Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
  • Thư viện điện tử và kho tin
  • Đề tài nghiên cứu cấp bộ
  • Đề tài nghiên cứu cấp nhà nước
  • Tham khảo tạp chí
  • Sách toàn văn
  • Thư điện tử
  • Chính phủ
  • 7.1 sach hang nam

“Toàn cầu hóa trong bối cảnh Châu Á – Thái Bình Dương một số vấn đề triết học”

23/06/2008


Cơ quan soạn thảo: Viện Triết học và Nhà xuất bản Khoa học xã hội

Tác giả :
  • PGS.TS. Phạm Văn Đức

Địa chỉ liên hệ: Viện Triết học và Nhà xuất bản Khoa học xã hội

Năm xuất bản: 2007

 

Viện Triết học (Viện Khoa học xã hội Việt Nam) vừa ra mắt bạn đọc cuốn sách “Toàn cầu hóa trong bối cảnh Châu Á – Thái Bình Dương một số vấn đề triết học” (NXB Khoa học xã hội, 11/2007, khổ 16x24cm, dày 323tr) do PGS.TS. Phạm Văn Đức chủ biên. Cuốn sách bao gồm các bài viết của các tác giả trong và ngoài nước và được chia làm ba phần.

Phần thứ nhất: Toàn cầu hóa và toàn cầu hóa ở Châu Á- Thái Bình Dương gồm 10 bài viết. Trong bài mở đầu “Góp phần nhận diện toàn cầu hóa ở Châu Á-Thái Bình Dương từ khía cạnh triết học” tác giả Nguyễn Đình Hòa cho rằng sự bất công bằng, thiếu dân chủ trong quan hệ giữa các nước phương Tây với phần còn lại của thế giới trong bối cảnh toàn cầu hóa là một trong những lý do căn bản dẫn đến sự xuất hiện của phong trào đấu tranh chống toàn cầu hóa đang diễn ra hiện nay… mục tiêu của nó là tập trung đấu tranh cho một toàn cầu hóa vì con người, đòi hỏi toàn cầu hóa phải đem lại lợi ích, những điều tốt đẹp cho tất cả các quốc gia dân tộc, cho tất cả mọi người. Bài “Toàn cầu hóa một số vấn đề triết học đặt ra ở Châu Á-Thái Bình Dương hiện nay” của tác giả Trần Đức Cường nhận định, toàn cầu hóa đặt ra hàng loạt vấn đề, đòi hỏi các nhà triết học của Châu Á-Thái Bình Dương phải giải quyết, nội dung mà triết học bao quát vô cùng lớn. Song, có thể coi những vấn đề sau là cơ bản: Nội dung và đặc điểm của quá trình toàn cầu hóa trong bối cảnh Châu Á-Thái Bình Dương; Trật tự thế giới, sự công bằng về mặt kinh tế dưới tác động của toàn cầu hóa; Những cơ hội và thách thức về mặt triết học của quá trình toàn cầu hóa trong bối cảnh Châu Á-Thái Bình Dương… Ngoài ra còn các bài “Toàn cầu hóa và các nước đang phát triển ở khu vực Đông và Đông Nam Á”; “Tìm kiếm mô hình mới về toàn cầu hóa, phương Đông và phương Tây”…

Phần thứ hai: Triển vọng của chủ nghĩa xã hội trong bối cảnh toàn cầu hóa bao gồm 6 bài viết của các tác giả nước ngoài. Tác giả WadI’H HaLaBi với bài “Cơ sở vật chất cho chủ nghĩa lạc quan cách mạng”, đề cập đến các vấn đề: Năm lý do về vai trò lịch sử của giai cấp công nhân; Vai trò của giai cấp vô sản công nghiệp; Hướng tiếp cận dưới góc độ phương pháp luận; Những mâu thuẫn cơ bản của chủ nghĩa tư bản; Những khuyết tật của chủ nghĩa tư bản; “Khủng hoảng thừa” và sự thua lỗ; Những con số vô nghĩa của giai cấp tư sản; Sức mạnh của giai cấp tư sản; về giai cấp công nhân, sự phân hóa và cải tổ dưới chủ nghĩa đế quốc… Bên cạnh đó còn bài viết của các tác giả Lin Gang bài “Con đường phát triển của cải cách kinh tế ở Trung Quốc”, Liu Sihua bài “Phác thảo về kinh tế học sinh thái mácxit”…

Phần thứ ba: Vấn đề bảo vệ các giá trị văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa gồm 8 bài viết. Tác giả Suwanna Sahta-Anand bài “Những suy tư về vấn đề công nghệ, lý trí và các giá trị nhân văn của Phật giáo” đã đi tìm hiểu chiều sâu của thể chế khoa học-công nghệ với sự khẳng định một chân lý rằng, sự giàu có và hiệu quả của nó không chỉ định hình cuộc sống thường nhật của chúng ta trong thời đại toàn cầu hóa này, mà còn ảnh hưởng tới cả lý trí và các giá trị nhân văn. Bài viết trở lại với kinh điển Phật giáo để tái dựng quan điểm của Phật giáo về lý trí và công nghệ và cũng khám phá vấn đề công nghệ và các giá trị nhân văn từ quan điểm Phật giáo. Câu hỏi chính là: đâu là nguồn cội cốt lõi tiêu chuẩn chứa đựng những chỉ dẫn căn bản cho các vấn đề lý trí và công nghệ? Cách nào khả thi để trả lời một cách có phê phán đối với thực tiễn công nghệ đang tồn tại trong xã hội Phật giáo? Một số bài viết khác trong phần này cũng đề cập nhiều đến vấn đề bảo vệ các giá trị văn hóa trong bối cảnh toàn cầu: ““Gạn đục khơi trong” trước toàn cầu hóa”, Toàn cầu hóa, “nguy cơ tha hóa” và vấn đề định hướng giá trị văn hóa tinh thần”…

Toàn cầu hóa hiện nay là một xu thế vận động khách quan của lịch sử. Nó vừa có những yếu tố tích cực, vừa có những yếu tố tiêu cực, vừa mang lại những cơ hội to lớn, vừa đặt ra những thách thức không nhỏ đối với sự phát triển của tất cả các quốc gia dân tộc trên hành tinh này. Cuốn sách cung cấp cho bạn đọc tài liệu tham khảo bổ ích trong việc nhận thức thực chất của toàn cầu hóa và những vấn đề triết học đặt ra trong bối cảnh toàn cầu hóa ở Châu Á – Thái Bình Dương.

 Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách cùng bạn đọc!

Nguyễn Phương


Các tin đã đưa ngày: