Trong khi tiếp tục khẳng định khu vực “kinh tế nhà nước” giữ vai trò chủ đạo, đảm bảo phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng cũng đã khẳng định “kinh tế tư nhân” là một động lực quan trọng của sự phát treiern, và hiện thực hóa quan điểm, chủ trương đó bằng khung chính sách pháp luật thúc đẩy doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân phát triển.
Trong bối cảnh quốc tế mới, nền kinh tế Việt Nam nói chung và doanh nghiệp Việt Nam nói riêng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức phát triển mới. Cạnh tranh quyền lực Mỹ - Trung Quốc hay sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa bảo hộ có thể hạn chế mức độ hưởng lợi của nền kinh tế Việt Nam trong hội nhập; Quan hệ thương mại Việt Nam – Trung Quốc có thể là một yếu tố gây ra xung đột lợi ích trong quan hệ thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ. Việc ứng dụng thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0 trong chuỗi sản xuất toàn cầu có thể làm các doanh nghiệp Việt Nam mất cơ hội tham gia các chuỗi đó, dủ chỉ ở những “mắt xích” có giá trị gia tăng thấp… Thêm vào đó, hệ quả từ sự phát triển của doanh nghiệp Trung Quốc khiến Hoa Kỳ và các quốc gia phương Tây triển khai nhiều biện pháp bảo vệ sở hữu trí tuệ, bảo vệ công nghệ lõi đã và đang hạn chế cơ hội tiếp cận công nghệ mới cũng như gia tăng chi phí tiếp cận công nghệ đối với các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng và các doanh nghiệp thế giới nói chung.
Nhằm cung cấp cho nhưng đọc những vấn đề đặt ra từ bối cảnh quốc tế mới đối với sự phat triển của doanh nghiệp Việt Nam, từ đó gợi mở một số giải pháp chính sách nhằm giúp các doanh nghiệp Việt Nam phát triển, năm 2023 Nhà xuất bản Khoa học xã hội xuất bản cuốn sách “Phát triển doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh quốc tế mới” do TS. Phí Vĩnh Tường làm chủ biên.
Cuốn sách gồm 3 chương:
Chương 1. Một số vấn đề lý luận về phát triển doanh nghiệp trong bối cảnh quốc tế mới
Làm rõ một số khái niệm và nội hàm về phát triển doanh nghiệp trong bối cảnh quốc tế mới; đưa ra một số nhóm chỉ tiêu đo lường sự phát triển của doanh nghiệp. Đề cập đến bối cảnh và xu thế quốc tế, nhóm nghiên cứu cho rằng, trật tự kinh tế thế giới mới đang hình thành với vai trò ngày càng lớn hơn của các nền kinh tế mới nổi. Trong giai đoạn tới, nhóm E7 với những quốc gia có quy mô kinh tế lớn nhất thế giới có triển vọng thay thế cho nhóm G7. Bên cạnh đó, tiến bộ công nghệ cùng với sự chuyển biến nhanh về kinh tế - xã hội, địa chính trị những năm qua đang làm thay đổi cơ bản các tiến trình hội nhập và hoạt động kinh doanh trên toàn cầu.
Chương 2. Phát triển doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh quốc tế mới 2011-2020
Trong chương này, nhóm nghiên cứu làm rõ một số nội dung sau: (i) Tổng quan sự phát triển của doanh nghiệp Việt Nam; (ii) Tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của doanh nghiệp Việt Nam; (iii) Chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp Việt Nam; (iv) Ảnh hưởng của bối cảnh quốc tế mới đến sự phát triển của doanh nghiệp. Trên cơ sở phân tích thực trạng phát triển doanh nghiệp, những ảnh hưởng của xu thế và bối cảnh mới đến sự phát triển doanh nghiệp và thực trạng chính sách phát triển doanh nghiệp của Việt Nam, nghiên cứu chỉ ra một số thách thức và cơ hội cho sự phát triển của doanh nghiệp Việt Nam
Chương 3. Chính sách phát triển doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh quốc tế mới
Trên cơ sở phân tích thực trạng phát triển doanh nghiệp, bối cảnh, xu thế mới và những ảnh hưởng đến sự phát triển doanh nghiệp, xu hướng quốc tế hóa và hợp tác khu vực, nghiên cứu đề xuất các khuyến nghị chính sách cho phát triển doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh quốc tế mới và mong muốn nhận dược những thảo luận, ý kiến đóng góp về chủ để này, qua đó, giúp Chính phủ có thêm những luận cứ trong việc hoạch định chính sách phát triển doanh nghiệp Việt Nam vì những mục tiêu phát triển bền vững.
Nguyễn Minh Hồng
Nhà xuất bản Khoa học xã hội