Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
  • Thư viện điện tử và kho tin
  • Đề tài nghiên cứu cấp bộ
  • Đề tài nghiên cứu cấp nhà nước
  • Tham khảo tạp chí
  • Sách toàn văn
  • Thư điện tử
  • Chính phủ
  • 7.1 sach hang nam

Thời đại Kim khí ở các tỉnh Điện Biên, Sơn La, Lai Châu

25/01/2024


Cơ quan soạn thảo: Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Khảo cổ học

Tác giả :
  • GS.TS. Trịnh Sinh (chủ biên)
  • ThS. Nguyễn Thị Hảo
  • ThS. Nguyễn Thơ Đình
  • PGS.TS. Bùi Văn Liêm
  • TS. Trịnh Hoàng Hiệp
  • PGS.TS.Trình Năng Chung
  • TS.Trần Quý Thịnh
  • TS. Nguyễn Ngọc Quý
  • TS. Hoàng Thúy Quỳnh
  • ThS. Nguyễn Thị Hiền
  • TS. Ngô Thị Lan

Địa chỉ liên hệ: 61 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội

Năm xuất bản: 2023

Số trang: 298

Thời đại Kim khí ở các tỉnh Điện Biên, Sơn La, Lai Châu là kết quả của Đề tài cấp Bộ đã được nghiệm thu đạt loại xuất sắc của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam “Nghiên cứu, đánh giá giá trị lịch sử, văn hóa các di tích khảo cổ học thời đại Kim khí ở các tỉnh Điện Biên, Sơn La, Lai Châu” do GS.TS. Trịnh Sinh làm chủ nhiệm. Chuyên khảo được Nhà xuất bản Khoa học xã hội phát hành vào tháng 6/2023.

Tại Lời Nói đầu của cuốn sách, GS.TS. Trịnh Sinh cho biết: Đây là chuyên khảo tập hợp rất nhiều tư liệu khảo cổ học về thời đại Kim khí để xây dựng hồ sơ khoa học về di tích và di vật vì vậy tư liệu này rất cần cho các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý về văn hóa ở trung ương và địa phương. Trên cơ sở tư liệu các tác giả đã dựng lại một phần bức tranh toàn cảnh của cư dân thời cổ đại ở vùng núi phía Bắc nước ta từ cuộc sống vật chất đến tinh thần và tham gia vào mạch nguồn văn hóa Tiền Đông Sơn – Đông Sơn với các vùng đất khác nhau của Tổ quốc.

Trên cơ sở phân tích, đánh giá giá trị lịch sử văn hóa, nghiên cứu so sánh chuyên sâu, thông qua 4 chương bao gồm:

Chương 1: Điều kiện địa lý, cảnh quan và lịch sử nghiên cứu (vài nét về điều kiện địa lý, cảnh quan ở Điện Biên, Sơn La, Lai Châu; lịch sử nghiên cứu (tình hình nghiên cứu thời Pháp thuộc, tình hình nghiên cứu của các nhà khoa học trong nước)).

Chương 2: Di tích và di vật (các di tích thời đại Kim khí ở Điện Biên/Sơn La/Lai Châu); di vật Trống đồng, Thạp đồng, Rìu đồng, một số hiện vật đá, gốm và đất nung…

Chương 3: Nhận thức mới về thời đại Kim khí ở Điện Biên, Sơn La, Lai Châu (tính chất di tich, quy luật phân bổ di tích, tính chất di vật, vấn đề phân định niên đại, giao lưu văn hóa).

Chương 4: Vài nét về đời sống vật chất và tinh thần của cư dân thời đại Kim khí và tinh thần của cư dân thời đại Kim khí ở Điện Biên, Sơn La, Lai Châu.

Nhóm tác giả nhận định: với 89 địa điểm thuộc thời đại Kim khí ở 3 tỉnh cùng với một khối lượng đáng kể hiện vật được phát hiện đã giúp nhóm tác giả thành lập được bộ hồ sơ khoa học hoàn chỉnh, trở thành công cụ tốt cho các nhà nghiên cứu tiếp theo. Bên cạnh đó, công trình đã chứng minh được vùng biên giới 3 tỉnh miền núi Tây Bắc là một vùng đất văn minh lâu đời của cộng đồng người Việt Nam; là vùng đất có bản sắc khảo cổ và văn hóa riêng biệt thuộc về văn hóa đất Việt từ thời cổ đại; Những bằng chứng khảo cổ đã củng cố vấn đề biên giới quốc gia trên đất liền của chúng ta là mảnh đất thuộc về tổ tiên người Việt Nam từ rất xa xưa.

Sự có mặt của văn hóa Đông Sơn thông qua chứng cứ chắc chắn của 4 chiếc Trống đồng Đông Sơn ở Sơn La cùng với vô số các hiện vật khác đã chứng minh 3 tỉnh Điện Biên, Sơn La, Lai Châu là một địa bàn phân bổ của nền văn hóa Đông Sơn, cho thấy khả năng đây là vùng đất của một bộ phận quan trọng trong thời Hùng Vương – An Dương Vương có tên là bộ Tân Hưng…

Điểm mới của chuyên khảo lầ hệ thống hóa được các di tích, di vật thuộc thời địa Kim khí ở 3 tỉnh Điện Biên, Sơn La, Lai Châu; có cống hiến về mặt lý luận khi cho rằng có khả năng con đường phát triển các văn hóa khảo cổ ở Tây Bắc nước ta không giống với cách nghĩ của các nhà khảo cổ trước đây về thang bậc từ văn hóa thời đại Đồ đá cũ đến Sơ kỳ, Trung kỳ rồi Hậu kỳ Đồ đá mới – Sơ kỳ Kim khí (tuy nhiên những điểm này vẫn cần có thời gian và tư liệu để chứng minh thêm); công trình đã phác thảo được bức tranh đời sống vật chất và tinh thần của các cư dân miền núi Tây Bắc dựa trên các tài liệu khảo cổ và các thành tựu nghiên cứu khoa học liên ngành, giúp cho việc củng cố giáo dục truyền thống cho các thế hệ người Việt Nam thêm tự hào về một nền văn minh cổ đại ở một vùng Tây Bắc thân yêu của tổ quốc…

Với ý nghĩa như trên, cuốn sách góp phần nghiên cứu truyền thống và bản sắc văn hóa dân tộc ở vùng Tây Bắc nước ta trong thời gian cách đây vài ngàn năm. Từ sự đa dạng về văn hóa, nhất là văn hóa cổ, chúng ta có thêm tư liệu để hiểu hơn về lịch sử với những nét văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc 3 tỉnh Điện Biên, Sơn La, Lai Châu trong sự hòa đồng với cái chung của nền văn hóa Đông Sơn.

Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!

Phạm Vĩnh Hà

 


Các tin đã đưa ngày: