Toàn cầu hóa đặc biệt là sau hàng loạt các thỏa thuận hợp tác quốc tế được ký kết giữa Việt Nam – Trung Quốc về phát triển kinh tế vùng biên thì hiện tượng di cư lao động xuyên biên giới có sự gia tăng nhanh chóng về quy mô, tần suất và cường độ. Các hoạt động sinh kế này đã tạo ra nhiều cơ hội về việc làm, nâng cao thu nhập, năng lực và mạng lưới quan hệ làm ăn, cải thiện đời sống… theo cả hai hướng tích cực và tiêu cực, đặt ra hàng loạt các thách thức phức tạp và nguy cơ tiềm ẩn trước mắt cũng như lâu dài về trật tự xã hội, an ninh chính trị, ý thức và khối đoàn kết quốc gia – dân tộc vùng biên giới nước ta, nhất là trong bối cảnh xung đột, mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo đang liên tiếp xảy ra trong khu vực và trên thế giới gần đây.
Để cung cấp thêm tư liệu cho bạn đọc về vấn đề này, tháng 8/2024, Nhà Xuất bản Khoa học xã hội đã phát hành ấn phẩm “Di cư lao động xuyên biên giới của một số tộc người ở vùng biên giới Việt Nam - Trung Quốc” (sách chuyên khảo) do tác giả Vũ Đình Mười (Viện Dân tộc học) Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam chủ biên. Cuốn sách là kế quả của Đề tài nghiên cứu cấp Bộ “Di cư lao động xuyên biên giới Việt Nam – Trung Quốc của người Tày, Nùng tỉnh Lạng Sơn” được thực hiện trong 2 năm 2021-2022 của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam giao cho Viện Dân tộc học chủ trì thực hiện.
Ngoài phần Lời nói đầu và Kết luận, nội dung cuốn sách được trình bày theo các phần cụ thể dưới đây.
Chương 1: Tổng quan nghiên cứu, cơ sở lý luận và tiếp cận
Chương 2: Khái quát về thực trạng di cư lao động sang Trung Quốc của người Tày, Nùng ở tỉnh Lạng Sơn
Chương 3: Nguyên nhân của việc di cư lao động sang Trung Quốc của người Tày, Nùng ở Lạng Sơn
Chương 4: Tác động của việc di cư lao động sang Trung Quốc đến sự phát triển vùng biên giới Lạng Sơn
Chương 5: Những vấn đề đặt ra và các khuyến nghị, giải pháp
Thông qua các nội dung trình bày, nhóm tác giả đã cho thấy di cư lao động của các tộc người thiểu số vùng biên giới đã trở thành một hiện tượng phổ biến ở nước ta trong những năm gần đây. Cũng như các vùng biên khác ở nước ta Lạng Sơn là vùng đất có rất nhiều lợi thế về điều kiện tự nhiên, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và nhiều cơ hội đặc thù về làm ăn buôn bán. Tuy nhiên, với hầu hết người Tày, Nùng tại địa bàn, họ đều chưa thực sự tham gia sâu rộng và tận dụng được những lợi thế này để phát triển kinh tế, đa dạng hóa thu nhập để nâng cao đời sống. Các nguồn thu nhập nội địa của bà con nơi đây vẫn chủ yếu dựa vào nông nghiệp, canh tác lúa vẫn chiếm vai trò chủ đạo. Các hoạt động sinh kế khác như trồng cây ăn quả, rừng, chăn nuôi, thủ công nghiệp chỉ mang tính phụ trợ, mờ nhạt, bấp bênh, đóng vai trò phụ trong đời sống của người dân địa phương.
Thực tế nghiên cứu cho thấy, hoạt động di cư lao động của người Tày, Nùng vùng biên giới tỉnh Lạng Sơn đã có những tác động sâu sắc đến đời sống của người dân địa phương trên nhiều phương diện, di cư lao động sang Trung Quốc đã góp phần giải quyết tình trạng di thừa lao động, tạo công ăn việc làm, có thêm phần thu nhập bổ sung cho phần đông số hộ tại các thôn, bản, nhất là các thôn, bản giáp biên. Trong điều kiện kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp đã giúp người dân đảm bảo được các nhu cầu thiết yếu của cuộc sống, giúp họ có thể tranh thủ, tận dụng được thời gian nông nhàn để giao lưu, học hỏi kinh nghiệm sản xuất từ các tộc người bên kia biên giới Trung Quốc, tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng quan hệ, mạng lưới trao đổi làm ăn, buôn bán.
Hoạt động này cũng góp phần làm thay đổi tư duy kinh tế, hình thành thói quen làm việc có kỷ luật, từ đó tác động làm thay đổi cơ cấu kinh tế theo hướng đa dạng hóa, giúp nhiều hộ gia đình trở nên khá giả, xây được nhà cửa khang trang, sắm sửa được nhiều phương tiện sinh hoạt, giải trí, trang thiết bị liên lạc đắt tiền, có điều kiện cho con em học hành cao hơn, tạo cơ hội để tích lũy, đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, mua sắm tài sản có giá trị cao tại địa phương.
Tuy nhiên, hoạt động di cư lao động sang Trung Quốc cũng tạo ra nhiều tác động trái chiều như hoạt động “ly hương” dẫn đến tình trạng ruộng vườn bị bỏ hoang, đồi, rừng không được chăm sóc, chăn nuôi sa sút ở địa phương, các chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ kinh tế như mô hình trồng trọt, chăn nuôi, giống vật nuôi, cây trồng, kỹ thuật canh tác, tín dụng... đều khó thực hiện và đi vào thực tiễn do thiếu những người có năng lực thụ hưởng. Hơn nữa, do thu nhập có từ bên kia biên giới là cao hơn nên người dân không mấy mặn mà với những chính sách này.
Bên cạnh đó các vấn nạn như ma túy, buôn lậu, tình trạng hôn nhân xuyên biên giới gắn với hoạt động di cư lao động cũng liên tục gia tăng trong những năm gần đây. Điều này đã gây ra nhiều khó khăn trong hoạt động quản lý nhân khẩu, hộ tịch ở địa phương; Các hoạt động văn hóa nghệ thuật truyền thống của người Tày, Nùng ở địa phương như hát Sli, Lượn, hát Then, múa sư tử, biểu diễn võ dân tộc, kéo co, đẩy gậy đã bị mai một, gần như không còn thực hành do người dân, nhất là thanh niên đã đi làm ăn xa hết, không có người để kế thừa, tiếp nối đã là những tác động không nhỏ đối với việc gìn giữ các giá trị văn hóa, xã hội ở nơi đây.
Có thể nói với những vấn đề được làm rõ và nêu ra, nhóm tác giả đã đề xuất được các nhóm giải pháp cụ thể có liên quan đến việc thực hiện chính sách biên giới; giải pháp về vấn đề đảm bảo an ninh, chính trị; giải pháp về việc tăng cường ý thức quốc gia – dân tộc; giải pháp nhằm ổn định đời sống kinh tế - xã hội vùng biên; giải pháp về xây dựng hệ thống chính trị vùng biên; giải pháp về quản lý di cư lao động xuyên biên giới và nhấn mạnh về việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật quản lý biên giới... giúp người dân gắn bó hơn với vùng biên, tạo nên “hàng rào” vững chắc, góp phần bảo vệ an ninh biên giới, chủ quyền quốc gia.
Có thể khẳng định cuốn sách là công trình nghiên cứu công phu nghiêm túc được tác giả tham khảo, phân tích và tổng hợp dựa các nguồn tư liệu uy tín. Với những nội dung được phân tích sắc sảo, hy vọng cuốn sách sẽ cung cấp nguồn thông tin tham khảo bổ ích cho độc giả, những người quan tâm tới vấn đề này.
Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc./.
Phạm Vĩnh Hà