Cuốn sách “Hôn nhân của phụ nữ Việt Nam với người nước ngoài: sự biến đối giá trị và vị thế phụ nữ từ các quá trình kinh tế, văn hóa và xã hội đương đại” phân tích tình hình hôn nhân giữa phụ nữ Việt Nam và người nước ngoài nhằm nhận diện những thay đổi nhận thức xã hội về giá trị hôn nhân, cấu trúc xã hội và vai trò giới trong quá trình hội nhập quốc tế và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Cuốn sách sử dụng phương pháp nghiên cứu kết hợp định lượng và định tính. Một là sử dụng số liệu thống kê của Bộ Tư pháp và Tổng cục Thống kê của nước ta để tính toán nhằm nhận diện một số đặc điểm chung về tình hình kết hôn với nước ngoài của Việt Nam cũng như của toàn bộ 63 tỉnh, thành phố trong thời gian 10 năm vừa qua.
Hai là sử dụng các thống kê về dân số, hôn nhân từ 2001-2024 của Bộ Nội vụ Đài Loan, Tổng cục Thống kê Hàn Quốc, Bộ Sức khỏe, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, Tổng cục Thống kê Nhật Bản, và Tổng cục Thống kê Trung Quốc để tính toán tỷ lệ kết hôn nhằm phân tích sự biến đổi xu hướng kết hôn nói chung và kết hôn với người nước ngoài nói riêng của các quốc gia, vùng lãnh thổ này đặt trong tương quan so sánh với Việt Nam.
Phương pháp thứ ba, phương pháp chính nhất, là phỏng vấn sâu, nghiên cứu trường hợp những phụ nữ Việt Nam đã kết hôn và đã ly hôn, ly thân để làm mạch phân tích và dẫn dắt các phát hiện khoa học về những biến đổi mạnh mẽ về sự dịch chuyển xu hướng kết hôn của Việt Nam và các nước đến trong 20 năm qua. Những câu chuyện đầy cảm xúc về quá trình tìm hiểu, động lực kết hôn, quá trình thích nghi hòa nhập cuộc sống hoặc tan vỡ giấc mộng hôn nhân của những phụ nữ Việt Nam tạo nên những cảm xúc khoa học riêng của cuốn sách.
Ngoài Lời nói đầu và Kết luận và một số khuyến nghị chính sách, cuốn sách “Hôn nhân của phụ nữ Việt Nam với người nước ngoài: sự biến đối giá trị và vị thế phụ nữ từ các quá trình kinh tế, văn hóa và xã hội đương đại” gồm 5 Chương:
Chương 1. Cơ sở lí luận và thực tiễn về hôn nhân với người nước ngoài
Chương này định nghĩa một số khái niệm liên quan đến chủ đề nghiên cứu; phân tích những lý thuyết sử dụng để phân tích xu hướng kết hôn, động lực kết hôn như các quan điểm lí thuyết về thị trường hôn nhân, quy luật hôn nhân, di cư, bình đẳng giới, thích ứng văn hóa, vv. Chương này cũng trình bày chi tiết phương pháp nghiên cứu và đặc điểm những phụ nữ Việt Nam được nghiên cứu.
Chương 2. Thực trạng kết hôn giữa phụ nữ Việt Nam và người nước ngoài
Chương này phân tích quy mô, mức độ kết hôn của Việt Nam và một số quốc gia, vùng lãnh thổ có đặc điểm văn hóa, xã hội tương đồng (Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan) trong 20 năm qua. Chương này cũng phân tích xu hướng kết hôn với người nước ngoài của 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam và cho thấy xu hướng dịch chuyển giá trị kết hôn của nhiều bối cảnh văn hóa, xã hội.
Chương 3. Các yếu tố kinh tế, văn hoá, xã hội thúc đẩy phụ nữ Việt Nam kết hôn với người nước ngoài
Hôn nhân với người nước ngoài của phụ nữ Việt Nam được thúc đẩy bởi hai nhóm yếu tố chính, yếu tố cấu trúc, thể chế và yếu tố cá nhân, gia đình.
Về nhóm yếu tố cấu trúc, thể chế, nghiên cứu này phân tích sự ảnh hưởng của mất cân bằng giới tính khi sinh, quy luật hôn nhân; khác biệt về kỳ vọng và thực hành vai trò giới ở cả nước đi và nước đến, chính sách nhập cư và vai trò của môi giới hôn nhân thương mại đến hôn nhân quốc tế.
Về yếu tố cá nhân, nghiên cứu cho thấy phát hiện về ngũ giác động lực kết hôn thúc đẩy phụ nữ Việt Nam lựa chọn kết hôn với người nước ngoài, và cho thấy những biến đổi theo thời gian về vai trò của từng yếu tố, đặc biệt là sự biến đổi và thách thức quan niệm về vai trò giới truyền thống đang diễn ra khá mạnh mẽ trong xã hội Việt Nam đương đại.
Chương 4: Kết hôn và tổ chức cuộc sống: tình yêu, sự thích ứng văn hoá, tự nhận dạng và hỗ trợ xã hội tại nơi đi và nơi đến
Chương này phân tích những thay đổi từ hôn nhân 5 Không của giai đoạn trước đến những cuộc hôn nhân mang dấu ấn của biến đổi giá trị và vị thế phụ nữ của Việt Nam đương đại.
Từ những câu chuyện của những phụ nữ, chương này cũng phân tích quá trình chuẩn bị, thích nghi hòa nhập cuộc sống ở nơi đi và nơi đến của phụ nữ Việt Nam và những hỗ trợ văn hóa, xã hội của quá trình tái cấu trúc cuộc sống của cô dâu ở nơi đến.
Chương 5. Ly hôn, ly thân và sự trở về: khi kỳ vọng và thực tế không song hành
Ly hôn là một mặt trái của hôn nhân và mang những câu chuyện đặc biệt. Ly hôn có yếu tố nước ngoài của những cô dâu Việt Nam còn mang những câu chuyện đặc biệt hơn vì mang trong nó những câu chuyện về chính sách, về quan điểm, hệ giá trị của cả anước đi và nước đến.
Chương này bắt đầu bằng những phân tích số liệu về quy mô,xu hướng ly hôn nói chung và ly hôn với người nước ngoài nói riêng của Việt Nam, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan trong giai đoạn 20 năm. Sau đó, những câu chuyện cuộc đời của những phụ nữ tan vỡ hôn nhân mở ra những chiều cạnh về lí do, hệ quả của ly hôn vói cá nhân và xã hội. Từ những phân tích, cuốn sách thảo luận và đề xuất những khuyến nghị chính sách cho những vấn đề xã hội và pháp lý đang đặt ra hiện nay của hôn nhân với người nước ngoài.
Chương này phân tích những thay đổi từ hôn nhân 5 Không của giai đoạn trước đến những cuộc hôn nhân mang dấu ấn của biến đổi giá trị và vị thế phụ nữ của Việt Nam đương đại.
Đây là công trình nghiên cứu công phu, nghiêm túc, tâm huyết của tác giả. Hy vọng cuốn sách sẽ cung cấp nguồn thông tin tham khảo bổ ích cho độc giả, những người quan tâm tới vấn đề này.
Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc./.
Nhà Xuất bản Khoa học Xã hội