Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
  • Thư viện điện tử và kho tin
  • Đề tài nghiên cứu cấp bộ
  • Đề tài nghiên cứu cấp nhà nước
  • Tham khảo tạp chí
  • Sách toàn văn
  • Thư điện tử
  • Chính phủ
  • 7.1 sach hang nam

“Nghị viện Châu Âu”

10/01/2008


Cơ quan soạn thảo: Nhà xuất bản Chính trị quốc gia

Địa chỉ liên hệ: Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia

Để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu về Nghị viện Châu Âu nói riêng và Liên minh Châu Âu nói chung trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh hội nhập, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia phối hợp với Trung tâm Thông tin – Thư viện và Nghiên cứu khoa học thuộc Văn phòng Quốc hội, Viện Nghiên cứu Châu Âu thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam biên soạn và cho ra mắt bạn đọc cuốn sách “Nghị viện Châu Âu”.

Sách dày 295 trang, khổ 14,5 x 20,5 cm, gồm 5 chương và 2 phụ lục.

Chương I: Sự hình thành các thể chế của Liên minh Châu Âu.

Chương II: Cơ cấu tổ chức của Nghị viện Châu Âu.

Chương III: Chế độ bầu cử và hệ thống chính đảng của Nghị viện Châu Âu.

Chương IV: Các thủ tục hoạt động của Nghị viện Châu Âu.

Chương V: Quan hệ hợp tác của Nghị viện Châu Âu.

Phụ lục 1: Quy định chung về thủ tục đồng quyết định.

Phụ lục 2: Phạm vi áp dụng thủ tục đồng quyết định ở EU hiện nay.

“Nghị viện Châu Âu” đề cập những thông tin, kiến thức cơ bản nhất về Nghị viện Châu Âu như: lịch sử hình thành; vai trò, chức năng, quyền hạn; cơ cấu tổ chức; chế độ bầu cử; hệ thống chính đảng; các thủ tục hoạt động và các quan hệ hợp tác của Nghị viện Châu Âu được đặt trong mối quan hệ với Liên minh Châu Âu, các thể chế chính trị khác của Liên minh Châu Âu và các nước trong khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam.

Nghị viện Châu Âu (EP) là một  trong những thể chế chính trị quan trọng của Liên Minh Châu Âu, ra đời trên cơ sở Hiệp ước thành lập Cộng đồng Than và Thép Châu Âu năm 1951. Trong quá trình tồn tại và phát triển, Nghị viện Châu Âu đã có những bước tiến không ngừng để khẳng định vị thế là một trong 3 cơ quan tham gia vào quá trình lập pháp của Liên minh Châu Âu. Đến nay, Nghị viện Châu Âu gồm 27 nước thành viên, 785 nghị sĩ đại diện cho 492 triệu công dân EU, và đã trở thành một trong những thể chế quan trọng nhất, có vai trò quyết định trong quá trình lập pháp và phê duyệt ngân sách, kiểm tra giám sát các hoạt động của Liên minh Châu Âu.

Liên minh Châu Âu (EU) đã trở một tổ chức liên kết khu vực thành công nhất thế giới. Quá trình xây dựng và phát triển EU là quá trình từng bước chuyển giao quyền hạn kinh tế từ các nước thành viên lên cấp độ liên minh. Đó là quá trình phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu từ thị trường chung đến thị trường đơn nhất và liên minh kinh tế tiền tệ với sự ra đời của đồng tiền chung Châu Âu và tiếp tục mở rộng liên kết sang lĩnh vực chính trị, xã hội. Trong quá trình hình thành, phát triển và hoàn thiện tổ chức bộ máy EU xoay quanh trục thể chế Hội đồng Châu Âu, Ủy ban Châu Âu, Nghị viện Châu Âu, Hội đồng Bộ trưởng Châu Âu và Tòa án Châu Âu. Những thể chế này được hình thành từ những năm 1950, và được hoàn thiện dần qua những lần sửa đổi, bổ sung các hiệp ước. Từ Hiệp ước Paris (1951) thành lập Cộng đồng Than và Thép Châu Âu, Hiệp ước Rome (1957) thành lập Cộng đồng Kinh tế Châu Âu và Cộng đồng Năng lượng Nguyên tử Châu Âu, Đạo luật Châu Âu đơn nhất (1987), Hiệp ước Mastrich (1992), Hiệp ước Amsterdam (1997), Hiệp ước Nice (2001) và đỉnh cao là Hiến pháp Châu Âu (2004) đã cải cách thể chế EU đáp ứng quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng.

Nghị viện Châu Âu là một thể thế chính trị đại diện quyền lợi cho các tầng lớp xã hội ở Liên minh Châu Âu và là cơ quan Nghị viện liên quốc gia được bầu cử trực tiếp đầu tiên trên thế giới do công dân của các nước thành viên trong Liên minh bầu ra theo nguyên tắc phổ thông đầu phiếu, trực tiếp và bỏ phiếu kín.

Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc, chúng tôi mong rằng cuốn sách sẽ đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu về Nghị viện Châu Âu nói riêng và Liên minh Châu Âu nói chung của các bạn.

                              Nguyễn Thu Hà

 


Các tin đã đưa ngày: