Cuốn sách Tiếp cận và sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản của vị thành niên nữ dân tộc thiểu số thực trạng và thách thức (sách chuyên khảo) do TS. Lê Thị Đan Dung, Viện Nghiên cứu Con người (chủ biên) được Nhà Xuất bản Khoa học xã hội phát hành tháng 7/2022 nhằm cung cấp cho bạn đọc một số kết quả nghiên cứu về thực trạng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản của vị thành niên nữ của một số dân tộc thiểu số từ góc độ phát triển con người.
Nghiên cứu tập trung ở tỉnh Lai Châu với hai cộng đồng dân tộc thiểu số là dân tộc Hmông và dân tộc Thái tập trung tìm hiểu vấn đề này trên các phương diện như cơ hội, năng lực và tính chủ thể cũng như kết quả của việc tiếp cận sức khỏe sinh sản (mức độ tiếp cận của đối tượng, sự hài lòng của đối tượng)…
Ngoài phần mở đầu và kết luận nội dung cuốn sách được cấu trúc thành các chương như sau:
Chương 1: Một số vấn đề lý luận nghiên cứu về tiếp cận và sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản từ góc độ phát triển con người
Chương 2: Thực trạng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản của vị thành niên nữ dân tộc thiểu số
Chương 3: Thực trạng sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản của vị thành niên nữ dân tộc thiểu số
Chương 4: Các yếu tố ảnh hưởng và giải pháp nâng cao việc tiếp cận và sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản của vị thành niên nữ dân tộc thiểu số
Qua các nội dung được trình bày nhóm tác giả nhấn mạnh: Về cơ hội tiếp cận các dịch vụ, hiện nay chưa có dịch vị chăm sóc sức khỏe sinh sản cho vị thành niên, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản đang có cũng chưa thực sự phù hợp với nhu cầu của vị thành niên nữ dân tộc thiểu số đặc biệt là nhu cầu tư vấn, tìm hiểu thông tin (đối với những người chưa kết hôn).
Xét về dân tộc thì vị thành niên nữ dân tộc Hmông có xu hướng tự dùng các phương thuốc dân gian và tìm hiểu về các thầy lang, thầy cúng nhiều hơn so với vị thành niên nữ dân tộc Thái. Qua các số liệu cho thấy, vị thành niên nữ đã phần nào ý thức được vấn đề an toàn đối với sức khỏe sinh sản của mình, khi gặp các vấn đề về sức khoẻ, đa số vị thành niên nữ dân tộc thiểu số đều chọn cách xử lý là đến các cơ sở y tế, tuy nhiên vẫn còn một số ít chọn phương án là tự dùng các phương thuốc dân gian hoặc tự mua thuốc tây về uống tại nhà, tỷ lệ này rơi chủ yếu vào nhóm vị thành niên nữ dân tộc Hmông.
Nhìn chung, kiến thức và nhận thức của vị thành niên nữ dân tộc thiểu số hai dân tộc nói trên đều còn khá thấp. Điều đáng lo ngại là số vị thành niên nữ được hỏi có biết về vấn đề phá thai an toàn là rất thấp, hiểu biết về các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ cũng còn rất hạn chế. Bên cạnh đó vẫn còn tỷ lệ khá cao các vị thành niên nữ không biết là trạm y tế xã và bệnh viện huyện có cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ như phá thai hay sinh con hay không. Việc chưa hiểu đúng về nơi cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ xảy ra ở cả vị thành niên nữ dân tộc thiểu số không đi học và có đang đi học là một thực trạng rất đáng báo động.
Khi so sánh giữa hai dân tộc Thái và Hmông, kết quả nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng nữ vị thành niên còn gặp những bất lợi trên cả phương diện cơ hội và năng lực, xét đến cùng thì vị thành niên nữ dân tộc thiểu số vẫn đang phải đối mặt với nhiều rào cản trong việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ. Nguyên nhân chính của thực trạng này chính là do việc thiếu những dịch vụ chăm sóc sức khoẻ dành niên cho đối tượng vị thành niên, sự không phù hợp và chất lượng dịch vụ chưa đáp ứng được nhu cầu của họ. Mặt khác, những yếu tố như kiến thức, hiểu biết về chăm sóc sức khoẻ, tính chủ thể, tâm lý… là những rào cản được định hình một cách rõ nét trong việc sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khoẻ của vị thành niên nữ dân tộc thiểu số nói trên.
Có thể nói, cuốn sách là công trình nghiên cứu công phu nghiêm túc được nhóm tác giả tham khảo, phân tích và tổng hợp dựa các nguồn tư liệu uy tín. Với những nội dung được phân tích sắc sảo, hy vọng cuốn sách sẽ cung cấp nguồn thông tin tham khảo bổ ích cho độc giả, những người quan tâm tới vấn đề này.
Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!
Phạm Vĩnh Hà