Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
  • Thư viện điện tử và kho tin
  • Đề tài nghiên cứu cấp bộ
  • Đề tài nghiên cứu cấp nhà nước
  • Tham khảo tạp chí
  • Sách toàn văn
  • Thư điện tử
  • Chính phủ
  • 7.1 sach hang nam

Gia đình của người Hà Nhì và người Giáy ở vùng biên giới Việt Nam – Trung Quốc

14/05/2024


Tác giả :
  • TS. Hoàng Phương Mai (Chủ biên)
  • TS. Bùi Thị Bích Lan
  • TS. Trần Minh Hằng
  • TS. Nguyễn Thẩm Thu Hà
  • ThS. Phạm Thị Thu Hà
  • ThS. Phạm Thị Hà Xuyên

Năm xuất bản: 2023

Số trang: 356

Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, gia đình mỗi tộc người mang các giá trị nhân văn sâu sắc được hình thành và phát triển trong tiến trình lịch sử đã trở thành những đặc trưng văn hóa cần được lưu giữ. Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn khẳng định, sự ổn định của gia đình là nhân tố quyết định thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ở Việt Nam, các dân tộc thiểu số chủ yếu sinh sống tại địa bàn miền núi, biên giới, vùng sâu vùng xa; mỗi tộc người lại có những phong tục riêng, với sự khác biệt trong quan niệm, lối sống, lịch sử tộc người… những đặc thù đó ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực thi có hiệu quả các chính sách, pháp luật của Nhà nước về gia đình

Biên giới Việt Nam – Trung Quốc có chiều dài 1.449km, trải dài qua 7 tỉnh của Việt Nam, tiếp giáp với 2 tỉnh của Trung Quốc là Quảng Tây và Vân Nam. Đây là địa bàn cư trú chủ yếu của các dân tộc thiểu số thuộc Nhóm ngôn ngữ Tày – Thái, Nhóm ngôn ngữ Ka Đai, Nhóm ngông ngữ Tạng  - Miến, nhóm ngôn ngữ Hán và nhóm ngôn ngữ Hmông – Dao. Tại đường biên giới này, có xã Y Tý và xã Bản Qua thuộc huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Đây là nơi sinh sống chủ yếu của người Hà Nhì và người Giáy, hai tộc người này đều chứa đựng nhiều nét văn hóa đặc sắc về phong tục tập quán, văn hóa gia đình, có mối liên hệ thân tộc xuyên biên giới. Để nhận diện những tác nhân tạo nên sự biến đổi của gia đình mang đặc trưng khu biên giới, nhóm tác giả đã lựa chọn hai tộc người điển hình này trong công trình nghiên cứu của đề tài cấp Bộ mang tên “Gia đình của người Hà Nhì và người Giáy ở vùng biên giới huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai hiện nay” công trình được thực hiện trong hai năm 2021-2022 của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, do Viện Dân tộc học chủ trì, TS. Hoàng Phương Mai làm chủ nhiệm. Năm 2023, dựa trên kết quả nghiên cứu của đề tài cấp Bộ trên, Nhà xuất bản Khoa học xã hội xuất bản cuốn sách chuyên khảo mang tên “Gia đình của người Hà Nhì và người Giáy ở vùng biên giới Việt Nam – Trung Quốc” do TS. Hoàng Phương Mai làm chủ biên.

Ngoài phần Mở đầu và Kết luận, nội dung chính của cuốn sách được kết cấu thành 4 chương:

Chương 1. Tổng quan tài liệu, khái niệm, lý thuyết, tiếp cận, khái quát gia đình truyền thống vùng biên giới Việt Nam – Trung Quốc, giới thiệu tộc người và địa bàn nghiên cứu

Chương 2. Quy mô, cấu trúc, loại hình và các chức năng cơ bản của gia đình hiện nay

Chương 3. Các mối quan hệ trong gia đình

Chương 4. Xu hướng phát triển của gia đình, những yếu tố tác động, một số vấn đề đặt ra và đề xuất giải pháp.

Để đáp ứng các mục tiêu đề ra, nhóm nghiên cứu sử dụng đồng thời nhiều phương pháp khác nhau của khoa học xã hội, trong đó trọng tâm là Dân tộc học/Nhân học. Số lượng mẫu phiếu điều tra phiếu hỏi tuy không lớn, song đối tượng chọn mẫu trên nhiều loại gia đình giúp cho các thông tin phỏng vấn phong phú, phản ánh đúng hiện trạng một cách khách quan. Nhóm nghiên cứu chỉ thống kê các phiếu hỏi từ các đối tượng trả lời có thông tin tin cậy, am hiểu cơ bản về gia đình mình cũng như đời sống tộc người mình tại địa bàn nghiên cứu. Việc chọn mẫu là ngẫu nhiên, tuy nhiên cũng đưa ra các tiêu chí cụ thể để việc điều tra phiếu mang tính đại diện, khách quan, phản ánh đúng thực trạng đối tượng và địa bàn nghiên cứu chính nói riêng và vùng biên giới Việt Nam – Trung Quốc nói chung.

Nghiên cứu cho thấy, gia đình của người Hà Nhì và người Giáy theo chế độ phụ hệ, chế độ hôn nhân và gia đình mang tính giai cấp sâu sắc, quan hệ huyết thống tính theo dòng cha và nam giới là chủ gia đình. Điều này biểu hiện rõ nhất trong phân công lao động giữa vợ và chồng. Bất bình đẳng giới trong gia đình người Hà Nhì đậm nét hơn so với gia đình người Giáy. Tại gia đình người Giáy, phụ nữ tham gia nhiều hơn vào các hoạt động có thu nhập cho gia đình và được công nhận vị thế trong gia đình không có sự chênh lệch quá lớn so với chồng của họ. Mỗi gia đình người Giáy và người Hà Nhì là một đơn vị kinh tế riêng biệt, hoạt động sinh kế truyền thống là nông nghiệp, người Hà Nhì khai khẩn đất đai trên sườn núi dốc tạo nên những mảnh ruộng bậc thang, người Giáy sinh sống ở vùng thấp canh tác ruộng nước trên những cánh đồng rộng lớn…

Tại địa bàn nghiên cứu, quan hệ giữa các gia đình Hà Nhì và Giáy với dòng họ, cộng đồng ở nội địa vẫn tương đối bền chặt. Đa số người dân vẫn coi quan hệ dòng họ và động đồng có ý nghĩa lớn, góp phần điều chỉnh hành vi, thái độ của các thành viên gia đình. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, dưới tác động của nền kinh tế thị trường, di cư lao động xa quê, thì những giá trị gắn bó không còn đậm nét như trong truyền thống, tư duy kinh tế, thực dụng, có phần nào ảnh hưởng làm quan hệ dòng họ có sự xa cách và ít đồng cảm, sẻ chia.

Trên cơ sở đánh giá các xu hướng phát triển của gia đình và các yếu tố tác động đến gia đình, nhóm tác giả nên lên các vấn đề đặt ra và đề xuất những khuyến nghị, giải pháp phù hợp nhằm góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị gia đình truyền thống, cung cấp luận cứ khoa học cho việc xây dựng và đổi mới chính sách về gia đình tại huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai nói riêng và các khu vực biên giới khác tại Việt Nam nói chung.

Cuốn sách là công trình nghiên cứu công phu của tập thể tác giả, cùng với những phân tích, đánh giá và phương pháp nghiên cứu khoa học chuyên sâu còn có phụ lục ảnh được chụp lại qua các chuyến khảo sát thực địa giúp người đọc có thêm tư liệu và dễ hiểu hơn về cuộc sống, sinh hoạt văn hóa của người Giáy và Hà Nhì. Hy vọng đây sẽ là nguồn tài liệu hữu ích dành cho độc giả quan tâm.

Xin trân trọng giới thiệu!

Nguyễn Minh Hồng

 


Nhà xuất bản Khoa học xã hội

Các tin đã đưa ngày: