Nga và EU (Cộng đồng Châu Âu) là hai đối tác có vai trò quan trọng trên trường quốc tế, có lịch sử quan hệ hợp tác truyền thống và trải qua nhiều giai đoạn phát triển khác nhau. Đối với Liên Xô trước đây, tuy EU là láng giềng to lớn nhưng giữa hai bên không cố bất cứ đề xuất hợp tác nào. Vào thời điểm đó, EU và Liên Xô có cấu trúc nền kinh tế hoàn toàn khác nhau, chế độ chính trị khác nhau. Liên Xô chiếm một vị trí vững chắc trên bình diện quốc tế, đối chọi với Mỹ. EU ở đâu đó ở giữa, gần Mỹ hơn, xa Liên Xô hơn.
Trong những năm 1970, Liên Xô hướng nỗ lực hợp tác với các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu trong khuôn khổ Hội đồng tương trợ Kinh tế CMEA. Tuy nhiên, EU từ chối công nhận CMEA là một đối tác thương mại cho đến giai đoạn “kỷ nguyên cải tổ” ở Liên Xô thái độ của EU đã thay đổi. Ngày 25/6/1988, EU và CMEA đã ký Tuyên bố chung, đánh dấu sự công nhận hợp pháp của CMEA và các nước thành viên, Tuyên bố này đã mang lại cho Liên Xô cơ hội vượt ra khỏi khuôn khổ quan hệ thương mại hạn hẹp trong CMEA và thực hiện một bước quan trọng đối với quan hệ quốc tế bình thường…
Nhằm cung cấp thêm tư liệu cho bạn đọc về quan hệ giữa Nga và EU, tháng 12/2023, Nhà Xuất bản Khoa học xã hội đã phát hành ấn phẩm “Nhìn lại ba thập kỷ quan hệ Nga – Eu (1991-2022)" do TS.Vũ Thụy Trang (Chủ biên), cuốn sách là kết quả của đề tài cấp Bộ cùng tên của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam do TS. Vũ Thụy Trang (Viện Nghiên cứu Châu Âu) làm chủ nhiệm. Ngoài Lời nói đầu và Kết luận, cuốn sách được kết cấu thành 3 chương như sau:
Chương 1: Quan hệ Nga – EU: các nhân tố tác động và nền tảng pháp lý
Chương 2: Sự vận động và phát triển của quan hệ Nga – EU từ năm 1991-2022
Chương 3: Triển vọng quan hệ Nga – EU đến năm 2030 và tác động đến thế giới, khu vực và Việt Nam
Thông qua các nội dung được trình bày, nhóm tác giả cho rằng quan hệ Nga – EU có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong đời sống quốc tế. Xuất phát từ lợi ích của mỗi bên mà cả Nga và EU đều cố gắng thực hiện hóa các mục tiêu chung và tìm kiếm các giải pháp nhằm củng cố và tăng cường mối quan hệ trước những thay đổi của thời cuộc.
Mối quan hệ giữa Ngà và EU, mặc dù đã có thời kỳ phát triển mạnh mẽ nhưng cũng có những lúc căng thẳng do nhiều vấn đề chi phối, điển hình như cuộc khủng hoảng năng lượng giữa Nga và Ukraine năm 2006 hay cuộc chiến của Nga năm 2008 ở Georgia. Gần đây nhất, mối quan hệ giữa hai bên chuyển sang giai đoạn khủng hoảng sau khi Nga tiến hành sáp nhập Crimea (năm 2014) và tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, sáp nhập 4 tỉnh Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia (năm 2022) khiến EU áp đặt các lệnh trừng phạt mạnh mẽ đối với Nga trên nhiều lĩnh vực. Đồng thời, Nga cũng đáp trả bằng nhiều biện pháp khiến các nước EU cũng chịu nhiều thiệt hại to lớn.
Thông qua những khảo sát và phân tích có tính lý luận chặt chẽ, nhóm tác giả nhận định: cục diện của mối quan hệ Nga và EU biến đổi sẽ ảnh hưởng đến hòa bình và phát triển không chỉ của thế giới, khu vực mà còn tác động đến Việt Nam, nghiên cứu những đặc điểm mới của mối quan hệ này trong tình hình hiện nay là điều cần thiết để Việt Nam chuẩn bị và sẵn sàng ứng phó với những biến đổi và thách thức mới trên con đường hội nhập và phát triển.
Về mặt lý luận, cuốn sách đã làm rõ những luận cứ khoa học của mối quan hệ giữa Nga và EU, đặc biệt là dựa trên những phân tích cơ sở pháp lý của mối quan hệ này từ đó phân tích các đặc điểm của mối quan hệ vừa hợp tác vừa đấu tranh giữa hai bên. Về mặt thực tiễn, cuốn sách đã phân tích và làm rõ những điểm nổi bật trong quan hệ Nga – EU trong giai đoạn 1991-2022, khi sự đan xen lợi ích và phụ thuộc lẫn nhau ngày càng diễn ra chặt chẽ giữa các quốc gia, từ đó lý giải những nguyên nhân và yếu tố tác động, những thành tưu và hạn chế của mối quan hệ này làm căn cứ để nhận định về triển vọng của mối quan hệ trong trung hạn và những tác động của nó.
Sau khi đưa ra 10 nhận định xoay quanh mối quan hệ giữa Nga và Eu về mật truyền thống, về lịch sử phát triển, sự khác biệt trong cách tiếp cận của hai bên trong nhiều vấn đề khu vực và quốc tế, quan hệ Nga và EU trong những thập niên đầu thế kỷ XXI, trong những năm bước sang thập niên thứ hai của thế kỷ XXI, các nhân tố chủ quan và khách quan tác động đến quan hệ giữa Nga và EU, đến cuộc khủng hoảng năm 2014 với việc Nga sáp nhập Crimea, khủng hoảng Ukraine năm 2022, sáp nhập 4 tỉnh, các biện pháp trừng phạt của EU đối với Nga, và triển vọng quan hệ giữa Nga và EU từ nay đến năm 2030, nhóm tác giả khẳng định: quan hệ Nga và EU thời quan qua đã tác động mạnh mẽ đến thế giới, khu vực và Việt Nam vì đây là hai chủ thể quan trọng trong quan hệ quốc tế. Do vậy những biến động trong quan hệ giữa hai chủ thể này sẽ kéo theo một loạt các hệ lụy có khả năng xoay chuyển nhiều vấn đề, buộc các quốc gia trong đó có Việt Nam phải có các ứng phó kịp thời. Việc lựa chọn bên này hay bên kia là điểu không thể, song cân bằng mối quan hệ giữa các chủ thể lớn cũng là việc không hề đơn giản, phát triển hài hòa quan hệ với cả Nga và EU trên cơ sở đảm bảo các lợi ích cốt lõi chính là sự lựa chọn cần làm đối với Việt Nam trong tình hình hiện nay.
Có thể khẳng định cuốn sách là công trình nghiên cứu công phu nghiêm túc được tác giả tham khảo, phân tích và tổng hợp dựa các nguồn tư liệu uy tín. Với những nội dung được phân tích sắc sảo, hy vọng cuốn sách sẽ cung cấp nguồn thông tin tham khảo bổ ích cho độc giả, những người quan tâm tới vấn đề này.
Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc./.
Thời Trân