Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển quan trọng với chủ trương chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện và sâu sắc. Trong bối cảnh phát triển mới, Việt Nam tiếp tục nỗ lực mở rộng quan hệ về mọi mặt với các nước trên thế giới để tăng cường vị thế của mình trên trường quốc tế, trong đó có các quốc gia Trung Đông. Tuy cách xa nhau về mặt địa lý nhưng giữa người dân Việt Nam và người dân các quốc gia Trung Đông từ lâu đã có truyền thống quan hệ hữu nghị tốt đẹp làm nền tảng để thúc đẩy và phát triển quan hệ hợp tác trong nhiều lĩnh vực. Hơn thế nữa, trong những năm gần đây, các quốc gia Trung Đông rất coi trọng Việt Nam và xem Việt Nam là một trong những ưu tiên trong “Chính sách hướng Đông” của mình. Đây là cơ hội để hai bên khai thác những tiềm năng, thế mạnh của nhau, đưa quan hệ song phương phát triển lên tầm cao mới.
Để góp phần làm rõ hơn về quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các quốc gia Saudi Arabia, UAE và Israel, đặc biệt là cung cấp thêm luận cứ cũng như giải pháp hữu hiệu để thực hiện có hiệu quả Đề án Phát triển quan hệ giữa Việt Nam và các nước Trung Đông – Châu Phi giai đoạn 2016-2025 của Chính phủ, năm 2023, Nhà xuất bản Khoa học xã hội xuất bản cuốn sách với tựa đề “Quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với một số quốc gia Trung Đông giai đoạn 2010-2020” do PGS.TS. Lê Phước Minh làm chủ biên. Cuốn sách là kết quả của đề tài cấp Bộ cùng tên của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam do Viện Nghiên cứu châu Phi và Trung Đông chủ trì. PGS.TS. Lê Phước Minh làm chủ nhiệm.
Cuốn sách được bố cục thành 3 chương:
Chương 1. Bối cảnh phát triển mới và nhu cầu hợp tác giữa Việt Nam và một số quốc gia Trung Dông
Chương 2. Thực trạng quan hệ hợp tác của Việt Nam với Saudi Arabia, UAE và Israel đến năm 2010 đến năm 2020
Chương 3. Triển vọng quan hệ hợp tác của Việt Nam với Saudi Arabia, UAE và Israel đến năm 2025 và một số gợi ý chính sách
Mục tiêu của cuốn sách là trình bày nghiên cứu trong bối cảnh phát triển mới, tập trung làm rõ những nhân tố quốc tế, khu vực mới tác động đến Trung Đông, Việt Nam và quan hệ hợp tác giữa Việt nam và các quốc gia khu vực này; Tìm hiểu lợi thế so sánh của Saudi Arabia, UAE và Israel trong quan hệ hợp tác và nhu cầu thúc đẩy quan hệ hợp tác của Việt Nam với các quốc gia này cũng như cơ chế, chính sách hợp tác giữa hai bên trong thời gian qua; Nghiên cứu thực trạng quan hệ hợp tác giữa Việt nam và Saudi Arabia, UAE và Israel trong thập niên thứ hai của thế kỷ XXI (từ năm 2010 khởi phát phong trào mùa xuân Arab đến năm 2020 xuất hiện đại dịch Covid-19) trong lĩnh vực chính trị - ngoại giao, kinh tế, văn hóa- giáo dục; Phân tích những thành tựu hạn chế và nguyên nhân trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Saudi Arabia, UAE và Israel trong thời gian qua với những nhân tố tác động mới; Phân tích và đánh giá triển vọng và kịch bản về quan hệ hợp tác giữa các bên trong thời gian tới, từ đó đề xuất một số phương thức và giải pháp mở rộng quan hệ hợp tác và nâng cao chất lượng hợp tác của Việt Nam với Saudi Arabia, UAE và Israel đến năm 2025 và xa hơn.
Nhóm nghiên cứu khẳng định, trong giai đoạn 2010-2020, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Saudi Arabia, UAE và Israel nói riêng và các quốc gia Trung Đông nói chung có nhiều thành tựu, khởi sắc. Đặc biệt, sau khi Thủ tướng Chính phủ Việt Nam phê chuẩn Đề án Phát triển quan hệ giữa Việt Nam với các nước Trung Đông- châu Phi giai đoạn 2016-2025 thì quan hệ giữa các bên dã được chú trọng, nâng tầm, đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ. Tuy nhiên, xét về tiềm năng, cơ hội quan hệ hợp tác đôi bên cùng có lợi thì dư địa còn nhiều, chưa đạt được mong đợi của chính phủ và nhân dân các bên. Nhiều vấn đề an ninh mới đang nổi lên như an ninh mạng, an ninh nguồn nước, an ninh môi trường, biến đổi khí hậu, an ninh tài chính…các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống này đang ngày càng đa dạng, phức tạp, khó lường đã tác động nghiêm trọng trên diện rộng không loại trừ một quốc gia nào. Điều này gây ra những thách thức rất lớn trong việc khai thông và thúc đẩy hợp tác kinh doanh, đầu tư, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng vốn là điểm “nghẽn” trong quan hệ hợp tác của Việt Nam với Saudi Arabia, UAE và Israel thời gian qua.
Trên cơ sở phân tích, đánh giá thực trạng mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Saudi Arabia, UAE và Israel nói riêng và các quốc gia Trung Đông, nhóm tác giả cho rằng, trong thời gian tới, Việt Nam và các quốc gia Trung Đông cần tranh thủ, ưu tiên và tối ưu hóa các thế mạnh của nhau trong quá trình trao đổi thương mại, đầu tư và thúc đẩy quan hệ chính trị, an ninh, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ và nhiều mặt khác dựa trên các thế mạnh này được cụ thể hóa và phân tích trong từng chương mục; đồng thời đề xuất một số giải pháp để có thể tăng cường hợp tác dựa trên lợi ích nhiều mặt cho cả hai bên: (i) Đẩy mạnh nghiên cứu về Trung Đông, trong đó có vai trò quan trọng của Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; (ii) Thúc đẩy trục quan hệ chính là quan hệ kinh tế - tài chính; (iii) Tăng cường hợp tác lao động với các quốc gia, trong đó chú trọng hơn nữa lực lượng lao động trí thức, chuyên gia và lao động lành nghề đã qua đào tạo; (iv) Thúc đẩy hợp tác văn hóa, thể thao, du lịch làm nền tảng cho quan hệ hợp tác bền vững.
Xin trân trọng giới thiệu!
Nguyễn Minh Hồng
Nhà xuất bản Khoa học xã hội