. Qua đó nhóm tác giả cho rằng năm 2021, thế giới và khu vực vẫn đang vận lộn với dịch bệnh lan rộng trên toàn thế giới, để lại nhiều xáo trộn trong mọi mặt đời sống xã hội. Điều đó đã có những tác động mạnh mẽ tới những vấn đề toàn cầu và khu vực.
Sự điều chỉnh trong chính sách ở Biển Đông của các quốc gia trong và ngoài khu vực thời gian tới sẽ còn những diễn biến cần phải tiếp tục theo dõi, cập nhật và đi sâu nghiên cứu. Biển Đông là vấn đề liên quan đến chủ quyền, an ninh quốc gia cũng như là nguồn lực để Việt Nam phát triển trong tương lai. Ý thức được vị trí, vai trò to lớn của Biển Đông đối với không gian sinh tồn của đất nước, thời gian qua Đảng và Chính phủ cũng như người dân Việt Nam rất quan tâm đến vấn đề này để có thể biến “nguy” thành “cơ” cần có sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng vùng với sự đoàn kết, đồng long của hơn 90 triệu người dân Việt Nam, chỉ có một Việt Nam giàu mạnh, hùng cường mới đủ sứ chống lại những thách thức từ bên ngoài.
Có thể nói, cuốn sách là công trình nghiên cứu công phu nghiêm túc được nhóm tác giả tham khảo, phân tích và tổng hợp dựa các nguồn tư liệu uy tín. Với những nội dung được phân tích sắc sảo, hy vọng cuốn sách sẽ cung cấp nguồn thông tin tham khảo bổ ích cho độc giả, những người quan tâm tới vấn đề này.
Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!
Phạm Vĩnh Hà