Sự tiến bộ về công nghệ, đặc biệt là internet diễn ra trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0 đã tạo ra nhiều cơ hội khác nhau, trong đó có sự xuất hiện của các giao dịch mua bán trực tuyến hay còn gọi là thương mại điện tử. Nhận thấy những cơ hội thông qua thương mại điện tử (TMĐT), ngày nay chính phủ các quốc gia đã nắm bắt để xây dựng một nền kinh tế số phát triển, đồng thời cũng cần phải thúc đẩy sự phát triển của các hoạt động thương mại này. Tuy nhiên cần thiết phải đặt nó trong một khuôn khổ quản lý hiệu quả giúp đảm bảo sự phát triển tích cực cũng như sự lành mạnh của hình thái thương mại này.
Trong bối cảnh Việt Nam đang trong quá trình hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới và tình hình thế giới có nhiều biến động trên nhiều phương diện kinh tế, tài chính, chính trị, xã hội…, hệ thống chính sách, pháp luật quản lý về thương mại điện tử của Việt Nam được nhận định vẫn chưa theo kịp tốc độ phát triển của hình thức thương mại này và đang bộc lộ những bất cập ảnh hưởng đến sự phát triển của TMĐT trong bối cảnh mới…Trước thực trạng còn nhiều vấn đề cần làm rõ trong khuôn khổ chính sách quản lý thương mại điện tử được hiệu quả và hoàn thiện hơn, nhằm đáp ứng và đối phó với tình hình mới, Nhà xuất bản Khoa học xã hội xuất bản cuốn sách chuyên khảo với nhan đề “Quản lý thương mại điện tử ở Việt Nam trong bối cảnh mới” do TS. Vũ Hoàng Linh làm chủ biên. Cuốn sách là kết quả nghiên cứu của đề tài cấp Bộ của Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam giao cho Viện Kinh tế Việt Nam là tổ chức chủ trì, TS. Vũ Hoàng Linh làm chủ nhiệm.
Nội dung của cuốn sách gồm 3 chương chính:
Chương 1. Một số vấn đề lý luận và kinh nghiệm quốc tế về quản lý thương mại điện tử
Làm rõ một số vấn đề lý luận chung về TMĐT và quản lý TMĐT, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm quản lý TMĐT ở một số quốc gia trên thế giới như Hàn Quốc (thành lập Ủy ban Hòa giải TMĐT nhằm giải quyết hiệu quả các tranh chấp trong TMĐT, cấp chứng chỉ eTrust và I-safe nhằm nâng cao nhận thức về bảo vệ và bảo mật quyền riêng tư, tạo nền tảng cho sự tin tưởng giữa các người dùng và nhà cung cấp thông qua cơ chế chủ động tự điều chỉnh); Trung Quốc (ban hành nhiều chính sách và quy định quản lý về TMĐT, trong đó nổi bật là những chính sách TMNĐ nội địa của Trung Quốc và Chính sách TMĐT xuyên biên giới ); Singapore (ban hành và sửa đổi nhiều chinh sách như Luật Giao dịch điện tử, Quyền sở hữu trí tuệ, Sửa đổi Luật Bằng chứng, Luật Lạm dụng máy tính, Quy định về nội dung, Chính sách thuế…).Trên cơ sở đó nhóm tác giả rút ra một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.
Chương 2. Thực trạng quản lý thương mại điện tử ở Việt Nam
Giới thiệu khái quát các chủ thể tham gia TMĐT tại Việt Nam hiện nay và tập trung phân tích thực trạng phát triển TMĐTvà quản lý TMĐT ở Việt Nam trong bối cảnh hiện nay. Nghiên cứu chỉ ra rằng, TMĐT Việt Nam đã có những sự phát triển tích cực trong thời gian qua và có triển vọng sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong tương lai. Tuy nhiên sự phát triển này cũng tồn tại những mặt hạn chế cần được cải thiện bởi những chính sách, quy hoạch phát triển cũng như bởi các chính sách quản lý hiệu quả hơn. Những hạn chế, bất cập hiện nay của hệ thống chính sách được nhóm tác giả chỉ ra là: (i) thiếu sự nhất quán, rõ ràng, cụ thể của các quy định quản lý; (ii) Chưa bao quát đầy đủ các vấn đề đang tồn tại và sự thiếu tính răn đe của các chế tài xử lý. Với những hạn chế trên đã gây ra những tác động tiêu cực tới hiệu quả quản lý cũng như sự phát triển của TMĐT trong thời gian qua.
Chương 3. Định hướng, giải pháp quản lý thương mại điện tử ở Việt Nam trong bối cảnh mới
Dựa trên những sự phân tích thực trạng của chính sách quản lý, đánh giá những mặt tích cực và hạn chế của các chính sách, các tác giả đã đề xuất một số giải pháp chính sách quản lý đối với nhà nước theo từng nhóm chính sách tương ứng: Chính sách về thương mại, Chính sách về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Chính sách quản lý cạnh tranh, Chính sách quản lý Internet, Chính sách kiểm soát, kiểm duyệt nội dung, Chính sách về thuế…
Với những giải pháp về chính sách trên, nhóm tác giả hy vọng sẽ có những đóng góp nhất định đối với các nhà hoạch định chính sách trong việc thiết lập, hoàn thiện, sửa đổi các chính sách trong việc thiết lập, hoàn thiện, sửa đổi các chính sách, quy định quản lý TMĐT nhằm tạo ra một khuôn khổ pháp lý hiệu quả, đặc biệt là thích ứng và phù hợp với bối cảnh hiện nay.
Thương mại điện tử là lĩnh vực vẫn đang trên đà phát triển nhanh và liên tục có sự biến đổi bởi những thay đổi của công nghệ. Với sự nghiên cứu công phu và nghiêm túc của nhóm tác giả, hy vọng những nội dung nghiên cứu trên sẽ đáp ứng nhu cầu của độc giả quan tâm, đặc biệt là những nhà làm quản lý và xây dựng chính sách TMĐT ở Việt Nam.
Trân trọng giới thiệu!
Nguyễn Minh Hồng
Nhà xuất bản Khoa học xã hội