 |
|
Là một nước nông nghiệp, Việt Nam có thế mạnh về các mặt hàng nông sản như: gạo, chè, cà phê, ca cao, hạt tiêu, trái cây, rau củ quả… Hiện nông sản Việt Nam đã có mặt tại hơn 160 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có các sản phẩm xuất khẩu đạt giá trị cao như: cà phê, gạo, rau quả, với tổng giá trị là đạt 12,54 tỷ USD, Theo Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong năm 2019, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 18,5 tỷ USD, trong đó EU chiếm 11,7% trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Có thể thấy, việc đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam sang thị trường thế giới nói chung và Liên minh châu Âu nói riêng đang được xem là định hướng chiến lược hết sức quan trọng của Đảng và Chính phủ trong quá trình tái cấu trúc ngành nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững. Với 28 nước thành viên, EU được xem là một trong những đối tác thương mại lớn nhất thế giới với trên 500 triệu dân, kim ngạch thương mại hàng năm đạt xấp xỉ 4.000 tỉ USD… đã và đang hứa hẹn một thị trường giàu tiềm năng đối với những mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh EU và Việt Nam đã hoàn tất việc đàm phán và ký kết Hiệp định thương mại tự do (EVFTA).
Mặc dù thời gian qua, một số mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng cao và ổn định so với các đối thủ song vẫn còn nhiều hạn chế và thách thức như: giá trị gia tăng thấp do xuất khẩu chủ yếu mặt hàng thô, nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu, hạn chế trong truy xuất nguồn gốc, khó khăn trong thiết lập kênh phân phối và tìm kiếm khách hàng…Trong khi đó, những yêu cầu và quy định khắt khe ngày càng tăng cao về nhập khẩu hàng hóa nông sản vào thị trường EU như: đảm bảo các tiêu chuẩn liên quan đến an toàn thực phẩm, cấm tuyệt đối các sản phẩm nhập khẩu chứa hàm lượng kháng sinh cao, độc hại ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe người tiêu dùng.
Có thể nói, nghiên cứu những vấn đề lý luận cũng như thực tiễn trong việc nâng cao khả năng xuất khẩu sản phẩm nông sản chủ lực sang thị trường EU trong thời gian tới hết sức có ý nghĩa, từ đó phân tích những khó khăn, thách thức đề có những giải pháp phù hợp giúp cho nhà quản lý và hoạch định chính sách trong việc đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông sản sang thị trường này. Đây cũng là nội dung chính trong cuốn sách chuyên khảo với tựa đề: “Xuất khẩu hàng nông sản chủ lực của Việt Nam sang thị trường Liên minh châu Âu (EU) đến năm 2025” được Nhà xuất bản Khoa học xã hội xuất bản năm 2019 do TS. Hoa Hữu Cường làm chủ biên. Cuốn sách là kết quả của công trình nghiên cứu khoa học cấp Bộ (Viện Nghiên cứu châu Âu năm 2017-2018) do tác giả làm chủ nhiệm. Ngoài phần Lời nói đầu và Kết luận, cuốn sách gồm 3 chương:
Chương 1. Cơ sở lý thuyết về xuất khẩu hàng nông sản chủ lực
Khái quát một số lý luận về “sản phẩm nông sản” và “sản phẩm nông sản chủ lực” trên quan điểm của một số tổ chức uy tín trên thế giới và Việt Nam. Nhóm tác giả nhận định, một sản phẩm nông sản xuất khẩu chủ lực ra đời cần hội tụ đủ 4 đặc điểm, trong đó đặc điểm nổi bật nhất là sản phẩm xuất khẩu chủ lực không phải mang tính chất cố định mà phụ thuộc vào từng giai đoạn phát triển kinh tế của từng quốc gia, khu vực cũng như phụ thuộc vào mối quan hệ cung cầu biến động của thị trường thế giới. Ngoài ra nhóm tác giả cũng làm rõ 4 tiêu chí xác định sản phẩm nông sản xuất khẩu chủ lực và 11 nhân tố tác động tới xuất khẩu các sản phẩm nông sản chủ lực.
Chương 2. Thực trạng xuất khẩu sản phẩm nông sản chủ lực của Việt Nam sang thị trường EU trong giai đoạn 2006 đến nay
Phân tích thực trạng xuất khẩu 3 sản phẩm nông sản chủ lực của Việt Nam sang thị trường EU trong giai đoạn hiện nay bao gồm: cà phê, hồ tiêu và rau quả, nhóm tác giả khẳng định Việt Nam đã đạt một số thành công sau: (i) Xuất khẩu luôn tăng cao; (ii) Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu sang EU cao hơn tốc độ tăng trưởng xuất khẩu sang phần còn lại của thế giới trong những năm gần đây; (iii) EU giữ vị trí nằm trong 2 thị trường xuất khẩu lớn nhất; (iv) Việt Nam đã nâng cao thị phần xuất khẩu trên toàn bộ thị trường 28 nước EU, nhất là trong bối cảnh không thuận lợi của nền kinh tế EU. Bên cạnh những kết quả đạt được, nghiên cứu đã chỉ ra một số tồn tại và hạn chế trong việc xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực sang thị trường này.
Chương 3. Giải pháp thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm nông sản chủ lực sang thị trường EU đến năm 2025
Từ việc phân tích thực trạng ở chương 2, nhóm nghiên cứu dự báo trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, sẽ xuất hiện một số nhân tố chủ yếu tác động và ảnh hưởng rất lớn đến khả năng suất khẩu sản phẩm nói chung và sản phẩm chủ lực nói riêng của Việt Nam sang thị trường EU. Những nhân tố này không chỉ đến từ thị trường EU mà còn cả thị trường bên ngoài EU và sẽ tác động trên cả 2 mặt, một mặt tạo ra cơ hội, mặt khác tạo ra những thách thức nếu Việt Nam không giải quyết một cách thấu đáo và bài bản sẽ kìm hãm và làm giảm khả năng xuất khẩu các sản phẩm nông sản chủ lực của mình. Bởi vậy nhóm nghiên cứu đã đề xuất 3 nhóm giải pháp nhằm thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm nông sản của Việt Nam sang thị trường EU khi EVFTA có hiệu lực bao gồm: (i) Hoàn thiện và đổi mới cơ chế chính sách để phù hợp với EVFTA; (ii) Nhóm giải pháp nâng cao chất lượng và hiệu quả trong sản xuất sản phẩm nông sản; (iii) Nhóm giải pháp tăng cường tổ chức hoạt động xuất khẩu sản phẩm nông sản của Việt Nam sang thị trường EU. Cùng với nhóm giải pháp này, nhóm tác giả đề xuất một số khuyến nghị đối với Chính phủ, các hiệp hội và các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.
Với những nội dung trên, hy vọng cuốn sách sẽ đáp ứng một phần nhu cầu tìm hiểu của độc giả quan tâm tới thị trường xuất khẩu nông sản chủ lực của Việt Nam đặc biệt là đối với thị trường EU.
Xin trân trọng giới thiệu!
Nguyễn Minh Hồng
Nhà xuất bản Khoa học xã hội