|
|
Tuổi thanh thiếu niên là thời gian các em mở rộng vòng tròn của những người thân thiết, trọng tâm mối quan hệ thân mật của thanh thiếu niên chuyển dần từ gia đình sang bạn đồng trang lứa và đối tác lãng mạn. Đây là quan hệ liên nhân cách gần gũi, gắn bó giữa hai người khác giới, thể hiện qua những tương tác tự nguyện, hai chiều, những hành vi tự bộc lộ, được đánh dấu bằng các biểu hiện của sự đam mê, quan tâm, hiểu biết. Mối quan hệ này cũng là chủ đề trò chuyện phổ biến, là mối bận tâm đáng kể và là nguyên nhân chính gây ra cảm xúc mạnh mẽ ở lứa tuổi này. Theo nghiên cứu của nhiều học giả, việc xây dựng được mối quan hệ thân mật bên ngoài gia đình vừa là một khả năng vừa là một nhiệm vụ của lứa tuổi thanh thiếu niên. Nó cũng là một điều vô cùng quan trọng bởi nếu không có, con người dễ có xu hướng cô lập, vị kỷ, tự say mê chính mình. Ở học sinh Trung học phổ thông, mối quan hệ thân mật nói chung, mối quan hệ lãng mạn nói riêng với bạn khác giới bên cạnh việc mang lại niềm vui, sự sẻ chia, nguồn động viên, sự tin cậy và an toàn cho các em thì mối quan hệ lãn mạn với bạn khác giới có thể đem lại một số tác động tiêu cực đối với người trong cuộc.
Với mục đích tìm hiểu thêm đời sống tình cảm của các em ở lứa tuổi học sinh Trung học phổ thông từ đó đề ra những biện pháp giáo dục, định hướng cho các em trong vấn đề quan hệ với bạn khác giới, giảm thiểu những tác động tiêu cực, năm 2023, Nhà xuất bản Khoa học xã hội xuất bản cuốn sách chuyên khảo “Mối quan hệ lãng mạn với bạn khác giới của học sinh Trung học phổ thông” do TS. Nguyễn Thị Phương Hoa làm chủ biên. Đây là kết quả nghiên cứu của đề tài cấp Bộ năm 2019 – 2020 của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam “Mối quan hệ thân mật với bạn khác giới của học sinh Trung học phổ thông”, do Viện Tâm lý học chủ trì, TS. Nguyễn Thị Phương Hoa làm chủ nhiệm.
Ngoài Lời nói đầu và Kết luận, cuốn sách bao gồm 5 Chương:
Chương 1. Những vấn đề lý luận chung về mối quan hệ lãng mạn với bạn khác giới của học sinh Trung học phổ thông
Trong chương này, nhóm tác giả tổng quan tình hình nghiên cứu trong và ngoài nước đồng thời khái quát cơ sở lý luận về mối quan hệ lãng mạn của học sinh Trung học phổ thông, trong đó nêu bật những đặc điểm và các yếu tố ảnh hưởng đến mối quan hệ lãng mạn với bạn khác giới ở thanh thiếu niên.
Chương 2. Nhận thức của học sinh Trung học phổ thông về mối quan hệ lãng mạn với bạn khác giới
Nhóm nghiên cứu phân tích nhận thức của học sinh THPT về mối quan hệ lãng mạn với bạn khác giới dựa trên dữ liệu do những học sinh hiện tại không tham gia mối quan hệ lãng mạn với một đối tác khác giới (không có người yêu tại thời điểm khảo sát); trong đó có cả những học sinh đã từng có người yêu và những học sinh chưa từng có người yêu. Nghiên cứu chỉ ra rằng, các học sinh Trung học phổ thông có nhận thức tương đối đầy đủ và toàn diện về các khía cạnh của mối quan hệ thân mật với bạn khác giới hay là tình yêu của lứa tuổi học trò, thể hiện sự trưởng thành trong nhận thức. Những lý do khiến học sinh THPT chưa sẵn sàng tham gia mối quan hệ lãng mạn là vì muốn chú tâm vào việc học, cảm thấy chưa đủ tuổi và sự trưởng thành…
Chương 3. Trải nghiệm mối quan hệ lãng mạn với bạn khác giới của học sinh Trung học phổ thông
Với tổng mẫu phân tích gồm 982 học sinh của 4 trường THPT tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, nhóm nghiên cứu làm rõ một số nội dung về mối quan hệ lãng mạn của học sinh THPT: (i) Thực trạng trải nghiệm; (ii) Đặc điểm của mối quan hệ; (iii) Động cơ tham gia; (iv) Hình thức tương tác trong mối quan hệ; (v) Nội dung chia sẻ. Nghiên cứu cho rằng, các em có xu hướng chia sẻ những nhận xét, đánh giá về những gì diễn ra trong cuộc sống hàng ngày, về tình cảm của mình dành cho người kia và về những khó khăn, lo lắng của mình nhưng ít có xu hướng chia sẻ về vấn đề tâm lý; những em có học lực khá ít trao đổi hơn so với các em học lực trung bình về chuyện tình bạn, tình yêu; các em nội thành có xu hướng cởi mở hơn học sinh ngoại thành…
Chương 4. Chất lượng mối quan hệ lãng mạn với bạn khác giới của học sinh Trung học phổ thông
Qua phân tích tính tích cực và tiêu cực của mối quan hệ này, nhóm nghiên cứu đã so sánh chất lượng mối quan hệ lãng mạn của học sinh THPT theo các đặc điểm nhân khẩu như giới tính, khối lớp, thành phố, khu vực sinh sống và theo học lực. Các tác giả cho rằng, việc tham gia mối quan hệ lãng mạn có thể làm gia tăng triệu chứng cảm xúc bất thường ở một số học sinh nữ, cũng như có thể làm gia tăng triệu chứng tăng động giảm tập trung ở một số học sinh. Tuy nhiên, nếu xét riêng trong nhóm những học sinh tham gia mối quan hệ lãng mạn, sự hài lòng, hạnh phúc trong mối quan hệ là yếu tố bảo vệ sự hài lòng với cuộc sống nói chung.
Chương 5. Một số yếu tố tác động đến mối quan hệ lãng mạn với bạn khác giới của học sinh Trung học phổ thông.
Trong chương này, nhóm nghiên cứu xem xét tác động của một số yếu tố cá nhân, bạn bè, gia đình và xã hội đến các khía cạnh của mối quan hệ lãng mạn. Các biến phụ thuộc bao gồm: một số khía cạnh của việc trải nghiệm mối quan hệ lãng mạn như đã có trải nhiệm; đang trải nghiệm mối quan hệ lãng mạn số lần trải nghiệm; độ dài tình yêu và một số khía cạnh của mối quan hệ lãng mạn hiện tại như tính chất mối quan hệ; sự hài lòng, hạnh phúc trong tình yêu; chiều hướng thay đổi của tình yêu; sự mắc kẹt trong mối quan hệ.
Từ góc độ của các nhà nghiên cứu, sau khi xem xét các yếu tố ảnh hưởng, các tác giả đã đề xuất một số khuyến nghị đối với nhà trường, cha mẹ và học sinh; đồng thời đưa ra những biện pháp giáo dục, định hướng cho các em trong vấn đề quan hệ với bạn khác giới.
Mặc dù nghiên cứu được tiến hành khảo sát tại 4 trường THPT tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, không mang tính chất đại diện cho học sinh THPT trên toàn quốc, nhưng những kết quả từ nghiên cứu này chắc chắn sẽ mang đến ý nghĩa tham khảo đối với các nhà tâm lý, các nhà giáo dục làm việc học sinh lứa tuổi THPT. Hy vọng, những đánh giá, phân tích của nhóm nghiên cứu thể hiện qua từng chương nội dung cuốn sách sẽ đáp ứng được nhu cầu của độc giả quan tâm.
Trân trọng giới thiệu!
Nguyễn Minh Hồng
Nhà xuất bản Khoa học xã hội