Theo báo cáo từ Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNFPA, 2019), dân số Việt Nam đang trải qua tốc độ già hóa nhanh, tỷ lệ người già từ 60 tuổi tăng từ 8,1% dân số vào năm 1999, lên 8,6% và 10,2% vào năm 2009 và 2014. Với tốc độ này, dự báo đến năm 2035, tỷ lệ dân số người cao tuổi sẽ tiếp tục tăng lên tới 20%.
Tình trạng mức sinh giảm, tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động so với tổng số dân cũng giảm, tuổi thọ tăng đã khiến người cao tuổi trở thành nhóm duy nhất có xu hướng tăng trong giai đoạn hiện nay. Điều này dẫn đến tỷ lệ dân số tham gia thị trường lao động và tỷ lệ tiết kiệm giảm xuống đã ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế. Không những vậy, bản thân người cao tuổi cũng đối mặt với những nguy cơ như: bị từ chối không được tiếp cận đầy đủ với các cơ hội và nguồn lực bao gồm: việc làm, thu nhập, chăm sóc sức khỏe, nhà ở và các cơ hội được tham gia bình đẳng trong các hoạt động xã hội, chính trị, cộng đồng…
Để giúp bạn đọc có thêm tư liệu hơn về lĩnh vực này, tháng 11/2023, Nhà xuất bản Khoa học xã hội đã phát hành ấn phẩm “Nhu cầu và thực trạng tham gia lao động của người cao tuổi ở Đà Nẵng” (sách chuyên khảo) do TS.Trịnh Thái Quang và PGS.TS. Trần Thị Minh Thi (đồng chủ biên).
Cuốn sách là kết quả của Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ “Phát huy nguồn lực người cao tuổi trong phát triển kinh tế - xã hội thích ứng bối cảnh già hóa dân số của Việt Nam” do Văn phòng Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam là đơn vị chủ trì và Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới là đầu mối thực hiện. Đề tài sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính và định lượng để tìm hiểu, phân tích sâu vào nhu cầu và thực trạng tham gia lao động của người cao tuổi tại thành phố Đà Nẵng, một trong những thành phố trực thuộc trung ương năng động và có tốc độ phát triển kinh tế - xã hội nhanh nhất cả nước, đồng thời cũng là thành phố đối mặt với những thách thức của quá trình già hòa dân số cao nhất cả nước.
Ngoài phần Lời nói đầu và Kết luận cuốn sách được cấu trúc thành 5 chương như sau:
Chương 1: Bối cảnh Kinh tế - xã hội
Giới thiệu bối cảnh kinh tế xã hội về các khía cạnh già hóa dân số ở Việt Nam, các đặc điểm kinh tế - xã hội của nhóm dân số cao tuổi, vấn đề già hóa dân số, người cao tuổi và lao động – việc làm;
Chương 2: Cơ sở lý luận và thực hiện phương pháp nghiên cứu số liệu, địa bàn nghiên cứu
Tập trung giới thiệu về các vấn đề nghiên cứu, mục tiêu nghiên cứu, đối tượng và phạm vi nghiên cứu, các cơ sở lý luận và thực tiễn của đề tài bao gồm các khái niệm nghiên cứu được sử dụng, các cách tiếp cận và lý thuyết sử dụng trong nghiên cứu đồng thời cung cấp các thông tin chi tiết về mẫu nghiên cứu, các phương pháp và hạn chế của nghiên cứu;
Chương 3: Người cao tuổi tham gia lao động
Bao gồm các nội dung liên quan đến việc phân tích các đặc điểm việc làm, thu nhập, mục đích và lý do lựa chọn công việc/việc làm của người cao tuổi, khả năng đáp ứng công việc của người cao tuổi và các khác biệt theo nhóm xã hội;
Chương 4: Nhu cầu việc làm của người cao tuổi và nhu cầu sử dụng lao động cao tuổi
Khai thác các kết quả nghiên cứu về nhu cầu tham gia thị trường lao động của người cao tuổi, phân tích nhu cầu của bản thân người cao tuổi về việc tham gia vào thị trường lao động, đánh giá của người cao tuổi về nhu cầu sử dụng lao động tại địa phương về những công việc sẵn có và các đơn vị tuyển dụng;
Chương 5: Các thuận lợi và khó khăn của người cao tuổi trong vấn đề lao động – việc làm
Tập trung phân tích các thế mạnh và thách thức đối với người cao tuổi khi tham gia vào thị trường lao động, những khó khăn mà người cao tuổi có thể gặp phải trong quá trình tìm kiếm, lao động tạo ra thu nhập; các khó khăn đó có thể xuất phát trong quá trình tìm kiếm việc làm, khó khăn liên quan đến kỹ năng của bản thân người cao tuổi; khó khăn trong việc tiếp cận nguồn tin, sự phân biệt tuổi tác và hiểu biết của người cao tuổi về chính sách, pháp luật có liên quan đến lao động, việc làm; các thuận lời mà người cao tuổi có trong quá trình tìm kiếm công việc , lao động tạo ra thu nhập…
Có thể khẳng định cuốn sách là công trình nghiên cứu công phu nghiêm túc được nhóm tác giả tham khảo, phân tích và tổng hợp dựa các nguồn tư liệu uy tín. Với những nội dung được phân tích sắc sảo, hy vọng cuốn sách sẽ cung cấp nguồn thông tin tham khảo bổ ích cho độc giả, những người quan tâm tới vấn đề này.
Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc./.
Phạm Vĩnh Hà