Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
  • Thư viện điện tử và kho tin
  • Đề tài nghiên cứu cấp bộ
  • Đề tài nghiên cứu cấp nhà nước
  • Tham khảo tạp chí
  • Sách toàn văn
  • Thư điện tử
  • Chính phủ
  • 7.1 sach hang nam

Thương mại nông sản giữa Việt Nam và Trung Quốc trong bối cảnh mới

12/12/2024


Tác giả :
  • TS. Nguyễn Thị Phương Hoa (Chủ biên)
  • TS. Đặng Thị Thúy Hà
  • TS. Ngô Thị Mỹ
  • TS. Đào Hoàng Mai
  • TS. Giáp Thị Vịnh
  • ThS. Nguyễn Phương Liên
  • ...

Năm xuất bản: 2024

Số trang: 332

 

Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng, có nền nông nghiệp lâu đời và hiện nay nông nghiệp được xác định là lợi thế quốc gia. Vì vậy, cùng với sự phát triển của quan hệ song phương, thương mại nông sản là một trong những lĩnh vực hợp tác quan trọng trong quan hệ Việt – Trung kể từ khi bình thường hóa đến nay. Mặc dù Việt Nam đang cố gắng tìm cách đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu nông sản nhưng trước mắt, thị trường Trung Quốc vẫn có tầm quan trọng đặc biệt đối với xuất khẩu các mặt hàng nông sản của Việt Nam và Việt Nam vẫn đang nhập khẩu nhiều mặt hàng nông sản từ Trung Quốc. Cho đến năm 2021, Việt Nam là một trong ba thị trường xuất khẩu hàng đầu liên tục trong nhiều năm 10 mặt hàng nông sản của Trung Quốc, trong đó có những mặt hàng Việt Nam là thị trường xuất khẩu lớn nhất như táo, cam, quýt, tỏi…

Từ năm 2018 đến nay, tình hình thế giới có những biến động lớn và tình hình của mỗi nước cũng có những thay đổi tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến thương mại nông sản giữa Việt Nam và Trung Quốc. Trước thực tế đó, năm 2024, Nhà xuất bản Khoa học xã hội xuất bản cuốn sách chuyên khảo “Thương mại nông sản giữa Việt Nam và Trung Quốc trong bối cảnh mới” do TS. Nguyễn Thị Phương Hoa làm chủ biên. Cuốn sách là kết quả nghiên cứu của đề tài cấp Bộ cùng tên của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam giao cho Viện Nghiên cứu Trung Quốc là tổ chức chủ trì, TS Nguyễn Thị Phương Hoa làm chủ nhiệm.

Ngoài Lời nói đầu và Kết luận, nội dung chính của cuốn sách gồm 3 chương:

Chương 1. Cơ sở lý luận và thực tiễn của quan hệ thương mại nông sản giữa Việt Nam và Trung Quốc

Làm rõ cơ sở lý luận về quan hệ thương mại nông sản: khái niệm, lợi thế so sánh và chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp và khung phân tích; đồng thời tập trung làm rõ cơ sở thực tiễn về thương mại nông sản giữa Việt Nam và Trung Quốc, trong đó nhấn mạnh đến chính sách và quản lý đối với xuất nhập khẩu nông sản của mỗi nước cũng như các cơ chế hợp tác liên quan đến thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc. Nghiên cứu khẳng định, trong thời gian qua, những lợi thế trong quan hệ hai nước đã được hai bên khai thác tích cực. Tuy nhiên, trong 10 năm qua, quan hệ Việt – Trung có lúc rơi vào tình trạng căng thẳng, gây ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động thương mại giữa hai nước… Bên cạnh đó, hai bên đã ký nhiều hiệp định liên quan đến thương mại như hiệp định thương mại, hiệp định về kiểm dịch động thực vật; các thỏa thuận liên quan đến quản lý cửa khẩu biên giới…Các cơ quan chức năng liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp của hai nước cũng đã ký các thỏa thuận hợp tác…; mỗi nước đều đã xây dựng hệ thống luật, quy định để quản lý đối với xuất nhập khẩu nông sản, áp dụng các biện pháp hành chính, biện pháp kỹ thuật, biện pháp kiểm dịch.

Chương 2. Thực trạng thương mại nông sản giữa Việt Nam và Trung Quốc trong 10 năm gần đây (2012- 2021)

Tập trung phân tích thực trạng thương mại nông sản giữa Việt Nam và Trung Quốc trong 10 năm gần đây trên cơ sở số liệu thống kê về kim ngạch xuất khẩu, cơ cấu mặt hàng, chuỗi cung ứng, cách thức sản xuất và chế biến…Nghiên cứu khẳng định, thương mại nông sản Việt – Trung chiếm tỷ trọng nhỏ trong thương mại của hai nước và có chiều hướng giảm trong 10 năm qua, đồng thời cũng chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng xuất nhập khẩu nông sản của Trung Quốc. Tuy nhiên, lại chiếm tỷ trọng tương đối lớn trong thương mại nông sản của Trung Quốc với ASEAN. Về xuất khẩu nông sản của Trung Quốc sang Việt Nam, tỷ trọng xuất khẩu sang Việt Nam trong tổng xuất khẩu của Trung Quốc với Thế giới có xu hướng tăng khá nhanh và ổn định trong 10 năm qua với mức tăng hơn gấp đôi. Để có kết quả này, nhóm tác giả đã lý giải nguyên nhân và chỉ ra những tồn tại làm ảnh hưởng đến hoạt động thương mại nông sản Việt – Trung.

Chương 3. Bối cảnh mới của quan hệ thương mại nông sản Việt – Trung và kiến nghị giải pháp

Trong chương này, nhóm tác giả tập trung làm rõ bối cảnh liên quan đến thế giới, khu vực và mỗi nước có tác động hoặc ảnh hưởng đến thương mại nông sản Việt – Trung như ảnh hưởng đến kinh tế thương mại, đến chuỗi cung ứng, sản xuất trên thế giới và khu vực, từ đó ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến thương mại nông sản Việt – Trung. Các yếu tố nổi bật được cho là sự tác động của dịch Covid-19, các yếu tố bất định khác đến kinh tế thương mại toàn cầu, đặc biệt là chiến tranh thương mại và canh tranh chiến lược Mỹ - Trung đã, đang diễn ra và sự báo sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng chỉ ra cơ hội và thách thức của thương mại nông sản giữa Việt Nam và Trung Quốc, đồng thời đề xuất một số kiến nghị và giải pháp nhằm giải quyết những vấn đề đang tồn tại và nắm bắt cơ hội thương mại nông sản Việt – Trung trong thời gian tới.

Cuốn sách là công trình nghiên cứu công phu của tập thể tác giả, những phân tích và đánh giá dựa trên số liệu đáng tin cậy cùng phương pháp nghiên cứu chuyên ngành, liên ngành đã mang đến cho độc giả những thông tin bổ ích và có giá trị về thương mại nông sản giữa hai nước Việt – Trung. Hy vọng cuốn sách sẽ là tài liệu hữu ích dành cho độc giả quan tâm.

Xin trân trọng giới thiệu!

Nguyễn Minh Hồng

 


Nhà xuất bản Khoa học xã hội

Các tin đã đưa ngày: