Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
  • Thư viện điện tử và kho tin
  • Đề tài nghiên cứu cấp bộ
  • Đề tài nghiên cứu cấp nhà nước
  • Tham khảo tạp chí
  • Sách toàn văn
  • Thư điện tử
  • Chính phủ
  • 7.1 sach hang nam

Phát triển dịch vụ thanh toán điện tử ở Việt Nam trong bối cảnh mới

05/12/2024


Cơ quan soạn thảo: Viện Kinh tế Việt Nam, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

Tác giả :
  • TS. Nguyễn Thị Tố Quyên (chủ biên)
  • TS. Trần Thị Vân Anh
  • ThS. Trần Thị Mỹ Anh
  • ThS. Đồng Thị Bích Ngọc
  • TS. Đặng Thị Thúy Duyên
  • Đoàn Thị Thu Hương
  • ThS. Trần Thị Kim Chi
  • ThS. Nguyễn Thu Phương

Địa chỉ liên hệ: Thư viện Thông tin KHXH, tầng 4, Nhà B, số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội

Năm xuất bản: 2023

Số trang: 267

Khi nền kinh tế phát triển, đặc biệt là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 kéo theo sự bùng nổ công nghệ thông tin và internet đã khiến cho nhu cầu và thói quen của người tiêu dùng thay đổi. Theo đó, tỷ lệ người có thu nhập trung bình tăng lên và tỷ lệ tiếp cận CNTT và internet ở  mức cao là những điều kiện thuận lợi để hướng tới sự phát triển một nền kinh tế số.

Một trong những cấu phần quan trọng của nền kinh tế số là giao dịch trực tuyến không tiền mặt, trong đó thanh toán điện tử là một trong những hình thức giao dịch trực tuyến không tiền mặt. Nói cách khác, thanh toán điện tử chính là xương sống của nền kinh tế số. Tại Việt Nam, thanh toán điện tử ngày càng được khẳng định. Tuy nhiên để bắt kịp với xu thế của thời đại thì các yêu cầu mới lại nảy sinh đòi hỏi hệ thống thanh toán cũng phải phát triển theo.

Để cung cấp cho bạn đọc các thông tin về vấn đề này, tháng 12/2023, Nhà Xuất bản Khoa học xã hội đã phát hành ấn phẩm “Phát triển dịch vụ thanh toán điện tử ở Việt Nam trong bối cảnh mới” do TS. Nguyễn Thị Tố Quyên, Viện Kinh tế Việt Nam (chủ biên). Cuốn sách là sản phẩm đề tài cấp Bộ được thực hiện bởi nhóm nghiên cứu của Viện Kinh tế Việt Nam nghiệm thu đạt loại xuất sắc. Ngoài phần Mở đầu và Kết luận, nội dung cuốn sách được chia thành các phân dưới đây:

Chương 1: Cơ sở lý luận và kinh nghiệm quốc tế về phát triển dịch vụ thanh toán điện tử

Chương 2: Thực trạng phát triển một số hình thức dịch vụ thanh toán điện tử ở Việt Nam

Chương 3: Một số giải pháp chính sách phát triển dịch vụ thanh toán điện tử ở Việt Nam trong bối cảnh mới

Thông qua các nội dung trình bày, nhóm tác giả cho rằng thanh toán điện tử ở Việt Nam không chỉ có những triển vọng về cơ hội về tăng trưởng mà theo đó còn cả những bất cập và thách thức không nhỏ trong bối cảnh mới ở nhiều khía cạnh khác nhau như: môi trường pháp lý, chính sách, văn hóa, thói quen tiêu dùng, cơ sở hạ tầng kĩ thuật cùng với sự bất hợp lý trong liên kết, hợp tác giữa các bên tham gia cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực CNTT, đặc biệt là thanh toán bằng ví điện tử, quét mã QR…

Nhóm tác giả cũng cho rằng bối cảnh CMCN 4.0, chuyển đổi số và đại dịch Covid_19 và thương mại điện tử ngày càng phát triển, các FTA thế hệ mới đã và đang tạo cơ hội và thách thức không nhỏ đối với sự phát triển của thanh toán điện tử. Để tận dụng tiềm năng, cơ hội và giải quyết các thách thức trong giai đoạn tới đòi hỏi phải có sự tập trung vào những giải pháp chính sách mang tính dài hạn và bền vững với sự tham gia của nhiều bên như: ngân hàng nhà nước, các tổ chức tín dụng và trung gian thanh toán; các doanh nghiệp cung ứng giải pháp công nghệ về tài chính và người dân sử dụng thanh toán điện tử nhằm đưa sự phát triển thanh toán điện tử ở Việt Nam tương xứng với tiềm năng vốn có và những nỗ lực của toàn hệ thống.

Thông qua các số liệu phân tích, nhóm tác giả cũng đề xuất nhà nước nên cân nhắc, chuẩn hóa và ban hành sớm một chế tài hay bộ luật quy định cụ thể về tính pháp lý của thanh toán điện tử, đặc biệt là ví điện tử; Điều chỉnh bổ sung và hoàn thiện những quy định cụ thể của pháp luật về chống gian lận, nhằm đảm bảo tính an toàn và bảo mật cao trong thương mại điện tử đối với các bên liên quan; Đưa ra những quy định pháp lý để hướng dẫn cụ thể về xử lý trách nhiệm của các bên khi xảy ra sự cố kĩ thuật cũng như xảy ra sự tranh chấp giữa các bên tham gia thanh toán điện tử.

Bên cạnh đó, nhóm tác giả cũng khuyến nghị cần tăng cường sự giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý nhà nước (đại diện là ngân hàng nhà nước) đối với hoạt động của các tổ chức kinh doanh ví điện tử nhằm giảm thiểu các rủi ro phát sinh đối với hệ thống thanh toán điện tử; Chú trọng vào việc nâng cao công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục tài chính và bảo vệ quyền lợi của khách hàng từ phía ngân hàng nhà nước, các tổ chức trung gian thanh toán, các fintech… nhằm tránh phân mảng trong thị trường ví điện tử. Ngoài ra để đảm bảo an toàn trong giao dịch thanh toán điện tử, đặc biệt là giao dịch thanh toán qua ví điện tử và quét mã QR, khách hàng cần phải nâng cao ý thức tuân thủ các nguyên tắc về bảo mật theo đúng hướng dẫn của ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ và thận trọng khi sử dụng thanh toán ví điện tử.

Có thể khẳng định cuốn sách là công trình nghiên cứu công phu nghiêm túc được tác giả tham khảo, phân tích và tổng hợp dựa các nguồn tư liệu uy tín. Với những nội dung được phân tích sắc sảo, hy vọng cuốn sách sẽ cung cấp nguồn thông tin tham khảo bổ ích cho độc giả, những người quan tâm tới vấn đề này.

Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc./.

Phạm Vĩnh Hà


Các tin đã đưa ngày: