Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
  • Thư viện điện tử và kho tin
  • Đề tài nghiên cứu cấp bộ
  • Đề tài nghiên cứu cấp nhà nước
  • Tham khảo tạp chí
  • Sách toàn văn
  • Thư điện tử
  • Chính phủ
  • 7.1 sach hang nam

Vai trò của công tác tư tưởng trong quản lý hoạt động xuất bản ở Việt Nam hiện nay

14/03/2024


Cơ quan soạn thảo: Nhà xuất bản Khoa học xã hội

Tác giả :
  • TS. Phạm Thị Vui

Năm xuất bản: 2021

Số trang: 298

Công tác tư tưởng là toàn bộ hoạt động trên lĩnh vực ý thức của con người nhằm mục tiêu chính là biến tư tưởng tiến bộ, cách mạng thành lực lượng vật chất để cải tạo xã hội, xây dựng một chế độ mới, làm cho hệ tư tưởng của Đảng Cộng sản, của giai cấp công nhân trở thành hệ tư tưởng chiếm vị trí chủ đạo trong đời sống xã hội. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn nhận thức xuất bản là một lĩnh vực hoạt động tư tưởng sắc bén, là một bộ phận quan trọng của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, có nhiệm vụ tích lũy, lưu trữ và truyền bá các giá trị tinh thần, góp phần nâng cao dân trí, phát triển nền văn hóa, bảo vệ nền tảng tư tưởng, thế giới quan, nhân sinh quan cách mạng và khoa học; xây dựng đạo đức, lối sống và phát triển toàn diện nhân cách con người Việt Nam; góp phần đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, hình thành xã hội học tập.

Hiện nay, bối cảnh mới đang có rất nhiều vấn đề phức tạp nảy sinh, tác động mạnh mẽ tới công tác tư tưởng, trong đó có lĩnh vực xuất bản. Đó là sự phát triển như vũ bão của khoa học và công nghệ, nhất là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng như tình hình khu vực và quốc tế có nhiều biến động. Trong khi đó, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị, phản động lại đang tận dụng triệt để các công cụ, phương tiện này để tấn công nền tảng tư tưởng của Đảng. Bối cảnh đó đã, đang tác động mạnh mẽ đến vai trò của công tác tư tưởng trong quản lý hoạt động xuất bản nói chung và hoạt động xuất bản nói riêng, đòi hỏi cần phải phát huy hơn nữa vai trò của công tác tư tưởng trong quản lý hoạt động xuất bản.

Trước những đòi hỏi, yêu cầu của công cuộc đổi mới đất nước; xuất phát từ cơ sở lý luận và thực tiễn và với sự ủng hộ của các cơ quan hữu quan và Nhà xuất bản Khoa học xã hội, TS. Phạm Thị Vui đã cho ra đời cuốn sách “Vai trò của công tác tư tưởng trong quản lý hoạt động xuất bản ở Việt Nam hiện nay”. Trên cơ sở nghiên cứu, luận giải và làm sáng tỏ một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công tác tư tưởng và vai trò của công tác tư tưởng trong quản lý hoạt động xuất bản, tác giả đề xuất một số quan điểm, giải pháp chủ yếu nhằm phát huy vai trò của công tác tư tưởng trong quản lý hoạt động xuất bản ở Việt Nam trong thời gian tới.

Cùng với Mở đầu và kết luận, nội dung chính của cuốn sách đươc kết cấu thành 3 chương:

Chương 1: Một số vấn đề lý luận về vai trò của công tác tư tưởng trong quản lý hoạt động xuất bản.

Chương 2: Vai trò của công tác tư tưởng trong quản lý hoạt động xuất bản ở Việt Nam hiện nay- Thực trạng và những vấn đề đặt ra.

Chương 3: Quan điểm, giải pháp phát huy vai trò của công tác tư tưởng trong quản lý hoạt động xuất bản ở Việt Nam trong thời gian tới.

Trên cơ sở phân tích một số vấn đề lý luận và thực tiễn về vai trò của công tác tư tưởng trong quản lý hoạt động xuất bản, tác giả đã đưa ra quan điểm và giải pháp nhằm phát huy vai trò của công tác tư tưởng trong quản lý hoạt động xuất bản ở Việt Nam thời gian tới:

Theo đó, một số quan điểm cần thực hiện tốt như sau:

Thứ nhất, phát huy vai trò công tác tư tưởng phải dựa trên cơ sở và gắn bó chặt chẽ với việc hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và hoạt động của các cơ quan công tác tư tưởng.

Thứ hai, phải gắn liền và nhằm mục đích hoàn thành nhiệm vụ chính trị của ngành xuất bản.

Thứ ba, phải là trách nhiệm của mọi cơ quan công tác tư tưởng trong đó vai trò quan trọng nhất thuộc về ban tuyên giáo cấp ủy.

Thứ tư, phải gắn liền với cuộc đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, báo chí, xuất bản.

Ngoài ra, nhằm phát huy vai trò công tác tư tưởng trong quản lý hoạt động xuất bản trong thời gian tới, tác giả đã đưa ra 06 giải pháp như sau:

  1.  Nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng về vai trò công tác tư tưởng trong quản lý hoạt động xuất bản.
  2.  Đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với hoạt động xuất bản; phát huy vai trò ban tuyên giáo cấp ủy trong quản lý hoạt động xuất bản.
  3.  Định hướng chiến lược phát triển ngành xuất bản.
  4. Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao phẩm chất, năng lực cán bộ quản lý xuất bản.
  5. Kết hợp chặt chẽ phương pháp quản lý hành chính với phương pháp tổ chức, phương pháp kinh tế và phương pháp giáo dục tư tưởng.
  6. Tăng cường cơ sở vật chất, phương tiện, điều kiện làm việc, nâng cao vị thế xã hội của cơ quan tư tưởng và cán bộ tư tưởng.

Cuốn sách là công trình nghiên cứu công phu và đầy tâm huyết của tác giả dưới góc độ phân tích lý luận và thực tiễn về vai trò công tác tư tưởng trong quản lý hoạt động xuất bản để từ đó rút ra những quan điểm và giải pháp nhằm nâng cao công tác này trong bối cảnh mới. Đây là vấn đề mới và phức tạp, lý luận và thực tiễn về vai trò công tác tư tưởng cũng cần đặt trong quá trình vận động, phát triển và hoàn thiện không ngừng.

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu bước đầu, cuốn sách là tài liệu tham khảo quí báu cho các chuyên gia, nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách, đặc biệt trên lĩnh vực công tác văn hóa, tư tưởng, báo chí, xuất bản có thêm thông tin hữu ích trong công tác chuyên môn, thực thi nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu phát triển mới của đất nước.

Xin trân trọng giới thiệu!

Nguyễn Thu Trang


Khoa học xã hội

Các tin đã đưa ngày: