Cuốn sách Phát huy vốn xã hội trong phát triển kinh tế (nghiên cứu trường hợp của người dân ở miền Tây Nghệ An) là kết quả của nghiên cứu hợp tác giữa Viện Nghiên cứu Con người (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) và Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn (Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An), thuộc chương trình Nghiên cứu trọng điểm cấp Bộ của Viện Hàn lâm “Chương trình Khoa học xã hội và Nhân văn phục vụ phát triển nhanh và bền vững kinh tế - xã hội tại địa phương”. Ấn phẩm được Nhà Xuất bản Khoa học xã hội phát hành vào tháng 12/2023, được coi là ấn phẩm mới nhất cung cấp cho độc giả cái nhìn rõ nét hơn về việc phát huy các nhân tố nội tại của cộng đồng trong xây dựng mô hình để phát huy/vận dụng vốn xã hội nói riêng và các nguồn lực nội tại nói chung vào phát triển kinh tế của địa phương trong những năm sắp tới.
Ngoài Lời nói đầu và Kết luận, nội dung cuốn sách được bố cục thành các phần như sau:
Chương 1: Nghiên cứu vốn xã hội và vai trò của vốn xã hội đối với phát triển kinh tế
Chương 2: Thực trạng vốn xã hội và các yếu tố ảnh hưởng đến vốn xã hội ở vùng miền tây Nghệ An
Chương 3: Vai trò của vốn xã hội đối với phát triển kinh tế ở miền tây Nghệ An
Chương 4: Các giải pháp nhằm phát huy vốn xã hội nhằm mục tiêu phát triển kinh tế của người dân miền tây Nghệ An
Bằng việc tổng quan các tài liệu đi trước, cuốn sách đã xây dựng cơ sở lý luận về vốn xã hội như các quan điểm về vốn xã hội, phân loại vốn xã hội, các chỉ báo về vốn xã hội và các nhân tố ảnh hưởng đến vốn xã hội. Ngoài ra cuốn sách cũng chỉ ra các chiều cạnh tác động của vốn xã hội đến phát triển kinh tế của người dân và lựa chọn các tiêu chí mà người dân dễ thấy, dễ cảm nhận nhất để xây dựng bảng hỏi cho các câu hỏi khảo sát và phỏng vấn sâu.
Qua đó, nhóm tác giả cho rằng, các chiều cạnh của vốn xã hội ảnh hưởng đến phát triển kinh tế của người dân ở miền Tây Nghệ An gồm cả các tác động tích cực và tiêu cực. Với thực tế chung là vốn xã hội ở Nghệ An còn khá yếu nên nó không có mấy tác động đến sự phát triển kinh tế của người dân. Điều này đã dẫn đến thực tế đòi hỏi chính quyền các cấp muốn người dân quan tâm, làm giàu vốn xã hội và coi đó như nguồn nội lực để phát triển kinh tế nhằm phá vỡ tính co cụm của vốn xã hội ở đây và tăng cường thêm việc xây dựng các mối liên hệ mới, các mối liên kết và mạng lưới bằng nhiều biện pháp đồng bộ. Các tác giả nhấn mạnh đến việc chủ động tăng cường vốn xã hội cho chính mình là một nhân tố rất quan trọng, chỉ khi nhận thức của người dân thay đổi thì các nỗ lực của chính quyền mới phát huy được hiệu quả. Tuy nhiên, để làm tốt được việc này cần tính đến việc bảo tồn các giá trị cộng đồng, các tập quán sinh hoạt vốn có tốt đẹp của người dân nơi đây.
Trên cơ sở đưa ra các quan điểm phân tích cơ sở và bối cảnh phát triển vốn xã hội, nghiên cứu đã đề xuất các giải pháp nhằm phát huy vốn xã hội cho phát triển kinh tế vùng ở miền Tây Nghệ An, tập trung vào nhóm giải pháp có liên quan đến xây dựng chính sách, nhóm giải pháp cho chính quyền các cấp và giải pháp cho cộng đồng.
Ở nhóm giải pháp về chính sách, nhóm tác giả cho rằng cần tập trung, rà soát và đưa ra các khuyến nghị để bổ sung hoặc chỉnh sửa, bổ khuyết các chính sách hiện có để tăng tính hiệu quả, hiệu lực và đặc biệt là phù hợp với đặc thù văn hóa của bà con đang sinh sống ở miền Tây Nghệ An, trong đó tập trung và các chính sách đối với người có uy tín, hỗ trợ giảm nghèo theo hướng bền vững, chính sách vay vốn được đa dạng, linh hoạt và khai khác tối đa luật tục (có sự điều chỉnh phù hợp với pháp luật hiện này) để phát huy các truyền thống vốn có tốt đẹp của mỗi cộng đồng, mỗi nhóm dân tộc, chính sách đào tạo và đào tạo lại để tăng sự tự tin cho người dân, thu hút đầu tư, tiến tới kinh doanh sản xuất quy mô lớn tại địa phương, từ đó có điều kiện huy động lực lượng tại chỗ vào chuỗi sản xuất.
Ở nhóm giải pháp cho chính quyền các cấp, nhóm tác giả cho rằng đây là nhóm giải pháp có tác động trực tiếp đến cộng đồng, là vấn đề then chốt tạo nên lòng tin trong nhân dân do vậy phải củng cố năng lực điều hành của chính quyền địa phương, công khai minh bạch các thủ tục hành chính, quy hoạch và phát huy vai trò của các tổ chức, hội, nhóm (bao gồm cả chính thức và phi chính thức).
Ở nhóm giải pháp cộng đồng, nhóm tác giả cho rằng cộng đồng, ngoài việc giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa, phong tục, tập quán, giá trị truyền thống tốt đẹp thì cũng cần phải chọn lọc, du nhập các quan hệ mới, mạng lưới mới, kiến thức mới từ đó tạo ra các cơ hội pháp triển kinh tế. Do đó, các khuyến nghị đã tập trung vào việc phát huy vai trò của các tổ chức xã hội tự nguyện, phát huy tốt mối quan hệ dòng họ, làng xóm và xây dựng các cá nhân, gia đình điển hình trong làm ăn kinh tế…
Có thể khẳng định cuốn sách là công trình nghiên cứu công phu nghiêm túc được tác giả tham khảo, phân tích và tổng hợp dựa các nguồn tư liệu uy tín. Với những nội dung được phân tích sắc sảo, hy vọng cuốn sách sẽ cung cấp nguồn thông tin tham khảo bổ ích cho độc giả, những người quan tâm tới vấn đề này.
Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc./.
Phạm Vĩnh Hà