Hiện nay, văn hóa là một trong những nguồn lực quan trọng được nhiều quốc gia sử dụng nhằm nâng cao vị thế cũng như sức ảnh hưởng của mình trên thế giới. Trung Quốc cũng vậy, quốc gia này luôn đánh giá cao vai trò của văn hóa trong cấu trúc nguồn lực tạo nên sức mạnh mềm quốc gia.
Từ sau Đại hộ XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 2012, với sự chuyển giao quyền lực sang thế hệ lãnh đạo thứ 5 do ông Tập Cần Bình đứng đầu, Trung Quốc đã có những điều chỉnh quan trọng trong chính sách quốc gia, nhấn mạnh tới tầm quan trọng của sức mạnh mềm văn hóa. Dưới sự lãnh đạo của ông Tập Cận Bình, Trung Quốc đã từng bước hình thành đường lối phát triển sức mạnh mềm văn hóa đặc trưng riêng phù hợp với chiến lược phát triển quốc gia. Đáng chú ý là việc Trung Quốc thể hiện vai trò chủ động và bày tỏ tham vọng đóng góp “phương án Trung Quốc”, “tiếng nói Trung Quốc” trong các vấn đề quốc tế. Tuy nhiên, những yếu tố bất định của quan hệ quốc tế và các vấn đề an ninh phi truyền thống đang đặt ra không ít thách thức với chiến lược phát huy sức mạnh mềm của quốc gia này.
Để có thêm tư liệu cung cấp cho bạn đọc về vấn đề này, tháng 7/2022, Nhà Xuất bản Khoa học xã hội đã phát hành ấn phẩm Sức mạnh mềm văn hóa Trung Quốc thời Tập Cận Bình và ứng xử của Việt Nam do ThS. Chử Thị Bích Thu và TS. Trần Thị Thủy (Viện Nghiên cứu Trung Quốc đồng chủ biên).
Ngoài phần Mở đầu và Kết luận, cuốn sách được chia thành các phần như sau:
Chương 1: Cơ sở lý luận và thực tiễn để Trung Quốc xây dựng sức mạnh mềm văn hóa thời Tập Cận Bình
Chương 2: Thực trạng phát triển sức mạnh mềm văn hóa của Trung Quốc thời Tập Cận Bình
Chương 3: Đánh giá về sức mạnh mềm văn hóa Trung Quốc thời Tập Cận Bình và gợi mở ứng xử của Việt Nam
Qua các các nội dung được trình bày, nhóm tác giả cho rằng, cơ sở lý luận để giới học giả và giới hoạch định chính sách của Trung Quốc phát triển nguồn lực văn hóa trở thành sức mạnh mềm dựa trên sự kết hợp giữa tư tưởng truyền thống Trung Hoa và lý thuyết của phương Tây, thể hiện rõ ở một số đặc trưng như: Chế độ xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc là nền tảng của sức mạnh mềm văn hóa; Văn hóa Truyền thống Trung Hoa là nguồn của sức mạnh mềm văn hóa; Đổi mới sáng tạo văn hóa là điều kiện để phát triển sức mạnh mềm văn hóa; Năng lực truyền thông và sức mạnh diễn ngôn quốc tế là mấu chốt để lan tỏa sức mạnh mềm văn hóa Trung Quốc ra thế giới.
Để triển khai vấn đề này, nguồn tài nguyên văn hóa truyền thống đã được Trung Quốc kết hợp linh hoạt với các yếu tố khoa học công nghệ nhằm tạo nên diện mạo hiện đại trong các phương thức xây dựng sức mạnh mềm văn hóa như truyền thông mới, văn hóa sáng tạo; Phương thức triển khai chiến lược sức mạnh mềm của Trung Quốc được tiến hành đa dạng, bổ sung thêm nhiều loại hình mới. Trong đó việc xây dựng mạng lưới nhân sĩ Trung Hoa là một trong những động thái đáng chú ý của Trung Quốc thời Tập Cận Bình bởi lẽ giao tiếp trong mạng lưới có thể tận dụng giao tiếp hai chiều và các mối quan hệ đồng đẳng để vượt qua sự khác biệt về văn hóa, thay vì làm rào cản hay rào chắn, văn hóa được hợp nhất và cách vận hành của mạng lưới. Từ sự mở rộng của nguồn tài nguyên sức mạnh mềm và phương thức triển khai, cơ chế hoạt động của sức mạnh mềm văn hóa Trung Quốc cũng ngày càng được đa dạng hơn.
Về hiệu quả của triển khai chiến lược gia tăng sức mạnh mềm văn hóa Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình, nhóm tác giả cho rằng các tài nguyên văn hóa Trung Hoa có tiềm năng rất lớn để chuyển hóa thành năng lực hành vi là quyền lực mềm. Trong một số lĩnh vực nhất định, Trung Quốc đã có sự tỏa sáng của sức mạnh đẹp và sức mạnh giỏi. Tuy nhiên, sự can thiệp của bộ máy chuyên chế và các thông điệp mang nặng tính chính trị trong việc thực thi các phương thức gia tăng sức mạnh mềm có thể phản tác dụng, gây trở ngại đối với việc chuyển hóa thành quyền lực mềm của Trung Quốc.
Quan sát nhân tố Việt Nam trong mối quan hệ với chiến lược gia tăng sức mạnh mềm văn hóa Trung Quốc nhóm tác giả nhận định: Với những lợi thế sẵn có về địa văn hóa và địa chính trị, Việt Nam vừa đón nhận được cả cơ hội nhưng vừa phải đối diện với không ít thách thức từ phía quản lý nhà nước và dư luận xã hội. Đặc biệt trong bối cảnh quan hệ hai nước đang gặp phải những nút thắt khó giải quyết trong các vấn đề liên quan đến Biển Đông, thặng dư thương mại… thì việc ứng xử hợp lý trong mối quan hệ với Trung Quốc là rất cần thiết. Đối với việc hợp tác, nhóm tác giả cho rằng, công nghiệp văn hóa là lĩnh vực mang tính tiềm năng đối với cả hai nước. Đối với việc hóa giải thách thức, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống quản lý đối với các ngành văn hóa và xây dựng chiến lược cụ thể để phát triển sức mạnh mềm văn hóa. Đây là những giải pháp mang tính nền tảng để Việt Nam có thể đứng cân bằng trong mối quan hệ với sức mạnh mềm văn hóa Trung Quốc.
Có thể khẳng định cuốn sách là công trình nghiên cứu công phu nghiêm túc được tác giả tham khảo, phân tích và tổng hợp dựa các nguồn tư liệu uy tín. Với những nội dung được phân tích sắc sảo, hy vọng cuốn sách sẽ cung cấp nguồn thông tin tham khảo bổ ích cho độc giả, những người quan tâm tới vấn đề này.
Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc./.
Thời Trân