Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
  • Thư viện điện tử và kho tin
  • Đề tài nghiên cứu cấp bộ
  • Đề tài nghiên cứu cấp nhà nước
  • Tham khảo tạp chí
  • Sách toàn văn
  • Thư điện tử
  • Chính phủ
  • 7.1 sach hang nam

Cạnh tranh chiến lược Ấn Độ - Trung Quốc tại khu vực Nam Á giai đoạn 2000 – 2020 và dự báo đến năm 2030

31/10/2024


Cơ quan soạn thảo: Viên Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á, Nhà xuất bản Khoa học xã hội,

Tác giả :
  • TS. Trần Hoàng Long (chủ biên)
  • Nguyễn Thị Oanh
  • Nguyễn Lê Thy Thương
  • Nguyễn Thị Doan
  • Huỳnh Trọng Hiền
  • Dương Quang Hiệp
  • Võ Minh Hùng.
  • Trần Nam Tiến
  • Nguyễn Thị Hiên
  • Huỳnh Thanh Loan
  • Nguyễn Trung Đức
  • Nguyễn Đắc Tùng

Địa chỉ liên hệ: Thư viện KHXH, tầng 4 nhà B, số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội

Năm xuất bản: 2024

Số trang: 426

Với vị trí địa chiến lược đắc địa, khu vực Nam Á đã và đang là khu vực tranh giành ảnh hưởng giữa các cường quốc. Hiện nay, hai cường quốc có ảnh hưởng lớn nhất đối với khu vực này là Ấn Độ và Trung Quốc. Từ những năm đầu của thế kỷ XXI, cạnh tranh chiến lược giữa hai quốc gia nêu trên tại khu vực Nam Á ngày càng có chiều hướng gia tăng mạnh mẽ cả về phạm vi và cường độ để phục vụ những mục tiêu chiến lược của mỗi quốc gia…

Nhằm cung cấp thêm cho bạn đọc tư liệu về vấn đề này, tháng 7/2024, Nhà Xuất bản Khoa học xã hội đã phát hành ấn phẩm “Cạnh tranh chiến lược Ấn Độ - Trung Quốc tại khu vực Nam Á giai đoạn 2000 – 2020 và dự báo đến năm 2030” do TS.Trần Hoàng Long (chủ biên), cuốn sách là kết quả của đề tài cấp Bộ cùng tên được Viện Ấn Độ và Tây Nam Á (nay là Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và Châu Phi) thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam thực hiện.

Về kết cấu, nội dung cuốn sách được trình bày tại 3 chương với các nội dung chính như sau:

Chương 1: Cơ sở hình thành sự cạnh tranh chiến lược Ấn – Trung tại khu vực Nam Á

Chương 2: Thực trạng cạnh tranh chiến lược Ấn – Trung tại khu vực Nam Á

Chương 3: Đánh giá và nhận xét cạnh tranh chiến lược Ấn – Trung tại khu vực Nam Á.

Theo đó, nội dung chương 1 đã giải quyết các vấn đề lý luận khi làm rõ khái niệm, nội dung, loại hình và phương thức của cạnh tranh chiến lược. Ngoài ra, chương này cũng lý giải những tính toán về an ninh và đối ngoại của Ấn Độ và Trung Quốc, để từ đó đưa ra những giải thích có tính logic về chiến lược của hai quốc gia tại khu vực Nam Á.

Tại chương 2, nhóm tác giả đã làm rõ thực trạng cạnh tranh chiến lược Ấn – Trung ở Nam Á qua các phân tích và hệ thống lý luận sắc sảo, nhóm tác giả nhận định: Bắc Kinh đang nỗ lực gia tăng sự hiện diện ở Nam Á bằng cách tiếp cận đa mặt trận, trên đất liền cũng như trên biển với chiến lược “quyền lực mềm, đồng minh mạnh” thông qua Hành lang kinh tế CPEC, Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB), “ngoại giao cơ sở hạ tầng”, viện trợ kinh tế, dự án đầu tư, thúc đẩy quan hệ thương mại với các nước Nam Á. Để đối trọng với các chiến lược mang tính trọng điểm của Bắc Kinh, Ấn Độ cũng đẩy mạnh xu thế thực thi chính sách Láng giềng trước tiên để tăng cường ảnh hưởng tại khu vực sân nhà của mình.

Trên phương diện kinh tế, Ấn Độ là nền kinh tế lớn và có sức ảnh hưởng mạnh mẽ, vượt trội trong khu vực. Tuy nhiên bước vào thế kỷ XXI, sức mạnh ảnh hưởng kinh tế của Ấn Độ tại khu vực Nam Á phải đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt từ phía Trung Quốc tại các nước láng giềng như: Bangladesh, Maldives, Nepal, Pakistan và Srilanka…

Đến với chương 3, quý độc giả sẽ được tiếp cận với các nội dung có liên quan đến những đặc điểm của cạnh tranh chiến lược Ấn – Trung. Qua đó, nhóm tác giả đã đưa ra những đánh giá cụ thể về các tác động của cuộc cạnh tranh này và nhận định cả những vấn đề liên quan đến đối sách của các quốc gia trong khu vực Nam Á trong bối cảnh cuộc cạnh tranh đang diễn ra ngày càng quyết liệt. Các tác giả cho rằng, tuy đều ưu tiên cho phát triển kinh tế và tìm cách tối đa hóa lợi ích của mình nhưng mỗi quốc gia vẫn lựa chọn một phản ứng khác nhau phù hợp với đặc thù địa chính trị của mình. Từ chiến lược của mỗi nước, xu hướng phát triển của thế giới và khu vực trong tương lai gần cũng như các phản ứng chính sách của các nước có liên quan, nhóm tác giả đã có những kịch bản dự báo về cạnh tranh Ấn – Trung đến năm 2030 với những hé lộ trên cơ sở giả thuyết và những luận giải chặt chẽ, tập trung vào 4 nhóm vấn đề cốt lõi sau đây:

Thứ nhất, Ấn Độ coi Trung Quốc và Pakistan là mối đe dọa chính trong cuộc cạnh tranh này. Ấn Độ cho rằng mối quan hệ thân thiết giữa hai quốc gia chẳng khác nào sự tập hợp đồng minh để bao vây Ấn Độ. Mức độ gắn kết chưa từng có trong quan hệ Trung Quốc – Pakistan được xây dựng trên cơ sở bối cảnh chiến lược, quan hệ chiến lược và lợi ích chiến lược tương đồng, có động lực nội sinh mạnh mẽ.

Thứ hai, cuộc cạnh tranh này khiến cho quan hệ Trung - Ấn luôn ở thế vừa hợp tác vừa đối đầu, ngoài mặt vẫn là những đối tác quan trọng trong hoạt động giao thương, phối hợp ứng phó với những biến động chung của tình hình khu vực, nhưng do văn hóa chiến lược mang tính đối đầu và mâu thuẫn mang tính kết cấu về lợi ích đã trở thành nguyên nhân khiến hai nước khó có thể duy trì được quan hệ thân thiết lâu dài.

Thứ ba, cán cân chưa thực sự nghiêng về bên nào, mặc dù nhiều lúc Trung Quốc tỏ ra áp đảo, Ấn Độ khó cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc tại Nam Á, nhất là về kinh tế, nhưng New Delhi có quan hệ lâu đời về văn hóa, chính trị với các nước trong khu vực này. Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng không thể thực hiện việc “phân tách” các nước nhỏ ở Nam Á, do mức độ phụ thuộc cao về kinh tế và công nghệ của các nước này tại Trung Quốc.

Thứ tư, cạnh tranh chiến lược Ấn – Trung ở khu vực Nam Á có ảnh hưởng sâu sắc đến việc hình thành trật tự thế giới mới, cuộc cạnh tranh này sẽ lôi kéo sự tham gia của Mỹ và các nước phương Tây, trong đó mỗi bên đều đang nỗ lực xây dựng trật tự thế giới mới hợp lý hơn để tối ưu hóa lợi ích quốc gia, cho dù Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ đều theo đuổi mục tiêu thúc đẩy toàn cầu hóa kinh tế, đa cực hóa thế giới, tôn trọng sự đa dạng giữa các nền văn minh hay bảo vệ trật tự đơn cực thì cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn cũng là việc không thể tránh khỏi.

Nhóm tác giả cho biết thêm, cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Ấn Độ và Trung Quốc ở Nam Á không chỉ là cuộc cạnh tranh về ngôi vị quyền lực mà còn ở khả năng tạo ra xu hướng, đường lối phát triển để dẫn dắt cả khu vực, cuộc cạnh tranh này đang diễn ra quyết liệt trên tất cả các lĩnh vực từ kinh tế, thương mại, chính trị, công nghệ, ngoại giao, văn hóa, quân sự đến dân chủ, nhân quyền…Những xu hướng tương lai cho thấy Nam Á sẽ tiếp tục là tâm điểm của vòng xoáy cạnh tranh địa chiến lược giữa Ấn Độ và Trung Quốc trong những năm tiếp theo. Về phần mình, các nước trong khu vực Nam Á đều coi sự cạnh tranh giữa “hai ông lớn” là cơ hội để phát triển kinh tế, đồng thời cũng tiềm tàng những rủi ro đi kèm khó có thể lường trước.

Có thể khẳng định cuốn sách là công trình nghiên cứu công phu nghiêm túc được tác giả tham khảo, phân tích và tổng hợp dựa các nguồn tư liệu uy tín. Với những nội dung được phân tích sắc sảo, hy vọng cuốn sách sẽ cung cấp nguồn thông tin tham khảo bổ ích cho độc giả, những người quan tâm tới vấn đề này.

Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc./.

Thời Trân

 


Các tin đã đưa ngày: