|
|
Trong thời gian gần đây, công tác hoạch định chính sách đã đạt được những thành quả nhất định cả về số lượng và chất lượng, đặc biệt trên các lĩnh vực trọng yếu như kinh tế, chính trị, ngoại giao, quân sự. Hệ thống chính sách được xây dựng đã từng bước đáp ứng những nhu cầu thực tiễn cấp bách của sự phát triển…Mặc dù vậy, hệ thống chính sách của Việt Nam vẫn còn những bất cập và khó khăn nhất định, đặc biệt là công tác hoạch định, thực thi và đánh giá chính sách. Nguyên nhân được cho là do chúng ta chưa có một chu trình chính sách chuẩn để làm khung, sườn cho sự vận hành của chính sách, bên cạnh đó, ngay cả cách hiểu về chính sách chúng ta cũng chưa có một sự thống nhất nào về mặt lý luận làm tiền đề quan trọng cho các vấn đề có liên quan khác. Để giải quyết vấn đề trên, đã có một số học giả nghiên cứu về chính sách công để tìm ra một hướng đi phù hợp với thực tiễn của Việt Nam, tuy nhiên cho đến nay, chúng ta vẫn chưa thực sự có những giải pháp bao trùm và hiệu quả để giải quyết những vấn đề chính sách công cơ bản này.
Với mong muốn đi tìm một quy trình chính sách khoa học, phù hợp với điều kiện của Việt Nam, năm 2023, Nhà xuất bản Khoa học xã hội xuất bản cuốn sách chuyên khảo với tựa đề “Chính sách công so sánh” do PGS.TS. Hồ Việt Hạnh và TS. Kiều Quỳnh Anh đồng chủ biên. Cuốn sách là kết quả của đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
Ngoài lời nói đầu và Kết luận, nội dung chính của cuốn sách được kết cấu thành 4 chương:
Chương 1. Lý luận chung về chính sách công
Làm rõ một số vấn đề lý luận chung về chính sách công trong đó tập trung phân tích các yếu tố tác động đến chu trình chính sách công như: Tính chất của vấn đề chính sách; Tính đúng đắn và cụ thể của chính sách; Nguồn lực thực hiện chính sách; Sự tương tác, trao đổi và phối hợp giữa các cơ quan và cá nhân trong thực hiện chính sách; Sự tiếp nhận và ủng hộ của đối tượng chính sách; Phẩm chất và năng lực của những người thực hiện chính sách; Tổ chức bộ máy và cơ chế vận hành của cơ quan thực hiện chính sách; Môi trường kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội. Bên cạnh đó nhóm tác giả cũng chỉ ra 4 yếu tố cơ bản tác động đến phân tích đánh giá chính sách công như: chính trị; kinh tế- xã hội, văn hóa; trình độ năng lực của cán bộ, công chức và quan hệ quốc tế.
Chương 2. So sánh hoạch định chính sách công
Trong chương này, nhóm nghiên cứu phân tích những nội dung cơ bản sau: (i) Các căn cứ hoạch định chính sách công; (ii) Ý nghĩa của hoạch định chính sách công; (iii) Hoạch định chính sách công trong thể chế chính trị đa nguyên; (iv) Hoạch định chính sách cong trong thể chế chính trị nhị nguyên.
Bên cạnh đó, nhóm tác giả tập trung làm sáng tỏ những điểm tương đồng và khác biệt trong hoạch định chính sách công của những nước có thể chế chính trị đa nguyên, nhị nguyên với những nước có thể chế chính trị nhất nguyên.
Chương 3. So sánh thực hiện chính sách công
Trên cơ sở làm rõ các nội dung về thực hiện chính sách công trong thể chế chính trị đa nguyên và thể chế chính trị nhất nguyên, nhóm nghiên cứu đã chỉ ra những điểm tương đồng và khác biệt giữa hai nhóm thể chế chính trị. Về điểm tương đồng, đó là chủ thể triển khai thực hiện chính sách công (phân cấp quản lý, triển khai thực hiện chính sách công); đối tượng điều chỉnh, tác động của chính sách công; quy trình tổ chức thực hiện chính sách công; Về điểm khác biệt, đó là mục đích thực hiện chính sách công, phạm vi và thời gian áp dụng các chính sách công, cách thức huy động các nguồn lực của xã hội để thực hiện chính sách công.
Từ những phân tích trên, các tác giả đã rút ra một số kinh nghiệm cho quá trình thực hiện chính sách công ở Việt Nam hiện nay: Thứ nhất, cần nâng cao vai trò của cơ quan hành pháp trong thực thi chính sách công; Thứ hai, nâng cao năng lực thực hiện chính sách công của đội ngũ cán bộ, công chức tham gia thực hiện chính sách công.
Chương 4. So sánh đánh giá chính sách công
Trên cơ sở nghiên cứu mối tương đồng trong đánh giá chính sách công ở thể đa nguyên và nhất nguyên, các tác giả đã rút ra một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong quá trình đánh giá chính sách công ở Việt Nam, từ đó đưa ra các khuyến nghị cho việc xây dựng, hoàn thiện quy trình chính sách công của Việt Nam hiện nay.
Cuốn sách là công trình nghiên cứu công phu của tập thể tác giả, góp phần có được cái nhìn rõ ràng hơn về quy trình chính sách, có những gợi ý có cơ sở trong quá trình hoạch định, thực hiện và đánh giá chính sách trong điều kiện nước ta hiện nay. Với những nội dung trên, chắc chắn cuốn sách sẽ là tài liệu tham khảo hữu ích cho các học viên cao học trong lĩnh vực chính sách công.
Xin trân trọng giới thiệu!
Nguyễn Minh Hồng