Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
  • Thư viện điện tử và kho tin
  • Đề tài nghiên cứu cấp bộ
  • Đề tài nghiên cứu cấp nhà nước
  • Tham khảo tạp chí
  • Sách toàn văn
  • Thư điện tử
  • Chính phủ
  • 7.1 sach hang nam

Chiến lược của Mỹ và Trung Quốc đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và hàm ý chính sách cho Việt Nam

30/08/2024


Cơ quan soạn thảo: Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

Tác giả :
  • ThS. Võ Hải Minh (chủ biên)
  • PGS.TS. Chu Đức Dũng
  • PGS.TS. Nguyễn Thanh Đức
  • PGS.TS. Phạm Thị Thanh Bình
  • TS. Võ Hải Thanh
  • TS. Đinh Công Hoàng
  • ThS. Đồng Thị Thùy Linh
  • ThS. Phạm Hồng Tiến
  • ThS. Lê Thị Thu Hương
  • ThS. Hoàng Thị Hồng Minh

Địa chỉ liên hệ: 176 Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội

Năm xuất bản: 2023

Số trang: 255

Bước sang thế kỷ XXI, tình hình khu vực và thế giới có những thay đổi to lớn và nhanh chóng, Châu Á – Thái Bình Dương trở thành trung tâm phát triển năng động của thế giới, là địa bàn cạnh tranh chiến lược của các nước lớn, trong đó có Mỹ và Trung Quốc. Bởi lẽ khu vực này không chỉ là nơi có nền kinh tế năng động, phát triển với tốc độ cao mà còn có các tuyến hàng hải huyết mạch của thế giới, ở đó Trung Quốc dễ dàng trong việc xác lập quyền lực đối với bờ Tây Thái Bình Dương. Đây được coi là một trong những nhân tố hàng đầu thúc đẩy các nước lớn trong đó có Mỹ và Trung Quốc ngày càng gia tăng chiến lược nhằm mở rộng ảnh hưởng tại khu vực này.

Chính vì vậy việc nhận diện, đánh giá tác động can dự của các nước lớn như Trung Quốc và Mỹ sẽ góp phần đề xuất đối sách, giúp Việt Nam xây dựng được chính sách đối ngoại khôn khéo, nhằm bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, độc lập dân tộc, duy trì môi trường hòa bình để phát triển bền vững.

Nhằm cung cấp cho bạn đọc nhiều hơn tư liệu về vấn đề này, tháng 11/2023, Nhà Xuất bản Khoa học xã hội đã phát hành ấn phẩm mang tên “Chiến lược của Mỹ và Trung Quốc đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và hàm ý chính sách cho Việt Nam”. Cuốn sách là kết quả của đề tài cấp Bộ cùng tên của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam giao cho Viện Kinh tế và Chính trị thế giới tổ chức chủ trì thực hiện, ThS. Võ Hải Minh chủ biên và nhóm đồng tác giả thực hiện.

Ngoài phần Mở đầu và Kết luận, cuốn sách được kết cấu thành các chương dưới đây:

Chương 1: Khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, khái niệm, đặc điểm cơ bản và vai trò đối với Mỹ và Trung Quốc.

Chương 2: Chiến lược của Mỹ và Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương

Chương 3: Đánh giá tác động của Chiến lược của Mỹ và Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và hàm ý chính sách cho Việt Nam.

Qua những nội dung được trình bày, nhóm tác giả nhận định: Thứ nhất, triển khai chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc tại khu vực này trong thời gian qua khá căng thẳng và có phần bất lợi nghiêng về Mỹ. Trước hết, đó là một cuộc cạnh tranh mà Mỹ thực hiện nhằm suy yếu đối thủ chứ không phải vượt trội đối thủ. Điều đó khiến Trung Quốc không còn cách nào khác là phải đấu tranh vì sự tồn tại của mình;

Thứ hai, chiến lược của Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương dưới thời chính quyền Trump là một chiến lược mà kết cục biện minh cho các phương tiện. Ở giai đoạn này chính quyền Trump thường xuyên gọi đại dịch Covid-19 là “virus Trung Quốc”, mô tả sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc là một cái bẫy nợ và tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc là kết quả của việc đánh cắp công nghệ của Mỹ và các chính sách kinh tế không công bằng. Thêm nữa, Mỹ cũng đã liên tục gây ra các xung đột ở nước ngoài để thúc đẩy các lợi ích của mình dưới danh nghĩa bảo vệ tự do và dân chủ.

Cả Mỹ và Trung Quốc đều rất khó để có thể hợp tác với nhau về bất cứ điều gì, kể cả cách thức ứng phó với đại dịch Covid-19, cả hai nước đều áp dụng cấm vận lên các công ty và quan chức của nhau, đóng cửa các lãnh sự quán, dừng các kênh tiếp xúc chính thức kèm theo đó là những phát biểu chỉ trích và lên án lẫn nhau. Tuy nhiên cách triển khai chiến lược của chính quyền ông Biden tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương lại được xem là hoàn toàn khác với chính quyền tiền nhiệm. Tổng thống Biden dương như ủng hộ một cuộc cạnh tranh chiến lược để vượt trội hơn là làm suy yếu đối thủ. Trong nước ông hứa hẹn tập trung vào các vấn đề như: khôi phục đoàn kết, tự do và dân chủ, đầu tư nhiều hơn vào giáo dục, khoa học, đảo ngược xu hướng phân cực kinh tế, ở nước ngoài chính quyền Biden tuyên bố sẽ cố gắng khôi phục quan hệ với các đồng minh và tập hợp sự ủng hộ quốc tế để giải quyết các thách thức toàn cầu bao gồm đại dịch Covid-19, phục hồi và tăng trưởng kinh tế cũng như các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu.

Qua các dữ liệu được trình bày, có thể thấy rằng, cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc tại khu vực này đã tạo ra cả cơ hội và thách thức đối với toàn bộ Đông Nam Á trong đó có Việt Nam, giúp Việt Nam đẩy mạnh được hội nhập quốc tế với vai trò là trung tâm trong cấu trúc chung của khu vực, hướng tới mục tiêu bảo đảm hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực Đông Nam Á; Lập trường và quan điểm của Việt Nam là không đứng về bất kỳ quốc gia nào trong tranh giành ảnh hưởng ở khu vực Đông Nam Á – một khu vực có vị thế chiến lược rất lớn, nằm trên tuyến đường thương mại sầm uất bậc nhất thế giới, kết nối giữa Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương, hướng tới Ấn Độ, Châu Âu, Châu Phi, Trung Đông và Châu Mỹ Latinh. Và điều quan trọng cần nhất mà nhóm tác giả khuyến nghị đó chính là Việt Nam phải tranh thủ thời cơ, ứng phó tốt hơn, hiệu quả hơn với các thách thức do cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung đang tạo ra tại khu vực, tạo đà cho sự phát triển và hội nhập quốc tế của chính mình.

Có thể khẳng định cuốn sách là công trình nghiên cứu công phu nghiêm túc được tác giả tham khảo, phân tích và tổng hợp dựa các nguồn tư liệu uy tín. Với những nội dung được phân tích sắc sảo, hy vọng cuốn sách sẽ cung cấp nguồn thông tin tham khảo bổ ích cho độc giả, những người quan tâm tới vấn đề này.

Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc./.

Phạm Vĩnh Hà

 

 

 

 


Các tin đã đưa ngày: