Từ điển tác giả, tác phẩm văn học quốc ngữ Nam Bộ (từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX) được Nhà Xuất bản Khoa học xã hội phát hành vào tháng 12/2023 là công sức của tập thể tác giả đang công tác tại Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam và một số nhà nghiên cứu văn học ngoài Viện, ấn phẩm ra đời không chỉ góp phần giúp người đọc có cái nhìn hệ thống hơn về sự hình thành và phát triển của văn học Nam Bộ mà còn là tài liệu tham khảo hữu ích cho các nhà nghiên cứu, giảng viên, học sinh, sinh viên và những người quan tâm khác về vấn đề này.
Ấn phẩm cung cấp thông tin cho 230 mục từ trong đó có 42 mục từ tác giả và 188 mục từ tác phẩm được biên soạn và giải thích rõ ràng, đầy đủ và chuyên sâu giúp độc giả có thể tra cứu dễ dàng về tác giả, tác phẩm văn học quốc ngữ Nam Bộ.
Về mốc thời gian: Lịch sử văn học Việt Nam thời kỳ cận hiện đại là một thời kỳ rất dài, từ sau thế kỷ XIX đến năm 1975 của thế kỷ XX, được chia thành những giai đoạn ngắn, mỗi giai đoạn lại bao gồm những đặc điểm riêng về nội dung và nghệ thuật nhưng đồng thời vẫn tuân thủ nằm trong mạch vận động chung của thể loại (công trình tập trung vào văn học quốc ngữ Nam Bộ từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX viết bằng chữ quốc ngữ được in ấn và xuất bản ở Nam Bộ).
Qua đó có thể thấy văn học Nam Bộ giai đoạn này được hình thành và phát triển không liền mạch, có sự đứt quãng trong khoảng hơn một thập kỷ từ cuối thế kỷ XIX và phát triển liền mạch từ đầu thế kỷ XX đến những năm đầu thập niên 30 với hàng trăm tác phẩm ở nhiều thể loại khác nhau như: thơ, kịch, truyện ngắn, tiểu thuyết, ký,… Sự hình thành văn học quốc ngữ Nam Bộ gắn liền với quá trình phố biến chữ quốc ngữ và sự ra đời của tờ báo tiếng Việt đầu tiên Gia Định báo (1865) và đặc biệt là của tập truyện “Chuyện đời xưa nhón lấy chuyện hay và có ích” hay còn gọi là “Chuyện đời xưa (1866) của Trương Vĩnh Ký”. Vì vậy mốc thời gian cụ thể của công trình này là năm 1866 – năm ra đời của tập “Chuyện đời xưa”. Vào đầu những năm 1930, được xác định là mốc thời gian đánh dấu sự ra đời của phong trào Thơ mới và báo Phong hóa (1932-1936) gắn với tên tuổi của nhóm Tự lực văn đoàn – mốc đánh dấu cho nền văn học Việt Nam chính thức chuyển sang hiện đại với sự nổi lên của nhiều cây bút Nam Bộ tiêu biểu như Đạm Phương nữ sử, Huỳnh Thị Bảo Hòa, Bửu Đình, Trần Quang Nghiệp, Sơn Vương, Cẩm Tâm, Hoàng Minh Tự. Thời điểm này cũng đánh dấu thuật ngữ “văn học quốc ngữ” không còn nữa mà thay vào đó là Văn học Nam Bộ đã hoàn toàn hội nhập với văn học cả nước.
Về thuật ngữ “Nam Bộ: nhóm tác giả chia sẻ: Nam Bộ ngày nay được tính từ địa phận của các tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Phước đến mũi Cà Mau với 19 tỉnh, được chia thành 2 tiểu vùng là Đông Nam Bộ (gồm 6 tỉnh, thành: Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương và thành phố Hồ Chí Minh); Tây Nam Bộ gồm 13 tỉnh, thành: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Đồng Tháp, Hậu Giang, Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau và thành phố Cần Thơ. Chữ “Bộ” trong từ Nam Bộ xuất hiện lần đầu tiên trên báo chí vào tháng 5/1945, sau sự kiện Nhật đảo chính Pháp và được sử dụng một cách không liên tục cho đến ngày nay. Về chữ “Kỳ” các tác giả cho biết chữ “Kỳ” được vua Minh Mạng sử dụng vào năm 1834 để thay thế cho chữ “thành” (vì cả nước giai đoạn đó được chia thành 5 thành) và phân định cả nước được chia thành 3 kỳ: Bắc Kỳ, Nam Kỳ và Kinh Kỳ (nơi vua đóng đô), tức Trung Kỳ được sử dụng cho đến tận năm 1945. Về địa giới của Nam Kỳ thời đó so với ngày nay gần như không có sự thay đổi lớn nào. Nam Kỳ thời Nguyễn (sau thuộc Pháp) gồm 6 tỉnh (hay lục tỉnh Nam Kỳ) và 3 tỉnh miền Tây (Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên), sau khi Pháp chiếm được Nam Kỳ vẫn giữa nguyên tên gọi và chia nhỏ 6 tỉnh thành 19 tỉnh (1876), 20 tỉnh (1880), 21 tỉnh (1882). Dù bị chia tách nhưng người dân vẫn quen gọi là Nam Kỳ lục tỉnh. Cho đến sau này, Nam Kỳ/Nam Bộ vẫn có sự thống nhất cao về mặt địa lý và văn hóa, chính những yếu tố này góp phần hình thành nên vùng văn hóa Nam Bộ đặc sắc mà chúng ta biết đến này nay.
Có thể thấy những nội dung và cách lựa chọn hướng tiếp cận dựa trên các cơ sở khoa học, đã tạo thành quy chuẩn để ấn phẩm được đánh giá là tài liệu tham khảo hữu ích, đáp ứng tốt các nhu cầu tra cứu chuyên sâu về tác giả, tác phẩm văn học quốc ngữ Nam Bộ cung như cung cấp tri thức cho đông đảo độc giả xa gần yêu mến văn học Việt Nam nói chung và văn học quốc ngữ Nam Bộ nói riêng. Xa hơn nữa, công trình còn có ý nghĩa thúc đẩy việc biên soạn các công tình từ điển văn học ở các khu vực, các giai đoạn và các thời kỳ văn học khác nhau, góp phần hình thành nên hệ thống tra cứu có tính hàn lâm về văn học một cách tổng thể cũng như góp phần phổ biến một cách rộng rãi hơn về sự phát triển của nền văn học nước nhà.
Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc./.
Phạm Vĩnh Hà