Ý thức quốc gia dân tộc là nhân tố rất quan trọng trong quá trình xây dựng dân tộc, hay xây dựng quốc gia dân tộc. Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc. Trong lịch sử xây dựng cộng đồng quốc gia – dân tộc Việt Nam, ý thức quốc gia – dân tộc luôn đóng vai trò đặc biệt quan trọng cho sự ổn định và củng cố khối đại đoàn kết dân tộc. Dẫu là các nhóm tộc người tại chỗ, phát triển từ các nhóm người cổ đại hình thành trên lãnh thổ Việt Nam, hay các tộc người di cư từ Nam Trung Quốc và vùng hải đảo tới trong lịch sử một vài trăm năm đến hàng nghìn năm qua, các dân tộc ở nước ta luôn coi Việt Nam là tổ quốc của mình và góp sức xây dựng và bảo vệ đất nước.
Mặc dù có vị trí quan trọng như vây, song nhiều thập kỷ qua, việc nghiên cứu về ý thức quốc gia – dân tộc ở Việt Nam lại chưa được quan tâm đúng mức. Điều này đặt ra sự cần thiết phải nghiên cứu ý thức của cư dân vùng biên đối với quá trình kiến tạo quốc gia – dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hóa, công nghiệp hóa và bảo vệ đất nước hiện nay. Xuất phát từ thực tế trên, năm 2023, Nhà xuất bản Khoa học xã hội xuất bản cuốn sách chuyên khảo “Ý thức quốc gia – dân tộc ở các tộc người vùng biên giới Việt Nam – Trung Quốc” do Nguyễn Thị Thanh Bình và Vương Xuân Tình đồng chủ biên. Cuốn sách là kết quả nghiên cứu của đề tài cấp Bộ cùng tên của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam do Viện Dân tộc học là tổ chức chủ trì thực hiện, PGS.TS. Nguyễn Thị Thanh Bình làm chủ nhiệm.
Cuốn sách gồm 4 chương:
Chương 1. Tổng quan tài liệu cơ sở lý luận và giới thiệu địa bàn nghiên cứu
Chương 2. Các yếu tố tác động đến ý thức quốc gia – dân tộc ở vùng biên giới Việt Nam – Trung Quốc hiện nay
Chương 3. Ý thức quốc gia – dân tộc của cư dân một số tộc người ở vùng biên giới Việt Nam – Trung Quốc hiện nay
Chương 4. Thảo luận về vấn đề tăng cường ý thức quốc gia – dân tộc ở vùng biên giới Việt Nam – Trung Quốc hiện nay
Cuốn sách tập trung xem xét ý thức về biên giới và chủ quyền lãnh thổ cũng như trách nhiệm công dân trong xây dựng cộng đồng quốc gia Việt Nam. Trên cơ sở một số tiêu chí, nhóm nghiên cứu lựa chọn 4 tộc người tại 3 huyện của tỉnh Hà Giang: người Tày và người Nùng ở huyện Vị Xuyên, người Hmông ở huyện Vị Xuyên và huyện Yên Minh, người Lô Lô ở huyện Đồng Văn.
Nghiên cứu chỉ ra rằng, từ khi đường biên giới Việt Nam – Trung Quốc được xác lập lại sau Hiệp ước hoạch định biên giới (được ký năm 1999 và hoàn thành phân giới cắm mốc năm 2008), nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, người dân các tộc người ở địa bàn nghiên cứu đã hiểu được với các mức độ khác nhau về ý nghĩa của đường biên, cột mốc và của việc bảo vệ các yếu tố phân định ranh giới giữa hai nước. Ở phần lớn các xã, thôn bản có đường biên giới, nhân dân đã tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc với nhiều hình thức khau…Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu cũng khẳng định, ý thức quốc gia – dân tộc của các tộc người ở nước ta, trong đó có các tộc người ở khu vực biên giới Việt Nam - Trung Quốc luôn có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ đường biên mốc giới và toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ quốc gia…
Trên kết quả nghiên cứu về ý thức quốc gia – dân tộc của người dân sinh sống tại địa bàn nghiên cứu, chỉ ra những điểm tích cực và hạn chế… Nhóm tác giả để xuất một số kiến nghị và giải pháp nhằm tiếp tục củng cố và phát huy vai trò mang tính nền tảng của ý thức quốc gia – dân tộc Việt Nam trong sự nghiệp bảo vệ đường biên giới, cột mốc quốc gia và chủ quyền lãnh thổ nước ta. Theo đó, mỗi kiến nghị là một đề xuất cụ thể, đồng thời sẽ có các giải pháp tương ứng nhằm hiện thực hóa các đề xuất này.
Với những nội dung trên, hy vọng cuốn sách là nguồn tài liệu hữu ích dành cho độc giả quan tâm.
Xin trân trọng giới thiệu!
Nguyễn Minh Hồng
Nhà xuất bản Khoa học xã hội